Ở tuổi 88, sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu lịch sử Nam bộ, sưu tầm hàng nghìn bản đồ, sách, đồ dùng cổ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khẳng định: "Không có Sài Gòn thì không có nước Việt Nam đổi mới và hội nhập như hiện nay; không có miền Nam thì khó giữ được đất nước".
Mảnh đất canh tân
- Cách đây trên 300 năm, chúa Nguyễn đã cho người Trung Hoa thời Minh đến tá túc ở Biên Hoà, Mỹ Tho. Người Trung Hoa thạo về thương nghiệp. Khi có đồng bằng sông Cửu Long, ruộng lúa nhiều, sản xuất thừa gạo ăn, số gạo còn lại trở thành hàng hoá. Khi có hàng hoá thì có thị trường.
Hơn nữa, do đặc thù địa lý, ngay từ buổi đầu Sài Gòn đã có sự hội nhập của những dân tộc khác nhau. Kinh tế miền Nam chuyển đổi, giao lưu với trong nước và nước ngoài. Từ thế kỷ 17 sang thế kỷ 18, Sài Gòn là thành phố trung tâm có tính chất quốc tế, sử dụng nhiều thứ tiếng. Đó những lý do khiến miền Nam, với trung tâm Sài Gòn, là mảnh đất thương nghiệp lớn của cả nước.
Sài Gòn còn là mảnh đất đi đầu trong canh tân tại VN. Cuối thế kỷ 18, thành bát quái của Sài Gòn đã được xây dựng theo mô hình của Tây phương. Nguyễn Trường Tộ viết bản điều trần kêu gọi canh tân khi sống và quan sát thực tế ở Sài Gòn. Cũng tại Sài Gòn, Trương Vĩnh Ký phác hoạ ra chương trình giáo dục rất khoa học: trọng lý thuyết nhưng đi cùng thực tế, mang sắc thái của giáo dục Đàng Trong. Phan Chu Trinh đưa ra chủ trương canh tân với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục cũng xuất phát từ thực tế miền Nam. Tư tưỏng canh tân tại miền Nam còn ra đời trước tư tưởng canh tân thời Minh Trị Thiên Hoàng của Nhật Bản.
Mặt khác, nền văn minh nhân loại bao giờ cũng xuất hiện từ sông lớn. Sông Cửu Long là một trong chín con sông lớn nhất thế giới. Nơi đây nảy sinh cách sống và nguồn tư duy mới, do ở xa Trung Quốc, thuộc hẳn về Đông Nam Á.
Tự do, thẳng thắn
Chợ Bến Thành, biểu tượng của mảnh đất Sài Gòn đi đầu trong thương nghiệp.
(ảnh tư liệu những năm đầu tiên của thế kỷ 20)
- Có ý kiến cho rằng, do Sài Gòn là thành phố trẻ, lại nhiều xáo trộn, nên không dễ xác định khái niệm "người Sài Gòn" như “người Hà Nội”; tìm ra cốt cách của Sài Gòn cũng là cả vấn đề. Ông nghĩ sao ?
- Hà Nội là thành phố đã có cả nghìn năm văn vật với sự phát triển tiệm tiến. Sài Gòn là đất mới, nơi thay đổi nhiều nhất của cả nước trong vài thế kỷ qua, phát triển nhanh, nên khó định hình cái hồn, khó định hình khái niệm người Sài Gòn. Người dân sống ở miền Nam là dân tứ chiếng cả trong nước lẫn quốc tế, điều này rõ nhất ở Sài Gòn.
Nhưng không phải không định hình được cái hồn của Sài Gòn. Toà nhà Toà án nhân dân TP do Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19 có dựng ba tượng: Ở giữa là tượng thần công lý kiểu Hy Lạp, một bên là một phụ nữ ăn mặc kiểu miền Nam tóc búi tó, một bên là người đàn ông ăn mặc, cách ngồi rất thoải mái. Như vậy, người Pháp đã ý thức được phong cách của Sài Gòn: tự do, phóng khoáng.
Sự ảnh hưởng của mẫu mốt y phục đến VN thường đi qua Sài Gòn trước. Sài Gòn dễ chấp nhận mẫu mốt mới, có ý thức về mỹ thuật, nhưng thích màu sắc nền nã, dần đào thải sự quá trớn. Sài Gòn là nơi không dễ chấp nhận sự quá trớn bằng địa phương khác. Sài Gòn có thu nhập cao so với mặt bằng cả nước, nhưng đối tượng dùng những chiếc xe hơi hàng triệu USD của Việt Nam hiện nay không phải là người Sài Gòn cũ. Sài Gòn là nơi tiêu thụ, nhưng không quá xa xỉ.
Những người có nhiều tiền ở Sài Gòn thường là những người mới tới, nhất là từ miền Bắc. Những người mới tới có mang theo sinh khí mới. Ban đầu, phong cách đối xử của họ thường hơi "chói" với Sài Gòn, thậm chí trọng tài khinh nghĩa, nhưng sau một thời gian, tinh thần nào đó, có thể gọi là hồn Sài Gòn, làm cho họ thay đổi. Hồn Sài Gòn ở đây là phong cách thẳng thắn, trọng nghĩa khinh tài.
Sài Gòn nhanh nhạy
Sài Gòn với cảng lớn là nơi đi đầu về giao thương.
(ảnh tư liệu những năm đầu tiên của thế kỷ 20)
- Điều đáng chú ý ở Sài Gòn là nét NHANH. Trà mộc ở miền Bắc được uống nhấm nháp, nhưng ở Sài Gòn đã được giải khát hoá bằng cách rót ra ly lớn, cho đá vào, uống nhanh. Làm ăn, đi đứng đều nhanh với hầu hết người dân dùng xe có gắn động cơ, khác với Hà Nội còn nhiều xe thô sơ. Nét NHANH đó liệu có là một điểm trong cốt cách Sài Gòn? Nó có mặt lợi, mặt hại gì?
- Đó cũng là nét đặc trưng. Người Sài Gòn không sâu sắc như người Huế, thâm trầm như người Hà Nội. Nét nhanh khiến họ có thì nói có, không thì nói không, không vòng vo, xấu lại nói là không đẹp.
Sự nhanh nhạy của miền đất mới này khiến nó trở thành trung tâm kinh tế, làm thay đổi tương lai dân tộc. Nếu cả nước không có những địa phương như Sài Gòn: cởi mở, nói được nhiều thứ tiếng, thì không thể giao lưu với nước ngoài được.
Người Sài Gòn không quên gốc Thăng Long, nhưng phải sống cuộc sống nhanh nhạy của Sài Gòn.
Phạm Cường (thực hiện)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire