jeudi 7 février 2008

Về thăm làng... "sát chuột"

Làng Canh Nậu (Thạch Thất - Hà Tây) nổi tiếng “sát chuột” nhất nhì đất Bắc. Con chuột hàng ngày gắn với đời sống của làng, gắn cả những kỷ niệm vui buồn của một vùng quê Bắc Bộ. Thời bao cấp gian khổ, người dân ăn chuột thay cho cá thịt. Ngày nay, mỗi khi Tết đến xuân về, trai làng hẹn nhau mang chó ra đồng thi tài… bắt chuột!
"Ký ức chuột"
Dọc khắp vùng Kinh Bắc, các tỉnh ven Hà Nội, đi đâu cũng bắt gặp các làng săn chuột. Chuột cũng chỉ từng ấy món chế biến: thịt chuột luộc, nấu giả cầy, hấp, nướng… Chính những món thịt chuột đơn giản này giúp người dân vượt qua gian khó của thời còn chưa xa lắm. Trong thời bao cấp, cả nước khốn khó vì thiếu lương thực, khan hiếm cá thịt thì người làng Canh Nậu vẫn tự hào vì đã có thịt chuột thay thế.

Anh Nguyễn Văn Thanh, chủ hàng thịt chuột cho biết,
những ngày chuẩn bị bước sang năm Mậu Tý,
quán anh dường như đông khách lạ từ các vùng lân cận về hơn.

Trong hoài niệm của người làng Canh Nậu, nghề bắt chuột chẳng biết xuất hiện khi nào. Khoảng thời gian hơn 10 năm trở lại mới có người chuyên bắt chuột bán cho các hàng quán trong làng, hay xa hơn là các nhà hàng trên thị trấn hoặc nhà hàng đặc sản ở Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thú, năm nay gần 60 tuổi, đã bắt chuột từ thuở lên ba lên năm. Ông bảo: “Cả đồng ruộng Canh Nậu mênh mông, nơi nào chả có chuột đồng. Chỉ cần đi ra ruộng, nhìn qua những đám cỏ bị xéo nát là biết ngay chân chuột hay chân người!” Lớn lên với chuột đồng từ thuở chăn trâu để chỏm, ông cùng đám bạn trẻ trâu đã đốt rơm hoặc dội nước dọc theo bờ mương, dọc bờ đê cỏ ấu để bắt chuột…
Đến tuổi trung niên, ông gia nhập HTX thì người làng Canh Nậu tính công điểm bằng… đuôi chuột. Mỗi công điểm được tính bằng 50 cái đuôi chuột. “Dạo ấy, nhà nào cũng chất đầy trên gác bếp cơ man nào là đuôi chuột. Rồi ngày nắng đem ra phơi, xong lại chất vào bao bì thật to mang lên HTX nộp tính công điểm”.
Những hoài niệm về chuột rõ nhất là thời cả gần thập kỷ sau chiến tranh. Kinh tế khó khăn, mùa màng lũ lụt hạn hán triền miên. “Thời đó, ngày ngày ăn thịt chuột, quanh quẩn ruộng đồng kiếm kiệt con gì cũng hết. Chỉ có chuột là sinh sôi nảy nở nhiều vô số. Thế nên dù cho cả nước đói kém, chẳng thịt cá tươi, người Canh Nậu vẫn có thịt để ăn, nhưng là thịt…. chuột!”. Ông Thú kể, vào những năm đó, người nào ra đồng cũng mang theo rọ, nơm để đơm chuột. Những hang đã bắt hôm qua còn sót lại, hôm nay ra bắt tiếp. Rồi khi những hang cũ chưa ráo nước, lại lần theo dấu chân chuột làm hang giả mới để cho chuột chui vào rồi bắt.
Lần mò trong ký ức, ông nhớ lại: Ngày đó cấm buôn bán họp chợ, nhà này giúp nhà kia trong làng cũng chỉ mấy con chuột để cải thiện thêm bữa ăn. Cả làng đi bắt nhưng không phải khi nào cũng có chuột. Chuột sinh đẻ theo mùa vụ, mà chỉ có tuổi thọ hơn 2 năm là chết, chuột nhỏ quá thì bắt về không ăn được. Cũng có năm có chuột ít nhiều khác nhau. Thế nên, tình làng nghĩa xóm gắn kết với nhau cũng chỉ bởi người này giúp người kia có thêm miếng thịt chuột vào mỗi ngày.

Món chuột luộc và rán, 2 món khoái khẩu của thực khách.


Sau bao nhiêu năm, bây giờ thịt chuột Canh Nậu đã lên hàng đặc sản. Cả làng có 4 thôn thì có 4 quán chuyên chế biến thịt chuột. Anh Nguyễn Văn Thanh, ở đội 4 thôn 2, mở quán thịt chuột trong làng Canh Nậu gần được 10 năm. Mỗi ngày, chỉ tính riêng cái quán nhỏ nằm trong thôn sâu hun hút của anh cũng tiêu thụ hơn một yến thịt chuột. Lợi nhuận của cái quán chỉ bán trong làng cũng mang về thu nhập cho gia đình gần hai trăm nghìn đồng mỗi ngày.
Chợ Canh Nậu chỉ khoảng vài trăm mét vuông, đã có tới 5 hàng bán thịt chuột tươi đã làm qua và thịt chuột nướng. Những ngày đông giá, ít người ra đồng săn, thịt chuột cũng đắt khách. Giữa buổi chợ đông, chị Thanh, người cuối cùng còn thịt chuột để bán cho biết: “Mấy ngày nay, khách từ trên thị trấn và người từ Hòa Lạc về mua cũng nhiều. Giá thịt chuột có ngày cao điểm lên tới 50 nghìn/kg mà vẫn không có hàng bán”.
Đáo xuân, xem hội săn chuột
Mỗi năm ra giêng, khi đồng đất gieo mạ đã xong, cây mạ vừa cắm xuống đất thì cũng là lúc trai làng Canh Nậu đổ ra các cánh đồng để cùng nhau săn chuột. Quanh năm, người làng Canh Nậu hễ ra đồng là dẫn theo chó để săn chuột, nhưng khi Tết vừa hết và cũng là “tháng ăn chơi”, nên thú vui này rất thu hút trai làng.




Chỉ riêng rổ chuột luộc này giá đã hơn 3 trăm ngàn.



Từng đàn chó săn được thả ra khắp các cánh đồng. Chúng dùng mũi đánh hơi hang chuột. Khi phát hiện ra hang, lũ chó chạy lại chỗ chủ nhân của mình và sủa inh ỏi, hoặc gầm gừ báo hiệu địa điểm hang có chuột.
Ông Nguyễn Văn Thú, một thợ săn kì cựu nhớ lại, ngày xưa, chỉ những cụ đức cao vọng trọng trong làng mới có chó để săn chuột. Bởi vì không phải chú chó nào cũng đánh hơi được chuột. Việc đi săn ngày xuân chỉ dùng những chú chó tinh thông đã qua huấn luyện đặc biệt của chủ nhân. Ông Thú bảo: “Đi săn chủ yếu là vui chơi, thắng hay thua không quan trọng”.
Tuy săn chuột không phải là hội làng được tổ chức bề thế nhưng nó đã trở thành thông lệ hàng năm. Có khi chỉ là tốp nhỏ thanh niên, có khi là cả thôn. Rồi có năm lại là thôn này với thôn khác thi, tùy theo giao ước từng năm một.
Năm ngoái, chú chó Ky của anh Nguyễn Đức Xuyên, thôn 4, đã săn được nhiều chuột nhất trong 4 thôn. Chú chó được anh Xuyên cất công về tận Bắc Giang mới chọn được. Việc chọn chó săn cũng rất kỳ công, và anh chia sẻ: “Về hình dạng, chân chó nhìn thoạt giống như chân ba ba thì chó chạy mới nhanh, chọn mình chó phải thấp. Đặc biệt là phải là chó mũi ngắn, mũi càng ngắn càng dễ đánh hơi chuột...".
Đã có đợt, người Canh Nậu tỏa đi khắp các vùng để săn tìm chó săn, nhưng kết quả chẳng mấy trọn vẹn, vì khi chó đã lớn và nuôi trong nhà quá lâu thì coi như… hỏng! Theo anh Xuyên, chủ nhân của chú chó Ky được đánh giá là tinh thông và “sát chuột” nhất làng thì: “Chọn chó nên chọn con dưới 5 tháng rồi thường xuyên mang ra đồng cho tập với con chó lớn khác. Chó săn hay (giỏi) là khi phát hiện có đối thủ tranh mồi với mình bao giờ mình nó cũng ưỡn ra phía trước, miệng gầm gừ đe dọa đối thủ. Một con chó săn được bây giờ phải trên 4 triệu”.


Với chú chó đã được huấn luyện kĩ càng trong cả năm
ông Thú hy vọng cuộc thi bắt chuột năm nay
sẽ tìm lại được “phong độ sát chuột” một thời vang bóng.


Ông Thú nhớ lại cái thời chưa xa, năm 1995, về cuộc thi săn chuột vào loại “vô tiền khoáng hậu” giữa ông với một “vua săn chuột” khác ở Đình Bảng (Bắc Ninh). Cuộc thi lạ lùng và có một không hai giữa 2 làng làm thịt chuột nổi tiếng đất Bắc. Địa điểm là cánh đồng trung lập trên Sơn Tây, phần thưởng sẽ là người nào thua thì chó săn của làng đó không được ra khỏi địa phận cánh đồng làng. Và ngược lại, người thắng được mang chó khắp nơi mở rộng phạm vi khai thác của mình ra các vùng khác.
Diễn biến và kết quả cuộc thi cũng thật khác thường. Khi bỏ tất cả “chiến lợi phẩm” chuột vào bao trong gần 2 tiếng đồng hồ thì ông chỉ chênh người kia vài lạng. Để cho công bằng, đem chuột ra đếm thì số chuột mà ông bắt được hơn người kia đúng… 3 con!
Lý do tổ chức cuộc thi, theo ông: “Chẳng phải sợ người này “ăn hết phần” người kia mà chỉ chứng tỏ người làng mình săn chuột là nhất thôi. Ông ấy (người thách đố thi) có người bà con ở làng này nên biết tôi mà thách thi để biết khả năng vậy. Còn phần thưởng thực ra mang tính ước lệ… Anh em biết nhau, ngày xuân tổ chức cái gì đó cũng hay hay”.
Đầu xuân năm nay, cuộc thi săn chuột giữa trai làng các thôn đã hẹn nhau vẫn tổ chức, nhưng chú chó Ky của anh Xuyên đã không còn tham gia. Nó vừa chết cách đây 2 tháng. Mỗi khi nhắc tới chuyện đi săn chuột, anh lại buồn, mặc dù anh cũng chuẩn bị tậu chú chó mới để kịp dự thi. “Nhưng có lẽ để chuẩn bị cho năm sau nữa”, anh Xuyên tâm sự.


Thông Chí - Quang Phong

Aucun commentaire: