Những loại bánh làm bằng nếp hoặc bột nếp này khá phổ biến ở các vùng quê miền Nam. Ở Đồng Nai nơi nào cũng có làm các loại bánh dân dã này và chợ nào cũng có bày bán. Thế nhưng dân sành điệu TP. Biên Hòa mỗi khi nhà có cúng giỗ hoặc cúng rằm, làm tiệc tất niên, ăn Tết Nguyên đán... đều đặt bánh tét của bà Hai Cứng, bánh ít của bà Tám Vắn. Và người ta quen miệng gọi là bánh ít, bánh tét cù lao Phố.
Lâu ngày bánh ít, bánh tét cù lao Phố cũng thành danh. Nay thì ở ấp Nhị Hòa, nơi đặt chợ xã Hiệp Hòa, có đến hàng chục nhà làm bánh ít, bánh tét, bánh cúng, bánh cấp... bán mỗi ngày và rộ nhất là vào các dịp lễ lớn trong năm như: rằm tháng giêng, mùng năm tháng năm, rằm tháng bảy, rằm tháng mười và Tết nguyên đán. Thế nhưng địa chỉ của bà Hai Cứng ở nhà số 442 và chị Ba Tâm (Huỳnh Thị Tâm - con gái bà Tám Vắn) ở số 449/2 vẫn được nhiều người ưa chuộng. Bà Tám Vắn là một trong những người làm bánh ít, bánh tét đầu tiên ở cù lao Phố. Bánh của bà ngon đến mức, năm 1970 ông giáo Ngói - một người giàu có ở Biên Hòa đặt mua gởi sang Pháp cho các con đang du học được ăn Tết có hương vị quê hương. Sau đó, người ta còn đặt bánh tét, bánh ít của bà Tám Vắn để gởi sang Mỹ, Hong Kong ... cho thân nhân ăn Tết. Từ khi bà Tám Vắn qua đời đến nay, chị Ba Tâm không làm bánh tét nữa mà chuyển sang gói bánh ít bằng bột nếp và bột năng với các loại nhân đậu, nhân dừa và bánh xu xuê rất được nhiều người ưa chuộng.
Bà Hai Cứng (Dương Thị Cứng) hiện giờ đang nổi tiếng với món bánh tét, loại đặc biệt mỗi đòn nặng trên 1kg, mà muốn mua được phải đặt trước. Bà Hai Cứng năm nay đã 73 tuổi, sống với nghề nấu bánh tét từ hơn 20 năm nay và đã nuôi một đàn con 7 người khôn lớn nhờ nghề gói bánh mà bà được truyền nghề từ mẹ là bà cụ Sáu Lương - cũng là một trong những nhà sản xuất bánh tét, bánh ú, bánh ít, bánh cúng, bánh cấp... đầu tiên và ngon nổi tiếng ở cù lao Phố. Bà là mối cung cấp bánh cho các "đại gia" ở Biên Hòa. Trong đó có ông bang Trần Lâm để cúng lò vào những dịp rằm, lễ Tết. Sản lượng bánh của bà Sáu Lương nhiều đến nỗi mỗi lần giao phải thuê xe ngựa chở từ cù lao Phố qua Biên Hòa.
Chị Ba Tâm (con gái bà Tám Vắn) cho biết sở dĩ bánh ít, bánh tét ở cù lao Phố lâu nay ngon có tiếng là nhờ những người làm bánh nơi đây biết chọn lựa kỹ càng từ khâu nguyên liệu. Trong đó nếp phải là loại dài ngày 6 tháng, dừa rám nguyên trái... để bột nếp làm ra dẻo ngon, để lâu không khô cứng mà lại có vị béo đậm đà. Nấu bánh tét phải nấu đến 6 tiếng rồi mới vớt ra ngâm nước lạnh thì bánh mới mềm, thơm và có thể để cả tuần lễ không sợ thiu hoặc nếp "sống lại" ăn mất ngon.
(Theo báo Đồng Nai)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire