vendredi 8 février 2008

Chuột chù lại có xạ hương !

Hết chu kỳ mười hai năm, chú chuột, con giáp bé nhỏ nhất trong bọn lại trở về chễm chệ lên ngôi. Chuột: kẻ thù không đội trời chung của phái đẹp. Chuột: đồng nghĩa với dịch tả, dịch hạch và trăm thứ bệnh hiểm nghèo khác. Nhưng chuột cũng đã cống hiến bao sinh mạng trong phòng thí nghiệm để giúp loài người bào chế và thử nghiệm nhiều loại thuốc hữu hiệu nhằm bảo vệ sức khoẻ, giữ gìn thể lực, nâng cao tuổi thọ. Ở đâu có người, ở đó có chuột: từ nàng chuột bạch lông trắng mắt đỏ đến gã chuột cống kềnh càng đen đúa, từ anh chuột chù mắt mù có mùi khó ngửi đến chị chuột đồng béo mượt thơm nức hương lúa mới, từ đền chuột ở Ấn Độ đến đám rước chuột với xâu cá hối lộ lão mèo trong tranh làng Hồ… Chuột không bao giờ được xem là gia súc, nhưng kỳ thực, lại gần gũi với người đến mức không ngờ!


Mickey và Minnie


Nhắc đến chuột trong truyện tranh và phim hoạt hoạ, ai trong chúng ta mà chẳng nghĩ ngay đến Mickey của Walt Disney với đôi tai tròn đen nhánh? Thật vậy, với đúng… tám mươi tuổi đời, chú chuột Mickey đã làm say mê bao nhiêu thế hệ trẻ em trên thế giới. Có những em bé ngày ấy, nay đã thành… cụ, nhưng Mickey thì vẫn trẻ mãi không già, lúc nào cũng thông minh, năng động và tốt bụng. Chào đời năm 1928 qua bộ phim Willie, tàu chạy bằng hơi nước, bộ phim hoạt hoạ đầu tiên có cử động của các nhân vật được kết hợp đồng bộ với âm thanh, Mickey đến với Walt Disney do tình cờ. Một hôm, buồn rầu vì sự thất bại của loạt phim hoạt hoạ Alice (1920-1923) và Thỏ Oswald (1927), chàng hoạ sĩ trẻ tuổi Walt Disney ngồi bất động trong phòng làm việc. Bất chợt, anh để ý đến sự xuất hiện linh động của những chú chuột nhắt. Im lặng theo dõi hoạt động của lũ chuột hồi lâu, trong trí tưởng tượng của Walt bỗng nảy sinh ra một nhân vật mới, với đôi tai to, chiếc mõm nhọn và tài ứng biến trước mọi thử thách. Chuột Mickey ra đời cùng một loạt phim hoạt hoạ mới đã nhanh chóng khiến Disney nổi tiếng. Dần dần, chung quanh chú chuột ngộ nghĩnh này, người ta thấy có thêm người yêu của chú, nàng chuột Minnie lãng mạn, tình địch của chú, chuột Mortimer, kẻ thù của chú, mèo hoá sói Pat Hibulaire hung ác và bạn bè của chú: chó Dingo, chó Pluto, vịt Donald, bò Clarabelle, ngựa Horace, gà mái Clara… Walt Disney (1901-1966) đã có lần nói: "Hình như tôi chưa bao giờ yêu một người đàn bà nào bằng chuột Mickey." Và hình như có khối người trên thế giới đã đồng tình với nhận định này!
Với hàng chục vai diễn, từ hoàng tử, phù thuỷ tập sự, ngự lâm quân, hiệp sĩ đến nông dân, thợ may, phi công, nài ngựa, thuyền trưởng, thuỷ thủ, ca sĩ, nhạc sĩ, thư ký, lính cứu hoả… qua hơn một trăm phim hoạt hoạ dài ngắn, Mickey đã trở thành biểu tượng của nhóm Disney. Có thể kể đến Những bóng ma cô đơn (1937), Thợ chùi đồng hồ (1937), Chàng thợ may dũng cảm (1938), Học nghề phù thuỷ (Fantasia – 1940), Mickey và hạt đậu thần (1947), Bài hát mừng Giáng sinh của Mickey (1983, dựa theo truyện của nhà văn Anh Charles Dickens), Hoàng tử và gã nghèo khó (1990, phỏng theo truyện của nhà văn Mỹ Mark Twain), Ba chàng ngự lâm pháo thủ (2004, dựa theo câu truyện kiếm hiệp của nhà văn Pháp Alexandre Dumas (cha)), Ngày xưa, mùa Giáng sinh (2004, hoàn toàn được thực hiện bằng hình ảnh tổng hợp của máy vi tính)… Sau 30 năm vắng bóng, từ 1983 đến nay, Mickey và người tình muôn thuở Minnie xuất hiện đều đặn trở lại trên màn ảnh lớn và càng gần gũi hơn với trẻ em thế kỷ 21 qua loạt phim giáo dục Ngôi nhà của Mickey với những nhân vật của không gian ba chiều và kỹ thuật vi tính-hình ảnh tổng hợp.
Ngoài Mickey và Minnie, thế giới hoạt hoạ của Disney cũng đầy dẫy những chuột là chuột. Bộ phim ngắn Chú chuột bay ra đời năm 1934, với nhân vật chính là một chú chuột nhắt mơ mộng, mong ước được bay lượn như chim. Cầu được, ước thấy, một nàng tiên hiện ra, ban cho chuột nhắt đôi cánh, nhưng "của nợ" này lại khiến chú chuột bị bầy chim xua đuổi và cả gia đình cũng xa lánh vì bộ tịch kỳ quái của mình. Chỉ có lũ dơi xấu xí là nhất định bắt
chú nhận chúng làm anh em. Hiểu ra thâm ý của nàng tiên, chuột
nhắt xin được trở lại hình dạng ban đầu của mình trong nỗi vui mừng của mẹ và các anh em.

Hai năm sau, 1936, thêm hai bộ phim ngắn với các nhân vật chuột sắm vai tài tử chính ra đời. Ba chú chuột ngự lâm mù sờ soạng vung kiếm chống gã đại uý mèo… chột (!) và Chuột đồng, chuột tỉnh, dựa theo bài thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine. Chú Abner vác dù xách bị lên tỉnh thăm Monty, người anh em họ của mình. Bị loá mắt trước cảnh phồn vinh, xa hoa của thị thành chẳng được mấy chốc, chú chuột quê hiền lành ngờ nghệch đã vội nhận ra bao nhiêu cạm bẫy nguy hiểm giăng mắc khắp nơi. Từ giã không tiếc nuối người anh em chuột tỉnh, tuy sang trọng phủ phê, nhưng luôn sống trong lo âu, sợ hãi, chuột đồng cuốn gói chuồn thẳng về nơi thôn ổ, chẳng thà ta về ta tắm ao ta… Cần nhắc thêm là Chuột đồng, chuột tỉnh đã đem về cho hãng Disney giải Oscar dành cho phim hoạt hoạ ngắn hay nhất năm 1936.



Jag và Gus



Bẵng đi nhiều năm, người ta chỉ thấy Mickey, Minnie và hai cháu Ferdy, Morty xuất hiện đây đó trong các bộ phim ngắn hoặc trên các trang truyện tranh, còn thì chuột vắng bóng trong hoạt động sáng tạo của Walt Disney, hoặc chỉ xuất hiện trong các vai phụ. Với bộ phim dài Dumbo (1941), người ta thấy có chuột Timothy bé xíu nhưng lại coi sóc và điều khiển hàng chục thớt voi khổng lồ của gánh xiếc Loyal. Chính Timothy và đàn quạ đã phát hiện ra năng khiếu biết… bay của voi con tai to Dumbo sau một đêm say xỉn quên trời đất! Vài năm sau, 1950, hãng Disney dựng lại câu chuyện cổ tích Lọ Lem của Charles Perrault. Khác với nàng Lọ Lem cô đơn trong nguyên tác, Lọ Lem trong phim hoạt hoạ có khá nhiều bạn bè: chó già Pataud, ngựa Major, lũ chim và bầy chuột. Trong bầy chuột, nổi trội hơn cả là Jaq, ốm yếu nhưng khôn lanh và Gus, béo tròn, chậm chạp lại tham ăn. Phải đối đầu thường xuyên với kẻ thù, gã mèo thâm hiểm Lucifer, Jag và Gus luôn tìm cách giúp đỡ Lọ Lem trong những lúc nguy nan nhất. Thêm 20 năm nữa, trong phim Quý tộc mèo với bối cảnh Paris thời vàng son đầu thế kỷ 20, chú chuột Roquefort đã không ngại nguy hiểm, lao vào hang hùm để kịp thời cầu cứu lũ mèo hoang đến giải cứu cho mẹ con mèo quý tộc Duchesse thoát khỏi độc kế của lão quản gia.
Bernard và Bianca

Sau một thời gian dài bị xếp vào hàng nhân vật phụ, chuột đã trở lại vị trí minh tinh, với chàng chuột xám Bernard và nàng chuột bạch Bianca trong hai bộ phim dài, dựa theo những chuyện kể của Margery Sharp. Ở bộ phim đầu (1977), chàng và nàng được hội đồng quốc tế chuột giao nhiệm vụ giải cứu cho cô bé Penny thoát khỏi tay mụ Médusa. Trong bộ phim sau (1991), Bernard và Bianca phải sang tận Úc châu để cùng anh chuột nhảy Jake giải thoát cho chú bé Cody cùng nhóm thú vật bị gã thợ săn Mac Leach giam giữ. Có lẽ điểm ngộ nghĩnh nhất của hai bộ phim là Bernard và Bianca được đáp phi cơ hải điểu để đi thi hành nhiệm vụ: hai chú hải điểu Orville và Wilbur dềnh dàng, vụng về đã tạo nhiều trận cười vỡ bụng cho khán giả con nít và người lớn…

Tiếp đó, lại có chuột trong phim Basil, thám tử tư. Trước đây, đã thấy nhân vật Rat với bộ trang phục thám tử tư xuất hiện thoáng qua trong phim Chàng cóc (1949), thì nay, dựa theo truyện Basil de Baker Street của Eve Titus, kể về thám tử Basil, một loại Sherlock Holmes… chuột, hãng Disney đã tung ra bộ phim hoạt hoạ dài 71 phút vào năm 1986. Nhân vật chính, thám tử chuột Basil đã cùng người bạn, bác sĩ chuột David Dawson giúp đỡ bé chuột Olivia cứu người cha già Hiram thoát khỏi bàn tay lông lá của gã chuột cống Ratigan, đồng thời phá vỡ âm mưu định soán ngôi nữ hoàng… chuột Moustoria của gã. Bên cạnh các nhân vật vừa kể, còn có hàng chục nhân vật chuột khác, từ quản gia, lính gác đến vũ công, du đãng, chủ quán rượu, hầu bàn, nhạc sĩ dương cầm… Đúng là một phim hoạt hoạ của chuột!

Mới đây thôi, giữa năm 2007, trong bộ phim hoạt hoạ bằng hình ảnh tổng hợp Ratatouille của hai hãng Pixar và Disney (đạo diễn Brad Bird), chú chuột xám Rémy lại một lần nữa đưa chuột lên ngôi thần tượng của trẻ em thế giới. Không như gia đình, dòng họ hoặc bố Django hay ông anh béo tròn Emile của mình – thích ăn tạp, ăn bẩn, ăn bươi…, Rémy có chiếc lưỡi trời cho của các đầu bếp trứ danh. Được hồn ma của đầu bếp nổi tiếng Gusteau phù trợ, Rémy đã giúp chú học việc tay mơ Linguini thực hiện thành công món súp rau củ ratatouille "quốc hồn quốc tuý". Paris lại một lần nữa được chọn làm nền cho bộ phim đặc biệt về bếp núc trình độ cao này.
Ngoài lũ chuột của Walt Disney mà đại diện là Mickey, trẻ em Hoa Kỳ nói riêng và con nít trên thế giới nói chung còn say mê thích thú với những phim hoạt hoạ ngắn dài của các chú chuột Jerry (và anh bạn thân mến, mèo Tom!), Gonzales, Fievel… nữa.


Được khai sinh qua nét vẽ của William Hanna và Joseph Barbera từ 1940, đôi mèo-chuột Tom-Jerry vẫn tiếp tục gây sóng gió trên màn ảnh lớn, màn ảnh nhỏ cho đến tận ngày hôm nay. Nếu chuột nâu Jerry phải nhường vai thủ lãnh cho Mickey thì mèo xám Tom xứng đáng được nêu đầu bảng của các tài tử hoạt hoạ mèo. Qua suốt mấy chục bộ phim ngắn có tựa đề chung "Merries Melodies" của đôi bạn này, là mối thù truyền kiếp mèo-chuột, là những rượt đuổi của kẻ mạnh muốn dùng sức của mình để cả vú lấp miệng em, là những cú chơi khăm đau điếng… bất tận. Tom và Jerry hình như chẳng nói với nhau một lời nào, chỉ có âm nhạc kèm theo hành động, diễn tả tâm trạng… mà thôi. Nhưng, quả là nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã, ai dè xe nghiêng, Jerry, nhanh nhẹn, thông minh, lúc nào cũng thoát khỏi những âm mưu của mèo Tom trong đường tơ kẽ tóc và sẵn sàng phản công, khiến kẻ cậy sức phải nhiều phen điêu đứng, sống dở chết dở… Bên cạnh Tom và Jerry, trong loạt phim của đôi bạn-thù này, có thêm sự xuất hiện của chú chuột mồ côi Tuffy (còn có tên Nibbles, được Jerry nhận làm em kết nghĩa), hai cha con chó Spike và Tyke, nàng mèo trắng, chú vịt con, bé kangourou, voi con… nhưng đặc biệt nhất là "nhân vật" quản gia, mà người ta chỉ thấy được váy áo, đôi bắp chân đen và giày vớ trong các bộ phim. Vì thế, nhân vật này có tên "Vú Hai Giày" (Mammy Two Shoes)! Qua loạt phim Tom và Jerry, hãng MGM với William Hanna và Joseph Barbera đã lần lượt nhận được 7 giải Oscar từ 1943 cho đến 1952. Sau đó, hoạ sĩ Gene Deitch tiếp tục công việc trong ba năm đầu của thập niên 60 thế kỷ 20. Cuối cùng, Churk Jones kéo dài cuộc sống của đôi mèo-chuột này cho đến năm 1967. Năm 1992, bộ phim dài đầu tiên của Tom và Jerry được tung ra thị trường phim ảnh (đạo diễn Phil Roman), nhưng tiếc thay, lại không gây được tiếng vang đáng kể.MGM (Metro-Goldwyn-Mayer), mà biểu tượng là chiếc đầu bờm bù xù và tiếng gầm "êm ái" của chú sư tử, là địch thủ đáng gờm của hãng Disney. Sau này, "tài sản tinh thần" của MGM được chuyển nhượng cho Warner Bros Entertainment, Inc. của bốn anh em Jack, Sam, Harold và Albert. Bên cạnh cặp bài trùng Tom-Jerry vừa nêu trên và nhiều nhân vật nổi tiếng khác của Tex Avery như thỏ xám Bugs Bunny, vịt đen Daffy, heo hồng Porky…, người ta còn thấy thêm sự có mặt của các chú chuột Sniffles và Speedy Gonzales.

Được khai sinh dưới nét vẽ của Churk Jones năm 1939, chú chuột con thơ ngây Sniffles với chiếc mũ dạ tròn và khăn quàng cổ, lúc nào cũng khụt khịt mũi vì cảm cúm. Có bạn là cô bé Mary Janes (có thể thu nhỏ người lại bằng chuột!) và anh mọt sách kiệm lời, chuột Sniffles được trẻ em rất mến chuộng dù chỉ xuất hiện trong chừng mười hai cuốn phim ngắn mà thôi.




Sau Sniffles, Warner Bros lại có Gonzales. Với chiếc mũ rộng vành sombrero vàng rơm của dân Mễ Tây Cơ, với tiếng kêu chiến thắng "Ándale! Ándale! Ariba! Ariba!", Speedy Gonzales có biệt tài chạy nhanh hơn gió, mê phô-mai và vượt qua được mọi trở ngại, cạm bẫy của những kẻ thù không đội trời chung: mèo Sylvestre/Grosminet, hải tặc Sam và chó đồng Coyotte để cứu nguy cho bạn bè hoặc để gửi đến tay người nhận những tin khẩn. Ngược hẳn với Speedy Gonzales, năm 1959, vài năm sau khi Gonzales ra đời, hoạ sĩ Friz Freleng lại tạo thêm người anh họ Slowpoke Rodrequez rề rà, chậm lụt không thể tưởng, nhưng lại có tài thiện xạ và thuật thôi miên cao cường.Ngoài Sniffles, Gonzales và Slowpoke, trong gần ngàn nhân vật toon của série Looney Tunes (MGM và Warner Brothers Studios), người ta còn thấy hai bạn chuột Hubie-Bertie (Chuck Jones – 1943) và bộ tam sên Ralph Crumden-Ned Morton-Alice Crumden (Robert McKimson – 1956), khá mờ nhạt so với các nhân vật khác của "nhà máy sản xuất nhân vật hoạt hoạ" này.



Sau lớp hoạ sĩ tiên phong trong ngành hoạt hoạ Hoa Kỳ: Walt Disney, Tex Avery, Churk Jones, Friz Freleng, William Hanna, Joseph Barbera…, thế giới lại biết đến tên Don Bluth. Sinh năm 1937 tại Texas, Don Bluth bắt đầu làm việc cho hãng Disney qua các bộ phim Robin, hiệp sĩ rừng xanh, Bernard và Bianca, Peter và chú rồng Elliott, Rox và Rouky từ năm 1973. Trong thời gian làm việc cho studio này, ông đã cùng hai hoạ sĩ khác là Gary Gold và John Pomeroy có những thử nghiệm riêng. Sau khi bộ phim Chú mèo Banjo của bộ ba này nhận được nhiều giải thưởng có giá trị năm 1979, họ quyết định tách ra mở hãng riêng. Năm 1982, dựa theo truyện của Robert C. O’Brien, họ cho ra đời bộ phim Nàng chuột Brisby và bầy chuột của NIMH. Không thành công, bộ ba xoay qua sản xuất các trò chơi video và lại trở nên nổi tiếng ở lãnh vực này. Sau đó, Don Bluth hợp tác với Morris Sullivan và Steven Spielberg để thực hiện bộ phim dài Fielvel và Tân Thế giới (1986) với nhân vật chính cũng là… chuột. Rồi lần lượt Đất tiền sử (1988), Chó Charlie (1989), Gà trống Rock-O-Rico (1991), Nàng Út (1992), Công chúa Anastasia (1997)… đã khiến tên tuổi Don Bluth trở nên quen thuộc với khán giả của phim hoạt hoạ, trẻ em và cả người lớn nữa.
Sau khi xuất hiện trong bộ phim của Don Bluth năm 1982 với chuột con Timothy, Cú già, Nicodémus, gia đình trại chủ Fitzgibbons…, nàng quả phụ chuột dũng cảm Brisby lại cùng con trai Timmy cứu nguy cho đàn chuột qua bộ phim Truyền thuyết Brisby do đạo diễn Dick Sebast thực hiện năm 1998. Còn chú chuột Fievel có tâm hồn hiệp sĩ, sau khi đã cùng bố, mẹ và cô em gái Tanya lưu lạc từ miền nông thôn Nga xa xôi lạnh giá sang tận New York trong bộ phim đầu, lại có dịp tái xuất giang hồ thêm những ba lần nữa, qua các bộ phim Fievel ở vùng viễn tây (1991), Fievel và bí mật của con quái vật đêm (1999), Fievel và kho tàng của Manhattan (2000) với nét vẽ của các hoạ sĩ Phil Nibberlink, Simon Wells và Larry Latham.Từ những năm cuối của thế kỷ 20, với kỹ thuật vi tính và hình ảnh tổng hợp, những bộ phim hoạt hoạ thế hệ mới ra đời hàng loạt, dẫn đầu là hãng Pixar, đã cùng hợp tác với hãng Disney để sản xuất Truyện đồ chơi (1995-1999), Đời sâu bọ (1998), Thế giới của cá Nemo (2003)… Bên cạnh đó, đạo diễn Rob Minkoff đã dùng thủ thuật này để tạo nên chú chuột bạch Stuart sống động, con nuôi của một gia đình… loài người do các diễn viên bằng xương bằng thịt thủ vai. Sự chân thật của Stuart đã đem niềm hạnh phúc đến cho gia đình Little và cũng khiến chú mèo Snowbell động lòng, xoá bỏ lòng đố kỵ nhỏ nhen. Thêm vài chú chuột trong vai "quần chúng": chuột Nick mê ăn cắp trứng gà trong Chicken Run – Gà chẩu (Peter Lord và Nick Park – 2000), chuột Peps trong phim Nông trại quậy (Steve Oedekerk - 2007) hoặc chú chuột gầy đét Ratso hết mực thương yêu bảo bọc đứa con nuôi vịt con Mosh hết sức… xấu xí của mình trong bộ phim Chú vịt con xấu xí và tôi (Michael Hegner và Karsten Killerich – 2005)…

Nhưng để có thể so sánh với Basil, thám tử tư của hãng Disney về số lượng… chuột xuất hiện trong phim, người ta chỉ có thể đưa tên bộ phim Thành phố Chuột (David Bowers và Sam Fell – 2006) ra mà thôi. Là bộ phim thứ ba kể từ khi có sự hợp tác giữa hai hãng phim Aardman Studio (Anh) và Dreamworks (Mỹ) trong vòng 8 năm, nhưng đối với Aardman, chuyên cho ra đời các bộ phim với nhân vật làm từ bột nắn (chủ Wallace và chó Gromit, hoặc các nhân vật gà, người, chuột trong phim Chicken Run…), đây là bộ phim đầu tiên của hãng được hoàn toàn thực hiện bằng kỹ thuật hình ảnh tổng hợp. Chuyện kể về chú chuột Roddy sang cả, chỉ vì bị chuột du đãng Syd lừa mà sa chân vào… cầu tiêu. Rơi vào hệ thống cống ngầm, Roddy khám phá ra thành phố Chuột đầy màu sắc và nàng Rita xinh đẹp, năng động, cũng như những tên chuột "phản diện" Whitey, Spike. Roddy và Rita đã phải ra sức đấu trí, đấu tài để chống lại bọn Cóc Ếch muốn làm thí nghiệm đông lạnh cả bầy chuột…
Như đã thấy, tài tử chuột nhiều vô kể trong các phim hoạt hoạ dài ngắn của Hoa Kỳ, nhưng lạ thay, lại không để lại dấu vết gì trong phim và truyện manga của Nhật Bản. Điều đáng nói hơn nữa, là với truyền thống truyện tranh Âu châu: số nhân vật thú được sáng tạo gần ngang bằng với số nhân vật người, vậy mà chuột lại vô cùng hiếm hoi! Ngoài chuột bạch Mimi (hoạ sĩ sáng tạo Lucy Cousins), một nhân vật thật dễ thương dành cho trẻ em tuổi lên ba, lên bốn, với bạn bè là cá sấu Charley, gà mái Talulah, chú sóc Cyril, với những mẩu chuyện giản dị, dễ hiểu mang tính giáo dục: chơi năm-mười, bữa ăn, giờ ngủ…, hình như người ta chỉ còn thấy có chú Raton cảu nhảu càu nhàu trong đàn gia súc của hai anh em nông dân Sylvain, Sylvestte (các hoạ sĩ Maurice Cuvillier, Claude Dubois, Jean-Louis Pesch) mà thôi.
Cứ tưởng rằng Mickey, với 80 tuổi tròn, là chú chuột "già" nhất trong làng hoạt hoạ, nhưng thật sự, chính chuột Ignatz mới chiếm giải quán quân. Xuất hiện lần đầu tiên năm 1910 dưới nét bút của hoạ sĩ Mỹ George Herriman (1880-1944), trong những băng tranh cuối trang báo, có cô mèo Krazy Kat, yêu chết mê chết mệt... chú chuột Ignatz, tìm đủ mọi cách tống tình, đến nỗi bị chuột Ignatz, cáu sườn, ném cả gạch vào người! Trong khi đó, chú chó Ofissa B. Pupp, thương thầm nhớ trộm Krazy, lại cố sức tìm bắt chuột Ignatz bỏ bót vì tội hành hung người đẹp. Cuộc tình tay ba chó-mèo-chuột này, với những viên gạch ném ra từ bàn tay Ignatz làm chất keo kết dính lại ba nhân vật, đã một thời làm say mê độc giả Hoa Kỳ. Tiếc thay, đến nay, hầu như không còn ai nhớ đến bộ ba này nữa.
Vật đổi sao dời, hết lớp hoạ sĩ này đến lớp hoạ sĩ khác, hết lớp khán giả này đến lớp khán giả khác, hết lớp tài tử toon này đến lớp tài tử toon khác nối tiếp nhau, từ những truyện tranh đen trắng, phim hoạt hoạ câm đến loại phim âm thanh nổi, xoay chiều, hình ảnh tổng hợp với hàng ngàn nhân vật cùng lúc cử động bằng kỹ thuật vi tính, các nhân vật chuột với Mickey là đại biểu đã có một bước tiến đáng kể, cả về số lượng lẫn chất lượng. Mickey đã có hẳn một "trường phái nghệ thuật" với sự tham gia của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới thuộc nhiều ngành nghề khác nhau. Chắc hẳn 2008, Mậu Tí, lại trùng với năm đánh dấu 80 tuổi của chú chuột vui tính, dễ thương và xốc vác này, sẽ có nhiều hoạt động văn hoá-văn nghệ đáng chú ý. Mời tất cả những ai yêu… chuột nhớ đón coi !



Cổ Ngư
Choisy-le-Roi 11.2007





Tài liệu tham khảo :


- Patrick Gaumer & Claude Moliterni - Dictionnaire mondiale de la bande-dessinée (Larousse 2001)

- Jerry Beck - Looney Tunes, l'encyclopédie (Semic 2003)
- Dave Smith & Steven Clark - Walt Disney, 100 ans de magie (Michel Lafon 2001)
- John Grant - Encyclopedia of Walt Disney's animated characters (Hyperion 1998)
- Pierre Lambert – Mickey (Démons & Merveilles 1998)
- Jerry Beck & Will Friedwald - Warner Bros. Studio, secrets et tradition de l'animation (Dreamland Editeur 1997)
http://fr.wikipedia.org/wiki/Walt Disney
http://fr.wikipedia.org/wiki/Don Bluth
http://fr.wikipedia.org/wiki/Aardman Animations
http://fr.wikipedia.org/wiki/Mickey%20Mouse


© 2008 talawas

Aucun commentaire: