Đây là truyện ngụ ngôn “Tháp chuột” (tên tiếng Anh là The Mouse Tower) của Đức vào thời Trung cổ, cách đây ít nhất hơn năm trăm năm. Thời kỳ này châu Âu còn theo chế độ phong kiến, các lãnh chúa, hoặc các giám mục có quyền hành và thế lực rất lớn, trong khi người dân bị khinh thường như cỏ rác. Các nước châu Âu ngày nay đã theo chế độ dân chủ, câu chuyện sau đây tuy đã cũ, nhưng vẫn còn là điều đáng suy nghĩ đối với nhiều người, tại nhiều nơi. Nó đã được cựu Bộ trưởng Giáo dục Hoa Kỳ William Bennett chọn ghi lại trong cuốn The Moral Compass (Luân lý chỉ nam), do nhà Simon & Schuster xuất bản năm 1995, như một câu chuyện để răn đời. Nhân Tết con Chuột, xin dịch truyện này sang Việt ngữ kèm theo vài lời bàn, với hy vọng giúp vui bạn đọc trong giây lát buổi đầu năm.
Tháp chuột
Giám mục Hatto của xứ Mayence nước Đức là một người rất giàu có và tham lam. Thay vì tận hiến đời mình vào sự cầu nguyện và làm việc thiện, ông chỉ nghĩ tới chuyện làm giàu. Trang trại của ông được coi là giàu nhất nước, trong kho đầy nhóc lúa mì và ngô. Nhưng ông vẫn cảm thấy chưa đủ. Ông liên tiếp bắt dân chúng đóng góp thêm. Ông cho xây cất một tháp cao bằng đá tại một hòn đảo trên sông Rhine, và tất cả thuyền bè muốn đi qua đây đều phải đóng thuế. Những túi đựng tiền của ông đầy ắp tới nỗi bung ra ở đường khâu. Bất cứ việc gì không hay xảy ra cho những người khác, ông không bao giờ phải bận tâm.
Vào một mùa xuân nọ, nước sông tràn ngập, những vùng đất thấp đều bị lụt. Mùa màng bị thiệt hại, và nạn đói ụp xuống đầu dân chúng. Khi không còn chịu nổi đói khổ, dân làng kéo tới xin Hatto giúp đỡ.
Họ kêu than: “Cúi xin Giám mục nhân từ hãy thương đến những đứa trẻ đói khát của chúng tôi. Chúng chết đói trong khi vựa lúa của Ngài đầy ắp.”
Nhưng Giám mục Hatto chỉ cười. Ông nói: “Ta không thể giúp được. Nếu các người muốn lúa mì, tốt hơn hết là hãy mua của ta ngay bây giờ. Nếu để đến mai, giá sẽ cao hơn.”
Nhưng người dân không còn cách nào khác, ngày nào cũng kéo đến quanh nhà ông. Mặc dầu đã thử đủ cách, Hatto vẫn không thể đuổi họ đi được. Những đứa trẻ sắp chết đói cào cửa nhà ông, trong khi những bà mẹ khóc lóc giơ cao những hài nhi lên tận cửa sổ.
Cuối cùng, chịu hết nổi, Hatto đành ra gặp mặt họ, nói rằng: “Được rồi, các người đã thuyết phục được ta. Hãy tới gặp ta tại nhà kho lớn nhất còn trống phía dưới sông. Ta hứa sẽ làm cho sự đau khổ của các người chấm dứt.”
Những người sắp chết đói cảm thấy muôn vàn sung sướng. Mắt họ sáng lên, và sức mạnh trở lại với những đôi chân khẳng khiu. Họ cố lết tới nhà kho để đợi được phát thực phẩm. Họ bảo những đứa bé “Tối nay chúng ta sẽ có bánh mì”, khiến chúng hết khóc.
Đến giờ hẹn, Giám mục Hatto xuất hiện. Ông mím môi, trợn mắt quan sát đám đông đói khổ. Ông đứng bên ngoài theo dõi cho tới khi người dân cuối cùng vào trong nhà kho rồi đóng cửa, khóa lại chặt chẽ.
Trong khoảnh khắc đầu, những người dân đói khổ không biết chuyện gì sẽ xẩy ra. Họ đinh ninh Hatto sẽ vào ngay để để phát chẩn. Nhưng nhiều phút trôi qua, họ vẫn không thấy ông ta vào. Thay vào đó, họ nghe thấy tiếng cười độc ác của Hatto từ bên ngoài:
“Các người đã quấy nhiễu ta chẳng khác gì loài chuột, và bây giờ ta cho các ngươi chết như loài chuột.”
Những người dân khốn khổ đấm vào tường, kêu khóc xin tha. Nhưng cửa đã đóng chặt, và những nạn nhân mắc bẫy quá yếu vì đói, không đủ sức phá cửa mà ra. Ngày giờ trôi qua, và những dân làng đói khổ lần lượt chết hết.
Hatto tuyên bố: “Ta đã làm cho xứ sở một việc hữu ích là trừ khử được đám chuột chỉ chuyên ăn bắp.”
Suốt trong mấy tháng, thi thể của những người chết được để yên. Cuối cùng, một người làm việc cho Giám mục mở cửa nhà kho, định nhặt xương đem đi chôn, nhưng nhà kho trống trơn. Vị Giám mục nhún vai tuyên bố: “Thế là thoát nợ. Cát bụi đã trở về với cát bụi.”
Nhưng đêm ấy, giấc ngủ của Giám mục bị quấy nhiễu bởi những tiếng cào mau lẹ, giống như có thứ gì chạy trên sàn nhà. Sáng sau, ông bực mình thấy bức họa chân dung quý giá của ông trong phẩm phục Giám mục, được một nghệ sĩ danh tiếng vẽ với giá rất đắt, nằm dưới đất và bị gặm nát. Ông còn nhìn thấy cả nốt răng chuột sắc ở phần vải bố trước đó vẽ mặt ông. Ông cảm thấy ghê sợ khi nhìn thấy chính mình.
Vài ngày sau, một trong những người giúp việc, với vẻ mặt tái mét vì sợ hãi, tới trước mặt ông thì thầm loan báo: “Thưa Ngài, sáng nay khi mở một trong những kho lúa, tôi thấy bắp đã bị chuột ăn hết trơn.”
Ngay hôm ấy, trong lúc ngồi một mình ăn cơm chiều, Hatto nhìn lên và thấy một con chuột đang ngồi ngay đầu bàn bên kia. Đôi mắt nó nhìn thẳng vào ông bằng cái nhìn háu đói. Ông ném cái dĩa vế phía nó, nó chạy mất.
Sau đó, Hatto thấy chuột khắp nơi trong nhà. Ông thấy mũi chúng qua khe nứt nơi tường, đuôi chúng lòng thòng từ các ngăn kéo và kệ để chén bát. Ông đạp phải chúng trên bậc thang, và ngồi phải chúng trên chiếc ghế ông ưa thích. Chúng chạy qua khăn trải giường, và làm tổ ngay trong gối của ông.
Ông mang mèo về để trị chúng. Nhưng mèo cũng sớm biến mất.
Chuột tràn ngập nhà bếp và chạn đựng đồ ăn, ngấu nghiến đến mẩu bánh cuối cùng. Khi ăn hết thực phẩm, chúng gặm cả gỗ. Ông có thể nghe thấy chúng trong sàn và tường. Hatto run rẩy, và biết sợ lần đầu.
Một ngày kia, một người giúp việc chạy như bay vào phòng ông, la hốt hoảng: “Chạy mau, thưa Giám mục, chạy mau! Chúng tới phía này!”
Hatto nhìn qua cửa sổ: hàng chục ngàn con chuột đầy kín cả đỉnh đồi – nơi vốn có nhà kho của ông – đang tiến về phía nhà ông !
Con người đã từng phạm tội ác khủng khiếp trở nên bấn loạn. Phóng lên lưng ngựa, ông vội vàng bỏ chạy. Mặc dầu ngựa đã phi nước đại và ông ra roi không thương tiếc, vị Giám mục thấy đạo quân chuột bắt gần kịp ông. Tới bờ sông, tâm trạng hoảng loạn vì sợ hãi, Hatto nhảy lên một chiếc thuyền con, dùng hết sức bình sinh chèo tới giữa dòng, nơi có tòa tháp cao của ông trên hòn đảo.
Ông chạy vào trong, chặn cửa, nghĩ rằng mình sẽ an toàn. Tháp có tường cao, bờ đảo lại dốc đứng. Nước sông sâu và chảy mạnh.
Kiểm tra tủ đựng đồ ăn thấy thực phẩm còn đầy, ông cảm thấy dễ chịu. Đếm khoản tiền đã giấu nơi đây, ông còn cảm thấy khá hơn. Ông có thể cầm cự tại chỗ này cho tới khi cuộc xâm nhập qua đi. Ông trèo lên trèo xuống bậc thang trong tháp, chặn tất cả các cửa sổ, đóng mọi cửa ra vào. Rồi ông nằm xuống, nhắm mắt.
Ông chợt tỉnh vào khoảng nửa đêm. Điều gì đó đã khiến ông tới cửa sổ, nhìn ra. Ông không thể tin được những gì nhìn thấy.
Nước có mầu đen và sôi sục dưới ánh trăng. Chuột! Toàn là chuột – hàng ngàn, hàng triệu con – bơi thẳng về phía ông! Dòng sông bị tắc nghẽn vì chuột. Ông có thể nghe thấy tiếng lít chít và reo vui của chúng khi tới bờ.
Hatto chạy vội vào cầu thang, leo cao tới chỗ tận cùng rồi khóa cửa cố thủ trong một căn phòng cao nhất. Ông nín thở nghe ngóng. Ông có thể nghe thấy tiếng răng của chúng mài vào đá tường tháp.
Tuyệt vọng, ông mở của sổ, bắt đầu quẳng xuống bánh ngô và phó mát, hy vọng thỏa mãn bầy chuột phàm tục. Nhưng không phải chúng đến để kiếm ăn. Ông nghe thấy từ phía dưới tiếng chạy của hàng ngàn bàn chân tí hon trên cầu thang.
Hatto thét lên. Ông kéo tất cả những gì có thể kéo được – bàn ghế, những bịch tiền nặng chịch – chặn trước cửa. Ông hoảng loạn nhìn chung quanh. Chẳng còn gì để đẩy, chẳng còn chỗ nào để đi. Ông núp vào một góc bụi bặm và đợi.
Ông chẳng phải đợi lâu. Từ trong những bức tường, đằng sau cửa, dưới trần nhà, trên sàn nhà – khắp nơi, chỗ nào cũng có tiếng gặm.
Vài ngày sau, mấy người giúp việc của Giám mục mới dám mở cửa vào ngôi tháp đã bị tàn phá. Họ tìm thấy một ít ngô và phó mát, một đống bịch đựng tiền còn nguyên vẹn. Nhưng không tìm thấy dấu tích của Hatto.
... Đến trò chim chuột.
Khi còn nhỏ, tôi thường thấy các cụ dùng từ ghép “chim chuột” để chỉ những việc làm khuất tất, thiếu ngay thẳng. Chẳng hạn, trai gái “chim chuột” nhau là mối quan hệ nam nữ ngoài vòng lễ giáo. Về sau mới biết thêm sự tích của con vật vừa giống chim, vừa giống chuột là con dơi.
Truyện cổ kể rằng, loài dơi là sư tổ của những kẻ đi hai hàng, lúc nhận là người của bên này, lúc nhận là người của bên kia để thủ lợi. Truyện bắt đầu từ thời xa xưa, khi xảy ra cuộc chiến tranh lâu dài giữa loài chim và loài chuột. Chim bay trên trời, nghĩ rằng mình có khả năng nhìn bao quát mặt đất, nên phải được quyền làm chủ trái đất. Chuột sống trong lòng đất, cho rằng đất phải thuộc về mình. Đó là nguyên nhân xảy ra chiến tranh.
Lúc đầu, dơi đứng về phía chim. Nhưng khi thấy phe chim yếu thế, dơi trốn vào một nơi vắng vẻ, đợi thời. Khi thấy chuột thắng trận, dơi theo về với chuột. Bị chuột khám phá, nói dơi thuộc phe chim, dơi chối bai bải: “Hãy nhìn cho kỹ, lông của tôi, răng của tôi, và chân của tôi có đích thị giống chuột không? Loài chim đâu có thế?” Từ đấy, dơi theo phe chuột.
Ít lâu sau, thấy phe chuột yếu thế, dơi lại bỏ trốn, nằm một chỗ đợi thời. Khi chim thắng trận, dơi nhập bọn với chim. Bị khám phá là người của đối phương, dơi lại chối bai bải: “Hãy nhìn kỹ đây, tôi bay trên trời như các bạn. Loài chuột đâu có cánh như tôi?” Từ đấy, dơi lại theo phe chim.
Rồi cứ thế, hễ phe nào thắng, dơi đều tự nhận mình là người cùng bọn.
Khởi đầu cuộc chiến, bên nào cũng tưởng mình có thể thắng dễ dàng. Chim nhờ có tầm nhìn bao quát, tưởng chỉ cần sà xuống bắt chuột, đối phương sẽ hết đường chạy. Nhưng hầu hết chuột chui rúc trong hang, chim không nhìn thấy. Bay mãi cũng phải hạ cánh kiếm ăn. Nhưng đáp xuống đất chưa đứng vững, đã bị chuột rình từ trong lỗ nhảy ra vồ, không kịp cất cánh. Chuột rúc trong hang mãi, cũng phải bò ra ngoài kiếm ăn. Đúng lúc ấy bị chim sà xuống bắt. Đó là nguyên nhân đánh nhau mãi mà không bên nào thắng.
Cho đến khi cả chim lẫn chuột cùng biết mình không thể thắng được, bèn hưu chiến, bắt tay nhau nghị hòa. Họ lập một hội đồng quyết định số phận của dơi. Phe chuột nói với dơi “Mày theo phe chim, hãy về sống với họ.” Phe chim cũng nói: “Mày theo phe chuột, bây giờ hãy đi với chuột.”
Cuối cùng, chẳng bên nào chịu nhận dơi, và cả hai phe đồng ý quyết định: “Từ nay, mày sẽ bay một mình trong đêm, và sẽ không được làm bạn cả với những ai biết bay hay biết đi”.
Đó là lý do tại sao dơi biết bay mà không đậu trên ngọn cây như chim, và chuyên sống chui rúc trong những hang động tối tăm bẩn thỉu. Khi ngủ, đầu dơi chúi xuống đất, đít ở trên đầu. Và chuyên kiếm ăn vào ban đêm, như phường trộm cắp.
Lời bình rẻ tiền: Truyện cũ mà như mới. Địa vị, quyền hạn và sự tham lam của Giám mục Hatto ngày xưa, có vẻ giống các Bí thư Tỉnh ủy ngày nay. Thu thuế của dân, nhưng dân sống chết mặc dân, tiền thầy bỏ túi. Nhốt dân vào một nhà kho trống cho chết đói, có khác gì bắt dân chết đói tại những nơi hẻo lánh gọi là vùng kinh tế mới. Giết dân xong, Giám mục tuyên bố “Ta đã làm cho xứ sở một việc hữu ích là trừ khử được đám chuột chỉ chuyên ăn bắp.” Câu này nghe quen quen, giống như một ông lớn cộng sản, sau khi làm cho hàng triệu dân phải liều chết bỏ nước ra đi, đã tuyên bố đại ý: “Bọn ra đi toàn là đĩ điếm và cặn bã xã hội, để chúng đi cho sạch sẽ đất nước.” Điều đáng chú ý là, khi đói, dân kêu ăn, nhưng khi bị đối xử như loài chuột, họ sẽ vùng dậy. Và một khi họ đã vùng dậy, dù chỉ là loài chuột, không gì có thể ngăn cản họ được. Giám mục đã dùng mèo để đối phó, có khác gì nhà cầm quyền ngày nay dùng công an đàn áp, nhưng cũng thất bại. Truyện “Tháp chuột” ra đời từ thời chưa ai được nghe nói tới dân chủ, nhưng đã tiên liệu đúng số phận của các nhà độc tài phong kiến. Hy vọng cũng là một bài học quý giá cho các nhà độc tài hôm nay.
Còn truyện những con dơi, có thời, cả một đàn dơi, lúc theo Nga nhận mình mang dòng máu đỏ Mác - Lê, lúc theo Tầu nói rằng cùng là láng giềng giống nhau như anh em. Hậu quả là khi người anh em gần cho một bài học xương máu, người anh em xa vẫn tỉnh bơ. Và bây giờ, có lẽ chẳng thiếu gì dơi trong cộng đồng tị nạn, ai cũng có thể nhận ra. Vậy chẳng cần bàn thêm.
Đinh Từ Thức
© 2008 talawas
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire