lundi 11 février 2008

VẠN SỰ HANH THÔNG

Mồng một Tết, vua mở tiệc thết cả triều đình, từ nhất phẩm đến tam tứ phẩm. Rượu nồng dê béo xong xuôi, vua nâng cốc hân hoan đề nghị:
- Khí xuân tươi tốt, vận nước đang hưng, hôm nay đầu năm, trẫm muốn các khanh mỗi người kể một chuyện, cũ mới gì cũng được, nhưng phải hưng phấn để chúc mừng năm mới vạn sự hanh thông, lộc tài sung mãn. Trẫm cho phép các khanh cười đùa thỏa thích, cười Trẫm cũng được, tự cười càng vui, vì chỉ người nào biết tự tin mới biết tự cười, nhưng trong tiếng cười phải có chất triết lý uyên thâm, phải đậm mùi hiền triết. Tuyệt đối không được bỡn cợt nhảm nhí, xỏ xiên, nhưng tuyệt đối không được đạo mạo, mô phạm. Cười thế nào để đúng như dân nói: một tiếng cười bằng mười thang thuốc bổ. Thời đại này, đồng tiền đi trước lội nước đi sau, Trẫm đề nghị bộ Hộ bốc thuốc trước!
Quan Hộ được xướng danh đầu tiên, sửa áo đứng dậy, mặt mày hớn hở, chuyện chưa kể nghe đã hấp dẫn.
"Tâu Bệ Hạ, chuyện này mới xảy ra hôm qua. Vừa mới hôm qua, đang ăn sáng, thần nghe nói trên núi cao kia có ông sư tu hành đắc đạo, ai cũng gọi là thần nhân. Thần vội vàng nhả miếng xôi, tức tốc tìm đường lên núi cầu hiền. Núi thật cao, hiểm trở, thần cởi dép, cứ hai bàn chân không mà leo. Đến lưng chừng núi thì thần nhân đã ngồi ở đấy, trên phiến đá, như tuồng chờ đợi. Đúng là thần nhân: râu dài đến rốn, tóc như mây, tiên phong đạo cốt. Thần dập đầu đãnh lễ, hôn đủ hai bàn chân, rồi quỳ xuống kính cẩn nghe. Thần nhân hỏi: "Ông quý nhất cái gì?" Thần đáp: "Tiền". Thần nhân hỏi: "Để làm gì?" Thần lại đáp: "Để tiền lại đẻ ra tiền. Để tiền hóa phép, đổi trắng thành đen." Thần nhân bèn chỉ ngón tay vào cái tách trà trong khay nước. Thần hoảng kinh hồn vía: cái chén biến thành vàng! Một cái chén vàng! Thần chưa kịp hoàn hồn, thần nhân lại chỉ ngón tay vào cái thìa, vào chiếc gậy, vào đôi dép, vào hòn đá: cái gì cũng biến thành vàng tuốt! Thần hoa cả mắt, thầm mong thần nhân chỉ ngón tay vào mình để mình biến thành người vàng thì hạnh phúc biết bao nhiêu!"
Vua ngắt lời:
- Thế khanh có mang cái thìa hay cái chén trà gì đấy về ... làm kỷ niệm chăng?
Quan Hộ có vẽ bẽn lẽn:
- Khi ra về, thần có lén lén sờ đến cái thìa nhưng nó cứ dính chặt vào khay. Sờ đến cái chén cũng thế. Lấy chân thử khua chiếc dép, nó dính chặt vào đất. Chiếc gậy cũng vậy. Thần về tay không.
Cả triều đình ồ lên một tiếng, chia sẻ tiếc nuối. Nhưng quan đưa tay biểu im. Chờ mọi người lóng tai, quan mới nói:
- Đêm hôm qua, thần vắt tay lên trán, nghĩ kế ra rồi, đơn giản thôi. Ngón tay ấy có phép, ta phải chặt mang về.
Có tiếng ai nói từ hàng tứ phẩm:
- Nhưng ngón tay đứt rồi thì làm sao mà trỏ?
Quan chỉ chờ câu phản hồi ấy để cắt nghĩa:
- Nó đứt thì ghép nó lại! Hiện nay chất xám trong nước tề tựu khá nhiều nhờ chính sách đãi ngộ, có nhà bác học làm được chất keo, dán vào cái gì cũng cứng ngắt, cầu sập dán lại, xe cộ giao thông bình thường.
Cả triều đình ồ lên một tiếng thán phục. Quan lại đưa tay biểu im.
- Tâu Bệ Hạ, thần có một cái tội lớn, hôm nay đầu năm xin đắp công chuộc tội. Vốn thần có một đứa con ... rơi, thiếu chăm sóc nên hay làm quấy, đến tuổi đi lính nó chặt ngón tay để khỏi tòng quân. Ghép ngón tay kia vào tay nó, thần cam đoan ngón tay sống lại bình thường, lúc đó biểu nó chỉ ngay vào cái núi để bảo đảm có ngay núi vàng chống lạm phát. Và thần cũng cam đoan không biểu nó chỉ cái gì riêng cho mình, nhà tranh vách đất đã quen nếp rồi.
Cả triều đình ồ lên hưởng ứng một viễn tượng cực kỳ hưng phấn. Vua rạng rỡ nâng cốc hướng về phía Bộ Lễ. Tiên học lễ, bộ Lễ cao hơn bộ Hộ, ông này ngấp nghé cái ghế cao hơn, nhưng lễ nghi thì đào đâu ra tiền, nên tý sửu mẹo dậu cứ trôi qua mà vận may chưa chịu tới. Ức quá, nhiều khi ông chẳng cần giấu diếm, cứ vén áo lên bụng để ngoài da. Chuyện của ông phản ánh chút xíu tâm trạng đó.
"Tâu Bệ Hạ, chuyện của thần làm sao hưng phấn bằng chuyện của bộ Hộ được, nhưng hanh thông thì chưa chắc ai hơn ai. Đêm hôm qua, khi quan Lễ vắt tay lên trán không ngủ thì thần đánh một giấc ngon lành, chiêm bao toàn điềm tốt, tỉnh dậy còn tiếc, chỉ mong mộng là thực. Thần nằm mơ đang dự một kỳ thi, một buổi sát hạch kỳ quái, thử thách trí thông minh mà thần vốn thiếu, trong khi chẳng động gì đến mưu mẹo mà thần có thừa. Mà thi để lên chức ... tể tướng chứ có phải thạc sĩ, cử nhân loe ngoe đâu! Có ba chức sắc dự thi, hai ông kia bằng biếu kỷ sư thứ thiệt, lấy đâu từ bên Nga, bên Mỹ. Đề thi làm thần bối rối, tưởng chừng cái tai nghe nhảm; nó vỏn vẹn thế này: "Các ông đang ngồi trong một phòng không có cửa sổ, chỉ một cửa lớn thôi, mà cửa lại khóa, không có chìa để mở; ai mở cửa được trước để ra ngoài, người ấy làm tể tướng". Thần toát mồ hôi hột, bao tử thót lại, bụng dưới đau thắt. Nhìn hai ông kia làm bài, ruột gan lại rối bời. Họ tính, họ toán, họ thử xoay tay bên này, xoay tay bên kia, bấm nút bên trên, bấm nút bên dưới, vẽ lên giấy bao nhiêu độ ngang độ dọc, làm phương trình toán nọ toán kia. Còn mình ... ngồi thộn mặt ra, xương sống đau điếng, bụng dưới cồn cào đầy nước, ấm ức, thôi thúc, xốn xang, bức bách. Đến một lúc, chịu không nổi nữa, quả bóng như sắp xì ra, thần bật dậy như cái lò xo, lò xo biểu sao làm nấy, biểu vặn núm cửa thì vặn núm cửa, đẩy ra thì đẩy ra, cánh cửa mở toang! Mở toang! Dễ như đá banh vào lưới không có thủ môn! Hóa ra cửa không khóa. Nói khóa là nói lừa. Phỉnh!
Thế là thần thắng cuộc. Thần là người thông minh xuất chúng. Thần là người khoa học, biết kiểm chứng sự kiện trước khi lý luận. Tỉnh dậy, thần tưởng như có ngón tay ai chỉ vào bụng mình: bụng ngài không có vàng nhưng có ông tể tướng ngúy ngoáy".
Cả triều đình ồ lên một tiếng hanh thông với cái bụng chứa thứ vàng quý hơn vàng. Vua hài lòng lắm, cả hai chuyện tưởng giỡn chơi mà coi bộ triết lý cao siêu, trong giả có thật. Ngài nâng cốc hướng về phía Bộ Y. Bộ này đang gặp nhiều khó khăn, nào tiêu chảy, nào dịch tả, nào đồ ăn thức uống chứa đầy độc tố, nào dịch vụ ... Nhưng quan Y biết trước chuyện mình kể cũng sẽ không thua ai về mặt hanh thông.
"Tâu Bệ Hạ, thần ở kinh đô, nhưng bao giờ cũng lo lắng sức khỏe của dân, nhất là dân nghèo ở vùng cao vùng sâu. Bằng cớ là có một anh nông dân khố rách áo ôm thỉnh thoảng vào đến tận nhà thần mỗi khi đau ốm. Bây giờ bệnh xá đã mở ra khắp nơi, chỗ anh ta ở cũng có bệnh xá, có hai bác sĩ, ba y tá, nhưng hơi kẹt một nỗi là không có thuốc, một viên cũng không. Bởi vậy thần phải kết hợp nhuần nhuyễn thực tiễn và lý thuyết để đưa ra phương án thích hợp nhất và lần nào cũng thắng lợi. Anh ta khai đau bụng, thần biểu: "Về nhà, kiếm lá cây muồng, sắc lấy nước, uống vào là hết ngay". Mà hết thật! Lần khác, anh ta khai đau đầu, thần biểu: "Về nhà, kiếm lá cây muồng, sắc lấy nước, uống vào là hết ngay". Lành tức khắc! Lần nữa, anh ta khai vợ sinh con khan sữa, thần biểu: "Về nhà, kiếm lá cây muồng, sắc lấy nước, uống vào là hết ngay". Sữa chảy ào ào, con bú không hết! Trăm lần như một, thần chỉ có câu ấy thôi, bách bệnh tiêu trừ.
Bỗng nhiên hôm qua, lại cũng hôm qua, anh ta lò mò bước vào cổng, tay chân vẫn cứng cáp nhưng mặt mày hớt hơ hớt hải. Hỏi bệnh gì để thốt ra "về nhà kiếm lá ..." cho rồi thì anh ta lần này lắp bắp, lưỡi như líu lại: "Nguy quá quan ơi, con trâu mới tậu, chưa sống qua đêm đã lạ chuồng, sỗng đi đâu biệt, mất nó thì con chỉ có nước tự tử". Tự tử thì uống lá gì cũng không sống lại được nên thần cũng hơi lo lo. Thần thương dân như con, thương cái đau mất trâu như chính thần mất mắt, nhưng cái đau mất trâu thì biết chữa thế nào nếu không tìm được trâu? Thôi thì cũng phải vậy mà thôi, thần biểu: "Về nhà, kiếm lá cây muồng, sắc lấy nước, uống vào là ... thấy trâu ngay". Anh ta mừng quýnh, ba chân bốn cẳng chạy về nhà, nhưng không vào làng mà phóng thẳng lên núi. Hóa ra anh ta xài lá muồng hết sạch sành sanh, chung quanh xóm cây nào cũng trụi trơn, chỉ còn có cách lên non mà kiếm. Lên non, bỗng anh ta đứng sững như trời trồng: dưới gốc bụi muồng, con trâu của anh đang vẫy đuôi gặm cỏ!"
Cả triều đình ồ lên một tiếng chia sẻ hồ hởi với quan Y. Không cần phải chờ vua nâng cốc hướng về phía mình, bộ Học đã đứng dậy. Bao giờ cũng vậy, hễ thiên hạ te tua xì xào gì đó về bộ Y là bộ Học được nhắc đến kế tiếp. Thấy quan đứng dậy, cả triều đình chờ đợi nghe chuyện hanh thông trong vấn đề tiến sĩ trạng nguyên gì đó, nhưng không, chuyện ngày Tết không phải là chuyện thường ngày. Quan kể:
"Tâu Bệ Hạ, cũng hôm qua, thần tháp tùng Thái Thượng Hoàng đi săn. Lần đầu tiên được phục vụ Ngài, thần quên nói cho Ngài biết rằng tính thần vốn lạc quan, gặp chuyện gì cũng kết luận "vạn sự hanh thông" cả. Trong khi săn, Ngài rượt theo con nai, vô ý bị cây đâm rách cả quần. Chuyện vua rách mông là chuyện chưa hề ai thấy, đáng lẽ thần phải giả lơ ngó đi nơi khác, vậy mà quen miệng, bịt không kịp, thần nói: "Vạn sự hanh thông, tối hảo tối hảo". Thái Thượng Hoàng giận quá, một tay che mông, một tay nắm cổ áo thần, nạt: "Sao nhà ngươi dám hỗn thế, có thấy cái giếng cạn kia không, cho nhà ngươi xuống ngủ dưới ấy!" Thần thưa: "Vạn sự hanh thông, tối hảo tối hảo". Thần bị xô té xuống giếng, đau quá, ngất luôn.
Rồi Thái Thượng Hoàng tiếp tục đi săn, nhưng thiếu thần dẫn đường, Ngài bị lạc vào trong một bộ lạc ăn thịt người, bị chúng bắt. Chúng cởi quần áo Ngài, toan thọc huyết để tế thần trước khi ăn thịt, nhưng thấy mông Ngài đỏ lòm máu, không tinh khiết, sợ thần quở, nên thả Ngài ra. Ngài mừng quá, nghĩ bụng: viên quan ấy nói vậy mà đúng phóc, cá đã nằm trên thớt mà vẫn sống phây phây, đúng là danh ngôn của bậc hiền triết. Tìm đường ra khỏi rừng, Ngài gặp lại thần từ giếng bò lên, vua tôi mừng rỡ kể hết sự tình. Bỗng Ngài hỏi thần: "Việc ta hanh thông thì đã rõ ràng, nhưng câu nói tiên tri hiền triết của nhà ngươi có áp dụng cho chính nhà ngươi chăng?" Thần đáp: "Áp dụng quá đi chứ! Bệ Hạ thử tưởng tượng: nếu thần không bị xô xuống giếng, thần đã bị chúng bắt, và vì mông của thần sạch trơn, thần đã bị chúng thọc huyết tế mất tiêu rồi! Vạn sự hanh thông, tối hảo tối hảo".
Cả triều đình ồ lên một trận cười khoái trá. Vua đứng dậy, hớn hở nâng ly, tuyên bố: "Nguyên Đán tốt lành, vua tôi đoàn kết, nhân dân no ấm, vạn sự hanh thông, tối hảo tối hảo!"
Cao Huy Thuần
Đăng trên Tạp chí Đà Nẵng
Số Xuân Mậu Tý

Aucun commentaire: