mardi 5 février 2008

Đi chợ tết vùng ven



TTO - Không ồn ào náo nhiệt, không tất bật vội vàng, mùa xuân đang đến với người dân ngoại thành TP.HCM một cách lặng lẽ mà trang trọng, đơn giản nhưng chân thành...

Ngọt lịm chung trà tết

Sáng 29 tết, chúng tôi có mặt tại nhà anh Nguyễn Ngọc Ẩn, một thương binh trong thời chống Mỹ ở ấp Bàu Cạp xã Nhuận Đức, Củ Chi. Bên cạnh thùng bánh tét chuẩn bị vớt, anh vui vẻ khoe năm nay cả nhà sum họp. Con cái anh đã về đông đủ. Các cháu cũng có mặt không sót đứa nào.
Gia đình anh Ẩn chuẩn bị cúng đón ông bà. Trên bàn thờ gia tiên bên trái có đủ ngũ quả sung, mãng cầu, dừa, đu đủ và xoài (sung cầu vừa đủ xài). Một bình bông gồm nhiều thứ bông mà chính anh đã trồng mấy tháng trước. Bên phải một cặp bưởi có cả nhánh lá xanh tốt anh vửa cắt sáng nay trong vườn. Nhang đèn, khói hương nghi ngút.
Chị Ẩn tươi cười nói với chúng tôi, vừa kho xong một nồi thịt kho với 20 trứng vịt. Dưa giá cũng vừa kịp ăn. Thế là đủ cho ba ngày tết rồi. Cần gì cao sang hơn nữa. Năm rồi công việc làm ăn của anh chị không suông sẻ. Đàn heo khoảng 400 con của gia đình anh phải bán vội vì có tin dịch heo tai xanh lan đến. May mà chỉ lỗ công nếu không chắc năm nay không có tết.


Chợ Trung Lập Hạ buồn thiu trong ngày cận tết

Chợ Phạm Văn Cội cũng không khá hơn.
Đìu hiu chợ tết
Sáng 29 tết chợ Trung Lập Hạ đông hơn ngày thường. Đây là một ngôi chợ nằm sâu trong lòng đất thép Củ Chi, thưa thớt và vắng vẻ. Không có gian hàng quần áo, không có những quầy bành kẹo sang trọng. Những thùng bia, những chai rượu đắt tiền hoàn toàn vắng bóng. Chúng tôi chỉ bắt gặp ở đây bên ngoài chợ những chậu hoa cúc, hoa vạn thọ, những cụm mai nhỏ những khóm sống đời với giá bán chỉ vài chục ngàn đồng.
Hoa quả thì chỉ là những đặc sản địa phương mà bà con thu hoạch không dùng hết đem ra bán để khi tan chợ mua về chút ít gì cần thiết cho gia đình trong những ngày tết. Nhà lồng chợ rêu phong. Bên trong một sạp thịt heo mà người bán đang lóng ngóng tim khách. Kế đó, một chị bán cá bày bán những con cá đồng đen tuyền.


Chợ di động ở Củ Chi


Người mua thì lác đác. Xôm tụ nhất có lẽ là anh bán hàng la (vừa bán vừa la). Tiếng mời chào của anh lảnh lót, áo gối mũ nón bằng vải vốn là những mặt hàng không bán được ở thành phố được anh đem về đổ đống bán với giá rất mềm. Nhưng la thì la người mua cũng ghé mắt nhìn rồi quay quả ra đi. . .
Chợ Phạm Văn Cội đông khách hơn nhưng sức mua cũng không nhiều. Nhìn khu chợ rất bề thế nhưng khách đến chợ vẫn cứ lác đác như những chiếc lá cao su ở phía sau chợ lặng lẽ rơi vào những ngày cận tết.
Vòng quanh một số chợ làng ở Củ Chi, tịnh không có bóng một con gà. Bà con cho biết từ khi có dịch cúm gà H5N1, người dân chấp hành triệt để lệnh của chính quyền địa phương, đã không nuôi gà thả vườn. Ở Củ Chi chỉ có những trại gà nuôi tập trung theo kiểu công nghiệp.

Một đoạn đường thơ mộng nhất Củ Chi

Trên đường ngang qua những xóm ấp vắng vẻ, chúng tôi bắt gặp những ngôi chợ di động. Đó là những chiếc xe lôi trên đó hàng hóa có đủ từ thịt cá đến... cây kim sợi chỉ. Chợ di động đi dến từng nhà bán theo yêu cầu của khách. Nửa bó rau cũng bán miễn sao có người mua là được. Giá cả thì không cao hơn ở chợ nhưng được phục vụ tận nơi, có khi còn được cho nợ hôm khác thanh toán cũng được. Có lẽ vì thế mà các ngôi chợ làng vắng khách!?


Ngất ngây con đường đẹp

Trên các con đường ngang dọc của Củ Chi, cuộc sống của người dân vẫn bình lặng như ngày thường. Cái dễ thấy hương vị tết nhất nhờ những cây mai trong vườn đã nở hoa vàng rực. Ngoài ra bà con vẫn thế nhưng trong lòng người dân Củ Chi vẫn vui, vẫn thấy lạc quan yêu đời bởi cuộc sống của họ không vướng bận những lo toan, những bon chen trong cuộc sống.
Duy nhất ở Củ Chi, có đoạn đường 1km trên tỉnh lộ 15 ngang qua ấp Phú Thuận xã Phú Hòa Đông mang đậm sắc xuân. Đây là đoạn đường đẹp nhất của Củ Chi và theo chúng tôi có lẽ đẹp nhất thành phố. Đường không rộng nhưng hai bên đường rợp bóng keo lai. Những cây keo lại (tràm bông vàng) được trồng từ hàng chục năm về trước gốc đã to, rũ lá và giáp tán che kín con đường mát rượi.

Ghe thương hồ chuyển khóm lên bờ

Trò chuyện với một khách thương đang chuyển khóm từ ghe lên bờ, anh cho biết đây là chuyến hàng cuối cùng trong năm. Từ Bến Lức (Long An), chiếc ghe lặn lội khắp vùng sông nước Lương Hòa - nơi duy nhất trong cả nước trồng được khóm có hương vị vừa thơm vứa ngọt mười trái như chục - để đưa khóm về đây phục vụ bà con trong dịp tết.


Anh Ẩn cắt quả bưởi trong vường để cúng gia tiên


Chỉ cách TP.HCM hơn 30km, tết ở Củ Chi đáng yêu làm sao. Một cái tết rất chân tình, rất mộc mạc nhưng chứa đựng rất nhiều tâm tình của người dân quê một nắng hai sương. Ngày tết công việc đồng áng có thể nghĩ ngơi nhưng con mắt của họ luôn dõi về phía xa xăm nơi có những cánh đồng cho hạt gạo nuôi đời.



TRẦN CHÁNH NGHĨA

Aucun commentaire: