Có những điều chắc hẳn bạn không nghĩ tới, như chuột cũng hát để tán tỉnh, chuột không hề thích pho mát, hay chuột rất cuồng nhiệt trong "chuyện ấy".
1. Chuột không hề thích pho mát
Ngược với những hình ảnh ngộ nghĩnh trong bộ phim hoạt hình Tom và Jerry, những con chuột nhắt không hề thích pho mát. Thay vào đó, chúng thích những đồ ăn có hàm lượng đường cao như ngũ cốc, hoa quả và sẽ ngoảnh mũi đi trước những thứ nặng mùi như pho mát.
2. Chuột cũng hát để tán tỉnh
Chuột có thể không hát để xin ăn, nhưng lại hát để lấy lòng bạn tình. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington, Mỹ, đã ghi âm những tiếng phát ra chói tai của 45 con chuột đực, họ nhanh chóng tìm thấy những âm thanh cao độ này có những đoạn lặp lại đều đặn, hay còn gọi là motif, thay đổi theo thời gian. Nói theo cách khác, chúng có thể được coi là bài hát. Những giai điệu này nghe có vẻ không khác gì tiếng hót của chim, mặc dù vẫn thiếu sự tinh tế của loài lông vũ.
3. Chuột đực gợi tình bằng nước mắt
Với đàn ông, việc khóc không được nam tính cho lắm. Nhưng khi một con chuột đực rơi nước mắt, dường như nó đang muốn chứng tỏ sự nam tính của mình. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát hiện thấy chuột đực tiết ra pheromone trong chất lỏng làm ướt đôi mắt chúng. Pheromone trong chất tiết ra này có thể sẽ được con cái nhận ra khi chúng âu yếm khuôn mặt của nhau. Những đầu mối sexy đó sẽ giúp con cái chọn lựa bạn đời tiềm năng cho mình.
4. Chuột giao phối không biết mệt
Thời gian giao phối ngắn nhất thuộc về loài linh dương nhỏ và voi: một lần "chăn gối" của hai loài này chỉ vỏn vẹn có 10 và 20 giây. Thời gian mỗi lần dành cho "chuyện ấy" của khỉ maki ở Madagascar là 2 giờ. Tuy nhiên, kỷ lục lại thuộc về loài chuột nhắt: 12 giờ. Chính vì lý do này, sau khi giao phối với con cái, một chú chuột đực chỉ sống thêm được 5-10 ngày.
5. Chuột có 'chiếc mũi tình yêu'
Ngoài chiếc mũi thông thường để tìm kiểm thức ăn, khi muốn kết đôi, chuột còn dùng thêm một cơ quan khứu giác phụ để phân biệt giới tính hay địa vị trong bầy của bạn tình. Thực chất, nó là chiếc xương lá mía nằm trong khoang mũi, có nhiệm vụ phát hiện chất pheromone do các con khác tiết ra và gửi các tín hiệu thần kinh tới thuỳ khứu giác. Tại đây, thuỳ khứu giác sẽ xử lý thông tin này, và cho biết đặc tính sinh sản của "đối tượng".
6. Chuột không biết sợ mèo
Các nhà khoa học Nhật Bản đã tạo ra được một con chuột biến đổi gene không hề biết sợ mèo. Chú chuột quanh quẩn và đùa vui với mèo như thể là bạn mình. Để làm được điều này, nhóm đã "ngắt" một vài vùng cảm thụ trên vùng não khứu giác, khiến các con vật không thể ngửi được. Từ đó nỗi sợ bị dập tắt. Các nhà nghiên cứu giải thích thông thường nỗi sợ dường do chính khả năng ngửi mà ra.
7. Chuột cũng nằm mơ khi ngủ
Khi các con chuột co tròn để ngủ, chúng "tua lại cuốn phim" về các hoạt động trong ngày - một trạng thái mà các nhà khoa học cho là tương ứng với giấc mơ của con người. Các nhà nghiên cứu giải thích trong khi ngủ, các dây thần kinh trong vùng hình ảnh của chuột "nói chuyện riêng" với dây thần kinh trong vùng hippocampus. Qua đó, giấc ngủ của chuột giúp củng cố lại những trải nghiệm trong ngày và làm cho những ký ức này trở thành dài hạn.
8. Sex càng nhiều, con càng khoẻ
Đó là bí quyết của những con chuột túi Australia khi chúng không muốn lãng phí thời gian để tìm kiếm bạn tình lý tưởng mà vẫn tạo ra được lứa con tuyệt vời. Ở loài Antechinus stuartii này, những con đực tập trung trong một cái tổ, chờ con cái xuất hiện và tìm cách giao phối với càng nhiều cô nàng càng tốt, như thể đó là cuộc truy hoan cuối cùng trong đời. Hai tuần sau, hệ miễn dịch của con đực suy tàn và chúng chết, trong khi các con cái tiếp tục sống để sinh ra một lứa duy nhất và cũng chết vài tháng sau đó.
Theo Vnexpress
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire