Núi Chứa Chan thuộc địa phận huyện Xuân Lộc, có độ cao khoảng 837m so với mặt biển, diện tích khoảng 14.000 hécta.
Núi Chứa Chan là nơi phát nguyên nhiều con suối chảy ra bốn hướng: phía Đông có suối Gia Ui, phía Tây có suối Gia Miên, phía Nam có suối Gia Liêu, phía Bắc có suối Gia Lào, nước trong quanh năm, không bao giờ cạn. Các hốc đá trên dòng chảy của suối có nguồn nước mát lạnh mà người dân địa phương hay gọi là giếng tiên. Trên núi có bốn ngôi chùa. Ngôi chùa ở vị trí cao nhất có tên Bửu Quang. Chùa tọa lạc ở độ cao 660m, nằm lưng chừng núi, lưng dựa vào vách núi, mặt chính quay về hướng Đông. Chùa do thiền sư Bửu Chơn khai sơn đầu thế kỷ XX với sự kiến tạo theo hình thể Hàm Rồng trên một hang đá. Sau này, có nhiều nhà sư đến trụ trì và không ngừng tạo dựng để chùa có một địa thế quang minh trong phong cảnh hữu tình.
Trong quần thể kiến trúc chùa Bửu Quang còn lưu lại vết tích chùa cổ xây bằng đất sét. Có lẽ đây là dấu tích của ngôi chùa cổ do hòa thượng Ngộ Chân khai sơn được nhắc đến trong một số sử sách thời Nguyễn. Tương truyền, khi nhà sư Ngộ Chân hóa xác vân du, người dân địa phương lấp kín cửa động để nhớ về một con người đắc đạo, lưu tồn di tích Phật nơi miền sơn cước. Xung quanh chùa có nhiều địa điểm gắn liền với các huyền tích thời khai mở và nhiều tảng đá lớn tạo dáng kỳ thú. Chuyện đôi hổ thần mỗi đêm về nghe kinh kệ, chuyện tam vị tướng quân ứng hộ phò dân lành hay ông Tiên Rao pháp thuật thần thông, sái đậu thành binh... càng làm tăng thêm sự kỳ bí của ngọn núi, chùa thiêng.
Núi Chứa Chan còn lưu nhiều dấu tích của lịch sử. Trước đây, quanh núi có nhiều buôn của người Chơ Ro sinh sống. Về sau, các nhóm di dân Mạ, Chăm cũng đến khai khẩn, lập làng. Người Pháp trong thời kỳ khai thác thuộc địa đã xây một hồ nước trên quần thể đá lớn của núi phía Gia Ray. Trên đỉnh núi tương đối bằng phẳng có ngôi nhà nghỉ của Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Năm 1972, quân đội Mỹ thiết kế một cứ điểm ra - đa trên đỉnh núi.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, lực lượng cách mạng đã chọn núi Chứa Chan làm căn cứ cách mạng. Từ căn cứ trên núi, lực lượng vũ trang cách mạng đã tổ chức những trận đánh giao thông vang dội như Trảng Táo, Bảo Chánh. Đặc biệt, phía triền núi có một bãi đá tự nhiên gồm nhiều tảng đá hoa cương nối tiếp, xếp chồng tạo nên hang đá vững chắc được lực lượng cách mạng chọn làm "Mật khu Hầm Hinh".
Từ chân núi phía bên hướng Đông Bắc có một con đường gần 4km tam cấp theo triền núi hình xoáy dẫn lên chùa Bửu Quang. Từ trên chùa Bửu Quang, phóng tầm nhìn phía chân núi chiêm ngưỡng được cảnh thiên nhiên hữu tình. Hằng năm, vào ngày rằm tháng giêng, chùa Bửu Quang thu hút đông đảo du khách từ các nơi hành hương, tạo nên một lễ hội hành hương độc đáo trên vùng đất Xuân Lộc.
Với vị thế khá độc đáo, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên hữu tình và những sự kiện lịch sử của vùng đất địa đầu Đồng Nai, núi Chứa Chan và những di tích được bảo tồn, khai thác trong phát triển du lịch, văn hóa của Xuân Lộc nói riêng và của Đồng Nai nói chung.
Phan Đình Dũng
(Bao Dong Nai)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire