dimanche 10 février 2008

Từ "cốt cách Sài Gòn", ngẫm về quản lý TP.HCM

Một nơi như TP.HCM cần đi đầu trong phát huy dân chủ cơ sở, để người dân bầu trực tiếp một số chức danh lãnh đạo. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khẳng định, sau khi chỉ ra cái hồn của Sài Gòn.
Ông Nguyễn Đình Đầu nói: "Nhà văn Nguyễn Khải, người sinh trưởng ở miền Bắc và sống ở miền Nam, trước khi mất mấy tháng, đã tâm sự: ’Miền Bắc cho tôi tinh thần độc lập, miền Nam cho tôi tinh thần tự do, dân chủ’. Đó là câu nói cô đọng đủ làm những người nghiên cứu về miền Nam như tôi phấn khởi".

Đi đầu về ý thức dân chủ

Thưa ông, dân chủ tại Sài Gòn cần được hiểu thế nào, phát huy ra sao để đem lại lợi ích cho đất nước?
- Thời Pháp thuộc, người Pháp coi Nam bộ là một xứ Pháp ngoài nước Pháp. Nam bộ có những người như Trương Vĩnh Ký, có văn hoá, tinh thần dân tộc, nên người Pháp không thể cai trị như với châu Phi. Người Pháp dành cho Nam bộ quy chế như một nước dân chủ. Người dân Sài Gòn có ý thức về dân chủ sớm so với cả nước.


Ngày nay, tính dân chủ đó thể hiện bằng phát biểu. Báo chí - biểu hiện của ước muốn tham gia vào việc chung của cả nước, ước muốn tự do phát triển - phát triển nhanh nhất ở Sài Gòn. Khi chính sách không phù hợp ra đời, lập tức báo chí lên tiếng hiệu quả, giúp thực hiện một đời sống dân chủ.
Vậy nên, những quy định về dân chủ cơ sở ở TP.HCM, như để người dân bầu một số chức danh lãnh đạo, cần được phát huy; cần tạo điều kiện cho người dân lên tiếng nhiều.
TP.HCM hiện có mấy triệu sinh viên, học sinh, mà chỉ có một chương trình giáo dục chung với cả nước là thiếu dân chủ. Cần tạo điều kiện phát triển con người. Giáo dục cần tôn trọng cá tính, định hướng phát triển con người ngay từ nhỏ theo sở thích, năng khiếu.



Mạnh dạn thử nghiệm





Sài Gòn đã trở thành đất hội nhập ngay từ khi ra đời.
(ảnh chụp cảng Sài Gòn những năm đầu tiên của thế kỷ 20)


Theo ông, cần có tư duy, phương pháp quản lý thế nào cho phù hợp với Sài Gòn, phát huy được những gì mà Sài Gòn đã tích luỹ?
- Sợ nhất là sự duy ý chí và bảo thủ. Không thể lấy một chính sách đổ đồng cho tất cả các địa phương. Đối với TP.HCM, cần một cơ chế thích hợp với vị trí đầu tàu.
Tại nhiều cơ quan hiện nay, người lãnh chức trưởng phòng trở lên phải là Đảng viên. Điều này tại một nơi như Sài Gòn thì không nên, bởi vì nhân tài tại Sài Gòn đến từ nhiều nguồn khác nhau, thành phần dân cư đa dạng. Hoặc, vẫn còn cách phát biểu theo thói quen, chẳng hạn gọi chế độ cũ là nguỵ quân, nguỵ quyền.
Nếu cứ lấn cấn những vấn đề đó thì khó tạo được đoàn kết - yêu cầu lớn nhất hiện nay để huy động sức mạnh toàn dân.
Hay, chương trình giáo dục, chẳng hạn sinh ngữ, TP.HCM cần khác với cao nguyên, Trung bộ.
Người Sài Gòn có chất dễ tiếp nhận, nhưng tính tự giác đào thải cái không phù hợp cao. Vì vậy, với Sài Gòn có thể mạnh dạn thử nghiệm cái mới.
Ông Trần Bạch Đằng có nói: Dân Nam bộ có phong cách riêng, nếu không cẩn thận sẽ có chính sách sai. Khi một số lãnh đạo có ý định thực hiện cải cách ruộng đất tại miền Nam sau thời gian thực hiện tại miền Bắc, ông Trần Bạch Đằng đã phản đối, cho rằng không phù hợp.

Đang bị nông thôn hoá



Đầu tàu TP.HCM cần động lực mạnh. (ảnh: Wilkipedia)



TP.HCM giống một hợp chúng quốc thu nhỏ với người tứ chiếng cả trong, ngoài nước sinh sống. Rất nhiều người sống ở TP.HCM có tâm lý mình là người nơi khác. Điều này cộng với văn hoá NHANH khiến TP đối mặt với sự yếu kém trong ý thức giữ gìn cái chung như vi phạm luật giao thông, phá hoại vệ sinh công cộng, của công, vi phạm quy định chung... Tình hình này đòi hỏi hệ thống quản lý và chế tài đặc biệt chặt chẽ?
- Trước đây, giao thông Sài Gòn trật tự, người dân đi đứng có văn hoá, con trẻ lễ phép, đi thưa về trình. Bây giờ, những thói quen đó đã bị mất. Sài Gòn đang bị nông thôn hoá, thậm chí còn thua nhiều địa phương khác về nếp sống văn minh. Những hành động như vất rác ra đường, xì ke ma tuý, cướp giật, làm ăn chộp giật rất nhiều. Số người nhập cư không quen tác phong đô thị ngày một nhiều.
Công tác quản lý hiện nay chưa tới. TP thiếu những nhà phân tích đô thị, các hội nghị còn hình thức, chưa tận dụng được hết chất xám của những nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu. Ngay trong giới khoa học, vẫn còn phân biệt, kỳ thị giữa trong Đảng, ngoài Đảng, người Bắc, người Nam.
Đây là giai đoạn TP.HCM biến chuyển quá nhanh. TP.HCM muốn phát triển ổn định phải mất nhiều năm nữa, khi ngày càng nhiều người dân sinh ra tại mảnh đất này, trong điều kiện quản lý chặt chẽ, tận dụng được hết chất xám.

Phạm Cường (thực hiện)

Aucun commentaire: