- Ảnh: news.vnu.edu.vn
(TBKTSG Online) - Giả như không có Tết? Những phiên chợ cuối tháng chạp vẫn đông nghịt. Người chen chân, rì rầm ngã giá. Nhưng những bước chân sẽ không còn líu ríu, hối hả chờ về nhà bày mâm cúng ông bà.
Mấy xề mãng cầu, đu đủ xanh chẳng ai mua vì xanh lè, xanh ngắt, con nít còn chê. Mấy thứ đó chỉ để bày mâm cúng.
Mấy cây mai vàng vẫn nở hoa vàng rực. Gió vẫn lành lành, âm ấm. Nhưng sẽ có người càu nhàu: “Hoa gì mà vàng rực thấy gớm!”.
Đúng rồi! Lúc đó hoa mai cũng như mọi loài hoa khác, đến chu kỳ lại đơm hoa kết nụ, chẳng có gì đáng lạ. Những cơn gió lạnh hiu hiu không vực nổi mấy sắc mai. Người người đi qua, bỏ cái nhìn hờ hững.
Ông bà xưa hay nói: “Lân múa hay nhờ tiếng pháo” cũng vì lẽ đó. Biết bao cái Tết rồi, tiếng trống ì đùng vẫn nổi, ông Lân chớp mắt lắc đầu, ông Địa vẫn ngoe nguẩy chiếc quạt cười phệch. Nhưng thiêu thiếu cái gì đó. Âu cũng là lẽ thường. Những cái quá quen thuộc không thể “delete” chỉ bằng một cú nhấp như những chiếc máy vi tính lạnh lùng, vô giác. Dù biết rằng, thế là hợp lẽ.
Nhớ hôm rồi trời mới trở gió bấc. Đi ngang mấy đồng lúa xanh rì, hứng chí, cởi nón tắm hương xuân sớm. Không gì thú bằng! Ai ngờ, cái hứng đang cao trào bị chặn ngang bằng chiếc gậy đen trắng chọc giữa ngực và tiếng còi đánh hoét lạnh lùng. Giam xe. Ai biểu chạy honda ngoài Quốc lộ không đội nón bảo hiểm? Mình sai rồi! Người ta lo là lo cho tính mạng mình, làm sai ráng chịu phiền, chịu khó…lội bộ.
Ừ! Lâu rồi. Cứ thấy mai vàng rực là biết ngay Tết đến. Những cơn gió lạnh chỉ làm tô điểm thêm cái háo hức chờ mấy phong bì lì xì, tiếng anh em tụ vui không lúc nào bằng. Sắc mai, gió xuân chỉ là những phần tử nhỏ trong một “tập hợp xuân”, đơn thân không làm nổi dù chỉ nửa mùa xuân. Nhưng thiếu nhau? Chẳng ai ra hồn. Sự áp đặt của thiên nhiên khó ai cưỡng nổi.
Cà Mau, chiều cuối năm. Tan sòng rượu, gặp bà cụ, bà mượn chiếc máy di động, bấm số đứa con gái ở Cần Thơ. “Ờ…ờ. Vậy hả. Thôi, không được thì Tết sang năm “bây” ráng tranh thủ”. Bà lắc lắc mái đầu trắng xoá, nhìn đăm đăm ra cái vuông tôm sau hè. Biết bao lâu rồi, con bà không về, nhưng có buồn như lúc này đâu. Tết tới đến chân rồi…Nếu như không có Tết, bà chẳng buồn nhiều đâu.
Con trâu già lặng lẽ gặm mấy nhánh cỏ khô sót lại sau hè. Bà cụ nói rằng, Tết này “thịt” nó. Vuông tôm mọc lên tăm tắp, chẳng lẽ nuôi trâu để đi phá đất làm vuông à? Mà có thương giữ nó, cỏ cũng chẳng còn. Ngồi ngẫm tràn lan, mà tức cười. Sai là cái người đem trâu về nuôi ở vùng này. Ai đời…
Mấy người ngồi quanh gân cổ cãi: “Mấy năm trước, người ta ngăn mặn, áp đặt cho vùng này là vùng lúa. Thế mới có chuyện”. Thì ra là vậy. Lúa lất thất không chịu làm bạn với phèn mặn. Dân ào phá đập, nuôi tôm trở lại. Chỉ tội cho con trâu.
Ngồi nghe trong nhà tán dóc, con trâu như hiểu, cúi đầu. Miếng cỏ cuối cùng như nghẹn lại, nhai mãi không trôi. Thôi, trâu ơi! Mày đừng buồn. Vật dưỡng nhơn mà. Không có gì tồn tại mãi nếu sự ra đi của mày là đúng và có ích cho những người cưu mang. Sự tiếc nuối, than trách, kể công kể tội chỉ làm rưng rức nhau. Có khổ, là nếu mày còn…
Mùa nước năm nay, cái đô thị quê tôi nước dâng lênh láng. Nghe đài, đọc báo, biết mực nước chẳng cao. Nhưng ào ạt ngăn đê, giữ lúa, nước tràn về phố chợ âu cũng chẳng có gì là lạ. Chỉ có mấy ông Táo buồn xơ buồn xác, chen nhau giữa mấy hòn gạch to đùng, nước ì oạp ngay sát chân mình. Ông Táo ơi, biết sao bây giờ! Tết này, có về tâu Ngọc Hoàng, ông nói kheo khéo giùm. Tui có biết gì đâu mà ép tội tui?
Những sự áp đặt sắt đá của con người khó thắng nổi thiên nhiên. “Ông Trời” mà! Thắng ở đây, lại thua ông chỗ khác. Mà cuộc chiến nào cũng phải trả giá. Nói không phải tiêu cực, nhưng nó đã là quy luật. Cũng như cái Tết phải mở đầu bằng đêm giao thừa. Mình cứ việc dựa hơi đêm giao thừa mà cắn hạt dưa, nhâm nhi tách trà mà hưởng xuân. Ngày thường không thiếu. Nhưng giữa cái thời khắc giao thoa như vậy, cái gì cũng thấy…đã.
Cái thú ngồi lai rai, ngóng từng cơn gió xuân thổi xào xạc đám chuối sau hè, nghe từng bước chân rộn rã về nhà chờ giao thừa, nghe tiếng hỏi thăm con Tư, con Sáu ở Sài Gòn mới về ăn Tết, thấy đã làm sao… Ai cũng nô nức.
Trong nhà vẫn cái bàn đó, cái tủ này, sao thêm cái mâm cúng, mấy cây nêu, miếng liễn đỏ chét, thêm nhánh mai vàng rực, thấy cái sự sung sướng sao gần mình lắm thế! Nhưng chỉ lai rai thôi. Ba ngày Tết chẳng ai xui nốc quắc cần câu. Lỡ ngủ lăn quay, Tết trôi qua dưới chân, ngồi tiếc… Cái gì cũng phải có chừng có mực. Phải hợp lẽ.
Mấy chục tuổi đầu, ngày nào cũng vậy, tờ lịch cứ rớt dần. Nhưng cuốn lịch này mỏng tanh thì đã cuốn khác lao vào thế chỗ. Sự mất mát của quy luật luôn được thay thế một cách hợp ý nhất và chẳng mất lòng ai.
Thiệt! May mà còn có đôi ba ngày Tết, dù nó sẽ lặng lẽ trôi qua không ai cưỡng được.
Mấy xề mãng cầu, đu đủ xanh chẳng ai mua vì xanh lè, xanh ngắt, con nít còn chê. Mấy thứ đó chỉ để bày mâm cúng.
Mấy cây mai vàng vẫn nở hoa vàng rực. Gió vẫn lành lành, âm ấm. Nhưng sẽ có người càu nhàu: “Hoa gì mà vàng rực thấy gớm!”.
Đúng rồi! Lúc đó hoa mai cũng như mọi loài hoa khác, đến chu kỳ lại đơm hoa kết nụ, chẳng có gì đáng lạ. Những cơn gió lạnh hiu hiu không vực nổi mấy sắc mai. Người người đi qua, bỏ cái nhìn hờ hững.
Ông bà xưa hay nói: “Lân múa hay nhờ tiếng pháo” cũng vì lẽ đó. Biết bao cái Tết rồi, tiếng trống ì đùng vẫn nổi, ông Lân chớp mắt lắc đầu, ông Địa vẫn ngoe nguẩy chiếc quạt cười phệch. Nhưng thiêu thiếu cái gì đó. Âu cũng là lẽ thường. Những cái quá quen thuộc không thể “delete” chỉ bằng một cú nhấp như những chiếc máy vi tính lạnh lùng, vô giác. Dù biết rằng, thế là hợp lẽ.
Nhớ hôm rồi trời mới trở gió bấc. Đi ngang mấy đồng lúa xanh rì, hứng chí, cởi nón tắm hương xuân sớm. Không gì thú bằng! Ai ngờ, cái hứng đang cao trào bị chặn ngang bằng chiếc gậy đen trắng chọc giữa ngực và tiếng còi đánh hoét lạnh lùng. Giam xe. Ai biểu chạy honda ngoài Quốc lộ không đội nón bảo hiểm? Mình sai rồi! Người ta lo là lo cho tính mạng mình, làm sai ráng chịu phiền, chịu khó…lội bộ.
Ừ! Lâu rồi. Cứ thấy mai vàng rực là biết ngay Tết đến. Những cơn gió lạnh chỉ làm tô điểm thêm cái háo hức chờ mấy phong bì lì xì, tiếng anh em tụ vui không lúc nào bằng. Sắc mai, gió xuân chỉ là những phần tử nhỏ trong một “tập hợp xuân”, đơn thân không làm nổi dù chỉ nửa mùa xuân. Nhưng thiếu nhau? Chẳng ai ra hồn. Sự áp đặt của thiên nhiên khó ai cưỡng nổi.
Cà Mau, chiều cuối năm. Tan sòng rượu, gặp bà cụ, bà mượn chiếc máy di động, bấm số đứa con gái ở Cần Thơ. “Ờ…ờ. Vậy hả. Thôi, không được thì Tết sang năm “bây” ráng tranh thủ”. Bà lắc lắc mái đầu trắng xoá, nhìn đăm đăm ra cái vuông tôm sau hè. Biết bao lâu rồi, con bà không về, nhưng có buồn như lúc này đâu. Tết tới đến chân rồi…Nếu như không có Tết, bà chẳng buồn nhiều đâu.
Con trâu già lặng lẽ gặm mấy nhánh cỏ khô sót lại sau hè. Bà cụ nói rằng, Tết này “thịt” nó. Vuông tôm mọc lên tăm tắp, chẳng lẽ nuôi trâu để đi phá đất làm vuông à? Mà có thương giữ nó, cỏ cũng chẳng còn. Ngồi ngẫm tràn lan, mà tức cười. Sai là cái người đem trâu về nuôi ở vùng này. Ai đời…
Mấy người ngồi quanh gân cổ cãi: “Mấy năm trước, người ta ngăn mặn, áp đặt cho vùng này là vùng lúa. Thế mới có chuyện”. Thì ra là vậy. Lúa lất thất không chịu làm bạn với phèn mặn. Dân ào phá đập, nuôi tôm trở lại. Chỉ tội cho con trâu.
Ngồi nghe trong nhà tán dóc, con trâu như hiểu, cúi đầu. Miếng cỏ cuối cùng như nghẹn lại, nhai mãi không trôi. Thôi, trâu ơi! Mày đừng buồn. Vật dưỡng nhơn mà. Không có gì tồn tại mãi nếu sự ra đi của mày là đúng và có ích cho những người cưu mang. Sự tiếc nuối, than trách, kể công kể tội chỉ làm rưng rức nhau. Có khổ, là nếu mày còn…
Mùa nước năm nay, cái đô thị quê tôi nước dâng lênh láng. Nghe đài, đọc báo, biết mực nước chẳng cao. Nhưng ào ạt ngăn đê, giữ lúa, nước tràn về phố chợ âu cũng chẳng có gì là lạ. Chỉ có mấy ông Táo buồn xơ buồn xác, chen nhau giữa mấy hòn gạch to đùng, nước ì oạp ngay sát chân mình. Ông Táo ơi, biết sao bây giờ! Tết này, có về tâu Ngọc Hoàng, ông nói kheo khéo giùm. Tui có biết gì đâu mà ép tội tui?
Những sự áp đặt sắt đá của con người khó thắng nổi thiên nhiên. “Ông Trời” mà! Thắng ở đây, lại thua ông chỗ khác. Mà cuộc chiến nào cũng phải trả giá. Nói không phải tiêu cực, nhưng nó đã là quy luật. Cũng như cái Tết phải mở đầu bằng đêm giao thừa. Mình cứ việc dựa hơi đêm giao thừa mà cắn hạt dưa, nhâm nhi tách trà mà hưởng xuân. Ngày thường không thiếu. Nhưng giữa cái thời khắc giao thoa như vậy, cái gì cũng thấy…đã.
Cái thú ngồi lai rai, ngóng từng cơn gió xuân thổi xào xạc đám chuối sau hè, nghe từng bước chân rộn rã về nhà chờ giao thừa, nghe tiếng hỏi thăm con Tư, con Sáu ở Sài Gòn mới về ăn Tết, thấy đã làm sao… Ai cũng nô nức.
Trong nhà vẫn cái bàn đó, cái tủ này, sao thêm cái mâm cúng, mấy cây nêu, miếng liễn đỏ chét, thêm nhánh mai vàng rực, thấy cái sự sung sướng sao gần mình lắm thế! Nhưng chỉ lai rai thôi. Ba ngày Tết chẳng ai xui nốc quắc cần câu. Lỡ ngủ lăn quay, Tết trôi qua dưới chân, ngồi tiếc… Cái gì cũng phải có chừng có mực. Phải hợp lẽ.
Mấy chục tuổi đầu, ngày nào cũng vậy, tờ lịch cứ rớt dần. Nhưng cuốn lịch này mỏng tanh thì đã cuốn khác lao vào thế chỗ. Sự mất mát của quy luật luôn được thay thế một cách hợp ý nhất và chẳng mất lòng ai.
Thiệt! May mà còn có đôi ba ngày Tết, dù nó sẽ lặng lẽ trôi qua không ai cưỡng được.
HỒ HÙNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire