(Xuân 2008) - Tiến trình toàn cầu hoá bắt đầu từ lâu, đặc biệt với sự phát triển của công nghệ thông tin, tiến triển này càng diễn ra nhanh chóng. Không có một quốc gia nào, dù muốn hay không đứng ngoài quá trình này.
Việt Nam trong nửa thế kỷ 20 phải trải qua hơn 30 năm chiến tranh ròng rã, hết sức ác liệt. Khi đó nhiệm vụ sống còn của dân tộc là đánh đuổi quân xâm lược, giành độc lập dân tộc, thống nhất tổ quốc. Hơn 10 năm sau khi giành thắng lợi, chúng ta chưa ra khỏi sự bao vây, cấm vận của Mỹ và nhiệm vụ thời kỳ đó là "phá thế cô lập" vươn ra khu vực và thế giới… Vì vậy mặc dù từ năm 1986, Đại hội Đảng lần thứ VI đã quyết định đường lối đổi mới, thực hiện chính sách mở cửa, tranh thủ sự hợp tác quốc tế…, nhưng mãi đến sau năm 1995 chúng ta mới có điều kiện mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực như tham gia ASEAN, bình thường quan hệ ngoại giao với các nước lớn và dần dần gia nhập một số tổ chức chính trị, kinh tế thế giới như tham gia APEC, và điều đó cũng có nghĩa Việt Nam (VN) bắt đầu thực sự tham gia tiến trình toàn cầu hoá, dù có chậm hơn các nước khác.Với việc VN chính thức tham gia WTO – Tổ chức thương mại thế giới lớn nhất – vào cuối năm 2006, trở thành thành viên không thường trực HĐBA Liên Hợp Quốc năm 2007, chúng ta đã đi vào hội nhập sâu và đầy đủ vào tiến trình toàn cầu hoá. Chủ trương của Đảng, Nhà nước là đúng, cần thiết. Để phát triển đất nước, tiến lên thực hiện mục tiêu đã đề ra, VN không thể đứng ngoài lề của thị trường rộng lớn của thế giới. Chúng ta cần trao đổi, hợp tác, tranh thủ, học tập và cả chấp nhận sự cạnh tranh để đi tới. Đến nay đúng một năm VN trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Kỷ niệm một năm vào WTO, một số người phát biểu: "Vào WTO có gì khó khăn thử thách đâu? Ngược lại, năm 2007 là năm đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vào VN. Và nếu nói viện trợ ODA mà các nhà tài trợ nước ngoài họp ở Hà Nội vừa quyết định viện trợ 5,4 tỷ USD, con số đầy ấn tượng. Trong nước, số doanh nghiệp tăng nhanh – tất nhiên phần lớn vừa và nhỏ. Thế là yên trí là vào WTO có rất nhiều thuận lợi!!". Có nên hiểu một cách đơn giản như vậy không?Nhiều người lại cho rằng, một năm đối với sự phát triển của một đất nước chưa nói lên điều gì. Phát triển đất nước là quá trình lâu dài. Việc nước ngoài đầu tư mạnh vào VN đúng là điều đáng mừng vì ta cần vốn, kỹ thuật và công nghệ, kinh nghiệm quản lý…, nhưng hấp thu được những thứ ấy một cách hiệu quả, đem lại lợi ích cho nhân dân, giúp cho sự đi lên của đất nước mới là điều quan trọng.Việc mua bán, trao đổi háng hoá, dịch vụ theo cam kết của WTO sẽ được đẩy mạnh nhưng phải thấy sự phức tạp và những "ngóc ngách" đằng sau những mời chào "hấp dẫn", trong lúc sự cạnh tranh của chúng ta nói chung còn yếu. Nhiều lĩnh vực đối với chúng ta cũng hết sức mới mẻ như các vấn đề về dịch vụ, từ dịch vụ thương mại, tài chính đến các dịch vụ liên quan đến văn hoá, xã hội như y tế, giáo dục… và lĩnh vực về sở hữu trí tuệ càng phức tạp hơn nữa.
Nhìn vào các nước có hoàn cảnh như chúng ta mới hiểu được những cơ hội và thách thức của toàn cầu hoá. Với đặc điểm của nó, xu thế toàn cầu hoá có thể đem lại cho các nước đang phát triển những cơ hội quan trọng. Các nước này sẽ có dịp tiếp cận với những tiến bộ mới về khoa học, công nghệ… có thể học tập kinh nghiệm về đào tạo, về quản lý… nhưng mặt khác họ cũng đứng trước không ít thử thách, và quan trọng nhất là thiếu kiến thức về nhiều mặt, nguồn nhân lực đông nhưng kém trình độ… Đó là một bài toán khó. Trong thực tế nhiều nước đang phát triển, nghèo, lạc hậu đã không giải nổi bài toán này, thậm chí còn thua thiệt nhiều bề.Nhìn kỹ ở một số nước xung quanh ta, như Trung Quốc, nhiều nước ASEAN, họ đã có lời giải đáp và bước đầu đã thu được những thành tựu đáng khâm phục. Tấm gương của những nước này làm cho chúng ta phải suy nghĩ lẽ nào các nước làm được mà chúng ta không thể làm được? Nhiều người VN so sánh việc VN tham gia WTO và các thiết chế quốc tế lớn khác như "từ sông đi ra biển". Tôi cho rằng hình ảnh so sánh rất sinh động, nói lên những thách thức đang chờ đón chúng ta và nếu vượt được nó thì chúng ta sẽ đi xa, đi đến miền đất hứa.Nhìn lại lịch sử, không xa lắm, VN cũng đã nhiều lần từ sông ra biển cả, có lúc vận mệnh của đất nước "ngàn cân treo sợi tóc" nhưng chúng ta đã vượt qua, tất nhiên phải chấp nhận hy sinh và gian khổ. Vì sao chúng ta đã chiến thắng? Tôi muốn kể cho các bạn một câu chuyện nhỏ, đã để cho tôi một ấn tượng sâu sắc, đến mãi ngày hôm nay. Vào năm 1967, Mỹ bắt đầu tiến hành chiến tranh đặc biệt. Họ đã đưa ra áp dụng chiến thuật "trực thăng vận" – một chiến thuật được coi là rất hiện đại lúc bấy giờ – chỉ cần phát hiện "Việt cộng" ở nơi nào đó thì vài phút sau hàng chục chiếc trực thăng có thể kéo đến và vùi sâu tất cả người và cây cỏ trong lòng đất. Khi nghe tin này, chúng tôi rất lo, không biết anh em ta sẽ đối phó bằng cách nào! Ít lâu sau có dịp gặp một số anh em du kích tại Ấp Bắc (tỉnh Tiền Giang) – nơi mà Mỹ đã thực nghiệm đầu tiên chiến thuật này – chúng tôi hỏi và được họ trả lời một cách bình thản: "Quân Mỹ đi trực thăng nhanh thật, nhưng làm sao nhanh hơn chúng tôi đã ở sẵn tại chỗ, chủ động ứng phó"? Câu trả lời làm chúng tôi hết sức ngỡ ngàng vì không ai nghĩ ra được chân lý hiển nhiên đó. Có phải đây là trí tuệ VN, là lòng quả cảm của người chiến sĩ VN không?Gần đây, xem một phim về chiến tranh của Mỹ ở VN, lời bình luận của phóng viên Mỹ làm tôi rất xúc động: "Quân đội Mỹ làm sao thắng được những người (VN) không bao giờ chịu thua!". Tinh thần bất khuất của dân tộc VN là như vậy.Để có một cái nhìn khách quan, hãy xem các bạn bè các nước nghĩ gì về VN ngày nay.Trong nhiều hội nghị quốc tế, các cuộc tiếp xúc với các đoàn nước ngoài vào VN, mọi người đều muốn hiểu về chính sách "đổi mới" của VN (danh từ "đổi mới" bây giờ đã thành một danh từ được quốc tế hoá). Nhờ đâu VN từ một nước thiếu lương thực nay lại là nước đứng thứ 2 về xuất khẩu gạo? Làm sao VN giải quyết tình trạng đói nghèo được nhanh chóng như vậy, trong 10 năm đã giảm tỷ lệ đói nghèo từ 58% xuống dưới 20%? Nhờ đâu sự nghiệp giáo dục của VN phát triển được rộng lớn như vậy? Đi đến những nơi xa xôi nhất cũng thấy trường học, mặc dù trường lớp còn nghèo, rất sơ sài, có khi chỉ được lợp bằng vài tấm tranh tre… Bận tâm với những công việc phải giải quyết hàng ngày, những vấn đề nảy sinh gai góc, bức xúc của đời sống, nhưng nghe bạn bè nhận xét về những thành tựu mà chúng ta đạt được, chúng ta mới nhớ ra rằng trong thời gian 20 năm qua nhân dân VN đã nỗ lực hết sức mình vượt lên cảnh nghèo đói, lạc hậu, chống chọi với thiên tai, địch hoạ. Tháng 9 vừa qua tại hội nghị đoàn kết Nam – Nam, có nhiều đại biểu từ các nước Châu Á, Châu Phi đến, khi nghe trình bày về tình hình VN 30 năm sau chiến tranh, đều nói lên những cảm xúc sâu sắc của mình: "Đến VN, không những được hiểu thêm về cuộc đấu tranh anh hùng của các bạn trong thời kỳ chiến tranh giải phóng, mà còn hiểu được cả cuộc đấu tranh dũng cảm của các bạn trong xây dựng phát triển đất nước, sự kiên trì của các bạn đi theo con đường xây dựng CNXH… Chúng tôi cảm thấy được động viên, khích lệ rất nhiều và một lần nữa cảm ơn nhân dân VN". Trong hội nghị Ban Chấp hành của Hội đồng Hoà bình thế giới mới họp tháng 11 vừa qua, nhiều đại biểu của các nước Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ đều chúc mừng VN đã được bầu là Uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Các bạn rất tin tưởng VN sẽ có tiếng nói đại diện cho nhân dân và các lực lượng yêu chuộng hoà bình, tự do, công lý trên thế giới.Vị thế của VN trên trường quốc tế rõ ràng được đánh giá cao. Đó là sức mạnh của nhân dân ta, đồng thời cũng là trách nhiệm lớn mà chúng ta phải thực hiện, để xứng đáng với sự yêu mến và tin tưởng của bạn bè các nước đối với chúng ta.Năm 2008, Chính phủ tuyên bố phấn đấu đưa đất nước VN ra khỏi ngưỡng của một nước nghèo. Chúng ta sẽ bước vào một giai đoạn mới, khó khăn hơn, thử thách hơn nhưng sẽ đưa đến triển vọng tốt đẹp hơn. Một lần nữa chúng ta sẽ ra biển cả.Vào những ngày xuân của năm Mậu Tý, với niềm tin tưởng mạnh mẽ ở tương lai của dân tộc, chúng ta hãy động viên nhau làm hết sức mình, khắc phục những yếu kém, tồn tại, ra sức phấn đấu, phát huy sức mạnh trí tuệ và tinh thần yêu nước của con người VN.
Nguyễn Thị Bình
Nguyên Phó Chủ tịch Nước CHXNCN Việt Nam
Lao Động Xuân 2008 Cập nhật: 5:31 AM, 27/01/2008
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire