lundi 25 février 2008

Nghĩa địa cá Ông

(LĐCT) - Cá voi được người đi biển sùng kính gọi là cá Ông. Người ta bảo trong lúc nguy nan gió to sóng cả, cá voi thường xuất hiện như vị cứu tinh, dìu thuyền vào bờ. Khi cá chết, trôi dạt vào bờ, luôn được ngư dân chôn cất theo nghi lễ như thần.

Lão ngư Phạm Mai khấn vái tại nghĩa địa cá Ông.


Ở suốt dọc ven biển miền Trung có rất nhiều nghĩa địa cá voi, nhưng lớn nhất có lẽ là nghĩa địa cá voi xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Hằng năm, vào mùa xuân, lễ tế cá voi lại diễn ra như một tập tục tốt đẹp của ngư dân ven biển không chỉ riêng ở Tam Hải mà cả dải ven biển miền Trung...
Xã đảo Tam Hải bốn bề sóng vỗ, hầu hết người dân lấy biển làm nhà. Theo suy luận của những người già trên đảo, do "con đất" Tam Hải có duyên lành nên cá Ông gần như năm nào cũng "luỵ" vào. Đối với dân vùng biển, cá Ông luỵ vào đâu là ở đó may mắn, cả năm đánh bắt trúng đậm. Thực tế, xã đảo Tam Hải có cả 2 cửa biển An Hoà và Lở 2 bao bọc, có lẽ vì vậy nên cá voi hay theo thuỷ triều trôi dạt vào bờ. Ngư dân Đào Sơn chuyên nghề đánh bắt xa bờ, cho biết: Giữa năm 2007 cũng có một Ông thọ nạn, bà con đưa về táng ở nghĩa địa ở xóm Vạn Niên thôn 1, lập bia, cúng tế đàng hoàng.
Nghĩa địa cá Ông Tam Hải toạ lạc trên vùng cát trắng rộng rinh, giữa rừng dương vi vu trong gió, trong tiếng sóng triều rì rào từ biển vọng vào. Có đến gần 500 ngôi mộ chở che thân xác ngần ấy "ông" đã luỵ vào bờ biển Tam Hải từ ngót trăm năm qua. Nhiều người đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc khẳng định rằng, đây là nghĩa địa cá Ông quy mô lớn nhất và cũng có lịch sử lâu đời nhất miền Trung, và có lẽ trên cả nước.
Những ngôi mộ nhỏ nhắn được vun trên cát, táng theo hàng, hai đầu mộ đặt 2 viên đá ong vuông vức. Lão ngư Phạm Mai - năm nay 80 tuổi, thâm niên bám biển từ thời niên thiếu - nhớ lại: "Từ hồi tui nứt mắt ra, thấy biển là cũng đã thấy lăng Ông có rồi, trước nằm ở bãi Bấc, sau chiến tranh tàn phá, bà con cải táng các Ông về xóm Vạn Niên bây chừ. Các Ông "linh lắm: khi sống là thần cứu nạn tàu thuyền giữa biển nguy nan, khi luỵ về đây thành thần phù hộ dân làng chài mạnh tay tinh mắt rượt theo đúng luồng tôm cá, ra khơi trở về tôm cá đầy khoang...".



Ngôi mộ mới nhất chôn cất "Ông" luỵ vào năm 2007.

Lão ngư Phạm Mai cũng từng được cá voi cứu nạn. Ông Mai kể: "Lúc gặp bão, thuyền treo trên sóng, mọi người phó mặc cho trời xem như chết rồi. Hai Ông cặp vào 2 mạn thuyền, giữ chặt trong sóng dồi gió dập, dìu thuyền ra khỏi bão. Bởi vậy dân đi biển gặp khi bão tố bất ngờ, chỉ còn cách khấn Ông cứu mạng, nhờ vậy mà vững lòng tin. Có Ông còn dìu thuyền vào cho đến tận bờ, đuối sức mà luỵ...".
Trong ký ức của lão ngư Phạm Mai, lễ táng lớn nhất trong mấy chục năm qua, sau đó xây nên ngôi mộ cá Ông cũng bề thế nhất tại nghĩa địa này, là lần có đến 2 Ông cùng luỵ một lúc. Ông Mai chỉ nhớ đó là vào năm Sửu, đến tháng 8 âm lịch rồi mà thuyền ra biển thường chỉ về không, chẳng đủ tổn (chi phí), nguy cơ đói cả làng. Bữa nọ, một Ông to như chiếc thuyền luỵ bờ. Ngày sau, lại một Ông nữa luỵ. Làng báo lên quan, xin được táng lớn, dồn tiền của làm lễ lạt linh đình ba ngày ba đêm, mấy đoàn hát bội mời về hát thâu đêm suốt sáng, lại đặt bài tế dài xin Ông độ trì cho làng qua kiếp nạn. Xong, kéo nhau ra biển, quả nhiên năm ấy "thắng" lớn...


Nghĩa địa cá Ông Tam Hải với gần 500 ngôi mộ trên cát trắng giữa rừng dương.

Chính vì vậy, loài cá voi được xem như to lớn nhất biển cả bao la nhưng cũng rất hiền lành này khi chết luôn được ngư dân chôn cất như người. Các lão ngư Tam Hải nhớ lại, trước năm 1975, tang lễ cá Ông làm lớn lắm, có văn tế, có quan gia hàng huyện trở xuống áo dài khăn đóng đến lạy, người đầu tiên phát hiện ra Ông luỵ được đóng khăn sô chịu tang. Còn đại lễ tế cá Ông hằng năm diễn ra vào mùa xuân cũng là lễ tế thần Nam Hải, lễ cầu ngư và thời hiện đại thì kiêm luôn lễ ra quân đánh bắt xa bờ vụ chính trong năm (vụ cá nam). Bà con góp tiền góp gạo, chính quyền xã đứng ra chủ trì, làm lễ tế ngay nghĩa địa cá Ông, rồi rước linh Ông ra cửa biển, nhúng lưới, cầu ngư. Lễ tế thường mời đoàn hát bội về hát ba ngày ba đêm lấy "hên" trước khi tàu thuyền xa bờ xuất bến. Có nơi lại tổ chức đua thuyền. Điệu hát múa Bả trạo nổi danh chính xuất phát từ lễ hội cầu ngư này. Đây là lễ hội truyền thống chung của ngư dân suốt dọc ven biển miền Trung.
Đối với xã đảo Tam Hải bốn bề sóng vỗ, gần như dân cả xã lấy biển làm nhà, thì lễ tế cá Ông hằng năm thường tổ chức lớn. Tuy nhiên, dịp tế lễ cá Ông vào mùa xuân năm nay có thể sẽ trở thành lễ tế cuối cùng của ngư dân Tam Hải ở nghĩa địa cá Ông trên đảo này. Cũng như bao thăng trầm sóng gió bể cả, nghĩa địa cá Ông Tam Hải cũng luôn nằm trong vòng xoáy của bể đời, trước cuộc thế đổi thay, lần này là trước công cuộc công nghiệp hoá đang ồ ạt diễn ra ở dải đất ven biển.


Múa hát Bả trạo - một nghi thức không thể thiếu trong lễ tế cá Ông-cầu ngư.


Ông Nguyễn Đức Tục - Chủ tịch UBND xã Tam Hải - cho biết: "Dịp cuối năm 2007 đầu năm 2008, bà con cả xã vừa vui mừng nhận được quyết định của UBND tỉnh công nhận và bảo vệ nghĩa địa cá Ông là Di tích Lịch sử-Văn hoá cấp tỉnh, thì cũng cùng lúc với chủ trương sẽ tiến hành di dời trọn gói cả xã đảo này sang xã Tam Hoà, lấy đất cho dự án du lịch dịch vụ đặc biệt có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đôla Mỹ. Số phận nghĩa địa cá Ông chưa biết sẽ về đâu, vì nghĩa địa con người còn chưa có phương án di dời cụ thể, huống gì..."

.... Tuy vậy, những ngư dân Tam Hải bao đời nay vững vàng trước sóng gió bể khơi, giờ đây vẫn tin tưởng vào sự tồn tại của nghĩa địa cá Ông trong tương lai, như niềm tin vào sự cứu nạn của cá ông bao đời qua đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ vượt qua cơn bão tố bất ngờ. Họ có nguyện vọng, Nhà nước cũng sẽ tính toán cả phương án di dời nghĩa địa cá ông đến nơi ở mới. Điều này chẳng phải cũng phù hợp với định hướng phát triển mang tính kết nối giữa truyền thống và hiện đại đó sao?...

Trương Tâm Thư
Lao Động Cuối tuần số 8 Ngày 24/02/2008

Aucun commentaire: