lundi 4 février 2008

Bức tranh đám cưới chuột


Trong một số tranh treo vào những ngày Tết Nguyên đán của chúng ta, bức tranh gây được ấn tượng dai dẳng và được nhiều người ưa thích là bức tranh Đám cưới chuột còn gọi là Trạng chuột vinh quy.
Điều này cũng có lý. Bởi tranh về chuột mà lại giàu tính xã hội, nói lên chuyện con người. Cái thời mà các nghệ sĩ nông dân tài hoa rất mực của làng Mái Đông Hồ vẽ nên bức tranh ấy là cái thời mà ai cũng mong mỏi hai sự việc lớn trong đời. Đó là đại vinh quy tức là thi đỗ làm quan về, tiểu vinh quy là lấy được vợ như ý.
Đám cưới rất trang trọng, mang đậm cái hình ảnh ngựa anh đi trước, kiệu nàng theo sau. Chàng xênh xang trong bộ áo gấm xanh. Nàng mặc áo màu gụ. Họ được rước đi, rạng rỡ trên con đường làng màu son nhạt với những vạt cỏ màu mạ. Chuột Trạng hoặc chuột chú rể được che lọng tía tượng trưng cho vinh quang, danh vọng lớn. Chuột cô dâu dịu dàng trong chiếc kiệu bát cổng có nhiều hoa văn trang trí kiểu cổ. Bốn chú chuột hầu hạ, ghé vai khiêng. Đám rước còn có biển đỏ, dàn nhạc. Hai chú chuột thổi hai chiếc kèn có cung bậc khác nhau: kèn pha và kèn đại. Trang phục các chú chuột “điểu đóm” là một loại gần như lòe loẹt, tinh nghịch gợi người xem liên tưởng tới kiểu trang phục của các anh hề ở gánh xiếc. Bức tranh tưng bừng về màu sắc, hài hòa về nhân vật, sinh động, rộn lên vẻ đùa giỡn, giễu cợt, trào lộng. Người ta thấy cái quần bó là rất thích hợp với hình dáng của các chú chuột nhanh nhẹn và năng động, phảng phất kiểu dáng của chiếc quần bò ngày nay.
Nhưng, cái hay, cái thú vị lại là ở chỗ có ông Mèo già ngồi đón đường đám rước khiến người ta nghĩ ngay tới câu chuyện về mèo và chuột vốn là hai loài xung khắc, đối lập nhau.
Chuột thuộc âm mà mèo thuộc dương. Cả hai đều phải tuân theo quy luật hài hòa của tạo hóa nên cuộc đấu tranh nào cũng phải có sự nhượng bộ lẫn nhau. Trong việc cư xử cũng vậy. Lúc này đây, nhà chuột đã có lễ biếu ông Mèo. Chuột đi đầu dâng lễ lại là con chuột đặc biệt, vào loại anh chị, đáo để, đã “thân qua bách chiến” đến nỗi cụt cả đuôi. Do đó, ông Mèo già cũng hơi ngán. Tuy vậy, chú rể, cô dâu và cả họ hàng nhà chuột vẫn chưa thật vững tâm. Họ vẫn còn mắt trước mắt sau, e ngại có chuyện gì đó sẽ xảy ra... Chú chuột mang con cá biếu ông Mèo, có dáng điệu khúm núm, sợ sệt khi nhìn thấy kẻ mạnh hơn mình.
Lại nữa, chuột tuy có nhiều điều xấu, tội lỗi và đáng ghét song chuột lại tượng trưng cho sự phồn thực. Đẻ như chuột mà. Ở đâu có chuột là nơi ấy có gạo, có cánh đồng, vựa thóc. Năm nào mèo ăn chuột quá tích cực thì mùa màng hỏng vì có sự hoạt động của nhà có nhiều thóc. Bức tranh còn nói lên rằng nhà chuột cũng rất chịu khó học hành để được đỗ đạt. Chuột cũng chung tình như ai chứ không phải loại (mèo mả gà đồng)...
Bức tranh Trạng Chuột vinh quy hay Đám cưới chuột còn sống mãi với Tết cổ truyền của chúng ta:


Tết về nhớ bánh chưng xanh
Nhớ đám cưới chuột, nhớ tranh lợn gà...



Theo Thế giới Phụ nữ

Aucun commentaire: