tại khu vực Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) dịp Tết 2008.
Dễ đến hơn mười năm tôi chưa gặp lại ông tò he nào - ông tò he suốt thời ấu thơ của tôi, của mấy đứa nhóc trong xóm. Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên bọn nhóc chúng tôi phát hiện ra cụ Tía - bán tò he, cũng là ngày đầu tiên ông xuất hiện ở xóm tôi, cũng chỗ cổng đình này. Lúc đó tôi đang học lớp 3. Bữa đó gần Tết, được cô cho về sớm, đám học trò xóm Dốc không về nhà ngay qua lối chợ mà theo mấy đứa xóm đình, định tới chỗ giếng mội chơi.
Vậy mà mới đi tới cổng đình, cả đám dừng lại bởi một người rất lạ. Người ông nhỏ thó trong chiếc áo lùng bùng, đội nón rộng bè bè mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Chiếc xe đạp sườn ngang dựng nép vô cổng, cái khay đặt trên cái thúng có mấy cục xanh, đỏ, tím, vàng cỡ bằng nắm tay mà không đứa nào đoán được là thứ gì. Mấy đứa bấu nhau, nắm tay thật chặt, rón rén đứng nhìn từ xa. Khi thấy chúng tôi, ông gọi lớn bằng giọng Bắc: "Đến đây ông bảo này" thì có đến ba bốn đứa ù chạy mất, ba bốn đứa nửa muốn bỏ chạy nửa tò mò muốn biết mấy thứ xanh đỏ kia. Ông bảo: "Thích chơi con tò he thì ông cho". Tôi chỉ biết chơi con heo đất, con trâu làm bằng lá mít, con cỏ gà, con chuồn chuồn, mấy đứa con trai thì bắt cào cào, chim sâu, cắc ké... chơi chứ chưa nghe ai nói "con tò he" là cái giống gì. Nhỏ Tuyết thì thầm "Coi chừng ông già bỏ bùa đó" rồi bỏ chạy. Không hiểu sao lúc đó chỉ tôi với nhỏ Luyến đứng im, nín thở nhìn theo tay ông. Ông vo mỗi thứ màu một ít, đắp vô que tre, miệng kể lể cái gì đó rồi đưa cho mỗi đứa một cái. "Cái này là cô Tấm, còn cái này là cô Cám, ông cho hai cháu làm quà chơi, quà tò he đấy".
Bữa sau, bữa sau và rất nhiều bữa trưa đi học về chúng tôi đều tạt qua cổng đình. Một món quà tò he chỉ hai trăm đồng. Chỉ mấy nắm bột nếp pha phẩm màu, tí dầu mỡ cho trơn tay, tất cả mọi thứ trên đời đều có thể hiện ra dưới bàn tay cụ Tía.
Đó là những bữa trưa không ngủ và không sao ngủ được vì những con tò he của cụ Tía. Ông ít khi làm hàng sẵn bày bán mà đợi có khách mới làm. Ông bảo vừa nặn vừa kể chuyện, xung quanh nhiều người ríu rít mới thấy thú vị.
Ông xuất hiện ở cổng đình chừng một tháng rồi đi đâu mất đến vài tháng, có khi cả năm mới quay lại khiến chúng tôi trông đứng trông chờ. Lần cuối cùng ông đến cổng đình cách đây cũng hơn mười năm, lúc đó tôi chuẩn bị đi học xa nhà. Ông nói chắc ông về quê nghỉ ngơi vì tuổi già sức yếu. Ông ngoài bảy mươi rồi còn gì. Theo lời ông, làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, quê ông là một làng nghề tò he độc đáo nhất nước, trên 600 tuổi nghề.
Bữa cuối cùng, ông nặn tặng chúng tôi vô số to he mà con nào cũng bắt mắt. Những con tò he cuối cùng này tôi giữ cẩn thận lắm, đem phơi nắng thật kỹ nhưng cũng chỉ được chừng vài tháng thì mốc phải bỏ đi. Hôm bữa tỉnh tổ chức lễ hội văn hóa, tôi gặp một anh thanh niên đứng nặn tò he, cũng đám nhỏ bu xung quanh. Tôi chen vào nhìn ngắm, cái miệng anh tò he lanh leo lẻo, đôi tay có phần nhanh hơn, nặn đủ thứ nào Đôrêmon, Tiểu Yến Tử... nhưng không biết kể chuyện như cụ Tía ngày xưa.
Bữa nay, ra tới cổng đình mà đám cháu nhỏ của tôi vẫn cứ ngơ ngác giống tôi hồi đó, không hiểu cụ già kia đang làm gì. Còn tôi ngơ ngác vì nhớ con ngựa trắng bờm tía và nhớ cụ Tía của tôi...
Bùi Nguyễn
Bao Dong Nai
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire