(LĐCT) - Mặc dù bệnh nặng phải nằm liệt giường đã hai năm nay, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá nổi tiếng Sơn Nam vẫn đọc sách, nghiên cứu hàng ngày. Bỏ thói quen đi lang thang đâu đó quả là khó đối với người luôn "ham đi, ham chơi", thích "nói dóc" như ông, nhưng đây chính là thời gian ông lắng lại trong suy ngẫm.
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá Sơn Nam.
"Người Việt Nam mình hay nói xạo. Đó là nhược điểm mà không chỉ người nước ngoài, chính dân mình cũng tự biết được. Tôi nói vậy mà không sợ người ta chửi, bởi đã nhiều năm nghiên cứu cá tính miền Nam, cũng như cá tính của dân nhập cư vào Sài Gòn. Ngoài nói xạo, cũng có cái vui là cái gì cũng bỏ qua được. 30 năm giặc giã, sống thác có nhau.
Cảm động nhất là còn rất nhiều hài cốt của người Bắc vô chiến đấu trong Nam, nhiều năm qua tìm vẫn chưa hết. Chính vì sự hiểu nhau giữa dân các miền, cộng thêm cái lợi là cả hai miền đều có người thân sống ở nước ngoài, mà Việt kiều vô tình trở thành trung gian để hai miền gắn bó với nhau hơn, thành ra người mình, người cùng một nhà sao không thương nhau được?
Cho nên, tôi cho rằng, người Việt mình cần đoàn kết với nhau hơn. Một người ở Nam chưa từng ra Bắc, mà chỉ nghe người Bắc nói quê ở Yên Tử là nhận ra "người mình" ngay. Bởi Yên Tử là câu chuyện của lịch sử. Nói như vậy nghĩa là, dân mình từng đoàn kết rồi, thì nay càng phải thắt chặt tình thân với nhau hơn nữa. Thời nay có dịp hiểu nhau hơn ngày xưa, vì thế mà cũng có điều kiện binh vực nhau hơn.
Thử hỏi, vì sao người trong này nhường đất cho người xứ ngoài vào ở, rồi có những nghề người Nam làm rất dở, nhưng người Bắc học được, làm tốt hơn, lại bày cho người Nam, cũng chẳng phải người Bắc giỏi đánh giặc, còn người Nam giỏi làm kinh tế sao ? Từ Quảng Bình đổ ra, dân ăn nói mau lẹ, cái miệng lanh quá, người Nam trái lại, cứ từ từ, rỗi rãi. Cũng vì cá tính này mà những người làm ăn giỏi ở miền Nam bây giờ toàn là người Bắc. Đất ở TPHCM không rớ nổi, có về quê thì những người như tôi đây còn có chút tấc đất mà cất nhà. Chính vì thế mà dân Nam "hơi ngại... dân Bắc, còn dân Bắc thì lại thích đổ xô vào Nam làm ăn.
Ngày xưa, nói đi vào Nam, người ta nhớ ngay câu: "Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng, khi về bủng beo". Còn bây giờ thì khác lắm rồi. Dân caosu tứ chiếng vào đây giàu lên, có nhà, có xe nhờ những rừng caosu bạt ngàn.
Về tình đoàn kết, người Hoa ở Chợ Lớn có từ lâu rồi. Họ sống thành cộng đồng, nên làm ăn rất giỏi. Họ buôn bán với các nước xung quanh, những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống. Mình phải học người Hoa ở điểm này.
Người Việt tự tin, nhưng lại có tính hay dựa dẫm. Đó cũng là bài học lớn. Thế nên, phải giỏi giao bang với các nước về kinh tế, mà vẫn giữ được tính tự chủ, mới là tốt.
Ở trong nước cũng thế. Người Sài Gòn không phát triển được nếu không có người Bắc và người Trung. Phải học hỏi, dựa vào nhau mới mong phát triển. Trong thời đại mới, người Việt học ít thì khó làm nên chuyện lớn. Có người hỏi tôi, tại sao ở VN có quá nhiều thứ đạo như vậy? Nhưng nếu phân tích ra thì trong vô số đạo, có đạo nào bày dân làm ruộng giỏi, nuôi cá da trơn giỏi như Cao Đài, Hòa Hảo? Người trong đạo có khi còn làm nông nghiệp giỏi hơn cả cán bộ học đại học ra.
Sống cạnh người Khmer, mình còn học họ được nhiều điều. Chỉ cần xem họ tổ chức bơi trải, người Việt mình đã thấy choáng: Họ cử 40-50 người cùng chèo thuyền, còn mình chỉ khoảng 7-8 người thôi. Cho nên, tôi muốn nói thêm là muốn hiểu người miền Nam, phải hiểu người Hoa và người Khmer, mới đủ.
Người Bắc có sức chịu đựng bền bỉ, chăm chỉ, giỏi về tiểu thủ công nghiệp, còn người Hoa ở Chợ Lớn giỏi làm ăn buôn bán các nước, có khi chẳng thua người Singapore. Nhưng về tính cách, phải nói thêm là người Bắc giỏi nói, làm ít hơn nói. Cứ nhìn kiểu pha trà lâu lắc, cầu kỳ là hiểu cá tính của họ. Còn người Trung kiên nhẫn, học giỏi, nhưng tính hơi khắc nghiệt. Mạnh nhất là dân Quảng Nam.
Điển hình là cụ Phan Châu Trinh đó. Ham học hỏi, muốn mở mang dân trí, muốn học các nước xung quanh để tìm đường phát triển cho nước mình. Người Nam thuận lợi hơn, ở xứ dễ làm ra lúa gạo, kênh rạch thông thương, hễ có giặc giã thì người Bắc đánh đỡ cho. Người ba xứ nếu hội tụ lại, giúp đỡ lẫn nhau, thêm sự hỗ trợ của Việt kiều, sẽ làm cho nước mạnh hơn.
Người nước ngoài nhìn vào người Việt, họ thấy nể nhưng tài năng thì chưa thấy. Người Việt ở nước ngoài cũng không phải xuất sắc lắm.
Một góc Huế (Cung Khải Định 2006). Ảnh: Y.T
Văn hóa VN có sự giao thoa giữa văn hoá Ấn Độ và Trung Quốc. Nó mang đầy đủ bản chất của nền văn minh lúa nước, với đặc tính dễ tiếp nhận. Muốn đi ra biển Đông, có thể, trong nay mai, VN sẽ phát triển mạnh hơn về phía nam, tức mở rộng giao lưu với các nước như Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines...
Phía Bắc khó phát triển hơn, theo lịch sử thì nhiều năm phải lo chống đỡ giặc ngoại xâm. Miền Trung khúc ruột ở giữa lại gắn với quá nhiều thiên tai. Phía Nam an toàn hơn về mọi mặt, từ phòng thủ đến việc tránh mưa bão, lại là vựa lúa gạo, là nơi buôn bán sầm uất. Chính vì thế, tin là trong nay mai, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển mạnh hơn nữa, không chỉ là trọng điểm kinh tế, mà còn là trung tâm giao lưu với quốc tế; thậm chí có thể trở thành thủ phủ..., nếu hoàn cảnh lịch sử cho phép. Quan trọng nhất là sự đoàn tụ Bắc Nam, ngày càng gắn bó, hiểu nhau hơn, trong quá trình lao động sản xuất, chiến đấu giữ nước, làm nghĩa vụ quốc tế. Lại còn triển vọng giao lưu hợp tác với Lào, Campuchia, các nước láng giềng Đông Nam Á.
Mấy lời dông dài của ông già Nam Bộ này, nếu có gì làm người khác phật ý, thì mong được bỏ qua. Ngày xuân nói thẳng, nói thật, thay vì nói dóc quanh năm...".
M.T ghi
Lao Động Cuối tuần số 07 Ngày 17/02/2008
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire