mercredi 6 février 2008

Đám cưới tiến sĩ chuột Ta hay chuột Tàu?

Hà Vũ Trọng

Chuột, con vật nhỏ con nhưng vì lanh lợi nên đứng đầu 12 chi, và vì vậy được người Tàu tôn lên hàng “lão”. Tết Mậu Tí năm nay nhiều người nhắc đến bức tranh mộc bản nổi tiếng Đám cưới chuột, để rồi lại nhắc đến làng Đông Hồ. Nhưng thời vàng son của tranh dân gian Đông Hồ đã qua từ lâu, nay làng lại tiếp tục sang thời hoàng kim của hàng mã. Thời “hàng mã lên ngôi”, làng Đông Hồ đã giàu lên trông thấy. Riêng việc nghiên cứu “công nghiệp” hàng mã hay vấn đề tiền âm phủ được đô la hoá chỉ xảy ra trong thời mở cửa, có thể trở thành đề tài nghiên cứu thú vị và nghiêm túc về nền kinh tế Việt Nam. “Cõi dương làm sao cõi âm làm vậy”, dưới đó cũng có “ngân hàng âm phủ” (như ta thấy hàng chữ “The Bank of Hell” in trên tờ đôla “ma” mệnh giá lớn với chân dung Ngọc hoàng Thượng đế cùng với chữ kí của Diêm vương bay lăn lóc trên các vỉa hè Sài Gòn).


Hình ảnh thể hiện trong bức Đám cưới chuột ngày xưa vốn ưu ái dành cho trẻ em, sau này một số nhà theo chủ nghĩa hiện thực cắt nghĩa là nó “tố cáo giai cấp thống trị”, vì chuột thuộc thành phần “dân oan”, thấp cổ bé họng khi có chuyện cưới hỏi, đỗ đạt, cũng phải hối lộ bằng cách dâng con gà, con cá cho lão mèo tham quan! Nếu vậy, lại không tránh khỏi cái vụ “mua quà cho xếp” trong dịp Tết. Việc họ nhà chuột “dâng cá” (tất nhiên không chỉ dịp Tết) mà một ngài Thanh tra Chính phủ tiết lộ có khi trị giá cả trăm ngàn đô. “Con cá” trong cổ tích là con chuột nhỏ đúc vàng mà ông quan thanh liêm “dân chi phụ mẫu” tuổi Tí khi về hưu gặp cảnh nghèo xơ, đã tiếc rẻ trách vợ: Sao lúc đó bà không bảo với họ là tôi tuổi Sửu! Dẫu sao, giải thích Đám cưới chuột như “bức tranh hiện thực phê phán” theo lối trên là hợp với thời đại hơn bao giờ hết, lại vừa đầy ắp “bản sắc dân tộc”.

Đề tài họ nhà chuột tiếp tục được chíu chít chiếu cố, nhưng rôm rả nhất vẫn là về các món thịt chuột đậm đà bản sắc khắp ba miền. Ở các làng chuột miền Bắc, các đám cưới không thể thiếu thịt chuột. Thiếu chuột, lễ cưới không thành. Thật tuyệt, Thịt chuột lang thang kí, với đề xuất ăn thịt chuột cũng là để “cứu” nhân loại: “Theo thống kê của một tổ chức quốc tế, số lương thực mà họ hàng nhà chuột xơi trong một năm đủ để nuôi 20 triệu người trên thế giới. Nghĩ theo kiểu khác thì ăn thịt chuột, mà ăn cho nhiều vào, cũng là cách ‘cứu’ nhân loại”. Nói thêm, con người ăn thịt chuột thay mèo và nên thay cho thịt mèo để cứu loài “hổ đồng bằng” ở một số làng quê gần như tuyệt chủng.
Tới đây, bài viết này xin đi vào vấn đề: đưa ra vài nghi nhận trong việc tìm nguồn gốc và đề tài bức mộc bản Đám cưới chuột, còn gọi là Chuột vinh quy, lâu nay nó thường được gán cho là thuộc dòng tranh Tết Đông Hồ. Có thực sự như vậy không?
Nguồn gốc tranh Tết dân gian Việt Nam, về phong cách và đề tài sáng tạo của nó cho đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu nào rõ ràng. Và trong việc phân loại, cũng chưa có sự gạn lọc về xuất xứ để tránh sự “cầm nhầm” đáng tiếc.
Về tổng quát, tranh mộc bản dân gian Việt Nam - chủ yếu loại tranh dân gian Tết - nguyên thuỷ bắt nguồn từ tranh Niên hoạ (hay tranh Tết) của Trung Quốc. Hai dòng tranh dân gian tiêu biểu là Đông Hồ và Hàng Trống, về phong cách và đặc điểm chịu ảnh hưởng, tạm thời xác định:
  • Đông Hồ gần với dòng tranh Duy Phường hoặc Dương Gia Bộ (ở Sơn Đông).
  • Hàng Trống gần nhất với dòng tranh nổi tiếng Dương Liễu Thanh (ở Thiên Tân), do sắc thái nghệ thuật và kĩ thuật mộc bản (khắc nét rồi tô màu bằng tay và cũng thường đi về các đề tài truyện, tích).
Thời điểm các dòng tranh Niên hoạ Trung Quốc [1] này du nhập vào Việt Nam khoảng vài trăm năm trong thời nhà Thanh. Nhưng thời kì cực thịnh chỉ vào cuối thế kỉ 19 cho đến mấy thập niên đầu thế kỉ 20, nhất là thể loại truyện Nôm dân gian lúc đó nở rộ và luôn cần có tranh mộc bản minh hoạ. Về lĩnh vực này, học giả Maurice Durand và vợ ông đã dày công nghiên cứu rồi. Trên thực tế, loại tranh mộc bản dân gian thực sự đã cáo chung vào điểm mốc năm 1944, hiểu như một nhu cầu tiêu thụ về văn hoá và tín ngưỡng dân gian cho ngày Tết. Sau đó nó chỉ tồn tại như những phiên bản được một số nghệ nhân ráng duy trì nghề tổ, và khách hàng là những người chơi tranh. Cũng nói thêm, từ 1945, nhất là những năm 1950, loại tranh mộc bản này được chính quyền miền Bắc vực dậy với những đề tài cho những vận động chính trị, chính sách ruộng đất, hợp tác xã, lớp học bình dân...
Thời kì sớm nhất khi tranh Niên hoạ du nhập vào Việt Nam, có lẽ chỉ thịnh hành chủ yếu loại tranh với đề tài “cát tường” (may mắn, tốt lành) của Trung Quốc và tín ngưỡng như Đạo giáo, Phật giáo. Sau đó, các phường tranh này có nhu cầu khai triển, sáng tác thêm các đề tài bản địa, pha chế chất liệu riêng, nhưng về mặt kĩ thuật vẫn giữ nguyên sự thuần phác chứ không phát triển cho phong phú và tinh tế hơn. Riêng Hàng Trống, ngoài sự đóng góp quan trọng vào các loạt tranh tín ngưỡng như Đạo giáo, nhất là đạo Mẫu (với cả một hệ thống đồ tượng chư thần thánh bản địa như Bà Chúa Thượng ngàn, Tứ Phủ, Mẫu Liễu Hạnh, Ông Hoàng, Ngũ hổ), các loạt tranh đề tài văn học (như Truyện Kiều, Thạch Sanh), hay đề tài lịch sử, v.v... nó còn phản ánh trực tiếp sinh hoạt xã hội đương thời, nhất là đề tài “văn minh tiến bộ” hay “khai hoá” trong xã hội thành thị Bắc kì thời Pháp thuộc.
Bức Đám cưới chuột hay Chuột vinh quy của làng Đông Hồ là một trong những bức được tán tụng nhiều và được trẻ em yêu thích nhất. Hai bức tranh Tết cùng đề tài Đám cưới chuột, được lần lượt trình ra dưới đây với một số nhận xét và cũng để người xem tự so sánh, đánh giá :

  • Bức thứ nhất từ Việt Nam, do Maurice Durand sưu tập, in lại trắng đen cùng với hai dị bản khác trong cuốn Imagerie Populaire Vietnamienne.
  • Và bức thứ hai, Lão thử thành thân, tranh Niên hoạ từ Trung Quốc, in khắc do một phường tranh ở tỉnh Hồ Nam thời nhà Thanh. Đặc biệt, bức này nằm trong số tranh mộc bản do Lỗ Tấn sưu tập.



H.1. Đám cưới chuột, in trong cuốn Imagerie Populaire Vietnamienne của Maurice Durand



Bức trên đây được cho là sản phẩm của làng Đông Hồ, mô tả cảnh đám cưới chuột, có thể là bức xưa nhất vì còn giữ lại nhiều chi tiết và chữ khắc, đặc biệt tên của phường tranh.
Đọc các chữ (tính từ góc trên bên phải): “Bằng Liệt tân khắc lão thử thủ thân” (Bản khắc mới của Bằng Liệt bức Chuột cưới vợ). “Miêu nhi” (mèo); “tống lễ” (tặng quà); “tác nhạc”: chơi nhạc; “đả đăng” (vác đèn); “tân lang” (chú rể); “kiệu phu” (khiêng kiệu); “đả thái” (vác cờ phướn). Những dị bản khác cùng một chủ đề luôn có cảnh dâng lễ vật cho mèo hay “quan viên”. Durand nói có một số giải thích bức tranh này như là sự châm biếm người Tàu vào thời đó (xin tham khảo thêm bức Chuột Tàu rước rồng vàng ở phần Phụ lục). Gần như M. Durand bỏ quên câu truyện dân gian có liên hệ ít nhiều đến đề tài cho bức tranh này là truyện Nôm ngụ ngôn Đám cưới chuột của làng Liễu Đôi [2] ít được thịnh hành, và truyện cổ tích thịnh hành của Trung Quốc Lão thử giá nữ (Lão chuột gả con gái hay Cô dâu chuột) [3] .
So sánh truyện thơ Đám cưới chuột của làng Liễu Đôi với tình huống trong tranh, thấy chi tiết câu chuyện không ăn khớp, như: cảnh trạng nguyên vinh quy, mèo già có mặt ung dung như quan viên nhận lễ vật trong ngày cưới.

Các “dị bản” khác:

Các hàng chữ Nho: “miêu”, “tống lễ”, “tác nhạc”, lão thử thủ thân” (lưu ý: “thủ thân” 守身 ở đây là “giữ thân”(?) chứ không phải “thú thân” 娶亲hay “thành thân” 成亲là cưới vợ hay kết hôn). Còn chữ hàng dưới là “nghênh hôn”, “giai tế” (chú rể)





Chuột đi sau chú rể khiêng bảng đề “Tiến sĩ” . Con đi trước vác cờ đề “Tân hôn”.

Tiếp theo, hãy so sánh với bức Niên hoạ Trung Quốc được khắc in ở Hồ Nam để thấy sự trùng hợp gần như toàn diện, ngoại trừ vài chi tiết phụ.
Lão thử thành thân, Niên hoạ Trung Quốc đời Thanh, khắc in tại Thiệu Dương, Hồ Nam

Lão thử thành thân, Niên hoạ Trung Quốc đời Thanh, khắc in tại Thiệu Dương, Hồ Nam
Bức Niên hoạ Lão thử thú thân này, do nhà văn Lỗ Tấn từng trân giữ và gọi nó là thể tài đích thực truyền thống của Trung Quốc. Ông có nói đến trong tập tản văn Triêu hoa tịch thập (1926), chương “Miêu-cẩu-thử”: “Trước giường tôi có dán hai bức Niên hoạ, một là Bát giới chiêu thân (Bát Giới ở rể)... mà tôi không thấy đẹp mắt cho lắm; còn bức kia là Lão thử thú thân vô cùng đáng yêu, từ chú rể, cô dâu, chủ hôn, tân khách, giúp việc, nhân vật nào mõm cũng nhọn, đùi nhỏ, đuôi dài, râu tua, trông rất giống kẻ sĩ, nhưng ăn mặc thì áo hồng, khố lục...”
Đàn chuột trong tranh này về hình thể, đường nét, bố cục (cũng phân thành hai phần trên và dưới) và các hàng chữ có thể nói là giữ nguyên văn như trong bức mà M. Durand đưa ra. Cũng có tống lễ cho mèo, ban nhạc, đánh chiêng thổi kèn, rước đèn, phu kiệu... Chú rể cưỡi ngựa quay đầu nhìn về hướng cô dâu. Chỉ có vài chi tiết khác là đầu chú rể đội mũ quan triều Thanh (trong bức Đông Hồ là loại mũ cánh chuồn của trạng nguyên) và tay có cầm quạt. Còn hai bên khung cửa kiệu hoa (theo phối cảnh đối xứng) dán 2 câu đối: “Càn khôn định hĩ” (Trời đất định rồi), “Chung cổ lạc chi” (Chuông trống vui vầy). Còn hàng chữ trên cùng bức tranh, có 12 chữ khải: “Sở nam Than trấn tân khắc Lão thử thủ thân toàn bản” và “Bảo duyệt lai” phỏng như tự hiệu, cho biết bức tranh này làm tại Hồ Nam, Thiệu Dương, Sở Nam Than khắc ấn.
Toàn Trung Quốc có hơn 80 loại tranh Lão thử thú thân được in khắc, nhưng đa số đều hoạ hình tượng mèo là kẻ thù tự nhiên của chuột, tức vẽ ra thảm kịch chuột là “món ăn” của mèo. Thế nhưng bức Lão thử thú thân của phường tranh Than Đầu này không thường tình ở chỗ là nó không khắc hoạ cái thảm cảnh đó. Cũng như bức đám cưới chuột của Đông Hồ cũng không gây ấn tượng nào về con mèo xuất hiện như một tai hoạ. Như vậy, cách giải thích về bức tranh đám cưới chuột này phải khác và đứng độc lập theo ý nghĩa “cát tường” (là sự tốt lành, thuận lợi, may mắn) của ngày Tết. Rõ ràng ý hướng của của bức tranh này không phải mô tả tình huống rủi ro, bất hạnh.
Vì đây là bức tranh gây sự thích thú với trẻ em, nó được “nhi đồng hoá” không còn nhìn sự việc mèo chuột như kẻ thù của nhau trên thực tế. Đồng thời thế giới cổ tích này phản ánh sự cho phép của chúng ta nhìn về một thế giới đại đồng (như trong Dế mèn phiêu lưu kí), thể hiện một sự hoà thuận, cộng tồn, hướng tới nhân tình. Trong ý nghĩa này thì thái độ của người đối với chuột cũng thế, theo tập tục dân gian Trung Quốc xưa, cứ vào mùng 7 tháng Giêng người ta làm lễ cúng cho sinh hoạt của loài chuột, cũng gọi là Lão thử giá nữ (Lão chuột gả con gái) hay Lão thử thú thân (Lão chuột cưới vợ). Đây có lẽ là “lí do tồn tại” hoạt cảnh bức tranh đám cưới chuột. (Và có lẽ người Tàu gián tiếp cũng muốn cầu phồn thực, sinh con đẻ cái như... chuột vậy!)
Cũng lưu ý và không thể bỏ qua cách chơi chữ nghĩa trong dân gian của người Trung Quốc trong các biểu tượng mang nghĩa cát tường. Hàng chuột trên cùng trước đội nhạc có hai con khiêng lễ vật: ôm gà, nâng cá. “” 鸡 (ji) đồng âm với “cát” (jí) 吉; “ngư” (yú) 鱼đồng âm với “” (yú) 余. Mọi mùa tốt lành, quanh năm dư đủ là lời chúc đẹp cho đám cưới chuột. Dân gian thường dùng hình tượng “kê dương” (ji yáng) 鸡羊(gà, dê) biểu tượng “cát tường” (ji xíang), lấy “liên hoa lí ngư” 莲花 鲤鱼(hoa sen và cá chép) biểu hiện “liên niên hữu dư” 连年有余 (hàng năm dư đủ),... đã sớm trở thành nhận thức chung. Như vậy, “kê” cũng là nguyên hình của “phượng”, “lí ngư khiêu long môn” tức cá chép vượt vũ môn thành rồng (cũng chỉ việc đỗ đạt). Ở đây “kê” và “ngư” cũng tượng trưng cho “phượng và long”. Long phượng tức âm dương, càn khôn, nam nữ, vợ chồng. Vì thế “long phượng trình tường” là nghi thức không thể thiếu trong ngôn ngữ chúc tụng hôn nhân.


Phụ lục



Tranh hài hước dân gian Đông Hồ Chuột Tàu rước rồng vàng


Cảnh rước và múa rồng của cộng đồng người Hoa ở Hà Nội tổ chức vui chơi trong những ngày lễ hội. Họ được nhân cách hoá thành đàn chuột. Đây là cảnh múa rồng vào ngày tết. Đám rước bao gồm cờ, phướn, đèn cá chép (biểu tượng cát tường), trái cây, đội nhạc (kèn, trống, thanh la), pháo. Hai con chuột múa rồng ở đằng đầu và đuôi rồng. Điểm hài hước chính nằm ở những cái đuôi rất dài của đàn chuột ám chỉ đuôi sam dài mà người Tàu thời nhà Thanh phải mang. (Theo Maurice Durand)

Một số Niên hoạ của Trung Quốc đề tài đám cưới chuột


Niên hoạ Miên Trúc (Tứ Xuyên)


Niên hoạ Chương Châu (Phúc Kiến)




Tranh cắt giấy Thượng Hải


Lão thử giá nữ, niên hoạ Dương Liễu Thanh (Thiên Tân)


Trong Tây Du Kí , thầy trò Đường Tăng với nghi trượng đứng một bên xem cảnh đám cưới chuột tưng bừng tiến vào “Hang không đáy”. Niên hoạ Thượng Hải.



Cô dâu chú rể chuột trên tem do bưu điện Canada phát hành năm Mậu Tí 2008




Tham khảo
Maurice Durand, Imagerie Populaire Vietnamienne, École Français d’Extrême-Orient, Paris 1960
Tranh dân gian Việt Nam, Nxb Văn hoá Dân tộc, Hà Nội 1995
Mạt Thanh niên hoạ (Thượng Hải đồ thư quán quán tàng tinh tuyển), Nhân dân Mĩ thuât Xbx 2000
Vương Thụ Thôn, Trung Quốc nhân dân niên hoạ bách đồ, 1988
Tô Châu Đào Hoa Ổ mộc bản niên hoạ, Giang Tô cổ tịch Xbx 1991


Websites:






© 2008 talawas


[1]Tranh mộc bản Niên Hoạ có sớm nhất ở Trung Quốc chính thức vào thời Tống, ghi chép trong cuốn Đông kinh mộng hoa lục (1072) rằng cứ cận dịp Tết nguyên đán, chợ búa nhộn nhịp bán tranh niên hoạ các vị Môn thần, Chung Quỳ trừ quỷ, đào bản và đào phù (tức bùa trừ tà bằng cách cắm cành đào trước cửa) cầu may mắn, sự bình an. Có hơn 10 khu vực làm tranh Niên hoạ có tiếng. Nhưng bốn dòng mộc bản Niên hoạ sản địa trứ danh và lớn nhất, gọi là “Niên hoạ tứ đại gia”: Tô Châu Đào Hoa Ổ, Thiên Tân Dương Liễu Thanh, Sơn Đông Duy phường Dương Gia Bộ, và Tứ Xuyên Miên Trúc. Về danh xưng tranh Niên hoạ mỗi thời mỗi nơi gọi cách khác. Cho đến năm 1850 danh xưng “Niên hoạ” mới xuất hiện lần đầu và được chấp nhận dùng làm danh từ chung. Kho tranh Niên hoạ được xem là lớn nhất do các nhà truyền giáo Pháp sưu tập được vào cuối thế kỉ 19 và đầu thế kỉ 20, tổng cộng hơn 3000 tấm, hiện tàng trữ ở Thư viện Thượng Hải.

[2] Câu chuyện thơ Nôm miêu tả gia đình chuột tất tả lo chạy lễ cưới cho con với đủ mọi lễ nghi tập tục. Và cũng phải lo lễ vật cho lão mèo để lễ cưới diễn ra êm xuôi. Nhưng thảm cảnh chỉ xảy ra sau khi vợ chuột sinh đẻ, lão mèo đã đến bắt sạch đám chuột con mới sinh.

[3] Câu chuyện cổ tích Trung Quốc về một lão chuột muốn gả con gái cho kẻ giàu có và quyền thế, tính đi tính lại chỉ thấy có lão mèo là chọn lựa vừa ý. Nhưng khi rước dâu về đến dinh thự của mèo, lập tức cô dâu trở thành bữa đánh chén ngon lành cho chú rể trước khi làm lễ cưới. Một dị bản khác của Trung Quốc (có lẽ nguồn gốc từ ngụ ngôn Ấn Độ): Bố mẹ chuột muốn gả con gái cho một chàng rể có sức mạnh nhất. Bắt đầu đi hỏi mặt trời, rồi tới mây, gió, và núi. Cuối cùng nhận ra là chỉ có họ chuột “nhà ta” mới là khoẻ hơn hết thảy.

Aucun commentaire: