TTXuân - Sư được dân gian kính trọng như một bậc tu hành đắc đạo. Người ta đồn Sư nói chuyện được cả với cây và chim. Nói chuyện với người cũng được, điều đó không phải dễ. Sư còn nói chuyện được với thời gian, với bí mật của đời sống. Khả năng này thúc giục một ông lão đến tìm Sư.
- Bạch Sư, tôi sợ chết, tôi muốn sống lâu.
- Tưởng gì chớ muốn sống lâu thì dễ quá. Năm nay ông bao nhiêu tuổi?
- Quên rồi. Nhưng mai nở năm ngoái thì tôi chỉ mới bảy chín.
- À, thế thì mai nở năm nay ông chỉ mới tám mươi, còn quá trẻ. Tục ngữ nói: năm mươi là trẻ còn để chỏm, bảy mươi chưa vợ, tám mươi sinh con đầu lòng... Ông muốn sống đến bao nhiêu tuổi?
- Một trăm năm được không ạ?
- Ba vạn sáu ngàn ngày? Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy... Phù du! Huống hồ như vậy thì ông chỉ còn hai mươi năm nữa thôi để sống! Vậy hai mươi năm nữa ông chết nhé?
Ông lão đâm sợ, lật đật sửa sai:
- Không... không... Sư xin cho tôi một trăm năm mươi tuổi.
- Ông khiêm tốn quá, như vậy là ông chỉ còn bảy mươi năm nữa để sống thôi, chưa bằng quãng đời ông đã sống.
- Sư nói đúng, tám mươi năm vừa qua thoảng nhanh như giấc mộng, tôi tưởng như mới hôm qua hãy còn đánh bi, đá bóng...
- Tám mươi năm ấy là ông leo núi lên đến đỉnh, gian khổ nên tương đối thấy lâu; nay từ đỉnh trượt xuống, vèo là hết.
- Vậy Sư xin cho tôi ba trăm năm.
- Chỉ ba trăm năm thôi? Thua cả con hạc, con rùa. Con hạc sống đến năm trăm năm, con rùa ngàn năm, lẽ nào con người không bằng?
Ông lão bối rối:
- Vậy Sư bảo tôi phải sống bao lâu?
- Bao lâu đi nữa rồi ông cũng phải chết. Hay nhất là ông sống hoài sống mãi không chết. Ông muốn vậy không?
Ông lão mừng rơn...
Đó là chuyện thiền mà tôi chưa muốn kể đoạn cuối. Cũng là chuyện thiền mà mỗi năm, trong khi thắp hương cúng giao thừa, thêm một tuổi trên tóc bạc, tôi không muốn nhớ mà vẫn nhớ. Tôi nhớ, rồi tôi tự trào: chắc tôi phải xin sống thêm tám mươi mùa hoa mai nữa. Như vậy có khiêm tốn quá không?
Quá khiêm tốn. Tôi sẽ sống ba trăm năm, năm trăm năm, ngàn năm, vô tận, bất tử. Ông lão chỉ cần thắp hương giao thừa với tôi trước bàn thờ để sống bất tử với tôi. Ông sẽ thấy ông không phải đâu từ trên trời rơi xuống, đơn độc như cái nấm hoang giữa sa mạc. Ông sẽ thấy có ông và có người khác, ông bất tử nơi người khác, người khác bất tử nơi ông, ai cũng bất tử. Nơi ông, có ông tổ bảy đời của ông và ông tổ bảy đời của ông tổ ấy. Mai đây, ông sẽ sống nơi hậu duệ bảy đời của ông và bảy đời hậu duệ của hậu duệ kia. Ông thắp hương cho chính ông mà ông không biết đấy thôi, bởi vì ông tổ bảy đời của ông nằm ở đâu nếu không phải nơi ông?
Tôi sẽ nói thêm với ông: tôi còn là người Việt Nam, và, giống như tôi, mọi người Việt Nam khác đều không phải từ trên trời rơi xuống, mỗi người riêng rẻ, không ai liên quan gì đến ai trên đất Việt Nam này. Nếu ông cũng là người Việt Nam như tôi, ai dám quả quyết ông tổ mười đời của ông ở thời Lê thời Lý không có chút liên hệ gì với ông tổ mười đời của tôi? Ai dám quả quyết nơi máu tôi không có máu của ông, của một người Việt Nam nào khác? Nếu máu tôi không cùng một chất với máu của người ấy, tại sao máu của chúng tôi, của chúng ta, cùng nóng như nhau khi có ai nhục mạ Việt Nam?
Nếu máu chúng ta cùng nóng như thế, hẳn có cái thiên thu bất tận gì trong đó nơi tôi và nơi các anh. Tôi nhìn đốm hương và nghe lời đức Phật: con người không phải chỉ có cái thân; con người là thân, miệng, ý. Trong con người Việt Nam của tôi, máu của tiền nhân đã đổ xuống chảy vào máu tôi; tiếng Việt ngọt trên lưỡi tôi; thơ Nguyễn Du thơm trong từng da thịt tôi; vinh quang của Việt Nam nằm trong tâm khảm tôi từ nhỏ. Tiếng Việt không phải từ trên trời rơi xuống nơi lưỡi tôi, Nguyễn Du không phải từ dưới đất chui lên trong thịt da tôi, vinh quang không phải bỗng dưng mọc ra trong ý tôi; máu ấy, văn hóa ấy, ý thức cộng đồng ấy, tất cả những gì làm ra tôi ngày nay đã sống tự thiên thu và còn sống mãi tận thiên thu.
Câu chuyện thiền mà tôi vừa kể ở trên thật ra có đoạn cuối thế này: thiên thu không nằm ở đâu khác hơn là ngay nơi giây phút này. Hãy nhìn cánh hoa mai trước mắt: nơi vẻ đẹp của nó ta thấy cả thiên thu. Bởi vì ta chỉ quen nhìn mà không biết thấy nên hoa vô tri. Hãy thấy thì thấy thiên thu nơi mọi sự, mọi vật. Ông lão hãy cùng tôi thấy hoa: cũng hoa mai ấy năm ngoái, cũng hoa mai ấy năm kia, cũng hoa mai ấy thiên thu bất tận. Cũng hoa ấy thôi, không phải là một nhưng không phải là khác. Ông và tôi cùng thấy hoa rồi ông và tôi cùng thấy mình: cũng vậy, tôi bây giờ và tôi trong thiên thu không phải là một, nhưng khác nào đâu?
Như vậy đó, tôi nhìn và thấy tôi trên đốm hương: như là con người, như là con người gia tộc, như là con người Việt Nam, tôi hiện diện từ thiên thu. Nơi tôi có thiên thu Việt Nam.
- Bạch Sư, tôi sợ chết, tôi muốn sống lâu.
- Tưởng gì chớ muốn sống lâu thì dễ quá. Năm nay ông bao nhiêu tuổi?
- Quên rồi. Nhưng mai nở năm ngoái thì tôi chỉ mới bảy chín.
- À, thế thì mai nở năm nay ông chỉ mới tám mươi, còn quá trẻ. Tục ngữ nói: năm mươi là trẻ còn để chỏm, bảy mươi chưa vợ, tám mươi sinh con đầu lòng... Ông muốn sống đến bao nhiêu tuổi?
- Một trăm năm được không ạ?
- Ba vạn sáu ngàn ngày? Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy... Phù du! Huống hồ như vậy thì ông chỉ còn hai mươi năm nữa thôi để sống! Vậy hai mươi năm nữa ông chết nhé?
Ông lão đâm sợ, lật đật sửa sai:
- Không... không... Sư xin cho tôi một trăm năm mươi tuổi.
- Ông khiêm tốn quá, như vậy là ông chỉ còn bảy mươi năm nữa để sống thôi, chưa bằng quãng đời ông đã sống.
- Sư nói đúng, tám mươi năm vừa qua thoảng nhanh như giấc mộng, tôi tưởng như mới hôm qua hãy còn đánh bi, đá bóng...
- Tám mươi năm ấy là ông leo núi lên đến đỉnh, gian khổ nên tương đối thấy lâu; nay từ đỉnh trượt xuống, vèo là hết.
- Vậy Sư xin cho tôi ba trăm năm.
- Chỉ ba trăm năm thôi? Thua cả con hạc, con rùa. Con hạc sống đến năm trăm năm, con rùa ngàn năm, lẽ nào con người không bằng?
Ông lão bối rối:
- Vậy Sư bảo tôi phải sống bao lâu?
- Bao lâu đi nữa rồi ông cũng phải chết. Hay nhất là ông sống hoài sống mãi không chết. Ông muốn vậy không?
Ông lão mừng rơn...
Đó là chuyện thiền mà tôi chưa muốn kể đoạn cuối. Cũng là chuyện thiền mà mỗi năm, trong khi thắp hương cúng giao thừa, thêm một tuổi trên tóc bạc, tôi không muốn nhớ mà vẫn nhớ. Tôi nhớ, rồi tôi tự trào: chắc tôi phải xin sống thêm tám mươi mùa hoa mai nữa. Như vậy có khiêm tốn quá không?
Quá khiêm tốn. Tôi sẽ sống ba trăm năm, năm trăm năm, ngàn năm, vô tận, bất tử. Ông lão chỉ cần thắp hương giao thừa với tôi trước bàn thờ để sống bất tử với tôi. Ông sẽ thấy ông không phải đâu từ trên trời rơi xuống, đơn độc như cái nấm hoang giữa sa mạc. Ông sẽ thấy có ông và có người khác, ông bất tử nơi người khác, người khác bất tử nơi ông, ai cũng bất tử. Nơi ông, có ông tổ bảy đời của ông và ông tổ bảy đời của ông tổ ấy. Mai đây, ông sẽ sống nơi hậu duệ bảy đời của ông và bảy đời hậu duệ của hậu duệ kia. Ông thắp hương cho chính ông mà ông không biết đấy thôi, bởi vì ông tổ bảy đời của ông nằm ở đâu nếu không phải nơi ông?
Tôi sẽ nói thêm với ông: tôi còn là người Việt Nam, và, giống như tôi, mọi người Việt Nam khác đều không phải từ trên trời rơi xuống, mỗi người riêng rẻ, không ai liên quan gì đến ai trên đất Việt Nam này. Nếu ông cũng là người Việt Nam như tôi, ai dám quả quyết ông tổ mười đời của ông ở thời Lê thời Lý không có chút liên hệ gì với ông tổ mười đời của tôi? Ai dám quả quyết nơi máu tôi không có máu của ông, của một người Việt Nam nào khác? Nếu máu tôi không cùng một chất với máu của người ấy, tại sao máu của chúng tôi, của chúng ta, cùng nóng như nhau khi có ai nhục mạ Việt Nam?
Nếu máu chúng ta cùng nóng như thế, hẳn có cái thiên thu bất tận gì trong đó nơi tôi và nơi các anh. Tôi nhìn đốm hương và nghe lời đức Phật: con người không phải chỉ có cái thân; con người là thân, miệng, ý. Trong con người Việt Nam của tôi, máu của tiền nhân đã đổ xuống chảy vào máu tôi; tiếng Việt ngọt trên lưỡi tôi; thơ Nguyễn Du thơm trong từng da thịt tôi; vinh quang của Việt Nam nằm trong tâm khảm tôi từ nhỏ. Tiếng Việt không phải từ trên trời rơi xuống nơi lưỡi tôi, Nguyễn Du không phải từ dưới đất chui lên trong thịt da tôi, vinh quang không phải bỗng dưng mọc ra trong ý tôi; máu ấy, văn hóa ấy, ý thức cộng đồng ấy, tất cả những gì làm ra tôi ngày nay đã sống tự thiên thu và còn sống mãi tận thiên thu.
Câu chuyện thiền mà tôi vừa kể ở trên thật ra có đoạn cuối thế này: thiên thu không nằm ở đâu khác hơn là ngay nơi giây phút này. Hãy nhìn cánh hoa mai trước mắt: nơi vẻ đẹp của nó ta thấy cả thiên thu. Bởi vì ta chỉ quen nhìn mà không biết thấy nên hoa vô tri. Hãy thấy thì thấy thiên thu nơi mọi sự, mọi vật. Ông lão hãy cùng tôi thấy hoa: cũng hoa mai ấy năm ngoái, cũng hoa mai ấy năm kia, cũng hoa mai ấy thiên thu bất tận. Cũng hoa ấy thôi, không phải là một nhưng không phải là khác. Ông và tôi cùng thấy hoa rồi ông và tôi cùng thấy mình: cũng vậy, tôi bây giờ và tôi trong thiên thu không phải là một, nhưng khác nào đâu?
Như vậy đó, tôi nhìn và thấy tôi trên đốm hương: như là con người, như là con người gia tộc, như là con người Việt Nam, tôi hiện diện từ thiên thu. Nơi tôi có thiên thu Việt Nam.
CAO HUY THUẦN
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire