Núi Chứa Chan vẫn giữ được nét hoang dã, nguyên sơ, tuy bây giờ cây rừng bị khai thác, tàn phá rất nhiều. Nghe những người cố cựu kể lại, chỉ cách đây chừng 20 năm, thú hoang vẫn còn từ rừng núi chạy giỡn ngang đường. Đặc biệt là thuở khai hoang, cọp dữ xuất hiện khá nhiều, là nỗi ám ảnh sợ hãi cho những lưu dân Việt Nam vào đây lập nghiệp. Trên đường lên chùa Gia Lào (còn gọi là chùa Bửu Quang) còn lưu dấu tích của “ông ba mươi” tại một ngôi miễu nhỏ. Núi Gia Lào nằm gần đỉnh núi, ở độ cao khoảng 800 m, với quãng đường gần 3,2 km tính từ chân núi. Đây là điểm thu hút du khách, nhất là vào các ngày lễ, Tết, số lượng khách hàng hương đông lên đến cả hàng ngàn, náo nhiệt khung cảnh ngày trẩy hội.
Một góc chùa Gia Lào
Chùa Gia Lào được xây dựng theo cấu trúc truyền thống của các ngôi chùa ở vùng Nam Bộ. Tường xây, mái ngói âm dương, gác kèo bằng gỗ, phần chánh điện mái vòm. Ngôi chùa tọa lạc trên một hang đá có dáng Hàm Rồng.Toàn thể kiến trúc chùa đều dựa theo những hang động thiên nhiên, tạo nên nét độc đáo giữa chốn thâm nghiêm hùng vĩ của núi rừng. Phía sau chùa có đường đi lên đỉnh. Đi đến tảng đá thứ hai, khách sẽ tưởng như đang lạc vào chốn bồng lai bởi cảnh vật xung quanh đều được mây mù che phủ. Đi tiếp sẽ thấy một con đường hẹp vắt qua vực sâu, mùa mưa trơn trợt, khách phải đu theo dây mây rừng mới qua phía bờ bên kia an toàn. Sơ sẩy là ngã xuống vực sâu.
Thế nhưng qua đến nơi mới thấy đáng công. Ngay trước mặt là Suối Tiên trong vắt, nước chảy róc rách quanh năm, có cây đa dính chùm ba gốc ở lưng chừng núi làm tăng thêm vẻ linh thiêng huyền bí, người xưa thường nói “Thần cây Đa” ý nói Thần thường lấy cây đa làm nơi trú ẩn, chứng minh thêm cho các huyền thoại được truyền từ nhiều đời của vùng sơn cước này.
Điểm thú vị là ở chốn thâm sơn cùng cốc này vẫn còn giữ lại khá rõ nét hình ảnh của một lớp lưu dân Việt Nam thời “mang gươm đi mở cõi”. Ngày nào cũng vậy, từ lúc 5g sáng lại thấy một vị tăng già ra phía góc núi thổi tù và bằng ốc báo hiệu một ngày mới. Tiếng tù và âm trầm vang xa, dội lại vách vúi nghe ngân dài như không dứt. Tiếng tù và gợi lại cho chúng tôi hình dung âm hưởng gọi bầy của con người thuở hồng hoang. Chạnh lòng thay cho những người dân xa xứ, đối mặt với bao gian truân, thách thức từ thiên nhiên, nếu không biết đoàn kết chắc hẳn sẽ khó tồn tại ở chốn hoang dã, khắc nghiệt này.
Khi tới Chân Lạp, Ngọc Vạn đã đem theo nhiều người Việt, trong đó có người được giữ chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Bà lại lập một xưởng thợ và các nhà buôn gần kinh đô Oudong/Phnompenh cho họ sinh hoạt. Năm 1620, lưu dân Việt đã có một nhóm tụ cư tại Prei Kor (Sài Gòn ngày nay). Năm 1623, Chúa Sãi gửi quốc thư ngỏ ý muốn đặt một trạm thu thuế, vua Chân Lạp nhanh chóng chấp thuận. Nguyễn Phúc Nguyên còn cử một sứ bộ sang Chân Lạp xin vua Chey Chetta II nhượng khu dinh điền ở vùng Prei Kor. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác. Bù lại, chúa Sãi hai lần giúp Chey Chetta II đẩy lui quân Xiêm xâm lược. Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, bước đầu để dần tiến xuống đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1628, vua Chey Chetta II từ trần, triều đình Chân Lạp liên tục xảy ra các cuộc tranh chấp ngôi giữa những hoàng thân. Năm 1658 hai hoàng thân So và Ang Tan nổi lên đánh vua Chân Lạp lúc bấy giờ là Nặc Ông Chân, nhưng thất bại, xin nhờ thái hậu Ngọc Vạn giúp đỡ. Thái hậu Ngọc Vạn chỉ cách cho hai người này cầu cứu chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn lúc bấy giờ là Nguyễn Phúc Tần liền cử phó tướng Tôn Thất Yến, đang đóng ở dinh Trấn Biên, đem 3.000 quân qua giúp, bắt được Nặc Ông Chân ở vùng Mô Xoài, đưa về giam ở Quảng Bình vì lúc đó nhà chúa đang hành quân ở Quảng Bình. Tại đây, Nặc Ông Chân từ trần năm 1659.
Chúa Nguyễn phong So lên làm vua Chân Lạp tức Batom Reachea. Từ đó, Chúa Nguyễn càng ngày càng can thiệp vào công việc của Chân Lạp và đưa người thâm nhập, dần dần tiến đến sinh sống tận mũi Cà Mau như ngày nay.
Với ý nghĩa tâm linh hướng về cội nguồn văn hóa dân tộc và niềm tin về tín ngưỡng thiêng liêng như vậy, chùa Gia Lào chính là nơi thu hút rất đông khách thập phương hành hương. Hằng năm vào rằm tháng giêng, tháng tư và tháng bảy, khách du lịch hành hương từ ngoài tỉnh đổ về đây đông đến nỗi các hộ dân bên đường vào núi phải mở ra những bãi lớn để giữ xe cho khách. Ước tính có trên 100.000 lượt khách đến đây hàng năm. Mặc dù có tiềm năng lớn như vậy nhưng số lượng khách và những dịch vụ phục vụ khách mới chỉ dừng lại ở mức độ tự phát, chưa rõ nét quy hoạch và khai thác.
Mới đây Công ty Cổ phần Du lịch cáp treo Gia Lào đã ra đời, chính thức khởi động dự án xây dựng tuyến đường phục vụ du khách từ chân núi lên đỉnh. Ông Vũ Đình Thuyên, Tổng Giám đốc Công ty cho biết, thay vì xây dựng hệ thống cáp treo đã xuất hiện ở nhiều khu lịch tại Việt Nam, công ty sẽ xây dựng tuyến đường cáp cuốn đưa khách đi từ chân núi lên đỉnh núi bằng những toa tàu được thiết kế đặc biệt, lạ mắt. Đây là một loại hình vận chuyển mới chưa từng xuất hiện ở Việt Nam, chắc hẳn sẽ đem lại cho du khách nhiều cảm giác thú vị. Hệ thống cáp cuốn này sẽ là một điểm nhấn cho toàn bộ dự án khu du lịch núi Chứa Chan trong tương lai.
KHAI VIỄN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire