lundi 4 février 2008

Trái cây đặc sản miền Tây: Hàng hiếm

Những bưởi Năm Roi Phú Hữu, mít ruột đỏ Tư Mau, dừa sáp Cầu Kè vào dịp giáp Tết này được người tiêu dùng bốn phương săn đón...
Miền Tây là vựa trái cây lớn nhất của cả nước. Những ngày cận Tết, nhiều loại cây trái đặc sản của vùng sông nước Cửu Long được người tiêu dùng tìm mua để sắm mâm ngũ quả cúng tổ tiên hoặc làm quà biếu.


Vang danh nhờ "bám" tiêu chuẩn quốc tế
Bưởi Năm Roi Phú Hữu (Hậu Giang) hút hàng vào dịp Tết này


Từ loại cây trồng “ăn chơi” được trồng cách đây hơn nửa thế kỷ, cây bưởi Năm Roi ở Phú Hữu (xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nay đã tạo được tên tuổi, khẳng định chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng. Chất lượng đồng đều, hình thức đẹp và năng lực cung ứng rất cao..., bưởi Năm Roi Phú Hữu chuyển sang quy trình tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế GAP (Good Agricultural Practice - Kỹ thuật thực hành nông nghiệp ưu việt) và đang ấp ủ giấc mơ xây dựng thương hiệu “bưởi Năm Roi Hậu Giang”.
Mô hình “Vườn mẫu bưởi Năm Roi” theo quy trình kỹ thuật GAP được Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang triển khai trên 60 ha ở “Đường Bưởi”, ấp Phú Trí, xã Phú Hữu từ năm 2005. Mô hình này sử dụng phân hữu cơ thay phân hóa học; sử dụng biện pháp kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật theo tiêu chuẩn và điều khiển cây ra bông đồng loạt... Đây là cách làm vườn hoàn toàn mới, hướng tới sản xuất trái cây sạch và an toàn. Từ đó, lợi nhuận của người trồng bưởi Năm Roi cũng cao hơn so với cách trồng truyền thống. Anh Ngà, một nông dân đang làm thí điểm “vườn mẫu”, cho biết: “Từ khi áp dụng kỹ thuật mới, năng suất thu hoạch cao hơn, lợi nhuận tăng gần gấp đôi. Đặc biệt, chất lượng của trái bưởi Năm Roi ở Phú Hữu ngày càng có hương vị ngọt ngào, thơm nhẹ so với những vùng bưởi khác ở miền Tây”.


Mít ruột đỏ: Loại trái cây độc đáo

Năm 2000, một người bạn từ Malaysia về nước ghé thăm ông Võ Văn Mau (Tư Mau), ngụ ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Người bạn bảo rằng không có tiền bạc nhiều để giúp đỡ nhưng có một món quà rất đặc biệt muốn tặng ông Tư Mau với hy vọng giúp ông đổi đời. Mở gói quà đơn sơ ra xem, ông Tư Mau thật bất ngờ khi thấy bên trong có 50 hạt mít màu đỏ rất khác thường. Thấy là lạ, ông Tư Mau liền đem tất cả những hạt mít ra vườn gieo. Mấy tháng sau, những cây mít non bắt đầu lên xanh. Bất ngờ hơn nữa, đến khi cây cho trái, vỏ mít chuyển từ màu xanh sang màu đỏ tím. Bổ trái mít chín, bên trong lộ ra hàng trăm múi mít đỏ một màu. Tiếng lành đồn xa, người dân khắp nơi đổ về vườn mít của ông Tư Mau để được thưởng thức loại mít có một không hai này. Giá trị của trái mít ruột đỏ từ đó ngày càng tăng theo cấp số nhân.
Hiện ông Tư Mau đang trồng khoảng 200 gốc mít ruột đỏ trên diện tích 2.500 m2. Trong đó, có khoảng 1/2 số cây cho trái năm thứ hai. Trọng lượng của trái mít ruột đỏ từ 7 - 25 kg. Sản lượng bình quân 160 - 200 kg trái/cây/năm; giá bán vào dịp Tết từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Thương lái đến tận vườn của ông Tư Mau đặt hàng rồi thu gom tại chỗ.


Khan hiếm quanh năm

Dừa sáp Cầu Kè, loại trái cây đặc sản của ĐBSCL. Ảnh: C.THƠ


Nói đến trái cây đặc sản ở miền Tây thì phải kể đến trái dừa sáp ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh). Khác với dừa bình thường, khi bổ trái dừa sáp ra thì phần cơm và nước dừa sền sệt hòa lẫn với nhau. Để thưởng thức loại dừa này, người ta nạo lấy phần cơm có lẫn nước cho vào máy xay sinh tố, thêm chút đường, chút sữa và xay nhuyễn, sau đó thêm nước đá rồi đổ ra ly thưởng thức. Loại thức uống này vừa ngọt vừa béo – một hương vị duy nhất chỉ có trên vùng đất Cầu Kè. Cụ Thạch Chịa (84 tuổi), ngụ ở khóm 2, thị trấn Cầu Kè, là một trong những người trồng cây dừa sáp đầu tiên, cho biết: Khi cho trái, mỗi buồng dừa chỉ có từ 1 đến 2 trái dừa lên sáp và đặc ruột; những trái còn lại cũng như trái dừa bình thường.
Chính vì nét đặc trưng này, nên dừa sáp trở thành loại trái cây đặc sản khan hiếm quanh năm, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết. Những ngày giáp Tết Mậu Tý, giá một trái dừa sáp đã lên đến gần 100.000 đồng (cách đây khoảng 4 năm, giá dừa sáp chỉ 10.000 đồng/trái).


NHÓM PV MIỀN TÂY (NLD)

Aucun commentaire: