Nhân Quốc hội thảo luận về Luật Dân sự, VietNamNet xin giới thiệu bài viết của ông Dương Trung Quốc "Bàn về chữ QUYỀN"
Đọc những bộ luật xưa, ví như Luật Hồng Đức cách đây hơn nửa thiên niên kỷ, thường thấy luật chỉ quy định tội danh, nói cách khác là nêu những điều cấm. Như thế, điều nào không cấm thì dân được làm. Luật này có 722 điều thì tất thảy đều như vậy, chỉ trừ đôi điều luận về những yếu tố xét giảm tội. Hình như luật pháp hiện đại nhiều nước cũng làm vậy.
Đọc những bộ luật xưa, ví như Luật Hồng Đức cách đây hơn nửa thiên niên kỷ, thường thấy luật chỉ quy định tội danh, nói cách khác là nêu những điều cấm. Như thế, điều nào không cấm thì dân được làm. Luật này có 722 điều thì tất thảy đều như vậy, chỉ trừ đôi điều luận về những yếu tố xét giảm tội. Hình như luật pháp hiện đại nhiều nước cũng làm vậy.
Nhưng ở ta, pháp luật còn nặng cả về sự cho phép, được quyền này, được quyền khác. Tưởng vậy là dễ cho dân thực hiện, nhưng xét kỹ lại thấy có những điều không dễ. Ví dụ về một việc không lớn: quy định cho phép biểu diễn những nhạc phẩm của một nhạc sĩ nào đó, do hoàn cảnh lịch sử để lại có những bài không phù hợp. Lẽ ra để dễ cho dân, thì nhà quản lý với trình độ và bộ máy chuyên môn của mình có thể xét trong toàn bộ các sáng tác của nhạc sĩ nọ rồi kê rõ những bài hát không được hát thì lại chỉ kê những bài hát được phép hát, còn lại là cấm tuốt. Do vậy mà dân khó thực hiện và nhà nước cũng khó quản lý, nhạc sĩ và người yêu nhạc lại thiệt thòi...
Tuy nhiên, việc ban quyền cũng không đơn giản. Bởi vì chỉ một chữ "quyền" cũng chứa đựng những nội hàm hết sức đa nghĩa. Cứ theo nghĩa trong ngôn ngữ phổ thông thì "Quyền là điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng được làm, được đòi hỏi" (Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học, xb 2002). Nhưng khi vận vào các điều luật thì không thể hiểu đơn giản như vậy.
Ví như trong dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ VII này khi đề cập tới "quyền đối với họ và tên" (Điều 26) viết rằng: "Mỗi cá nhân đều có quyền có họ và tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó". Thoạt nghe thì thấy đơn giản, nhưng nếu đó là một quyền (chứ không phải là một nghĩa vụ bắt buộc), thì điều đó cũng có nghĩa là mỗi cá nhân cũng có quyền không có tên, họ (?). Trong khi đó, nhu cầu giao dịch dân sự giữa cá nhân với các cá nhân khác và cộng đồng, cũng như yêu cầu quản lý nhân sự của xã hội thì dường như bắt buộc mỗi người phải có một cái tên chính thức (ngoài ra còn các loại danh xưng khác như tục danh, biệt danh, bí danh, bút danh...). Ví như đồng bào Vân Kiều khi xưa không có họ, cách gọi tên mỗi người còn rất thô sơ lại chưa có chữ viết. Và để dễ quản lý đôi khi phải quy về một mối cách viết bằng một thứ ký tự chung, ví như với dân tộc Hoa, bên cạnh cách viết bằng thứ chữ tượng hình truyền thống phải quy về cách phát âm Hán - Việt rôi ghi bằng ký tự Latin (chữ của đồng bào Thái cũng vậy...). Như thế, thực chất cái quyền này phải được hiểu như một sự bắt buộc (nghĩa vụ).
Cũng như vậy khi đề cập tới "Quyền kết hôn" (Điều 39) chỉ quy định những công dân nam nữ nếu đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật pháp thì được tự do kết hôn, nhưng nếu một người không muốn kết hôn, sống độc thân thì luật pháp có bảo hộ hay không? Nếu so với Điều 47 về "Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo" thì cách diễn đạt rõ hơn là "cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào", thì chữ "quyền" ở đây được hiểu như quyền lựa chọn (quyền tự do).
Lại có những "quyền" phải được hiểu kèm theo những điều kiện giới hạn. Cứ theo cách thể hiện của dự thảo này thì khối nghề phải bỏ. Ví như "quyền của cá nhân với hình ảnh" (Điều 31) là quá cần thiết. Nhưng nếu hiểu như cách diễn đạt của văn bản "Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác", thì muốn công bố một cái ảnh có 3 khuôn mặt thì phải đi hỏi ý kiến của cả 3 người cho phép mới được hay sao. Nếu ảnh chụp chung cả Quốc hội thì phải xin phép bao nhiêu người (?). Nếu lại là ảnh cụ Phan Thanh Giản đi sứ qua Pháp chụp cuối thế kỷ XIX thì kiếm đâu ra hậu duệ của cụ để xin phép (?)... Cho nên trong luật phải xác định thời hiệu (cũng giống như bản quyền) và tính đặc thù của các loại hình ảnh (công và tư) rõ ràng...
Cũng tương tự như vậy với Điều 38 bàn về "Quyền bí mật đời tư" thì việc thu thập, công bố thông tin tư liệu về đời tư của cá nhân cũng phải đủ điều kiện như với hình ảnh, tức là phải được phép thì các nhà văn, những nhà nghiên cứu tiểu sử, các sáng tác văn học nghệ thuật v.v... một lần nữa cũng gác bút. Muốn viết về cụ Ngô Quyền, trước tiên phải đăng báo để tìm hậu duệ của cụ mà xin phép (?)... Mặc dầu, ai cũng biết rằng đã có vô khối vụ kiện của hậu duệ kiện các nhà sử học, nhất là các nhà viết văn, viết kịch viết "sai" về về các cụ tổ của họ. Mà những vụ kiện này thường rất quyết liệt vì dễ đụng chạm đến thanh danh các bậc tiền bối v.v...
Do vậy, cùng một chữ "quyền" rất khó diễn đạt cho hết ý, hay cho mọi người hiểu cùng một ý. Giá như luật cứ viết ra những điều cấm thì lại dễ thi hành hơn chăng? Bởi vì, cái nguyên lý người dân được làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm là biểu hiện của quyền tự do trong khuôn khổ pháp luật của các xã hội văn minh.
Dương Trung Quốc
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire