Từ mấy năm nay, cứ mỗi độ Tết đến là những người có thú chơi hoa mai vàng trong cả nước lại hân hoan chờ đón những chậu mai kiểng đến từ vùng đất võ Bình Định. Chính xác, "thông điệp hoa mai" ấy đến từ huyện An Nhơn của tỉnh Bình Định.
Là một vùng đất cổ có bề dày lịch sử, có những làng nghề truyền thống từng nổi tiếng trong cả nước, có cả những lò võ với võ thuật bí truyền từng là nơi đào tạo nhân tài cho đội quân bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung, An Nhơn còn là nơi tụ hội những nghệ nhân, nghệ sĩ trong nghề chơi cây cảnh và trồng hoa mai. Nhưng phải từ dăm năm trở lại đây, được sự trợ giúp hiệu quả của chính quyền địa phương thông qua các cơ quan nông nghiệp, các tổ chức khuyến nông, nghề trồng hoa mai phục vụ Tết cổ truyền mới trở thành một nghề "tay phải" hái ra tiền của bà con An Nhơn, không phân biệt là nông dân hay thương nhân, người ở quê hay người thị trấn.
Giáp Tết, có dịp đi dọc "con đường hoa mai" từ Gò Găng, Đập Đá vào An Nhơn, mới thấy cái khí thế bừng bừng của một "huyện hoa mai". Những chậu mai kiểng, đủ loại đủ kiểu đủ giá được bày dọc quốc lộ 1. Bày để bán, mà cũng bày để chứng tỏ một thương hiệu: "Thương hiệu hoa mai An Nhơn". Ngoài 20 Tết, những đoàn xe tải, xe con đủ loại cứ ghé vào những "tụ điểm hoa mai" An Nhơn, chọn mua những chậu mai kiểng ưng ý nhất để chở vào Nam ra Bắc. Không chỉ người miền Nam mới chuộng mai vàng. Nhiều năm nay, hoa mai của phương Nam, nhất là hoa mai An Nhơn - Bình Định rất được người "xứ hoa đào" ưa chuộng. Cũng như hoa đào miền Bắc đã có mặt trong nhiều ngôi nhà ở miền Nam, hoa mai cũng đã trở thành "một phần tất yếu của Tết" trong nhiều gia đình Hà Nội và miền Bắc. Dù khí hậu khác biệt, và chăm sóc để mai vàng phương Nam nở hoa trên đất Bắc là điều rất khó khăn, nhưng không vì thế người phương Bắc không muốn nhà mình được "bái mai hoa" trong dịp Tết cổ truyền.
Đào và mai, hai loài hoa "đặc chủng" của hai miền đã "thống nhất" ở nơi trang trọng nhất trong mỗi gia đình vào dịp Tết. Nắm bắt một cách thật nhạy bén nhu cầu ấy, những làng trồng hoa mai ở An Nhơn đã chuyên canh hoa mai, và giờ đây, có thể nói, cả huyện An Nhơn đã coi hoa mai là một nguồn thu nhập rất đáng kể của huyện mình. Hoa mai An Nhơn, từ những chậu mai "bình dân" có giá rất dễ chịu tới những chậu mai thuộc "hàng độc" có giá hàng trăm triệu đồng, tất thảy đều được người An Nhơn chăm sóc với tất cả tình yêu và mang đậm tính nghệ thuật. Những nghệ nhân cây kiểng Bình Định đã hào sảng truyền nghề, và Nhà nước đã có trách nhiệm hỗ trợ từ "đầu vào" tới "đầu ra" cho người trồng mai, nên mai An Nhơn không chỉ nở đúng Tết, mà dáng cây, sức hoa đều có sức thu hút cao với người thưởng ngoạn. Chỉ tính riêng dịp Tết vừa qua, cả huyện An Nhơn đã thu về từ cây hoa mai hàng chục tỉ đồng. Có xã còn thu cả 5 tỉ tiền bán mai kiểng. Có những cây mai kiểng An Nhơn bán tới giá 50-100 triệu đồng mà vẫn có "tao nhân mặc khách xin kết".
Có một điều thú vị, là trồng hoa mai, nếu Tết này bán không hết hàng thì lại ung dung chờ… Tết sau. Mai càng "lão" càng được giá! Nhưng theo chỗ tôi biết, Tết này mai An Nhơn đã "phủ sóng" toàn Việt Nam. Đó là chưa kể những chậu mai An Nhơn "lên đường xuất ngoại" đến với người Việt yêu hoa mai trên khắp thế giới. Nghề trồng mai - một nghề thật thanh cao, trong sạch, vậy mà hái ra tiền, những đồng tiền cũng rất trong sạch. Và trồng mai để thành một thương hiệu như "Mai An Nhơn" thì quả là "đúng điệu" khi Việt Nam đã vào WTO.
Thanh Thảo
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire