mercredi 6 février 2008

Con Chuột MẬU TÝ



Năm nảo năm nao, năm nào cũng vậy, ngày hết Tết đến, viết bài Tết, ký ức lại xôn xao nhiều hình ảnh quê xưa, nao nao vần điệu ca dao.
Năm Tý, nhớ câu :

Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi nhè nhẹ, đụng giường má hay

Ngày nay, nhất là ở thành phố, thấy chuột chạy, nghe chuột kêu, sẽ có người hoảng hốt. Nhưng xưa kia, việc ấy bình thường, thậm chí câu lục bát nói trên, còn là một âm vang của hạnh phúc. Nó chứng tỏ trong nhà có cái ăn. Tiếng rúc rích canh khuya gợi lên khoảng thời gian thanh lắng, và không gian êm ả. Trong khí hậu yên lành đó có tiếng chân người, kín đáo, kiêng dè : hạnh phúc đang đi dần, đi dần lại, cùng bóng đêm đồng lõa. Chúng ta tưởng tượng đôi vợ chồng mới cưới, về thăm cha mẹ, có lẽ là cha mẹ vợ, vào một dịp giỗ tết. Cứ tưởng tượng tối mồng hai Tết : mồng một lễ cha, mồng hai lễ mẹ, mồng ba lễ thầy. Vợ chồng đã cưới hỏi, nhưng khi về nhà cha mẹ, vẫn phải giữ kẽ nằm riêng. Tại sao lại sợ « má hay », mà không sợ cha, sợ tía ? Có lẽ là thời ấy, đàn ông ngủ nhà trên, phụ nữ ngủ nhà dưới. Xưa. Hạnh phúc ngày xưa : dè dặt mà đằm thắm sâu xa, không như cái vồ vập, thường dễ phôi pha ngày nay.
Tình huống đêm hôm khuya khoắt này ắt là hư cấu, hoặc ít xảy ra. Nhưng tình cảm là thật và lễ nghi là thường. Lời người con gái – tôi dùng từ sai – nói ra lúc nào ? Phải chăng chỉ là giấc mơ hạnh phúc, thậm chí là hoang tưởng của người phụ nữ, đặt trên tình yêu, đồng cảm và lễ nghĩa, và trong chừng mực của kinh tế. Hạnh phúc trong không gian âm phái : người vợ, người mẹ, canh khuya, cái giường. Phải đặt tiếng chuột rúc rích trong không gian đó, chứng nhân, đồng lõa, rúc rúc chúc phúc.
Một câu ca dao ngắn, ôi sao mà súc tích !
Tiếng chuột biểu hiện hạnh phúc, không phải tôi suy ra để tán tụng câu ca dao, mà do Tô Hoài kể lại, trong truyện O chuột, 1941, một thành công đầu tay của anh :

« Người ta chỉ ưa cái tiếng kêu « chuúc… chuuúc.. ». Các cụ ta nói : ấy chuột chù bảo : « túc, túc » « đủ đủ ». Nhà ai mà chuột chù cứ túc túc luôn, ắt nhà ấy hẳn sắp có việc đại phát tài ».

Nửa thế kỷ sau, Tô Hoài nhắc lại ý cũ, và đế thêm vào câu ca dao minh họa :

Thứ nhất đom đóm vào nhà,
Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn.

Lại Chuyện chuột, trong Chuyện Cũ Hà Nội, ấn bản 2000, là một đoản văn hay, đầy đủ về loài chuột. Tác giả giải thích :

« Tôi viết bài lại kể về chuột này bởi xưa nay tôi có cơ duyên với chuột, đã viết nhiều về chuột. Những truyện ngắn O chuột, Chuyện gã Chuột bạch, Chuột đồng chuột nhà, và những Chuột thành phố, Đám cưới chuột… Tôi kiếm cơm nhờ chuột, vậy mà tôi vẫn chén thịt chuột… »

Trong các tác phẩm được nhắc lại, đặc sắc nhất là Chuyện gã chuột bạch, tinh vi và tinh quái, ý vị và thi vị :

« Cả hai vợ chồng cùng ưa đêm tối. Bởi ban ngày họ thường ngủ. Bốn cái chân trước sát vào nhau ; bốn con mắt cùng khép. Chiều đến đã đem bóng về dần dà trong cửa sổ, Bấy giờ vợ chồng chuột mới bừng mắt. Họ ngơ ngác nhìn hoàng hôn. Gã chuột đực mò mẫm tìm cái đĩa đựng gạo. Chị vợ cũng nhẹ nhàng đi theo. Họ gậm nhấm mấy hạt. Những tiếng răng nghiến trên hạt gạo, nghe ken két, sàn sạt như tiếng một con mọt cựa mình trong thớ gỗ ».


Không biết trong văn học thế giới, có nhiều những âm hao tinh tế như vậy chăng ?
Một hôm chuột vợ ngoạm được miếng mồi to, nuốt trửng một chú bọ ngựa : « Một mạng lớn, giết đi một mạng nhỏ, êm nhẹ như hơi chiều lặng lờ sang… »
Chuột ả chết vì mắc nghẹn, chuột chàng không mấy quan tâm : « Gã đã khỏi ốm. Không có đàn bà thì chừng như gã khỏe khoắn lắm lắm. Một mình đánh cả hai cái vòng, nghe rộn ràng, cũng vui… ».
Truyện đăng báo Tiểu Thuyết thứ bảy, 1941. Nhân cái Tết năm Tý này, đọc lại, ngoài niềm thích thú, ta còn tìm được đôi ba chìa khóa đưa vào triết lý Tô Hoài, hiểu thêm non 200 trước tác của anh, về sau.

Trong Lại Chuyện Chuột đã dẫn, Tô Hoài có nhắc đến truyện dân gian Trinh Thử ; chắc là anh đã nghe truyển khẩu và không kiểm soát văn bản nên đã kể… ngược, nhầm nhân vật chuột chồng ra chuột vợ.
Trinh Thử, con chuột trinh tiết là một truyện nôm bằng thơ, ra đời cuối thế kỷ 19. Vì các bản in xưa kia, ngoài bìa ghi tác giả là « Trần triều xử sĩ Hồ huyện Qui tiên sinh soạn » nên độc giả tưởng là tác phẩm thời Trần Hồ.
Ngày nay, giới biên khảo tìm ra nguồn gốc là truyện văn xuôi Trung Quốc xuất hiện nửa sau thế kỷ XIX, tên là Đông thành trinh thử truyện, chuyện con chuột trinh tiết thành phía đông. Bản in sớm nhất hiện nay là 1875, có người cho là của Nguyễn hàm Nghi, quê Quảng Bình.
Tác phẩm gồm 850 câu lục bát, kể chuyện con chuột Bạch góa bụa đi kiếm mồi nuôi con ; một hôm tránh chó, lỡ cơ sa vào ổ khác. Gặp lúc chuột Cái đi vắng, chuột Đực thừa cơ tán tỉnh, chuột Bạch một mực từ chối ; chuột Cái về, bắt gặp, nghi ngờ và ghen tuông. Cuối cùng là đả thông và hòa giải.
Chuyện răn đời, đề cao tiết hạnh, cảnh cáo thói trăng hoa và tính ghen tuông không cơ sở. Nhưng đặc sắc của Trinh Thử là đã đưa lời ăn tiếng nói dân gian vào tác phẩm, đôi khi bất ngờ. Ví dụ thành ngữ « râu quặp » chỉ người sợ vợ, qua lời chuột Đực :
Ta đây dễ nạt được nào
Chẳng như kẻ quặp râu vào rẻ roi.
Thành ngữ « no cơm rửng mỡ » tưởng là đã hiện thực, Trinh Thử lại còn táo tợn hơn : « no cơm thì rửng hồng mao ». Một câu nói đùa vui, không ngờ xuất hiện trong tác phẩm văn học :

Ruồi kia một phút bay qua
Biết là đực cái, lọ là sự ai.
Đây là lời chuột Cái trách chồng, rất thực tế và dân dã :

Chiếu chăn nào có hững hờ
Mà như voi đói thì vơ dong dài
Quen mùi bận khác ăn chơi
Có ngày cũng được như ai ghẻ tàu.

Ghẻ tàu là tên nôm na của bệnh dương mai, da liễu. Truyện Kiều lắm lầu xanh, từ Tú Bà sang đến Bạc Bà dập dìu lắm kẻ vào ra, mà không nghe những Thúc Sinh, Từ Hải bệnh hoạn gì.

Trinh Thử thật sự là một truyện dân gian.

*

Trên đây là những con chuột tượng trưng, tô điểm cho văn chương. Không phải là loài chuột thực tế, phá hoại mùa màng và đồ đạc trong nhà. Chưa kể phương Tây còn cho rằng chuột truyền nhiễm nạn dịch. Trong tiếng Pháp, từ thông dụng để nói hỏng việc là rater, nguồn gốc là từ rat, loài chuột đồng, chuột cống.
Vì nạn phá hoại mùa màng, từ thời Kinh Thi do Khổng Tử san định, đã có ba bài Thạc thử, Chuột lớn : chuột lớn chuột lớn…, đừng ăn nếp ta… Chớ ních gạo mạch… đừng cắn mạ ta
Ngoài nghĩa đen, ở đây loài chuột còn ám chỉ tham quan, ô lại. Cùng nghĩa ấy trong thơ Việt Nam, Nguyễn Bỉnh Khiêm 1491-1585, có bài Tăng thử, Ghét chuột, dữ dội, với câu thơ cô đúc : thành xã ỷ vi gian. Con chuột, không những tàn phá đồng áng, mà còn ẩn nấp, dựa vào nơi tường thành, đàn xã (bàn thờ xã tắc) để làm điều gian xảo. Trích đoạn bản dịch của Ngô Lập Chi :

Chuột lớn kia bất nhân
Gậm khoét thật thâm độc
Đồng ruộng trơ lúa khô
Kho đụn hết gạo thóc
Nông phụ cùng nông phu,
Bụng đói miệng gào khóc
Mệnh người dám coi thường
Chuột mi sao tàn khốc ?
Ỷ thành xã làm càn
Thần, nhân đều hằn học.

Rõ ràng là Nguyễn Bỉnh Khiêm không chỉ nhắm vào chuột-súc vật. Thơ Trạng Trình như là có tính cách sấm ký.
Gần ta hơn Nguyễn đình Chiểu, 1822-1888, có bài Thảo thử hịch, Hịch đánh chuột, hiện thực, chân xác và quyết liệt :
Gọi danh hiệu : chuột xạ, chuột lắt, chuột chù, chuột cống, anh em dòng họ nhiều tên, tra quán chỉ : ở nhà, ở ruộng, ở lạch, ở ngòi, bầu bạn non sông lắm lối…
Lớn nhỏ răng đều bốn cái, ăn của người thầm kín biết bao nhiêu, vắn dài râu mọc hai chia, vắng mặt chủ hung hăng đà lắm lúc…
(…) Sâu hiểm bấy tấm lòng nghiệt thử, cục cứt ra cũng nhọn hai đầu…
(…) Ngàn dòng nước khôn bề rửa sạch tội đa dâm …
Bị kết án đa dâm vì… mắn đẻ.
Trong bài, có câu nằm ngửa cắn đuôi tha trứng… nhắc tới thơ Trinh Thử : cắn đuôi tha trứng gần xa…. Con chuột muốn tha quả trứng, phải nằm ngửa, ôm trứng trên bụng, đợi một con chuột khác ngậm đuôi kéo đi. Tranh Trung quốc có minh họa cảnh này :
Loài chuột, do đó, được tiếng tinh khôn, có tài « ngũ kỹ » gồm năm cái khéo, theo sách Tuân Tử : bay, leo, bơi, đào, chạy. Lại có sách nói : thiên khai ư tý : trời mở ở cung Tý, vì theo lịch Trung Quốc, thiên can và địa chi khởi đầu ở cung Giáp Tý. Mỗi chu kỳ 12 hay 60 năm đều vậy.
Chuyện nọ bù chuyện kia, hình ảnh chuột, ngay ở phương Tây cũng không phải luôn luôn và hoàn toàn xấu. Bằng cớ là con chuột Mickey trong tranh và phim hoạt họa Walt Disney, có lẽ là chú chuột lừng danh nhất thế giới hiện đại. Hãng phim này trong năm 2007 đã sản xuất một phim hoạt họa lừng danh, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, « Ratatouille », một cách chơi chữ, lấy tên một món ăn bình dân, tương đương với món bung của ta, và bắt đầu bằng tiếng Rat (chuột).
Phim kể chuyện con chuột Rémy chạy lạc vào một tiệm ăn lớn ở Paris, lừng danh là nơi có nhiều tiệm ăn ngon. Tình thế đẩy đưa, chú chuột Rémy trở thành một đầu bếp xuất sắc, được làng chuột Paris bảo vệ và ủng hộ. Phim có tính cách ngụ ngôn, vui nhộn, truyền cảm, nhạc hay. Ý nhị, tinh tế.
Ngày nay, trong máy điện toán, con chuột là bộ phận thân thiết nhất với bàn tay, có lẽ dịch từ tiếng Anh Mouse, tiếng Pháp Souris, là chuột nhắt, chứ không phải là chuột cống, Rat, mang âm vang xấu hơn.
Trong ca dao, dường như cũng là chuột nhắt :

Con mèo mày trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà ?
Chú chuột đi chợ đường xa
Mua mắm mua muối giỗ cha con mèo.
Tranh Đám cưới chuột, có tiêu đề Nghênh hôn, vẫn có người gọi là Chuột vinh quy , trong nghệ thuật dân gian, có lẽ nguyên ủy là hai bức tranh kết hợp, bổ sung cho nhau, không rõ là chuột gì; có lẽ là chuột nhắt mới phải đấm mõm mèo, dù là trên đường vinh quy.
Dung hòa những nét đa dạng, có khi tương phản về loài chuột, Apollinaire, 1880-1919, có bài thơ La Souris, Con chuột, trong bộ Le Bestaire, Tranh cầm thú, gồm 30 bài được Raoul Dufy minh họa, 1911. Bài thơ ngắn, đơn giản, hiện thực và thi vị :

Belles journées, souris du temps
Vous rongez peu à peu ma vie.
Dieu ! je vais avoir vingt huit ans,
Et mal vécus, à mon envie.

Tạm dịch :

Bao nhiêu ngày đẹp, chuột thời gian
Gậm nhấm đời ta đã mẻ mòn.
Trời ơi ! mình sắp lên hăm tám
Sống vất vơ và mộng dở dang.

Nhạc sĩ Nguyễn Tư Triệt đã phỏng dịch và phổ nhạc :

Năm tươi tháng đẹp, ôi lũ chuột thời gian,
Đời ta từng chút gậm mòn

Bài hát Chuột thời gian được in trong tập nhạc Khúc hát tiều phu, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 2003 và ghi vào đĩa hát CD.
Đây là cuộc giao duyên tươi đẹp của nghệ thuật, mà con chuột đã giăng đầu tơ mối nhợ.

*

Chuột gây tai hại, thì ai cũng biết.
Nhưng tâm thức con người và qua văn thơ, nhất là ngôn ngữ dân gian, chuột là một hình ảnh thân thuộc và thân ái. Có lẽ vì vậy mà chuột đứng đầu trong hàng can chi, và nhiều người tin năm Tý là năm may mắn.
Ở đời, không có gì may mắn bằng Chuột sa chĩnh gạo.
Đón mừng xuân Mậu Tý, mình cứ chúc nhau dân dã như thế.






Đặng Tiến
Orléans, Tết Mậu Tý 2008

Aucun commentaire: