Trên địa bàn phường Quang Vinh, nội ô Biên Hòa, những dấu tích của một thành cổ với bờ thành bằng đá ong, toà kiến trúc hằn lên những vết tích của thời gian. Những gì còn sót lại chỉ là một phần nhỏ của một thành Biên Hòa được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, trải qua bao biến thiên lịch sử với nhiều tên gọi: thành Cựu, thành Kèn, thành Săn - đá...
So với những di tích thành cổ ở Nam bộ, thành Biên Hòa với những dấu tích còn lại là một điều may mắn cho vùng đất này. Bởi lẽ, trải qua hơn 170 năm được tạo dựng, trải qua bao biến cố thời cuộc, xã hội đã làm thay đổi và mất đi nhiều di sản vật thể thì công trình kiến trúc cổ Biên Hòa này vẫn còn những dấu tích rõ nét, hiện diện trong đời sống hiện tại.
Sử liệu cho thấy thành Biên Hòa được xây dựng năm 1834 dưới thời vua Minh Mạng và được mở rộng vào năm 1838. Vị trí thành được xây dựng trên vị trí thành bằng đất của vua Gia Long, sau đó xây bằng đá được mô tả: "Chu vi dài 338 trượng (khoảng 1.350m), cao 8 thước 5 tấc (khoảng 3,4m), dày 1 trượng 5 thước (trên 4m), hào đào rộng 3 trượng (12m), sâu 6 thước (2,4m), có 4 cửa thành. Ngoài ra còn có nhiều công trình khác như kỳ đài, cầu đá...".
Ngoài chức năng của một trung tâm hoạt động nhiều mặt xã hội đương thời, thành Biên Hoà có những đóng góp quan trọng trong việc bố phòng an ninh của nhà Nguyễn ở miền Đông Nam bộ nói chung và Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Chúng ta đừng quên rằng, thành cổ Biên Hòa được xây dựng là một thành quả có sự đóng góp sức người rất lớn của các thế hệ tiền nhân Biên Hòa. Trong thời kỳ thành xây dựng bằng đất có 1.000 người và khi xây bằng đá ong có đến 4.000 người tham gia. Trong diễn trình lịch sử của Biên Hòa - Đồng Nai, thành cổ Biên Hòa gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử: nhà Nguyễn dẹp cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi, cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược lần thứ nhất vào nửa cuối thế kỷ 19, cuộc tấn công của Hội kín yêu nước Lâm Trung Trại đầu thế kỷ 20, cuộc tấn công năm 1946 của lực lượng vũ trang Biên Hòa trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp...
Trải qua nhiều biến cố, thành Biên Hòa có nhiều thay đổi, âu đó cũng là số phận của vạn vật trong biến thay, đổi dời trong xã hội. Tổng thể quy mô của thành lúc nguyên khởi không được bảo vệ mà đầu tiên là từ năm 1861 quân Pháp chiếm đóng, thu hẹp lại chỉ bằng 1/8 so với trước. Về sau, những thể chế chính quyền đã sử dụng thành Biên Hòa trong các chức năng khác nhau và không lắm lần đã làm biến dạng những cấu kết kiến trúc.
Sự tồn tại của những dấu tích kiến trúc còn lại của Biên Hòa cần được bảo vệ. Thế nhưng, bảo vệ và phát huy như thế nào cần có một sự hài hòa trong xu thế phát triển đô thị hiện nay. Hẳn người Biên Hòa sẽ vui mừng một khi chứng kiến đô thị Biên Hòa hiện đại nhưng trong lòng nó vẫn bảo tồn di sản kiến trúc của tiền nhân để lại.
Di tích thành Biên Hòa được bảo vệ, tôn tạo sẽ làm phong phú thêm danh mục di sản của vùng đất Nam bộ và là di tích thành trì độc đáo của Biên Hòa. Nên chăng, các ngành hữu quan tôn tạo, sử dụng những kết cấu kiến trúc hiện tồn trong phạm vi di tích thành cổ Biên Hòa và kết hợp xây dựng các công trình kiến trúc mới hợp lý nhằm làm cho nơi đây thành một địa chỉ văn hóa của TP. Biên Hòa. Bộ sưu tập súng thần công được trưng bày tại Khu vực Quảng trường tỉnh (nay là Khu liên hợp văn hóa – thể dục thể thao tỉnh) được chuyển đến trưng bày trong một không gian được quy hoạch phù hợp sẽ làm tăng thêm ý nghĩa, giá trị của di tích. Nội dung cấu kết trưng bày tại di tích sẽ phong phú khi thể hiện lịch sử vùng đất Biên Hòa trong công cuộc giữ nước, bảo vệ quê hương, tôn vinh những danh tướng có công với xứ sở này. Đây cũng có thể xem như một Võ miếu - vốn di tích là thành trì quân sự - trong khi Biên Hòa đã tôn tạo xây dựng công trình Văn miếu Trấn Biên.
Phan Đình Dũng
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire