jeudi 7 février 2008

"Ai viết lịch sử Phở?"



Một quán phở trong ngõ Hà Nội.


(LĐCT) - Xin thú nhận, sở dĩ người viết ngứa ngáy đặt câu hỏi trên là vì mới đọc bài báo viết về một sử gia chuyên nghiên cứu bánh Tây, le pain. Chúng ta hay gọi là bánh mì, ở đây sở dĩ dịch thành "Bánh Tây" vì ông ta chỉ viết về lịch sử "le pain" do các "boulangeries" ở nước Pháp làm, chữ bánh mì là bánh bằng những thứ bột chúng ta gọi chung là bột mì, ở nước nào cũng có.

Năm 2004, sử gia này đã xuất bản cuốn "Cherchez Le Pain" (Hãy đi tìm bánh Tây), lò bánh ở Paris được ông ghi tên trong bảng vàng cảm thấy hãnh diện, không khác gì các tiệm ăn ở Pháp được ghi vào sổ Michelin!
Nhưng ông ta đã nổi tiếng từ khi xuất bản một cuốn lịch sử dầy 760 trang, "The Bakers of Paris and the Bread Question 1700-1775" (Các lò bánh mì ở Paris và vấn đề bánh mì, năm 1700 đến năm 1775), do nhà xuất bản Đại học Duke ở Mỹ xuất bản năm 1996.
Nguyễn Tuân, Vũ Bằng không viết lịch sử
Nước Pháp đã nổi tiếng thế giới về bánh Tây không khác gì tiếng tăm về cuộc cách mạng đòi dân quyền và nhân quyền năm 1789. Nhưng dân tộc Việt Nam bây giờ cũng nổi tiếng về món Phở đã được truyền bá khắp thế giới.
Nhưng chúng ta biết gì về Phở? Rất ít. Ngay cả cái tên, tại sao lại gọi món này là Phở, cũng còn mù mờ với nhiều giả thuyết khác nhau. Có người dám nói rằng cái tên Phở gốc tiếng Tây; có người nói gốc tiếng Tàu; trong lúc cha sinh mẹ đẻ ra món ăn này là người Việt Nam rõ ràng. Cũng may chưa ai nói tên Phở gốc tiếng Mỹ!
Chúng ta biết ông Nguyễn Tuân có viết một tuỳ bút về Phở đọc rất thú vị, ông Vũ Bằng đã ca ngợi Phở hết lời. Vũ Bằng nhắc đến một gánh Phở rong ở Hà Nội tên là Phở Tráng, trước cửa Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ, gần phố Hàng Than trước đây hơn nửa thế kỷ. Nhưng cả hai ông Nguyễn Tuân và Vũ Bằng đều là nhà văn, không phải chuyên gia nghiên cứu lịch sử. Họ tán về Phở nào ngon, Phở nào đúng vị, thì rất hay, nhưng rất chủ quan. Ông Nguyễn Tuân coi chỉ có Phở chín mới đúng là Phở chính thống, ăn Phở tái là theo chủ nghĩa xét lại nguy hiểm! Nhưng bây giờ có hàng phở nào thiếu món Phở tái hay không? Ông căn cứ vào đâu mà quả quyết như vậy!
Cần các sử gia về Phở! Chưa có ai nghiên cứu tường tận coi những bát Phở ông bà chúng ta ăn cách đây 100 năm giống và khác những bát Phở chúng ta ăn bây giờ như thế nào. Chưa ai theo dõi xem những bát Phở đi di cư từ Bắc vào Nam đã được "thay đổi sáng tạo" ra sao, so với những bát Phở Bắc Kỳ cũ đi vào Nam làm đồn điền caosu. Nhất là cuộc di cư vĩ đại của những tô Phở từ cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam đi ra khắp thế giới, hai giòng Phở khác nhau cùng xuất ngoại, thiên biến vạn hoá như thế nào.
Tôi đã ăn Phở ở Montréal, Toronto, Canada, ở California bên Mỹ, ở Paris nước Pháp, đã thấy khác nhau rồi. Nhưng mời quý vị nếm thử những bát Phở ở một khu Chợ Vòm bên Warsaw (Ba Lan); trong Chợ Hổ tại Budapest (Hungary); hay ở Mátxcơva bên Nga. Những bát Phở từ miền Bắc di cư sang Đông Âu và những tô Phở từ miền Nam vượt biển sang các nước Âu, Mỹ, Úc có mùi vị khác nhau. Phở Hà Nội chắc chắn khác Phở Sài Gòn, Phở trong nước và Phở hải ngoại bây giờ cũng khác nhau. Phải nếm thử mới biết.
Mùa hè năm 2007 tôi sang Phần Lan. Tới Helsinki, nơi Nguyễn Tuân đã từng ngồi nhớ Phở nửa thế kỷ trước, tôi mới được "về với mẹ cha!" Rất tiếc tôi không có chút năng khiếu nào về chuyện ăn và uống, cho nên không dám động tới những đề tài cao quý đó, sợ mang tội vọng ngôn. Phải có những chuyên viên ẩm thực mới dám nghiền ngẫm, đắn đo, nếm náp, so sánh, suy nghĩ, và bàn luận về những chuyện vĩ đại như chuyện Phở.
Cần sử gia thứ thiệt
Nhưng đáng tiếc chúng ta không có một sử gia nào chuyên nghiên cứu về Phở. Thiếu những công trình nghiên cứu khoa học đứng đắn, mai mốt có khi con cháu chúng ta ở Mỹ không còn biết Phở là món ăn của người Việt mang tới nữa; có khi lại tưởng Phở là một món ăn Hàn Quốc! Vì dân Cao Ly ở Mỹ cũng đang mở tiệm Phở lấy trong các Korea Towns, họ không cần thuê đầu bếp Việt Nam nữa!
Một điều đáng báo động là báo chí sách vở sẽ viết rất nhiều điều sai lạc về Phở mà không có một chuyên gia có thẩm quyền nào đứng ra đính chính. Thiếu một giáo sư sử học chuyên về Phở. Không có những cơ quan giống như hàn lâm viện chuyên về Phở. Cho nên nhiều ông, bà chủ tiệm Phở cứ nói nhăng nói cuội rồi báo Mỹ, báo Pháp cứ thế in lên. Mai mốt có sử gia nào, có nhà nghiên cứu nào quan tâm tìm hiểu, họ mà căn cứ vào các tài liệu trên giấy trắng mực đen đó để viết lịch sử Phở thì chúng ta coi như mất gia phả!
Mối lo lắng này có thật, vì đại đa số các người mở tiệm Phở ở nước ngoài đều là dân "nhảy dù" vào nghề nấu Phở. Có một anh mở tiệm Phở ở Montréal, nơi tôi đã sống hơn 20 năm. Anh tuyên bố rằng gia đình anh đã nấu phở từ bốn đời! Các cụ đã dày công nghiên cứu cải thiện món "súp tôngkinoa" (Tonkinoise - Bắc Kỳ - BT) này cho tới chỗ tuyệt hảo, đã ghi thành bí kíp chỉ truyền cho con trai thôi. Từ Hà Nội vào đến Sài Gòn rồi qua Montréal, con cháu không bao giờ dám bỏ tổ nghiệp! Cứ nghe anh ta nói thì tưởng như chuyện Nhị Thập Tứ Hiếu, nghe rớt nước mắt được! Nhưng bà con chung quanh ở Montréal đều biết cụ thân sinh ra anh vốn là một công chức, mẹ anh làm tiểu thương, anh đi học kỹ sư, vợ anh cũng là một cô giáo! Trong nhà chẳng có ông con trai nào biết nấu nướng bao giờ, cho đến khi phải chạy sang Canada tị nạn mới làm nên sự nghiệp Phở! Đúng là thời thế tạo anh hùng.
Nhưng thử tưởng tượng các sử gia sau này vào thư viện hay vào Google trên Internet nghiên cứu những tài liệu đó! Hiện nay còn bao nhiêu ông bà chủ tiệm Phở khắp thế giới đang "bốc phét" về nghề nghiệp của mình với mục đích marketing, nói cho "bọn Tây nó" ghi chép! Chúng ta sẽ có ngày hối hận vì không ai lập một quỹ học bổng dành riêng cho các sinh viên cao học và tiến sĩ muốn nghiên cứu về Phở!
Biết bao giờ mới có một sử gia viết về món Phở của nước ta với tấm lòng nhiệt thành và kính ngưỡng? Bây giờ nếu có một sinh viên người Việt nào tình nguyện đi làm luận án tiến sĩ về lịch sử Phở, tôi chắc bố mẹ sẽ mời ra khỏi nhà ngay, không chịu trả tiền học cho con nữa! Nếu có một nhóm Mạnh Thường Quân chung nhau mỗi năm một chục ngàn làm học bổng trong vòng ba bốn năm, chắc sẽ có một bạn trẻ dám đi khai phá một môn học mới, sau này sẽ gọi là Phở học. Khó tìm ra những Mạnh Thường Quân như vậy! Tôi quen một sinh viên sử học đang muốn làm luận án về các "trại cải tạo," mà không biết có ai sẵn sàng cấp học bổng hay không nữa!

(Trong bài này tôi long trọng viết hoa chữ Phở, chỉ để tỏ lòng kính trọng một món ăn dân tộc, viết không đúng phép, xin quý vị thứ lỗi. ĐQT - Theo"Viet Tribune")


Đỗ Quý Toàn

Lao Động Cuối tuần số 5+6 Ngày 03/02/2008

Aucun commentaire: