mardi 26 février 2008

Thời gian

(VietNamNet) - Thời gian là thước đo vô hạn, vô hình. Nhưng cũng có khi là hữu hạn hữu hình, đo khoảng cách đợi chờ của người đàn bà, hằng đêm, với con tim thổn thức thương yêu hay hờn giận, nồng nàn hay buồn tủi, âu lo… Thời gian cũng là thước đo hữu hạn hữu hình, ngày ngày đo sự đổi thay của một đất nước, thông qua sự đổi thay bình dị mỗi con phố, làng quê, mỗi thế hệ, gia đình… sự đổi thay của thời cuộc

"Tiếng đêm"

Ngày ấy ra trường, tôi được phân công về thành phố, anh dạy học ở Biên Hòa. Mối tình thời sinh viên kéo dài thêm khoảng cách 30 cây số. Rời ký túc xá, tôi về ở nhà dì, trên căn gác ban ngày nóng như một lò bánh mì, có một cửa sổ nhỏ, mở ra nhìn xuống con hẻm rất yên tĩnh. Cái cửa sổ bạn bè vẫn thường gọi đùa là giống như một chuồng cu.
Mỗi tối thứ bảy anh đạp xe về Sài Gòn thăm tôi. Từ cửa sổ chuồng cu, tôi ngồi đợi anh. Mỗi khi nghe tiếng xe đạp ngừng dưới đường và tiếng huýt sáo nho nhỏ, tôi biết là anh đã đến. Nhưng, có khi tôi chờ đợi, chờ đợi mãi mà không biết rằng đêm đã trôi qua để vô tình cảm nhận những âm thanh của đêm: tiếng xe đạp chạy qua, tiếng còi tàu xa xa, tiếng guốc gõ trong đêm, tiếng gõ mì cóc cóc, tiếng lùa lao xao dây bạc cắc của người đấm bóp dạo, tiếng người nói cười gần xa và mất hút.
Thời gian lặng lẽ trôi. Có những tối thứ bảy nghe tiếng xe đạp dừng và tiếng huýt sáo của anh bên dưới, tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ nhìn xuống thấy anh ngồi trên xe đạp với đốm thuốc trên tay, và cũng có những tối thứ bảy, chỉ có tôi ngồi lặng nghe tiếng của đêm với những giận hờn đầy ắp...
Dì ra nước ngoài, tôi trở về nhà ba mẹ, sống và làm việc trong một thành phố thật đẹp, thật yên tĩnh. Mối tình của tôi và anh kéo dài mười năm, cộng thêm mười hai năm sống chung nhà với hai đứa trẻ con.
Bây giờ tôi không chỉ chờ đợi anh mỗi tối thứ bảy, mà gần như phải chờ đợi anh đêm đêm. Không còn tiếng xe đạp, tiếng huýt sáo khe khẽ ngày nào mà thay vào đó là tiếng xe máy, cộng thêm thảng hoặc có tiếng lè nhè của anh khi trở về nhà.
Rồi với những đêm phải chờ đợi, tôi cảm nhận được rằng tiếng đêm đối với mình sao thân thuộc quá: sự yên tĩnh của đêm, một vài tiếng xe chạy qua, tiếng người nói cười khi đi chơi về khuya, tiếng thạch sùng tặc lưỡi, tiếng còi tàu, cùng với tiếng thổn thức của nỗi lòng chờ đợi ....

Chờ đợi. Ảnh: myopera.com

Ngày xưa tôi ngồi đợi anh với một hạnh phúc vỡ òa khi anh đến, với những giận hờn ứ trong tim khi anh không tới. Bây giờ tiếng đêm và nỗi đợi chờ của tôi có cả những lo lắng, bồn chồn. Tất cả như một quả bóng tròn căng chỉ được xì hơi xẹp xuống khi nghe tiếng xe anh ngừng trước cửa.
Một ngày soi gương bất chợt tôi nhìn thấy một vài sợi tóc ngả màu theo năm tháng chờ đợi, vài nếp nhăn xuất hiện ở chuôi mắt, ở khoé môi. Những thứ đó và tiếng đêm đã là bạn đồng hành cùng tôi nhiều năm như thế. Nó đánh dấu cho những gì đã qua cũng như đón nhận những điều sẽ đến. Và anh, anh cứ vô tình không biết rằng tôi nhớ biết bao tiếng đêm ngày nào với tiếng huýt sáo khe khẽ của anh...

...Và "tiếng thời cuộc"


Thời cuộc đổi mới. Ảnh: Hoàng Hiển

Xưa, phố chỉ kéo dài hun hút với những mái ngói đỏ tươi, cây cổ thụ già cỗi nghiêng mình đón gió đầu làng… Con đê nhỏ ngoằn ngoèo như dải lụa đào len lỏi vào từng ngõ ngách… Nay, phố huy hoàng với dãy nhà cao tầng đủ màu sắc, nhà chung cư mọc lên dày đặc, nhà máy sản xuất hoạt động ngày đêm. Đường phố trải nhựa phẳng lì, các nút giao thông nhiều khi tắc nghẽn vì đất chật người đông.
Xưa, mọi người gặp nhau ấm áp tình người với ấm nước chè pha đặc, nước vối chan chát, miếng trầu têm khéo làm đầu câu chuyện. Nay, người ta gặp nhau và bàn chuyện trong những quán nước, những quán cà phê trang trí đa phong cách…Câu chuyện thời hiện đại dường như sôi động hơn, nhiều dư âm hơn qua vị đắng của cà phê, của điệu nhạc du dương không lời.
Xưa, miếng ăn phải xoay sở từng bữa. Người ta mò cua bắt ốc, củ sắn củ khoai thay cơm. Nay, các hàng ăn mọc nhiều như nấm sau cơn mưa. Món ốc, món khoai nướng, sắn hấp trở thành món ngon. Hàng ốc đầu phố Hàm Long nườm nượp khách đến vì nước chấm miễn chê, hàng ốc tại khu tập thể Kim Liên gần siêu thị Asean ăn xong được khuyến mãi kẹo. Học sinh, sinh viên tụ tập nhau tán chuyện ở những hàng ăn dân dã ấy.
Xưa, tài sản quý giá nhất trong nhà là chiếc xe đạp Phượng Hoàng, cha mẹ ki cóp, dành dụm mãi mới dám mua để đi lại thuận tiện hơn…Nay, bước ra phố là đủ loại xe máy: ZX, Jupiter, Nouvo. Xe đối với nhiều người chưa phải là thứ tài sản quý giá nhất…


Phố xá ngày nay. Ảnh: Phạm Hải

Xưa, trẻ con đùa nghịch vui chơi bằng những trò tự biên tự diễn: tập tầm vông, nu na nu nống, thả đỉa ba ba... Nay, khu vui chơi của con nít như Công viên Vầng Trăng, Công viên nước Hồ Tây… được trang hoàng hoành tráng, trò trượt ống, đu quay, trò cưỡi ngựa rộn ràng trong âm nhạc thiếu nhi vui nhộn. Đồ chơi của lũ trẻ giờ cũng đa dạng hơn, phong phú hơn, có cái đắt đỏ không kém gì đồ đạc đắt tiền trong gia đình.
Xưa, 18 tuổi con gái về nhà chồng còn bỡ ngỡ, lóng ngóng, non nớt như chim non lạc mẹ. Nay, một đứa trẻ lớp hai đã biết đủ mọi thứ trên đời: nhảy Audition, chơi game, học ngoại ngữ. Tivi, mạng net cập nhật thông tin tới mọi lứa tuổi. 18 tuổi, giới trẻ bây giờ không ít người “sành điệu”.
Xưa, cả tháng người trong làng mới được xem chèo một lần khi gánh hát đến phục vụ, rạp chiếu phim thô sơ di động cũng ghé thăm bà con với tần số ít ỏi. Nay, rạp chiếu phim Quốc Gia, rạp Tháng Tám, rạp Thanh Niên… mở cửa hàng ngày đón khách. Mọi người xem phim trên truyền hình cáp, kĩ thuật số, hay phim online trên mạng
Thời gian vốn vô hạn, vô hình, mà cũng hữu hạn, hữu hình. Xưa và nay, thời cuộc đã khác nhau nhiều lắm. Xưa, đang đi vào dĩ vãng, vào hoài niệm. Nay, đang hướng tới tương lai. Giống như người đàn bà hằng đêm lắng nghe "tiếng đêm", con người chúng ta cũng đang ngày ngày lắng nghe "tiếng thời cuộc", tiếng của nhịp sống ồn ào, gấp gáp, của cơ chế thị trường với nhiều được mất, hay dở, mừng vui xen lẫn âu lo và kỳ vọng…


Tâm An - Lê Bích Ngọc

Aucun commentaire: