mardi 26 février 2008

Sông Đồng Nai ô nhiễm, nhiều người dân mắc bệnh

Lưu vực sông Đồng Nai đang bị đe dọa nghiêm trọng; nhiều đoạn sông trong khu vực đã trở thành “sông chết”. Nạn ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến sức khỏe người dân sống dọc theo lưu vực.
Báo cáo của ông Hoàng Dương Tùng, Trung tâm Quan trắc Bộ Tài nguyên Môi trường, đưa ra trong buổi hội thảo triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai sáng 26/2, cho biết trong những năm gần đây, tỉ lệ người dân mắc các bệnh liên quan đến nước tại các tỉnh thuộc lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn tương đối cao.

Các vụ tràn dầu trên sông Đồng Nai cũng khiến cho
tình trạng ô nhiễm của con sông này lên mức báo động.
(Ảnh: Trần Duy).

Theo đó, tại tỉnh Bình Dương (lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn), người dân thuộc các huyện sống gần sông Sài Gòn như Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên mắc bệnh lị và tiêu chảy cao hơn rất nhiều so với các huyện không chịu ảnh hưởng của tình trạng ô nhiễm nước sông.
Cục Bảo vệ môi trường cũng đưa ra cảnh báo: Hiện đang tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh trong cộng đồng do ảnh hưởng của kim loại nặng và hóa chất bảo vệ thực vật trong nước mặt. Theo chuỗi thức ăn, các chất độc hại sẽ tích lũy trong thực phẩm (rau, cá…) rồi chuyển hóa và tích tụ lâu dài trong cơ thể con người. Mặc dù hàm lượng các chất ô nhiễm trong nước mặt nhìn chung vẫn nằm trong giới hạn cho phép nhưng nếu không quản lý hiệu quả và hạn chế việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật một cách tràn lan; kiểm soát các nguồn nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp thì nguy cơ ô nhiễm các bệnh trên sẽ còn rất cao.
Hệ thống lưu vực sông Đồng Nai trải rộng trên địa bàn 12 tỉnh, thành phố. Phần hạ lưu của nhiều con sông trong lưu vực đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Ô nhiễm nhất trong lưu vực là sông Thị Vải với một đoạn sông dài trên 10km.

Trần Duy



Khi môi trường nước có hàm lượng kim loại nặng cũng như có các hóa chất bảo vệ thực vật vượt mức quy định, những chất kim loại nặng có trong hóa chất bảo vệ thực vật sẽ được tích lũy trong các động, thực vật thủy sinh và cây trồng. Thực phẩm này khi chuyển hóa trong cơ thể con người, các chất nguy hại sẽ được tích tụ, đến khi vượt ngưỡng cho phép sẽ làm rối loạn nhiều cơ quan trong cơ thể dẫn đến một số bệnh nguy hiểm như gây đột biến gen, ung thư, thiếu máu, các bệnh về tim mạch (cao huyết áp, rối loạn tuần hoàn máu, viêm tắc mạch ngoại vi, bệnh mạch vành, thiếu máu cục bộ cơ tim và não), các loại bệnh ngoài da (biến đổi sắc tố, sạm da, ung thư dự án…), tiểu đường, gan và các bệnh liên quan tới hệ tiêu hóa, các rối loạn ở hệ thần kinh hoặc dẫn đến tử vong. (Nguồn: Cục Bảo vệ môi trường).

Báo động ô nhiễm nước hạ lưu sông Đồng Nai

Trải rộng trên địa bàn 12 tỉnh, hạ nguồn hệ thống sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có đoạn đã trở thành sông "chết", theo cảnh báo của các chuyên gia tại hội nghị triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, sáng 26/2 ở TP HCM.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM Nguyễn Văn Phước cho hay, hiện nước sông Đồng Nai đoạn từ nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng vượt mức cho phép 3-9 lần. Giá trị các chất COD vượt 1,8-2,8 lần, giá trị DO cũng thấp dưới giới hạn cho phép.
Vùng hạ lưu sông nhiều đoạn bị ô nhiễm ở mức báo động. Toàn lưu vực cũng bị tình trạng nhiễm mặn, nguồn nước không còn khả năng sử dụng cho mục đích tưới tiêu và sinh hoạt.

Nước hồ thủy điện Trị An cũng bị cảnh báo là ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: P.A.

Theo nghiên cứu của Sở Tài nguyên môi trường TP HCM, đoạn sông từ khu vực trạm bơm cấp nước Hóa An đến Cát Lái, qua địa bàn TP HCM thuộc hệ thống sông Sài Gòn chất lượng nước tương đối ổn định. Tuy nhiên, tại các trạm quan trắc Phú Cường, Bình Phước và Phú An, nước đã bị ô nhiễm hữu cơ, đặc biệt là ô nhiễm dầu và vi sinh, không thể dùng làm nguồn cấp nước sinh hoạt.
Càng xuống vùng trung lưu (khu vực cầu Bến Súc, cửa sông Thị Tính) và đi dần về phía hạ lưu sông thì tình hình ô nhiễm lại ở mức báo động. Theo kết quả quan trắc, vùng cửa sông Thị Tính có hàm lượng Nitơ vượt gần 30 lần tiêu chuẩn.
Trong khi đó, chất lượng nước của các sông khác trong lưu vực cũng đang bị suy giảm. Nước các nhánh sông Bé, Đa Nhim - Đa Dung thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước diễn biến theo chiều hướng xấu với hàm lượng sắt trong nước tăng cao.
Tình trạng ô nhiễm nặng tại sông Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với một đoạn sông "chết" dài hơn 10 km. Nước ở đây bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, có màu nâu đen và bốc mùi hôi thối kể cả khi triều lên xuống.
Điều đáng nói là trong thời gian qua, công tác quản lý các lưu vực sông còn nhiều bất cập vì khó phân định trách nhiệm, thẩm quyền rõ ràng giữa các Bộ, ngành. Hiện vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng cho việc huy động nguồn lực từ các tổ chức tư nhân, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, cộng đồng tham gia vào việc phát triển và bảo vệ tài nguyên nước.
Các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai từ nay đến năm 2020. Mục tiêu nhằm bảo vệ an toàn nguồn nước thuộc hệ thống về chất lượng và lưu lượng, đạt tiêu chuẩn nước sạch tự nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực.

Vi Vi


Chảy qua 12 tỉnh, trong đó 7 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) và một phần Đăk Lăk, Đăk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt và sống còn trên lưu vực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người, cấp nước cho công nghiệp, tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch sông nước...

Ông tò he

Một buổi chiều đi làm về sớm, ngang qua cổng đình, chợt thấy một ông già đội nón rộng vành. Nhìn dáng ông đang cố đẩy chiếc xe đạp dựa vào cổng đình rồi quẹt mồ hôi sao tôi thấy quen quen. Đến khi ông lôi trong chiếc thúng ràng ở baga xe ra một cái khay rồi bày lên đó những khối bột nhuộm phẩm màu, thêm nắm que tre chuốt nhọn thì tôi như muốn thét lên: "Trời ơi, ông tò he, ông tò he kìa", rồi nhanh chân chạy về nhà dắt đám cháu nhỏ chạy ra chỗ ông đang bày hàng.

Một thiếu niên nặn tò he
tại khu vực Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) dịp Tết 2008.

Dễ đến hơn mười năm tôi chưa gặp lại ông tò he nào - ông tò he suốt thời ấu thơ của tôi, của mấy đứa nhóc trong xóm. Tôi còn nhớ như in lần đầu tiên bọn nhóc chúng tôi phát hiện ra cụ Tía - bán tò he, cũng là ngày đầu tiên ông xuất hiện ở xóm tôi, cũng chỗ cổng đình này. Lúc đó tôi đang học lớp 3. Bữa đó gần Tết, được cô cho về sớm, đám học trò xóm Dốc không về nhà ngay qua lối chợ mà theo mấy đứa xóm đình, định tới chỗ giếng mội chơi.
Vậy mà mới đi tới cổng đình, cả đám dừng lại bởi một người rất lạ. Người ông nhỏ thó trong chiếc áo lùng bùng, đội nón rộng bè bè mà tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Chiếc xe đạp sườn ngang dựng nép vô cổng, cái khay đặt trên cái thúng có mấy cục xanh, đỏ, tím, vàng cỡ bằng nắm tay mà không đứa nào đoán được là thứ gì. Mấy đứa bấu nhau, nắm tay thật chặt, rón rén đứng nhìn từ xa. Khi thấy chúng tôi, ông gọi lớn bằng giọng Bắc: "Đến đây ông bảo này" thì có đến ba bốn đứa ù chạy mất, ba bốn đứa nửa muốn bỏ chạy nửa tò mò muốn biết mấy thứ xanh đỏ kia. Ông bảo: "Thích chơi con tò he thì ông cho". Tôi chỉ biết chơi con heo đất, con trâu làm bằng lá mít, con cỏ gà, con chuồn chuồn, mấy đứa con trai thì bắt cào cào, chim sâu, cắc ké... chơi chứ chưa nghe ai nói "con tò he" là cái giống gì. Nhỏ Tuyết thì thầm "Coi chừng ông già bỏ bùa đó" rồi bỏ chạy. Không hiểu sao lúc đó chỉ tôi với nhỏ Luyến đứng im, nín thở nhìn theo tay ông. Ông vo mỗi thứ màu một ít, đắp vô que tre, miệng kể lể cái gì đó rồi đưa cho mỗi đứa một cái. "Cái này là cô Tấm, còn cái này là cô Cám, ông cho hai cháu làm quà chơi, quà tò he đấy".
Bữa sau, bữa sau và rất nhiều bữa trưa đi học về chúng tôi đều tạt qua cổng đình. Một món quà tò he chỉ hai trăm đồng. Chỉ mấy nắm bột nếp pha phẩm màu, tí dầu mỡ cho trơn tay, tất cả mọi thứ trên đời đều có thể hiện ra dưới bàn tay cụ Tía.
Đó là những bữa trưa không ngủ và không sao ngủ được vì những con tò he của cụ Tía. Ông ít khi làm hàng sẵn bày bán mà đợi có khách mới làm. Ông bảo vừa nặn vừa kể chuyện, xung quanh nhiều người ríu rít mới thấy thú vị.
Ông xuất hiện ở cổng đình chừng một tháng rồi đi đâu mất đến vài tháng, có khi cả năm mới quay lại khiến chúng tôi trông đứng trông chờ. Lần cuối cùng ông đến cổng đình cách đây cũng hơn mười năm, lúc đó tôi chuẩn bị đi học xa nhà. Ông nói chắc ông về quê nghỉ ngơi vì tuổi già sức yếu. Ông ngoài bảy mươi rồi còn gì. Theo lời ông, làng Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, quê ông là một làng nghề tò he độc đáo nhất nước, trên 600 tuổi nghề.
Bữa cuối cùng, ông nặn tặng chúng tôi vô số to he mà con nào cũng bắt mắt. Những con tò he cuối cùng này tôi giữ cẩn thận lắm, đem phơi nắng thật kỹ nhưng cũng chỉ được chừng vài tháng thì mốc phải bỏ đi. Hôm bữa tỉnh tổ chức lễ hội văn hóa, tôi gặp một anh thanh niên đứng nặn tò he, cũng đám nhỏ bu xung quanh. Tôi chen vào nhìn ngắm, cái miệng anh tò he lanh leo lẻo, đôi tay có phần nhanh hơn, nặn đủ thứ nào Đôrêmon, Tiểu Yến Tử... nhưng không biết kể chuyện như cụ Tía ngày xưa.
Bữa nay, ra tới cổng đình mà đám cháu nhỏ của tôi vẫn cứ ngơ ngác giống tôi hồi đó, không hiểu cụ già kia đang làm gì. Còn tôi ngơ ngác vì nhớ con ngựa trắng bờm tía và nhớ cụ Tía của tôi...

Bùi Nguyễn
Bao Dong Nai

Biên Hòa có bưởi Tân Triều


Miền Tây Nam bộ vốn là thiên đường trái cây của cả Đông Dương, nhưng có một loại, xưa nay miền Tây phải chịu lép so với miền Đông: đó là trái bưởi.

Thiếu nữ bên vườn bưởi Tân Triều

Dọc đường thiên lý Bắc Nam, trước đây ai qua Biên Hòa thường dừng lại mua mấy trái bưởi quý làm quà. Biên Hòa được gọi là xứ bưởi, là vì có bưởi ngon, chứ chẳng phải có nhiều bưởi.
Mười mấy năm nay, bưởi Năm Roi với bưởi da xanh của miền Tây lên ngôi. Cũng vì bưởi Biên Hòa trồng không đủ bán, mà bưởi ngon nhất chỉ có ở rẻo cù lao nhỏ tên Tân Triều. Trong khi miền Tây đất đai mênh mông, chỉ cần năm bảy năm là tràn ngập bưởi, đóng công-ten-nơ xuất qua Trung Quốc, châu Âu cũng không hết. Mà bưởi miền Tây do lớn trái, đẹp mã, nên cũng dễ bán hơn.
Người đời nay thường chuộng hình thức hơn nội dung: từ chiếc điện thoại di động đến chiếc xe, rồi tới cái ăn cũng chọn thứ đẹp mã. Nhưng bạn cứ để ý mà coi: con gà nuôi chuồng coi phổng phao vậy chứ thịt sao ngon bằng con gà ta ốm nhách. Trái ổi sẻ nhỏ xíu, xấu xí vậy mà thơm dậy nhà, đậm đà chớ không lạt nhách như trái ổi xá lị bự xự. Trong vụ ăn uống này, "hình thức" coi bộ nghịch với "nội dung".
Trái bưởi Biên Hòa thường xấu mã: không xanh đều, mà lốm đốm đồi mồi, lúc chín cũng không có cái màu vàng rộm ngon mắt của bưởi năm roi. Trong các giống bưởi quý ở Biên Hòa, quý nhất là bưởi ổi, mà đó cũng chính là giống xấu mã nhất: trái đã nhỏ, tướng lại dị kỳ. Thường cúng ông bà xong, người ta liệng chúng xuống gậm giường để dành hai ba tháng. Suốt mấy tháng đó, vô tới nhà là nghe mùi bưởi thơm ngát, mà ruồi muỗi nghe mùi cũng kiêng dè. Tới khi lấy ra lột, vỏ bưởi mỏng như vỏ cam, múi bưởi sắc lại thơm nức, mà vị ngọt thanh tao không giống bưởi nào sánh nổi.
Bưởi ổi giờ cả xứ Tân Triều chỉ còn mấy cây, chỉ để nhà vườn ăn hoặc làm quà biếu. Những người sành bưởi ở tại Biên Hòa cũng đành tiếc nhớ một hương vị ngày xưa.
Tôi có người bạn ở bên này con rạch ngăn đôi Tân Triều - Bình Lục. Y luôn mang nỗi ấm ức muôn đời của dân Bình Lục: chỉ cách một con rạch hẹp téo mà bưởi bên này không bao giờ có được cái danh thơm của bên kia. Nhưng ngay trên mảnh đất Tân Triều, người dân cũng chia thành hai khu vực với sự phân biệt đối xử rõ ràng: bưởi bên nửa phía Tây cù lao, qua khỏi nhà thờ thì chỉ được xếp hạng hai mà thôi. Và tất nhiên, bưởi ở hai cù lao Mỹ Quới, Thạnh Hội kế bên, cũng như tất cả mọi thứ bưởi khác trên đời, không là gì khi đứng bên bưởi Tân Triều !


Hà Duy Thiện
Bao Dong Nai

Dấu xưa thành cổ Biên Hòa



Trên địa bàn phường Quang Vinh, nội ô Biên Hòa, những dấu tích của một thành cổ với bờ thành bằng đá ong, toà kiến trúc hằn lên những vết tích của thời gian. Những gì còn sót lại chỉ là một phần nhỏ của một thành Biên Hòa được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, trải qua bao biến thiên lịch sử với nhiều tên gọi: thành Cựu, thành Kèn, thành Săn - đá...

So với những di tích thành cổ ở Nam bộ, thành Biên Hòa với những dấu tích còn lại là một điều may mắn cho vùng đất này. Bởi lẽ, trải qua hơn 170 năm được tạo dựng, trải qua bao biến cố thời cuộc, xã hội đã làm thay đổi và mất đi nhiều di sản vật thể thì công trình kiến trúc cổ Biên Hòa này vẫn còn những dấu tích rõ nét, hiện diện trong đời sống hiện tại.
Sử liệu cho thấy thành Biên Hòa được xây dựng năm 1834 dưới thời vua Minh Mạng và được mở rộng vào năm 1838. Vị trí thành được xây dựng trên vị trí thành bằng đất của vua Gia Long, sau đó xây bằng đá được mô tả: "Chu vi dài 338 trượng (khoảng 1.350m), cao 8 thước 5 tấc (khoảng 3,4m), dày 1 trượng 5 thước (trên 4m), hào đào rộng 3 trượng (12m), sâu 6 thước (2,4m), có 4 cửa thành. Ngoài ra còn có nhiều công trình khác như kỳ đài, cầu đá...".
Ngoài chức năng của một trung tâm hoạt động nhiều mặt xã hội đương thời, thành Biên Hoà có những đóng góp quan trọng trong việc bố phòng an ninh của nhà Nguyễn ở miền Đông Nam bộ nói chung và Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng. Chúng ta đừng quên rằng, thành cổ Biên Hòa được xây dựng là một thành quả có sự đóng góp sức người rất lớn của các thế hệ tiền nhân Biên Hòa. Trong thời kỳ thành xây dựng bằng đất có 1.000 người và khi xây bằng đá ong có đến 4.000 người tham gia. Trong diễn trình lịch sử của Biên Hòa - Đồng Nai, thành cổ Biên Hòa gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử: nhà Nguyễn dẹp cuộc khởi binh của Lê Văn Khôi, cuộc chiến đấu chống quân Pháp xâm lược lần thứ nhất vào nửa cuối thế kỷ 19, cuộc tấn công của Hội kín yêu nước Lâm Trung Trại đầu thế kỷ 20, cuộc tấn công năm 1946 của lực lượng vũ trang Biên Hòa trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp...
Trải qua nhiều biến cố, thành Biên Hòa có nhiều thay đổi, âu đó cũng là số phận của vạn vật trong biến thay, đổi dời trong xã hội. Tổng thể quy mô của thành lúc nguyên khởi không được bảo vệ mà đầu tiên là từ năm 1861 quân Pháp chiếm đóng, thu hẹp lại chỉ bằng 1/8 so với trước. Về sau, những thể chế chính quyền đã sử dụng thành Biên Hòa trong các chức năng khác nhau và không lắm lần đã làm biến dạng những cấu kết kiến trúc.
Sự tồn tại của những dấu tích kiến trúc còn lại của Biên Hòa cần được bảo vệ. Thế nhưng, bảo vệ và phát huy như thế nào cần có một sự hài hòa trong xu thế phát triển đô thị hiện nay. Hẳn người Biên Hòa sẽ vui mừng một khi chứng kiến đô thị Biên Hòa hiện đại nhưng trong lòng nó vẫn bảo tồn di sản kiến trúc của tiền nhân để lại.
Di tích thành Biên Hòa được bảo vệ, tôn tạo sẽ làm phong phú thêm danh mục di sản của vùng đất Nam bộ và là di tích thành trì độc đáo của Biên Hòa. Nên chăng, các ngành hữu quan tôn tạo, sử dụng những kết cấu kiến trúc hiện tồn trong phạm vi di tích thành cổ Biên Hòa và kết hợp xây dựng các công trình kiến trúc mới hợp lý nhằm làm cho nơi đây thành một địa chỉ văn hóa của TP. Biên Hòa. Bộ sưu tập súng thần công được trưng bày tại Khu vực Quảng trường tỉnh (nay là Khu liên hợp văn hóa – thể dục thể thao tỉnh) được chuyển đến trưng bày trong một không gian được quy hoạch phù hợp sẽ làm tăng thêm ý nghĩa, giá trị của di tích. Nội dung cấu kết trưng bày tại di tích sẽ phong phú khi thể hiện lịch sử vùng đất Biên Hòa trong công cuộc giữ nước, bảo vệ quê hương, tôn vinh những danh tướng có công với xứ sở này. Đây cũng có thể xem như một Võ miếu - vốn di tích là thành trì quân sự - trong khi Biên Hòa đã tôn tạo xây dựng công trình Văn miếu Trấn Biên.


Phan Đình Dũng

Bí ẩn Cát Tiên

Nằm gọn trong lãnh thổ Việt Nam, sông Đồng Nai bắt nguồn từ hai phía cuối của rặng Trường Sơn xuống những trũng thấp về miền đất đỏ miền Đông. Chòm hổng gần bờ Đạ Đờng (sách địa lý ghi là Đa Đông) bên phía Tây có một miền đất huyền bí tên là Cát Tiên. Bất kể khi nào, cứ ở trong Nam ngoài Bắc có mưa dầm, bão táp thì ở đây cũng sụt sùi, nước sông Đạ Đờng như muốn dâng lên và rừng xanh gió núi như cất lên ngàn lời ca.

Dễ hiểu vì đây là đất thuộc vườn quốc gia Cát Tiên với những loài cây gỗ quý tự nhiên tuổi thọ hàng trăm năm, những hang động chìm sâu trong lòng đất, đá hòn đá tảng có nguồn gốc phún xuất thạch lộ diện, muông thú và cá sấu với những bàu nước thiêng và những voi rừng, hổ báo, chim trời ra bắt mồi, tắm mát. Rừng Cát Tiên có diện tích hơn 73.000 hecta và vùng rừng đệm có diện tích tương tự trải từ cuối cao nguyên Đắc Nông tới rìa Nam Lâm Đồng. Trong vùng còn có rừng cấm Cát Lộc, điểm cùng với đảo Java (Indonesia) là nơi cư trú cuối cùng của loài tê giác một sừng. Cát Lộc còn khoảng 6 con, các nhà khoa học trong quá trình tìm kiếm chỉ gặp được những dấu chân thú, nếu lượm được chút phân có thể coi như điều may mắn.

Lộ dấu... vàng

Từ bờ sông, dải đất thấp trũng bên những ngọn đồi cách 30km ra huyện lỵ Đạ Huoai trên đường đi Đà Lạt từ năm 1980 được chọn làm vùng kinh tế mới đưa người từ khắp tỉnh thành miền Trung, miền Bắc đến lập nghiệp, nhiều năm sau hình thành lên hai huyện mới là Cát Tiên và Đạ Tẻh. Năm 1984, những lưu dân ở xã Quảng Ngãi khi đào đất làm rẫy ven một chân đồi sát bờ sông đã tình cờ gặp được những mảnh vàng khắc chữ kỳ lạ. Dân chúng kháo nhau đi đào bới tìm vàng. Nhưng từ nguồn tin này, từ năm 1985, những nhà khảo cổ phối hợp với bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đã thám sát thêm nhiều điểm quanh khu vực và xác định đây là một khu di tích lớn mang dấu vết đền tháp và mộ táng được kiến trúc bằng gạch đá chưa xác định được niên đại. Nhiều di vật gốm, đồ đồng, sắt, tượng tròn bằng thuỷ tinh, đá bán quý và thạch anh đã được tìm thấy. Thấy nhiều nét tương đồng với những di chỉ đã gặp ở Ba Thê (An Giang), Gò Tháp (Đồng Tháp) và tháp Bình Thạnh (Tây Ninh) nên nhiều người đoán rằng đây là dấu vết của nền văn minh Óc Eo mà chủ nhân là vương quốc Phù Nam, một đế quốc trải rộng suốt cả địa giới Nam bộ, Campuchia và nhiều quần đảo phía nam biển Đông - vịnh Thái Lan hiện nay.
Nhưng phỏng đoán này lập tức đã bị nhiều người bác bỏ, vì vương quốc Phù Nam đã bị tiêu diệt vào khoảng thế kỷ thứ VI, thứ VII, các bộ tộc sau đó di tán khắp nơi, hình thành nên nhiều tiểu quốc như Chân Lạp, Chiêm Thành, Lâm Ấp... Nhiều người tạm gọi đây là khu thánh địa Bà La Môn.

Chủ nhân mờ mịt bóng

Những lá vàng cổ vật



Qua nghiên cứu về kiến trúc, các di tích Cát Tiên có niên đại từ đầu thế kỷ thứ VIII đến cuối thế kỷ thứ IX. Phạm vi các cụm di tích tập trung trên một diện tích ước rộng 15km vuông. Xa hơn về hướng đông và nam, thuộc địa bàn Đồng Nai người ta cũng dần dà tìm được các di vật chum lọ, công cụ với vật liệu và cấu trúc tương tự. Khác với các tháp Chàm, các chất liệu gạch xây dựng nơi đây có phần vụng về hơn nhưng được điều hoà bởi kết cấu của các khối đá granit như bệ khung, diềm cửa được chạm trổ hoa văn khá tinh vi. Các khu đền tháp đều nằm trên gò đồi, quay mặt về hướng chính đông, trung tâm ngôi đền bao giờ cũng là chỗ đặt bộ sinh thực khí Linga - Yoni của tín ngưỡng phồn thực. Ngạc nhiên nhất là Linga lớn nhất Đông Nam Á đã được tìm thấy ở đây, với chiều cao 2,1m, đường kính 0,7m. Đặc biệt là có nhiều Linga bằng vàng hoặc vàng bịt bạc cũng đã được phát hiện. Có một báu vật không nơi nào có là Linga bằng đá thạch anh trong suốt, nặng 3,5kg, có độ thấu quang và độ cứng khá cao.
Tổng cộng đến nay đã có bốn cuộc khai quật di tích diễn ra tại Cát Tiên. Cuộc khai quật lần thứ hai năm 1998 tại di chỉ Phù Mỹ lại tìm ra thêm 150 hiện vật khá nguyên vẹn. Nhiều nhất là các bàn xoa đồ gốm hình nấm, các dọi xe chỉ, khuôn đúc đồng bằng đá, bi gốm, rìu đá có hoa văn hình thú. Các nhà khoa học lại kết luận rằng niên đại của di chỉ Phù Mỹ phải có từ 2.500 - 3.000 năm, thuộc thời đại đồng thau, rất lâu trước niên đại các di chỉ có ở xã Quảng Ngãi!
Đáng lưu ý nhất là những mảnh vàng tìm thấy ở di chỉ Quảng Ngãi, trong các tháp thờ. Di tích 1A nằm trên đồi Khỉ cao 50m so với mặt ruộng. Ngôi tháp thờ (Kalan) xây bằng gạch kết hợp với các bộ cửa lớn, lòng tháp rộng gần 40m vuông, cửa quay về hướng đông, nhìn ra sân rộng có đường đi xuống bến sông. Các hiện vật vàng đều được đặt ở đáy tháp, trong phần cuối cùng của trụ gạch xây giữa lòng tháp được gọi là trụ giới. Có vài lá vàng mỏng không có hoa văn kích thước nhỏ, được đặt giữa các lớp gạch xây trong lòng tháp không theo một quy luật nào, như một sự cất giấu ngẫu nhiên.
Nhiều lá vàng ở đây trang trí với hình ảnh các vị thần, tu sĩ, hoa sen, hoa chanh, Linga - Yoni, các vật thần như Nandin, Hamsa, voi, ngựa, rùa, rắn, văn tự... Có hiện vật có hình voi và hình hoa sen nở. Bộ hiện vật vàng góp phần khẳng định tính chất Bà La Môn giáo của khu di tích. Tôn giáo này từ trước có ảnh hưởng mạnh với dân tộc Chiêm Thành và Chân Lạp. Vậy thì chủ nhân thật sự của các đền đài phế tích Cát Tiên là dân tộc nào?

Cõi thần linh thiêng

Bộ sinh thực khí Linga – Yoni



Tới nay nhiều ý kiến nghiêng về xu hướng chủ nhân nó chính là tiểu quốc Mạ nằm giữa Chân Lạp và Chiêm Thành. Có thể đúng vì từ Cát Tiên qua quốc lộ 20 tới địa bàn Bình Thuận không xa. Về phía tây nó lại nối liền với các tỉnh Kratie, Mondulkiri của Campuchia hiện nay. Dòng tộc người Mạ vẫn còn đây, chiếm quy mô dân cư lớn nhất trong số các dân tộc ít người. Tiếng Mạ còn có từ phát âm là Bun Păng - cõi của các thần linh. Nhưng trong nếp sống, sinh hoạt và dấu ấn văn hoá, tín ngưỡng, người Mạ lại không còn chút gì của nền văn minh cổ xưa, từ kỹ thuật làm gạch, xây nhà đến chế tác kim loại. Vì sao vậy? Theo cơn lốc của lịch sử, một dân tộc nếu cứ co mình lại không mở cửa giao thương thì có thể lâm vào cảnh tụt hậu và dẫn đên suy tàn. Đền đài di tích Cát Tiên là lời cảnh báo của quá khứ.
Từ huyện Đạ Tẻh, qua khỏi con dốc cao, huyện Cát Tiên như một lòng chảo giữa trùng điệp cây rừng. Ba mặt huyện là sông. Lòng sông Đồng Nai ở thượng nguồn Đạ Đờng rộng chưa tới 100m, mặt nước đỏ ngầu phù sa bazan. Heo hút, hoang vắng là cảm giác có từ núi rừng. Cây mai dương (cây trinh nữ Mỹ) rậm rạp lối đi. Loài cây ngoại lai này lá như lá mắc cỡ nhưng lớn gấp ba, người hoặc vật chạm vào lá cũng cụp lại, cây tua tủa gai nhọn, không con chim, con thú nào luồn, chui qua được. Tại Việt Nam, cây mai dương xuất hiện đầu tiên và nhiều nhất là tại vườn quốc gia Tràm Chim giữa vùng ngập nước Đồng Tháp. Hình như mưa lũ cuốn nó tận từ dòng Mê Kông các nước sa xuống, tấp vào bờ. Nhiều nghiên cứu tìm cách huỷ diệt nó nhưng cuối cùng hạt cây vẫn theo bầy chim hoang dại và nước lũ cuốn trôi lan toả ra nhiều miền, nay đã lên tới thượng nguồn sông Đồng Nai.
Cuối con đường này ngày xưa là một bến sông quê. Bên kia bờ là xã Đăng Hà huyện Bù Đăng của tỉnh Bình Phước. Từ đó có đường 40km dẫn ra quốc lộ 14 tại thị trấn Đức Phong, tiếp giáp với miền cao nguyên Đak R'Lấp.
Từ năm 2001 chính quyền hai địa phương đã thoả thuận phương án cùng làm một chiếc cầu nối hai bờ sông để dân hai bên cùng qua lại, giao thương thuận lợi, du lịch phát triển. Công trình được khảo sát, thi công đóng cọc, làm đà dầm cầu từ năm 2001 nhưng rồi ngưng nửa chừng. Dầm cầu được thiết kế thấp quá nên lũ lên sẽ làm ngập cầu. Đầu năm 2007 thiết kế đã được chỉnh sửa, cầu đã đi vào sử dụng nối gần những con đường từ Phước Long - Bù Đăng trên quốc lộ 14 qua quốc lộ 20 đi Bảo Lộc, Đà Lạt
Việc khảo sát các phế tích vẫn chưa hoàn chỉnh, di sản đền đài chưa xuất lộ hết để có thể gia công khôi phục nguyên vẹn, nhưng Cát Tiên đã được đưa vào danh sách đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới. Hồ thủy lợi Đạ Kho lớn nhất huyện, giữa hồ có nhiều ốc đảo đã được tô điểm làm nơi thưởng ngoạn. Công ty cổ phần du lịch Saigon Madagui thuộc hệ thống Saigontourist cuối 2007 đã có một hợp đồng với UBND huyện Cát Tiên để đầu tư hồ Đạ Kho. Các điểm du lịch sinh thái mọc lên, khách quốc tế đến đông thì nền văn minh đã chôn vùi trong lịch sử sẽ càng hấp dẫn. Thời gian sẽ rọi đường cho phế tích.


Vân Oanh

SGTT

Thời gian

(VietNamNet) - Thời gian là thước đo vô hạn, vô hình. Nhưng cũng có khi là hữu hạn hữu hình, đo khoảng cách đợi chờ của người đàn bà, hằng đêm, với con tim thổn thức thương yêu hay hờn giận, nồng nàn hay buồn tủi, âu lo… Thời gian cũng là thước đo hữu hạn hữu hình, ngày ngày đo sự đổi thay của một đất nước, thông qua sự đổi thay bình dị mỗi con phố, làng quê, mỗi thế hệ, gia đình… sự đổi thay của thời cuộc

"Tiếng đêm"

Ngày ấy ra trường, tôi được phân công về thành phố, anh dạy học ở Biên Hòa. Mối tình thời sinh viên kéo dài thêm khoảng cách 30 cây số. Rời ký túc xá, tôi về ở nhà dì, trên căn gác ban ngày nóng như một lò bánh mì, có một cửa sổ nhỏ, mở ra nhìn xuống con hẻm rất yên tĩnh. Cái cửa sổ bạn bè vẫn thường gọi đùa là giống như một chuồng cu.
Mỗi tối thứ bảy anh đạp xe về Sài Gòn thăm tôi. Từ cửa sổ chuồng cu, tôi ngồi đợi anh. Mỗi khi nghe tiếng xe đạp ngừng dưới đường và tiếng huýt sáo nho nhỏ, tôi biết là anh đã đến. Nhưng, có khi tôi chờ đợi, chờ đợi mãi mà không biết rằng đêm đã trôi qua để vô tình cảm nhận những âm thanh của đêm: tiếng xe đạp chạy qua, tiếng còi tàu xa xa, tiếng guốc gõ trong đêm, tiếng gõ mì cóc cóc, tiếng lùa lao xao dây bạc cắc của người đấm bóp dạo, tiếng người nói cười gần xa và mất hút.
Thời gian lặng lẽ trôi. Có những tối thứ bảy nghe tiếng xe đạp dừng và tiếng huýt sáo của anh bên dưới, tôi thò đầu ra ngoài cửa sổ nhìn xuống thấy anh ngồi trên xe đạp với đốm thuốc trên tay, và cũng có những tối thứ bảy, chỉ có tôi ngồi lặng nghe tiếng của đêm với những giận hờn đầy ắp...
Dì ra nước ngoài, tôi trở về nhà ba mẹ, sống và làm việc trong một thành phố thật đẹp, thật yên tĩnh. Mối tình của tôi và anh kéo dài mười năm, cộng thêm mười hai năm sống chung nhà với hai đứa trẻ con.
Bây giờ tôi không chỉ chờ đợi anh mỗi tối thứ bảy, mà gần như phải chờ đợi anh đêm đêm. Không còn tiếng xe đạp, tiếng huýt sáo khe khẽ ngày nào mà thay vào đó là tiếng xe máy, cộng thêm thảng hoặc có tiếng lè nhè của anh khi trở về nhà.
Rồi với những đêm phải chờ đợi, tôi cảm nhận được rằng tiếng đêm đối với mình sao thân thuộc quá: sự yên tĩnh của đêm, một vài tiếng xe chạy qua, tiếng người nói cười khi đi chơi về khuya, tiếng thạch sùng tặc lưỡi, tiếng còi tàu, cùng với tiếng thổn thức của nỗi lòng chờ đợi ....

Chờ đợi. Ảnh: myopera.com

Ngày xưa tôi ngồi đợi anh với một hạnh phúc vỡ òa khi anh đến, với những giận hờn ứ trong tim khi anh không tới. Bây giờ tiếng đêm và nỗi đợi chờ của tôi có cả những lo lắng, bồn chồn. Tất cả như một quả bóng tròn căng chỉ được xì hơi xẹp xuống khi nghe tiếng xe anh ngừng trước cửa.
Một ngày soi gương bất chợt tôi nhìn thấy một vài sợi tóc ngả màu theo năm tháng chờ đợi, vài nếp nhăn xuất hiện ở chuôi mắt, ở khoé môi. Những thứ đó và tiếng đêm đã là bạn đồng hành cùng tôi nhiều năm như thế. Nó đánh dấu cho những gì đã qua cũng như đón nhận những điều sẽ đến. Và anh, anh cứ vô tình không biết rằng tôi nhớ biết bao tiếng đêm ngày nào với tiếng huýt sáo khe khẽ của anh...

...Và "tiếng thời cuộc"


Thời cuộc đổi mới. Ảnh: Hoàng Hiển

Xưa, phố chỉ kéo dài hun hút với những mái ngói đỏ tươi, cây cổ thụ già cỗi nghiêng mình đón gió đầu làng… Con đê nhỏ ngoằn ngoèo như dải lụa đào len lỏi vào từng ngõ ngách… Nay, phố huy hoàng với dãy nhà cao tầng đủ màu sắc, nhà chung cư mọc lên dày đặc, nhà máy sản xuất hoạt động ngày đêm. Đường phố trải nhựa phẳng lì, các nút giao thông nhiều khi tắc nghẽn vì đất chật người đông.
Xưa, mọi người gặp nhau ấm áp tình người với ấm nước chè pha đặc, nước vối chan chát, miếng trầu têm khéo làm đầu câu chuyện. Nay, người ta gặp nhau và bàn chuyện trong những quán nước, những quán cà phê trang trí đa phong cách…Câu chuyện thời hiện đại dường như sôi động hơn, nhiều dư âm hơn qua vị đắng của cà phê, của điệu nhạc du dương không lời.
Xưa, miếng ăn phải xoay sở từng bữa. Người ta mò cua bắt ốc, củ sắn củ khoai thay cơm. Nay, các hàng ăn mọc nhiều như nấm sau cơn mưa. Món ốc, món khoai nướng, sắn hấp trở thành món ngon. Hàng ốc đầu phố Hàm Long nườm nượp khách đến vì nước chấm miễn chê, hàng ốc tại khu tập thể Kim Liên gần siêu thị Asean ăn xong được khuyến mãi kẹo. Học sinh, sinh viên tụ tập nhau tán chuyện ở những hàng ăn dân dã ấy.
Xưa, tài sản quý giá nhất trong nhà là chiếc xe đạp Phượng Hoàng, cha mẹ ki cóp, dành dụm mãi mới dám mua để đi lại thuận tiện hơn…Nay, bước ra phố là đủ loại xe máy: ZX, Jupiter, Nouvo. Xe đối với nhiều người chưa phải là thứ tài sản quý giá nhất…


Phố xá ngày nay. Ảnh: Phạm Hải

Xưa, trẻ con đùa nghịch vui chơi bằng những trò tự biên tự diễn: tập tầm vông, nu na nu nống, thả đỉa ba ba... Nay, khu vui chơi của con nít như Công viên Vầng Trăng, Công viên nước Hồ Tây… được trang hoàng hoành tráng, trò trượt ống, đu quay, trò cưỡi ngựa rộn ràng trong âm nhạc thiếu nhi vui nhộn. Đồ chơi của lũ trẻ giờ cũng đa dạng hơn, phong phú hơn, có cái đắt đỏ không kém gì đồ đạc đắt tiền trong gia đình.
Xưa, 18 tuổi con gái về nhà chồng còn bỡ ngỡ, lóng ngóng, non nớt như chim non lạc mẹ. Nay, một đứa trẻ lớp hai đã biết đủ mọi thứ trên đời: nhảy Audition, chơi game, học ngoại ngữ. Tivi, mạng net cập nhật thông tin tới mọi lứa tuổi. 18 tuổi, giới trẻ bây giờ không ít người “sành điệu”.
Xưa, cả tháng người trong làng mới được xem chèo một lần khi gánh hát đến phục vụ, rạp chiếu phim thô sơ di động cũng ghé thăm bà con với tần số ít ỏi. Nay, rạp chiếu phim Quốc Gia, rạp Tháng Tám, rạp Thanh Niên… mở cửa hàng ngày đón khách. Mọi người xem phim trên truyền hình cáp, kĩ thuật số, hay phim online trên mạng
Thời gian vốn vô hạn, vô hình, mà cũng hữu hạn, hữu hình. Xưa và nay, thời cuộc đã khác nhau nhiều lắm. Xưa, đang đi vào dĩ vãng, vào hoài niệm. Nay, đang hướng tới tương lai. Giống như người đàn bà hằng đêm lắng nghe "tiếng đêm", con người chúng ta cũng đang ngày ngày lắng nghe "tiếng thời cuộc", tiếng của nhịp sống ồn ào, gấp gáp, của cơ chế thị trường với nhiều được mất, hay dở, mừng vui xen lẫn âu lo và kỳ vọng…


Tâm An - Lê Bích Ngọc

Cà phê "ngọt"

(VietNamNet) - Ở công ty, mỗi khi có khách đến, nếu là buổi sáng thì không ai muốn bàn chuyện tại văn phòng. Họ đều rủ nhau sang quán cà phê. Có lẽ ở đó nói chuyện dễ hơn, với hương vị ngòn ngọt, đăng đắng, mọi người cảm thấy gần gũi nhau và tự tin hơn… Và cứ như thế, mỗi khi gặp chuyện gì bất như ý trong cuộc đời, tôi lại muốn uống một ly cà phê. Cà phê tuy đắng nhưng nó làm cho cuộc đời thêm ngọt ngào, vì một lẽ, không ai muốn uống cà phê một mình.




Một ngày của tôi bắt đầu bằng ly cà phê. Tôi cứ tưởng chừng như thiếu nó thế giới này sẽ ngừng lại. Những khi rảnh rỗi một chút là nghe những bạn đồng nghiệp bảo nhau: “Đi uống cà phê cái đã” hoặc là: “Ra quán cà phê nói chuyện đi”. “Gặp nhau ở quán cà phê X. đi nghen”…
Khi tôi bắt đầu nhận thức được thế giới xung quanh, cũng là lúc tôi biết uống cà phê, thứ cà phê nước sái mẹ pha cho tôi từ khi tôi còn rất nhỏ, vì tôi nhất định không chịu uống sữa trắng. Mỗi sáng mẹ tôi để dành cho tôi một ly sữa lớn có cà phê. Sau khi thức dậy, việc đầu tiên là tôi tìm đến ly cà phê của mình và nốc một hơi. Đó là một thói quen mà tôi có được từ tình thương yêu của mẹ. Ngay cả sau này, khi tôi đã lớn, đi học xa nhà, quay trở về nhà mệt mỏi sau một đêm trên tàu, tôi lại tìm thấy ly cà phê mang đầy hương vị thương yêu của tuổi thơ trên bàn học.
Ly cà phê sao mà đắng, đắng hơn ly cà phê của mẹ. Tôi vụng về làm rơi vài giọt trên áo, mãi sau này vẫn không tẩy được, hệt như mối tình đầu khó quên. Ngày chia tay mối tình đầu đời, mẹ pha cho tôi một ly cà phê thật đắng và bảo: “Uống đi con, uống thật đắng để thấy đời bớt đắng”. Tôi uống ly cà phê sánh đặc đó. Tôi không ngủ được, ngồi tự vấn, chiêm nghiệm, ngẫm tình đời, tình người… qua nhiều ngày, nhiều tháng, và thế là tôi lại đứng vững.
Mười năm sau khi lập gia đình, gặp lại anh, ghé vào quán kem, tôi yêu cầu một ly cà phê, người ta mang ra một ly cà phê sữa đá nhạt phèo, không đắng, không ngọt, có ống hút. Tôi ngẩn ngơ, những câu chuyện của anh cũng nhạt như thế. Anh hỏi cảm tưởng của tôi khi gặp lại anh. Tôi đáp: “Cà phê nhạt quá”.
Ở công ty, mỗi khi có khách đến, nếu là buổi sáng thì không ai muốn bàn chuyện tại văn phòng. Họ đều rủ nhau sang quán cà phê. Có lẽ ở đó nói chuyện dễ hơn, với hương vị ngòn ngọt, đăng đắng trong cổ, mọi người đều cảm thấy gần gũi nhau và tự tin hơn. Nếu có muốn cá độ bóng đá hay phim ảnh gì đó thì cà phê là một thứ đánh cược rẻ tiền và hiệu quả nhất. Không ai từ chối chuyện cá cược khi chỉ mất có vài ngàn để trả tiền cà phê. Mỗi khi thấy tôi đăm chiêu bên chồng tài liệu chứng từ, thì hình như sẽ có ai đó đến bên cạnh: “Gọi cà phê chị nhé!”. Đôi lúc muốn rời bỏ công ty, tôi lại nghĩ đến những đồng nghiệp thân thương ấy, và thế là tôi ở lại để rồi gắn bó với họ hơn chục năm trời.
Không biết bây giờ tôi có phạm sai lầm không, khi tôi lại tập cho con gái tôi uống cà phê buổi sáng. Cũng như mẹ tôi, buổi sáng tôi thức giấc thật sớm, nấu nước và pha cà phê cho chồng con. Đó là một công việc hiếm hoi duy nhất mà tôi có thể làm được cho họ, vì ngày nào tôi cũng phải đi làm từ bảy giờ sáng đến 5 giờ chiều mới về. Thế nhưng, tôi chỉ có thể pha cho họ loại cà phê… công nghiệp, đóng gói sẵn. Loại cà phê đó ngọt ngào và không đắng. Giờ, công việc hối thúc, tôi đâu còn thời gian để chờ đợi những giọt cà phê tí tách rơi.
Và cứ như thế, mỗi khi gặp chuyện gì bất như ý trong cuộc đời, tôi lại muốn uống một ly cà phê. Cà phê tuy đắng nhưng nó làm cho cuộc đời thêm ngọt ngào, vì một lẽ, không ai muốn uống cà phê một mình.

Nhị Tường

Sài gòn... một thoáng mùa đông

(VietNamNet) - Sài gòn cũng có ngày đông. Dù thoáng qua, nhưng cũng đủ để cảm nhận chút sắc màu và hương vị, đất nước và con người của miền nắng gió phương nam

Thư gửi anh, Hà Nội

Thế là em đang được nếm chút phong vị mùa đông ở phương nam, ở Sài gòn, nơi chỉ có hai mùa mưa nắng. Anh sẽ cho là em tưởng tượng, chỉ vì nhớ anh và thèm có được cái lạnh se se ngọt ngào của phương bắc mùa đông, chui vào căn phòng nhỏ bật máy lạnh ào ào rồi nghĩ… đang là mùa đông.

Nhưng, anh ơi, lạ lắm thật sự có mùa đông đi qua thành phố phương nam em ở, thoáng chốc thôi, đủ cho em mơ màng… đang được ở phương bắc cùng anh.

Những ngày cuối năm, sáng sớm, thức dậy mở tung cửa sổ ra, thay vào ánh mặt trời là một màn sương mỏng giăng mờ, che khuất cả những tầng cao của khu cao ốc trung tâm thành phố hàng ngày kiêu hãnh vươn trong nắng sớm. Khẽ rùng mình với cơn gió lành lạnh, như một cái lưỡi mỏng nhẹ chạm vào mặt…

Ôi nụ hôn mùa đông phương bắc lạc vào. Một niềm vui thật trẻ thơ, khó diễn tả… có thể diện cái áo khoác anh tặng em ngày nào, mà khi cầm trên tay, em cứ băn khoăn, bao giờ mới mặc, vì nơi em ở chỉ có nắng và nắng.

Đường phố những buổi sáng này thật tuyệt. Không như mọi ngày khói bụi mịt mù, người ngồi trên xe đạp, xe máy hối hả lao trên phố như các “Ninja” mặt mày bịt kín bí hiểm. Trong khí trời se se gió mọi thứ như nhẹ đi, người và xe dường như đi chậm lại, thoảng vài nụ cười duyên rất dễ thương, khói bụi chỉ xoáy nhẹ dưới mặt đường…

Đặc biệt hơn đường phố đầy màu sắc. Không chỉ riêng em, hình như mọi người đều háo hức với mùa đông bất chợt ghé thăm đến bất ngờ ở thành phố phương nam. Áo len đủ màu, hồng, hoàng yến, tím. Áo “vét” khoác đủ kiểu, tây, ta, Hàn Quốc, Hồng Kông. Tất cả được dịp phô diễn, phố vui hơn với màu sắc.

Dọc các vỉa hè, quán cà phê “cóc” san sát, như đông hơn, chật chội, cứ như mọi người ai cũng muốn nán lại thêm mấy phút thưởng thức cái ấm áp của hương vị cà phê trong gió lạnh mang hơi mùa đông phương bắc.

Chưa hết, mùa đông phương nam còn khá lạ nữa. Cây phố như bị một cây cọ nghịch ngợm vung vẩy hắt những đốm màu vàng lẫn vào màu xanh ngắt, thỉnh thoảng theo làn gió, vài chiếc lá bay xuống, nửa vàng nửa xanh, ngơ ngác hè phố. Và những cơn mưa rắc bụi nước mát lạnh, như có như không, chưa thành cơn mưa phùn, chỉ đủ ướt tóc mai, chẳng đủ ướt phố, đến thật mau, đi cũng thật mau. Mọi người ngỡ ngàng và mỉm cười. Mùa đông có lẽ là như thế.

Mùa đông phương nam, khoảnh khắc của nỗi nhớ. Em vẩn vơ. Phải chăng chính anh đã gởi một góc mùa đông phương bắc vào cho em, để anh và em Nam – Bắc luôn có chung tất cả, là tình yêu không hề cách biệt.

Hoài Hương (Tp. HCM)

Cà phê Sài Gòn và những điều rất riêng

(VietNamNet) - Người nào từng gắn bó và yêu những quán cà phê Sài Gòn, sẽ biết từng thời điểm ngồi ở quán nào, mới cảm nhận hết được những nét đẹp của đất trời, của mỗi quán. Và nếu ai cảm thấy tâm hồn mình ngày càng khô cứng, ngày càng dửng dưng, hãy chọn một chiều mưa, đến quán và ngồi vào cái bàn ngóng ra mặt hồ, chắc chắn những hạt mưa sẽ làm lòng mềm lại.

Bạn của mình!

Mình đang ngồi trong quán cà phê Tĩnh Lặng - cái quán mà một lần cậu vào thăm Sài Gòn, chúng ta thường ở đó hàn huyên chuyện cũ. Có lẽ vì thế mà giờ đây mình thấy nhớ cậu da diết. Cũng góc nhìn ấy, cũng cái bàn này nhưng thiếu đi một người, trống ra một chỗ ngồi…
Sài Gòn giờ đang mưa. Mưa Sài Gòn bây giờ không còn giống người ta vẫn nói “chợt mưa, chợt nắng” mà nhiều khi dầm dề đến hoang mang. Mình ngồi nhìn mưa rơi qua ly cà phê thủy tinh cũng đang thánh thót từng giọt mà ngẫm nghĩ về lẽ vô thường của cuộc đời.

Quán vắng. Bản tình ca buồn ngân nga giữa cơn mưa mùa hạ. Từng âm thanh thánh thót rơi theo những giọt mưa, gõ nhịp vào hồn mang mang cái cảm giác “lòng thật bình yên, mà sao buồn thế”. Người Sài Gòn “hơi” thiếu lãng mạn nên ít ai đội mưa đến quán chỉ để thưởng thức ly cà phê và ngồi nhâm nhi chuyện đời như đã có lần mình và cậu đã làm ở một quán cà phê rất cũ của Hà Nội mà giờ cả hai chẳng còn nhớ tên.
Cà phê sáng Tao Đàn. Ảnh: Nam Hoài

Hai đứa ở hai nơi nhưng cả cậu và mình đều có chung sở thích lang thang đi tìm những quán cà phê độc đáo, dù nó ở bất kỳ hang cùng ngõ hẻm nào. Mình biết cậu rất yêu những quán cà phê cũ kỹ nhưng ấm cúng ở Hà Nội, những quán trà vỉa hè với bà cụ tóc bạc ngồi dưới gốc cây sẵn sàng trao cho khách chén trà nóng làm ấm lòng những người bộ hành giữa trời đông giá.
Mình đã về Hà Nội nhiều lần, được dẫn đến rất nhiều quán cà phê mà cậu yêu thích. Những lúc đó, mình thích quán cà phê ấy nhưng cũng nhớ cà phê Sài Gòn da diết.
Không biết có phải tại Hà Nội chật chội, hay tại người Hà Nội thích không gian gần gũi, ấm cúng nên mình thấy các quán cà phê ở đây thường rất nhỏ. Có khi chỉ là một căn phòng với ánh đèn vàng trên căn gác cũ kỹ nhưng đã tạo ra một thế giới ấm áp khác với cái rét buốt đang luồn da cắt thịt ngoài kia.

Có khi chỉ là một góc vỉa hè nhưng tất cả chuyện thời sự, chuyện SEA Games, chuyện chiến tranh Vùng Vịnh, chuyện đời, chuyện trong nhà, chuyện ngoài phố đều góp mặt. Khi là một góc Bờ Hồ với những chiếc ghế gỗ thấp có thể ngồi đón gió và đếm lá rơi mặt hồ. Có khi là một ngôi nhà nhỏ nằm khuất trong con hẻm phải đi vòng vèo qua bao lối rẽ mới có thể tìm ra… Sài Gòn hình như không giống thế.

Các quán cà phê Sài Gòn thường có không gian rộng và rất "thiên nhiên". Có lẽ tại cuộc sống nơi đây quá ồn ào nên con người thường thèm muốn giữa chốn đô thị ấy có được một góc cỏ cây cho riêng mình.

Cà phê Sài Gòn có đủ phong cách. Sang trọng có, bụi bặm có, ồn ào náo nhiệt có, thơ mộng, nhẹ nhàng, lãng mạn cũng không thiếu. Mình vốn không thích những quán cà phê hào nhoáng và sang trọng với tiếng nhạc ầm ĩ nên thường tìm đến các quán có nhạc nhẹ trữ tình, nhiều cây và gần gũi với thiên nhiên.


Một góc cà phê Du Miên. Ảnh: Nam Hoài

Người nào từng gắn bó và yêu những quán cà phê Sài Gòn sẽ biết từng thời điểm ngồi ở quán nào, mới cảm nhận hết được những nét đẹp của đất trời, của mỗi quán.

Buổi sáng, mình thường đến một quán cà phê trong công viên Tao Đàn, vì đây chính là nơi lý tưởng nhất để tận hưởng không gian trong lành và bình yên của ngày mới. Mỗi lần ra Hà Nội, mình và cậu cũng hay uống cà phê sáng nhưng thường là những quán vỉa hè đông đúc mà không gian riêng của mỗi người chỉ có thể là hai cái ghế, một ngồi và một để cà phê, hay những quán nhỏ cũ kỹ hàng mấy chục năm tuổi.
Ở đây, mình có một không gian rộng hơn với vòm cây xanh um xòe tán trên đầu và tiếng chim hót líu lo trong trẻo. Chỉ cần nhắm mắt lại, đắm chìm vào bản nhạc du dương của thiên nhiên hay mở mắt ra quan sát một con chim hót trong lồng, một chiếc lá vàng đang rơi, một cử chỉ tình nghĩa khi cụ ông đưa chiếc khăn cho cụ bà lau giọt mồ hôi sau buổi tập thể dục, chắc chắn cậu sẽ có cơ hội nhìn rõ hơn gương mặt cuộc sống, thấy cuộc sống đẹp bởi những điều thật bình dị.
Buổi chiều, mình thích ngồi ở những quán như Tĩnh Lặng, hay những quán sân vườn khác để cảm nhận được cái yên tĩnh của một khu vườn. Đây là thời điểm quán vắng nhất, nhiều khi chỉ có ta với ta. Gọi một ly cà phê ngồi nhâm nhi với bóng hoàng hôn, mình cảm thấy cuộc sống này thật yên bình. Ngồi nhìn buổi chiều đi qua và suy tư, mỗi người sẽ hiểu được cái đẹp của nỗi buồn, cái đẹp của sự cô đơn hoang vắng. Chỉ cần thế rồi đi, nhưng tâm hồn sẽ cảm thấy nhẹ tênh giữa gánh nặng đời thường.


Chờ đợi. Ảnh: Nam Hoài

Buổi tối là thời gian dành cho bạn bè. Đây là lúc Sài Gòn rực rỡ ánh đèn màu, cũng là lúc phân biệt rõ nét nhất từng phong cách cà phê. Nếu ai thích ồn ào, náo nhiệt hãy đến những quán sang trọng, trang trí cầu kỳ hay những phòng lạnh nhạc đập ầm ĩ và lẽ dĩ nhiên đến chỉ để nghe nhạc, khó có thể nói chuyện được với nhau.
Nếu ai thích nhẹ nhàng lãng mạn, hãy đến những quán sân vườn hoặc những quán trang trí theo phong cách cổ điển có khi là kiểu Pháp, có khi là kiểu đèn lồng Hội An hay kiểu mái rạ Bắc Bộ, ngồi thưởng thức nhạc tiền chiến, nhạc nhẹ hay nghe piano mà vẫn có thể tâm tình cùng bạn bè.
Những lúc buồn, mình hay đi một mình, đến một quán quen, ngồi vào góc tối nhất, nhìn thiên hạ qua lại và có khi ngồi… khóc. Mình vẫn nhớ mãi cái quán ấy, nơi có ông chủ tốt bụng đã từng chia sẻ khi mình ngồi lặng lẽ khóc ở một góc quán. Ông đã mang bánh ra cho mình ăn, lắng nghe mình nói, cho mình những lời khuyên và khi ra về đã không… tính tiền.
Ông là một nhiếp ảnh gia, đồng thời là một người say mê Thiền nên từ ông mình đã "ngộ" ra rất nhiều điều chân lý của cuộc sống. Khi nào cậu vào, nhất định mình sẽ dẫn cậu tới đó để ngắm những bức ảnh lưu lại nhiều khoảnh khắc tuyệt vời của nhân gian mà ông đã đi khắp mọi nẻo đường đất nước ghi lại.
Những lúc mưa, cầm ô lang thang đến một quán cà phê nào đó hay ngồi sẵn ở quán và ngóng cơn mưa đến rồi đi qua cũng là cách để tâm hồn mình thanh thản và sâu lắng. Cậu biết chỗ nào ngồi ngắm mưa thú vị nhất Sài Gòn không? Đó là căn gác của quán Gió Bấc gần Hồ Con Rùa đấy.
Những giọt mưa rơi trắng xóa mặt hồ dù nhỏ qua làn kính vẫn mang một nỗi buồn xa vắng liêu trai. Và nếu ai cảm thấy tâm hồn mình ngày càng khô cứng, ngày càng dửng dưng, hãy chọn một chiều mưa, đến quán và ngồi vào cái bàn ngóng ra mặt hồ, chắc chắn những hạt mưa sẽ làm lòng mềm lại.
Đôi khi cuộc sống làm tâm hồn con người ta chai sạn không thể khóc được thì khoảnh khắc ấy, giọt nước mắt trong như pha lê biết đâu sẽ long lanh trên má và rửa hết những lấm láp bụi đời.
Sài Gòn còn có những quán bờ sông rất lãng mạn. Nếu như Hà Nội có nhiều quán cà phê ven hồ thì cà phê bờ sông là một nét riêng rất Sài Gòn.
Sáng chủ nhật, nếu cậu muốn gặp gỡ bạn bè, ngồi tán chuyện hay đánh bài tiến lên thì hãy tìm mình nhé, nhất định mình sẽ dẫn cậu đến một cái quán mà cậu sẽ có cảm giác hình như mình đang ngồi giữa mênh mông sông nước, giữa đại ngàn gió thổi.
Cậu cứ quay lại Sài Gòn một lần nữa đi với thời gian và sự rảnh rỗi, mình sẽ dẫn cậu khám phá những quán cà phê độc đáo ở Sài Gòn mà chắc chắn khi về cậu sẽ nhớ mãi. Tất nhiên có nhiều quán mình chẳng kể ra đây vì mình muốn bí mật để tạo cho cậu sự ngạc nhiên. Hãy đến tìm mình khi cậu muốn tìm sự khác biệt giữa cà phê Hà Nội và Sài Gòn nhé!
Tạm biệt và hẹn gặp lại giữa Sài Gòn!


Nam Hoài


Sài Gòn, cơn mưa chiều và bánh mì thịt nướng

(VietNamNet) - Giọng nói xứ Quảng của chủ nhân xe bánh mì như cứa vào nỗi nhớ nhà của khách vãng lai trong chiều mưa tầm tã… - một cách kiếm sống và nuôi con mấy năm ở thành phố lớn. Biết bao mảnh đời lầm lụi như thế này chỉ để cầu mong cho con mình có chút ít tri thức, thoát ra khỏi cảnh nghèo, xa hẳn vùng đồng khô nắng rát miền Trung

Sài Gòn bây giờ không còn những cơn “mưa rồi chợt nắng” như trong một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn để luôn gợi nhớ trong tôi những kỷ niệm về một thời tuổi trẻ, hối hả mà bình yên, day dứt mà trong trẻo, lận đận mà vẫn hồn nhiên.
Một chiều tôi đứng trú dưới mái hiên một ngôi nhà chờ cơn mưa dứt, dễ chừng đến gần ba giờ đồng hồ. Mưa bong bóng, dai dẳng, mịt mùng, đùng đùng sấm chớp, nước đổ xuống ào ào như thác. Tôi nhìn chăm chú một cái máng xối của ngôi nhà cao tầng trước mặt để định dạng cơn mưa và đo đếm thời gian. Dòng chảy mạnh cong vòng xói xuống đất như xát vào lòng người chờ đợi. Dù không nôn nóng hay lo lắng bồn chồn nhưng trong tôi lại gợn lên một nỗi bất an mơ hồ. Có phải những cơn mưa to luôn đem đến cho người chờ đợi trạng thái như thế.
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng. Ảnh: huyphong.com

Trong không gian ầm ào thác đổ và lạnh lẽo ấy, bỗng chợt ấm lên bởi một mùi phảng phất – mùi thịt nướng từ chiếc xe bán bánh mì vừa tấp vào mái hiên khi nghe có tiếng người gọi. Tôi lần theo mùi thơm ấy, cái đói chợt dậy lên cồn cào tô đậm thêm cảm giác thèm ăn.
Trên chiếc lò than hồng đỏ lửa là cái vỉ nướng đang cuộn khói thơm lừng. Cái mùi của hỗn hợp gia vị hành, tiêu, tỏi... bốc lên từ những giọt mỡ xèo xèo rớt xuống… Cạnh đấy có xoong thịt sống đầy ắp những miếng thịt đã xay nhuyễn vê tròn, ém dẹp sắp xếp một cách có chủ ý trông rất đẹp mắt. Một rổ nhỏ, hành lá chẻ sợi một bên, dưa leo xắt lát mỏng một bên, ớt một nhúm; tô đồ chua hai màu cam, trắng xen lẫn của củ cải và cà rốt.
Tôi cam đoan những người đứng cạnh tôi hôm ấy đều nuốt nước bọt thèm thuồng như tôi khi dịch vị được kích thích dữ dội. Ổ bánh mì xẻ ra, vài miếng thịt nướng sắp lớp lang trải đều, ít rau dưa và nước chấm chan vào... Miếng ngon như thấm vào cơ thể, thư giãn mọi tế bào. Một chiếc xe máy chạy vào mái hiên. Người chủ nhà đi về không kịp mở khóa cửa đã vội gọi làm cho ổ bánh mì. Không hiểu anh ta đói thật, hay thèm vì thấy tôi đang ngon lành tận hưởng, hay vì mùi thịt nướng ấm sực một góc hè phố nhỏ.







Thịt nướng. Ảnh: Thu Trang


Giọng nói xứ Quảng của chủ nhân xe bánh mì như cứa vào nỗi nhớ nhà của khách vãng lai trong buổi chiều mưa tầm tã. “Ngày hai lần, từ tờ mờ sáng đã đẩy xe đi bán, trưa về đi chợ và chuẩn bị các thứ xong đến bốn giờ chiều lại tiếp tục cuộc mưu sinh. Hai đứa con đang học đại học, mình theo vào”. Một cách kiếm sống và nuôi con mấy năm ở thành phố lớn. Biết bao mảnh đời lầm lụi như thế này chỉ để cầu mong cho con mình có chút tri thức, thóat ra khỏi cảnh nghèo, xa hẳn vùng đồng khô nắng rát miền Trung?
Sài Gòn như một vòng tay mở rộng, bao dung có, khắt khe có, cạm bẫy cũng đầy. Sài Gòn như chiếc tàu há mồm ngày ngày nuốt chửng vào lòng nó biết bao con người tìm đến không chỉ để mưu sinh mà còn bao việc khác: học hành, chữa bệnh, du lịch, mua sắm, tiêu xài, ăn chơi, kể cả chứa chấp tội phạm. Sài Gòn như chiếc thùng không đáy. Người ta nhanh chóng mất hút khi vừa bước xuống từ chiếc xe khách, tàu hỏa hay máy bay… Nhà ga, bến tàu… mới vừa nhộn nhịp chen lấn ồn ào trông chốc lát đã thấy vắng.
Cơn mưa vừa dứt, con đường nhỏ lại rầm rập xe cộ và tiếng còi. Tôi chậm rãi nhón nhén bước đi với tâm trạng thoải mái của người đã ấm bụng và còn đến những năm giờ nữa mới ra ga. Trên con đường tôi đi qua, một chiếc xe bán khoai lang nướng, mùi thơm dịu dàng, ấm áp bủa vây; một chiếc xe trái cây đủ màu xếp gọn gàng bắt mắt; một chảo chuối và khoai lang chiên sôi liu riu; một hàng chè nóng… Những tiếng rao ới lên, kéo dài rồi chìm lỉm. Tiếng thời gian, tiếng đời thúc đẩy sự nhộn nhịp vào điểm cao trào.



Sài Gòn tấp nập. Ảnh: thanhnien.com.vn


Con đường tôi đi qua còn có những hàng bún bò, hủ tiếu, phở, bánh canh… Cũng là những cuộc mưu sinh. Tôi không biết trong số đó có bao nhiêu người là dân ngụ cư như chị bán bánh mì khi nãy. Sài Gòn - nơi đầy ắp những kỷ niệm. Tôi có một thời hạnh phúc, nông nổi, muộn phiền và sai lầm cũng không ít… Con tôi, thế hệ sau lại bước đi trên con đường của tôi ngày trước. Vòng xóay cuộc đời phải chăng chỉ là chiếc đu quay. Con người ta lớn lên, rời khỏi tổ, bay xa rồi lại trở về…
Cám ơn Sài Gòn đã cho tôi một thời sống, học tập, làm việc, yêu thương và trải nghiệm… Cám ơn cơn mưa chiều dài và day dứt. Cám ơn cả mùi bánh mì thịt nướng làm ấm lòng khách phương xa.

Bình An

lundi 25 février 2008

Bàn về chữ "Quyền"

Nhân Quốc hội thảo luận về Luật Dân sự, VietNamNet xin giới thiệu bài viết của ông Dương Trung Quốc "Bàn về chữ QUYỀN"
Đọc những bộ luật xưa, ví như Luật Hồng Đức cách đây hơn nửa thiên niên kỷ, thường thấy luật chỉ quy định tội danh, nói cách khác là nêu những điều cấm. Như thế, điều nào không cấm thì dân được làm. Luật này có 722 điều thì tất thảy đều như vậy, chỉ trừ đôi điều luận về những yếu tố xét giảm tội. Hình như luật pháp hiện đại nhiều nước cũng làm vậy.
Nhưng ở ta, pháp luật còn nặng cả về sự cho phép, được quyền này, được quyền khác. Tưởng vậy là dễ cho dân thực hiện, nhưng xét kỹ lại thấy có những điều không dễ. Ví dụ về một việc không lớn: quy định cho phép biểu diễn những nhạc phẩm của một nhạc sĩ nào đó, do hoàn cảnh lịch sử để lại có những bài không phù hợp. Lẽ ra để dễ cho dân, thì nhà quản lý với trình độ và bộ máy chuyên môn của mình có thể xét trong toàn bộ các sáng tác của nhạc sĩ nọ rồi kê rõ những bài hát không được hát thì lại chỉ kê những bài hát được phép hát, còn lại là cấm tuốt. Do vậy mà dân khó thực hiện và nhà nước cũng khó quản lý, nhạc sĩ và người yêu nhạc lại thiệt thòi...
Tuy nhiên, việc ban quyền cũng không đơn giản. Bởi vì chỉ một chữ "quyền" cũng chứa đựng những nội hàm hết sức đa nghĩa. Cứ theo nghĩa trong ngôn ngữ phổ thông thì "Quyền là điều mà pháp luật hoặc xã hội công nhận cho được hưởng được làm, được đòi hỏi" (Từ điển tiếng Việt - Viện Ngôn ngữ học, xb 2002). Nhưng khi vận vào các điều luật thì không thể hiểu đơn giản như vậy.
Ví như trong dự thảo Luật Dân sự (sửa đổi) trình Kỳ họp thứ VII này khi đề cập tới "quyền đối với họ và tên" (Điều 26) viết rằng: "Mỗi cá nhân đều có quyền có họ và tên. Họ, tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó". Thoạt nghe thì thấy đơn giản, nhưng nếu đó là một quyền (chứ không phải là một nghĩa vụ bắt buộc), thì điều đó cũng có nghĩa là mỗi cá nhân cũng có quyền không có tên, họ (?). Trong khi đó, nhu cầu giao dịch dân sự giữa cá nhân với các cá nhân khác và cộng đồng, cũng như yêu cầu quản lý nhân sự của xã hội thì dường như bắt buộc mỗi người phải có một cái tên chính thức (ngoài ra còn các loại danh xưng khác như tục danh, biệt danh, bí danh, bút danh...). Ví như đồng bào Vân Kiều khi xưa không có họ, cách gọi tên mỗi người còn rất thô sơ lại chưa có chữ viết. Và để dễ quản lý đôi khi phải quy về một mối cách viết bằng một thứ ký tự chung, ví như với dân tộc Hoa, bên cạnh cách viết bằng thứ chữ tượng hình truyền thống phải quy về cách phát âm Hán - Việt rôi ghi bằng ký tự Latin (chữ của đồng bào Thái cũng vậy...). Như thế, thực chất cái quyền này phải được hiểu như một sự bắt buộc (nghĩa vụ).
Cũng như vậy khi đề cập tới "Quyền kết hôn" (Điều 39) chỉ quy định những công dân nam nữ nếu đủ điều kiện kết hôn theo quy định của luật pháp thì được tự do kết hôn, nhưng nếu một người không muốn kết hôn, sống độc thân thì luật pháp có bảo hộ hay không? Nếu so với Điều 47 về "Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo" thì cách diễn đạt rõ hơn là "cá nhân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào", thì chữ "quyền" ở đây được hiểu như quyền lựa chọn (quyền tự do).
Lại có những "quyền" phải được hiểu kèm theo những điều kiện giới hạn. Cứ theo cách thể hiện của dự thảo này thì khối nghề phải bỏ. Ví như "quyền của cá nhân với hình ảnh" (Điều 31) là quá cần thiết. Nhưng nếu hiểu như cách diễn đạt của văn bản "Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác", thì muốn công bố một cái ảnh có 3 khuôn mặt thì phải đi hỏi ý kiến của cả 3 người cho phép mới được hay sao. Nếu ảnh chụp chung cả Quốc hội thì phải xin phép bao nhiêu người (?). Nếu lại là ảnh cụ Phan Thanh Giản đi sứ qua Pháp chụp cuối thế kỷ XIX thì kiếm đâu ra hậu duệ của cụ để xin phép (?)... Cho nên trong luật phải xác định thời hiệu (cũng giống như bản quyền) và tính đặc thù của các loại hình ảnh (công và tư) rõ ràng...
Cũng tương tự như vậy với Điều 38 bàn về "Quyền bí mật đời tư" thì việc thu thập, công bố thông tin tư liệu về đời tư của cá nhân cũng phải đủ điều kiện như với hình ảnh, tức là phải được phép thì các nhà văn, những nhà nghiên cứu tiểu sử, các sáng tác văn học nghệ thuật v.v... một lần nữa cũng gác bút. Muốn viết về cụ Ngô Quyền, trước tiên phải đăng báo để tìm hậu duệ của cụ mà xin phép (?)... Mặc dầu, ai cũng biết rằng đã có vô khối vụ kiện của hậu duệ kiện các nhà sử học, nhất là các nhà viết văn, viết kịch viết "sai" về về các cụ tổ của họ. Mà những vụ kiện này thường rất quyết liệt vì dễ đụng chạm đến thanh danh các bậc tiền bối v.v...
Do vậy, cùng một chữ "quyền" rất khó diễn đạt cho hết ý, hay cho mọi người hiểu cùng một ý. Giá như luật cứ viết ra những điều cấm thì lại dễ thi hành hơn chăng? Bởi vì, cái nguyên lý người dân được làm tất cả những gì mà luật pháp không cấm là biểu hiện của quyền tự do trong khuôn khổ pháp luật của các xã hội văn minh.
Dương Trung Quốc

Đổ xô đi săn "cậu tý”

TT - Giá các loại cá, thịt... đều leo thang trong thời tăng giá khiến thịt chuột đồng rẻ hơn được tiêu thụ mạnh. Vì thế mới đầu năm con chuột, người dân nghèo ở đồng bằng đã đổ ra đồng đi săn "cậu tý”.

Thịt chuột ngon lại rẻ, trở thành món ăn ưa chuộng
khi mà giá thịt, cá leo thang Ảnh: ĐỨC VỊNH


Tại An Giang, trên những ruộng lúa vừa gặt xong ở vùng đầu nguồn, ở đâu cũng gặp nhiều tốp người đeo lỉnh kỉnh những chùm rập chuột to đùng. Giữa trưa, họ men theo các bờ ruộng lúi húi đặt từng chiếc rập. Đêm mịt mờ sương lạnh, chốn đồng không mông quạnh loang loáng ánh đèn soi leo lét. Tới nửa khuya ai nấy trở về với chùm chuột đồng lủng lẳng. Và mờ sáng họ tỏa đi gom rập, lại trở về với đống rập đầy chuột. "Miệt trên này đang vào kỳ thu hoạch lúa, chuột bắt đầu có nhiều, nhiều lắm" - anh Nguyễn Văn Tươi (ở Vĩnh Hội Đông, An Phú) nói.

Đi bắt chuột tới "mút mùa"…


Trên các cánh đồng dọc kênh Vĩnh Tế từ Tịnh Biên tới Kiên Lương (Kiên Giang) đều thấy bóng dáng dân đi săn chuột. Ngoài dân địa phương còn có khá đông người từ nơi khác đến. Mỗi người mang 500-1.000 cái rập, đặt khắp các cánh đồng ven biên giới và qua tận đất Campuchia. Chỉ cánh đồng phía Kirivong (Takeo) mơn mởn lúa chét, ông Nguyễn Văn Na - Vĩnh Phú, Kiên Lương - bảo: "Bên ấy chuột nhiều lắm. Khi đốt đồng nó tràn về bên mình từng đoàn, lắm khi làm rạp cả vạt ruộng".
Hàng trăm người dân hai bên bờ kênh Phù Dật (Châu Phú, An Giang) đổ lên đây đánh bắt từ tháng chạp. Cuối năm bà con quay về nhà vui xuân ba bữa rồi lại hăm hở lên đường, trong đó có cả phụ nữ, trẻ em. Họ đem theo gạo, vài vật dụng cần thiết và dựng lều nilông tạm che sương, che nắng bên đoạn kênh heo hút.
Tranh thủ thời gian nghỉ học kéo dài tới ngày 12 âm lịch, cậu học trò Nguyễn Văn Tòng theo cha mẹ đi đánh bắt chuột từ mồng ba tết. "Mỗi ngày bắt được dăm ba ký, kiếm 50.000-60.000 đồng" - cậu khoe. Chị Lê Thị Hòa, mẹ Tòng, cho biết mọi năm gia đình chị đều lên đánh bắt ở miệt trên này đến chừng nào hết chuột mới trở về đồng nhà cắt mướn. "Mỗi gia đình mỗi tháng kiếm được cả chục triệu đồng. Khỏe và thu nhập cao hơn làm công cắt gom lúa. Chuột năm nay nhiều, chắc đi bắt tới... mút mùa lúa!" - mấy người trong nhóm của chị vui vẻ nói.

Xóm thịt chuột sôi động


Từ lâu, ở ĐBSCL hình thành nhiều xóm chuyên kiếm sống bằng việc đánh bắt, mua bán thịt chuột mà người dân quen gọi là... xóm chuột. Mới đầu năm, mấy xóm thịt chuột ở Vĩnh Tế, Vĩnh Hội Đông, Ba Chúc (An Giang) đã sớm vào nghề.
Hằng ngày chuột đồng được gom về đấy lột da, xả thịt sau đó đem ra các chợ lân cận bán lẻ hoặc bỏ mối cho bạn hàng. "Cá, thịt heo, gà, vịt… đều tăng giá. Thịt chuột vốn chế biến được khá nhiều món khoái khẩu mà giá chỉ ngoài 30.000 đồng/kg nên bán chạy lắm, bao nhiêu cũng hết sớm" - bà con cho biết.
Nơi chốn đồng xa có đông người đến đánh bắt, thương lái thường đặt điểm thu mua tập trung, đưa phương tiện lên tận nơi vận chuyển chuột về cho cả xóm "gia công". Mỗi chiều, xóm thịt chuột bên kênh Phù Dật lại sôi động hẳn lên. Xe chở chuột liên tục đổ về.
Đó đây, từng nhóm người tụm bảy tụm ba quanh chồng cũi đựng những chú chuột cơm mập ú bị nắm đuôi lôi ra đem lột da, xả thịt… Những "cậu tý” thành phẩm trắng hồng lần lượt xếp vô túi nilông, vô thau nhựa ngay ngắn. Cứ một lớp chuột được phủ lên một lớp nước đá. "Hằng đêm phải đưa xuống Long Xuyên để khuya bạn hàng từ Chợ Mới, Lấp Vò, Cao Lãnh, Cần Thơ... qua lấy về bỏ mối ở các chợ nên cần giữ cho tươi" - Kim Hồng, một mối buôn thịt chuột, giải thích. Cô cũng cho biết do thịt chuột rẻ hơn các loại thịt cá khác nên lúc này tiêu thụ khá mạnh.
Xóm thịt chuột bên kênh Phù Dật hình thành cả tám năm nay với hơn 300 hộ chuyên đi đánh bắt, "gia công" làm thịt chuột. Ngoài ra còn có những thương lái đi thu mua chuột sống khắp nơi về cung cấp và chuyên bỏ mối thịt chuột cho bạn hàng đưa đi tiêu thụ ở các chợ lớn nhỏ quanh vùng. Lúc cao điểm cả xóm tiếp nhận xả thịt khoảng 6 tấn chuột mỗi ngày. Theo bà con nông dân, mùa nước rồi lũ nhỏ, về muộn và do nhiều cánh đồng lên đê bao ngăn lũ nên chuột nhiều hơn mọi năm.





Đặc sản chuột cống nhum



Gần đây cùng với chuột đồng thì chuột cống nhum được nhiều quán ăn, nhà hàng sử dụng chế biến thành những món ăn, món nhậu "độc chiêu", khoái khẩu. "Cánh bạn hàng thường thu mua số lượng nhiều đưa ra các thành phố" - Khánh, một "tay săn" chuột, cho biết. Chuột cống nhum còn sống có giá 22.000-25.000 đồng/kg nên dần hình thành nhiều nhóm thanh thiếu niên chuyên săn bắt chúng.





Nhiều trẻ em nghỉ học sớm hằng ngày đi bắt chuột
tại Vĩnh Điều, Kiên Lương (Kiên Giang)
Ảnh: ĐỨC VỊNH


Thấy dễ kiếm tiền, nhiều học sinh cũng bỏ bê việc học hoặc nghỉ học hẳn hằng ngày đi đánh bắt, "gia công" làm thịt chuột. Trên cánh đồng Vĩnh Điều (Kiên Lương, Kiên Giang) chúng tôi gặp khá nhiều em nhỏ sớm tối lẽo đẽo theo cha mẹ với chùm rập chuột đeo đầy người. Tất cả đều đã bỏ học! Chỉ tính riêng bậc THCS, xóm chuột bên kênh Phù Dật đã có gần 30 em bỏ học - lãnh đạo xã Bình Long (Châu Phú) cho biết.




ĐỨC VỊNH
Chủ Nhật, 17/02/2008


Nghĩa địa cá Ông

(LĐCT) - Cá voi được người đi biển sùng kính gọi là cá Ông. Người ta bảo trong lúc nguy nan gió to sóng cả, cá voi thường xuất hiện như vị cứu tinh, dìu thuyền vào bờ. Khi cá chết, trôi dạt vào bờ, luôn được ngư dân chôn cất theo nghi lễ như thần.

Lão ngư Phạm Mai khấn vái tại nghĩa địa cá Ông.


Ở suốt dọc ven biển miền Trung có rất nhiều nghĩa địa cá voi, nhưng lớn nhất có lẽ là nghĩa địa cá voi xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Hằng năm, vào mùa xuân, lễ tế cá voi lại diễn ra như một tập tục tốt đẹp của ngư dân ven biển không chỉ riêng ở Tam Hải mà cả dải ven biển miền Trung...
Xã đảo Tam Hải bốn bề sóng vỗ, hầu hết người dân lấy biển làm nhà. Theo suy luận của những người già trên đảo, do "con đất" Tam Hải có duyên lành nên cá Ông gần như năm nào cũng "luỵ" vào. Đối với dân vùng biển, cá Ông luỵ vào đâu là ở đó may mắn, cả năm đánh bắt trúng đậm. Thực tế, xã đảo Tam Hải có cả 2 cửa biển An Hoà và Lở 2 bao bọc, có lẽ vì vậy nên cá voi hay theo thuỷ triều trôi dạt vào bờ. Ngư dân Đào Sơn chuyên nghề đánh bắt xa bờ, cho biết: Giữa năm 2007 cũng có một Ông thọ nạn, bà con đưa về táng ở nghĩa địa ở xóm Vạn Niên thôn 1, lập bia, cúng tế đàng hoàng.
Nghĩa địa cá Ông Tam Hải toạ lạc trên vùng cát trắng rộng rinh, giữa rừng dương vi vu trong gió, trong tiếng sóng triều rì rào từ biển vọng vào. Có đến gần 500 ngôi mộ chở che thân xác ngần ấy "ông" đã luỵ vào bờ biển Tam Hải từ ngót trăm năm qua. Nhiều người đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc khẳng định rằng, đây là nghĩa địa cá Ông quy mô lớn nhất và cũng có lịch sử lâu đời nhất miền Trung, và có lẽ trên cả nước.
Những ngôi mộ nhỏ nhắn được vun trên cát, táng theo hàng, hai đầu mộ đặt 2 viên đá ong vuông vức. Lão ngư Phạm Mai - năm nay 80 tuổi, thâm niên bám biển từ thời niên thiếu - nhớ lại: "Từ hồi tui nứt mắt ra, thấy biển là cũng đã thấy lăng Ông có rồi, trước nằm ở bãi Bấc, sau chiến tranh tàn phá, bà con cải táng các Ông về xóm Vạn Niên bây chừ. Các Ông "linh lắm: khi sống là thần cứu nạn tàu thuyền giữa biển nguy nan, khi luỵ về đây thành thần phù hộ dân làng chài mạnh tay tinh mắt rượt theo đúng luồng tôm cá, ra khơi trở về tôm cá đầy khoang...".



Ngôi mộ mới nhất chôn cất "Ông" luỵ vào năm 2007.

Lão ngư Phạm Mai cũng từng được cá voi cứu nạn. Ông Mai kể: "Lúc gặp bão, thuyền treo trên sóng, mọi người phó mặc cho trời xem như chết rồi. Hai Ông cặp vào 2 mạn thuyền, giữ chặt trong sóng dồi gió dập, dìu thuyền ra khỏi bão. Bởi vậy dân đi biển gặp khi bão tố bất ngờ, chỉ còn cách khấn Ông cứu mạng, nhờ vậy mà vững lòng tin. Có Ông còn dìu thuyền vào cho đến tận bờ, đuối sức mà luỵ...".
Trong ký ức của lão ngư Phạm Mai, lễ táng lớn nhất trong mấy chục năm qua, sau đó xây nên ngôi mộ cá Ông cũng bề thế nhất tại nghĩa địa này, là lần có đến 2 Ông cùng luỵ một lúc. Ông Mai chỉ nhớ đó là vào năm Sửu, đến tháng 8 âm lịch rồi mà thuyền ra biển thường chỉ về không, chẳng đủ tổn (chi phí), nguy cơ đói cả làng. Bữa nọ, một Ông to như chiếc thuyền luỵ bờ. Ngày sau, lại một Ông nữa luỵ. Làng báo lên quan, xin được táng lớn, dồn tiền của làm lễ lạt linh đình ba ngày ba đêm, mấy đoàn hát bội mời về hát thâu đêm suốt sáng, lại đặt bài tế dài xin Ông độ trì cho làng qua kiếp nạn. Xong, kéo nhau ra biển, quả nhiên năm ấy "thắng" lớn...


Nghĩa địa cá Ông Tam Hải với gần 500 ngôi mộ trên cát trắng giữa rừng dương.

Chính vì vậy, loài cá voi được xem như to lớn nhất biển cả bao la nhưng cũng rất hiền lành này khi chết luôn được ngư dân chôn cất như người. Các lão ngư Tam Hải nhớ lại, trước năm 1975, tang lễ cá Ông làm lớn lắm, có văn tế, có quan gia hàng huyện trở xuống áo dài khăn đóng đến lạy, người đầu tiên phát hiện ra Ông luỵ được đóng khăn sô chịu tang. Còn đại lễ tế cá Ông hằng năm diễn ra vào mùa xuân cũng là lễ tế thần Nam Hải, lễ cầu ngư và thời hiện đại thì kiêm luôn lễ ra quân đánh bắt xa bờ vụ chính trong năm (vụ cá nam). Bà con góp tiền góp gạo, chính quyền xã đứng ra chủ trì, làm lễ tế ngay nghĩa địa cá Ông, rồi rước linh Ông ra cửa biển, nhúng lưới, cầu ngư. Lễ tế thường mời đoàn hát bội về hát ba ngày ba đêm lấy "hên" trước khi tàu thuyền xa bờ xuất bến. Có nơi lại tổ chức đua thuyền. Điệu hát múa Bả trạo nổi danh chính xuất phát từ lễ hội cầu ngư này. Đây là lễ hội truyền thống chung của ngư dân suốt dọc ven biển miền Trung.
Đối với xã đảo Tam Hải bốn bề sóng vỗ, gần như dân cả xã lấy biển làm nhà, thì lễ tế cá Ông hằng năm thường tổ chức lớn. Tuy nhiên, dịp tế lễ cá Ông vào mùa xuân năm nay có thể sẽ trở thành lễ tế cuối cùng của ngư dân Tam Hải ở nghĩa địa cá Ông trên đảo này. Cũng như bao thăng trầm sóng gió bể cả, nghĩa địa cá Ông Tam Hải cũng luôn nằm trong vòng xoáy của bể đời, trước cuộc thế đổi thay, lần này là trước công cuộc công nghiệp hoá đang ồ ạt diễn ra ở dải đất ven biển.


Múa hát Bả trạo - một nghi thức không thể thiếu trong lễ tế cá Ông-cầu ngư.


Ông Nguyễn Đức Tục - Chủ tịch UBND xã Tam Hải - cho biết: "Dịp cuối năm 2007 đầu năm 2008, bà con cả xã vừa vui mừng nhận được quyết định của UBND tỉnh công nhận và bảo vệ nghĩa địa cá Ông là Di tích Lịch sử-Văn hoá cấp tỉnh, thì cũng cùng lúc với chủ trương sẽ tiến hành di dời trọn gói cả xã đảo này sang xã Tam Hoà, lấy đất cho dự án du lịch dịch vụ đặc biệt có vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đôla Mỹ. Số phận nghĩa địa cá Ông chưa biết sẽ về đâu, vì nghĩa địa con người còn chưa có phương án di dời cụ thể, huống gì..."

.... Tuy vậy, những ngư dân Tam Hải bao đời nay vững vàng trước sóng gió bể khơi, giờ đây vẫn tin tưởng vào sự tồn tại của nghĩa địa cá Ông trong tương lai, như niềm tin vào sự cứu nạn của cá ông bao đời qua đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ vượt qua cơn bão tố bất ngờ. Họ có nguyện vọng, Nhà nước cũng sẽ tính toán cả phương án di dời nghĩa địa cá ông đến nơi ở mới. Điều này chẳng phải cũng phù hợp với định hướng phát triển mang tính kết nối giữa truyền thống và hiện đại đó sao?...

Trương Tâm Thư
Lao Động Cuối tuần số 8 Ngày 24/02/2008

mercredi 20 février 2008

Mùa Xuân Sài Gòn


(TBKTSG Online) - Khen Trịnh Công Sơn quả là thừa. Nhưng không thể không thốt lên “Sao mà tinh tế đến thế!” khi hát thầm đoạn ca từ nói về mùa Xuân Sài Gòn của ông.
“… Sài Gòn mùa Xuân còn thoáng lá vàng bay;
Có mùa Thu nào đang ở lại;
Mặt đường bình yên, hiền ngoan như con suối;
Kết hoa vàng cho lộng lẫy đời
…”
(Thành phố mùa Xuân)
Đúng là Sài Gòn vào Xuân thật lạ so với chính nó. Thành phố phương Nam chỉ hai mùa mưa nắng vậy mà cứ cuối năm trời lạnh se lạnh, nắng hanh hanh, lác đác vài chiếc lá vàng rơi… cứ như là bóng dáng mùa Thu còn đâu đây – một mùa Thu lãng đãng như vẫn thường thấy ở Hà Nội, Huế… ở trong thơ ca.
Nhưng cái mùa Thu sót lại ấy của Sài Gòn lại vẫn rất khác những nơi khác, vẫn rất Sài Gòn. Nhất là trong mùa Tết.
Những ngày giáp Tết và bước vào năm mới, khi mà ở hầu khắp các nơi khác, phố phường tấp nập đông vui với cảnh người người ùa ra đường đi du Xuân, chúc Tết “ngựa xe như nước, áo quấn như nêm”, thì đường phố Sài Gòn thưa thớt xe cộ, bình yên một cách lạ lùng. Không kẹt xe, không va quẹt, không chen chúc ồn ào khói bụi như mọi ngày trước đó. Cũng không tất bật, hối hả. Các con đường như rộng ra, thênh thang, không còn “đáng sợ”. Quá ngoan hiền và được điểm tô rất đẹp. Có những đoạn đường hoa vàng (hoa lim sét và hoa muồng) rực lên từng mảng và trước hiên nhiều ngôi nhà là hoa mai - cũng nhuốm vàng những góc sân. Tha hồ cho người đi đường thong dong ngắm nhìn phố xá, cây cối - chuyện khá “xa xỉ” ở đây.
Mặt đường bình yên, hiền ngoan như con suối;
Kết hoa vàng cho lộng lẫy đời
…”
Sài Gòn lắng mình, hiền hòa trong nắng Xuân tươi trong. Như thể nó chẳng hề biết đến sự náo nhiệt, xô bồ, hỗn độn trước và sau đó, như thể nó tìm thấy sự bình yên sau gần một năm gồng gánh biết bao nhọc nhằn, háo hức, suồng sã, bao nhiêu khát vọng và thất vọng…
Sài Gòn mùa Xuân còn thoáng lá vàng rơi;
Có mùa Thu nào đang ở lại
…”
Nhiều năm ở lại Sài Gòn ăn Tết, cái hình ảnh “mùa thu đang ở lại, với hoa vàng… lộng lẫy và mặt đường hiền ngoan…” mang lại niềm vui, nguồn an ủi cho tôi - kẻ xa quê. Cho nên tôi yêu một Sài Gòn như thế, dù chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi của mùa Xuân.


CÔNG THẮNG (Đầu Xuân Mậu Tý)

mardi 19 février 2008

"Người Việt cần đoàn kết hơn"

(LĐCT) - Mặc dù bệnh nặng phải nằm liệt giường đã hai năm nay, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá nổi tiếng Sơn Nam vẫn đọc sách, nghiên cứu hàng ngày. Bỏ thói quen đi lang thang đâu đó quả là khó đối với người luôn "ham đi, ham chơi", thích "nói dóc" như ông, nhưng đây chính là thời gian ông lắng lại trong suy ngẫm.
Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hoá Sơn Nam.

"Người Việt Nam mình hay nói xạo. Đó là nhược điểm mà không chỉ người nước ngoài, chính dân mình cũng tự biết được. Tôi nói vậy mà không sợ người ta chửi, bởi đã nhiều năm nghiên cứu cá tính miền Nam, cũng như cá tính của dân nhập cư vào Sài Gòn. Ngoài nói xạo, cũng có cái vui là cái gì cũng bỏ qua được. 30 năm giặc giã, sống thác có nhau.

Cảm động nhất là còn rất nhiều hài cốt của người Bắc vô chiến đấu trong Nam, nhiều năm qua tìm vẫn chưa hết. Chính vì sự hiểu nhau giữa dân các miền, cộng thêm cái lợi là cả hai miền đều có người thân sống ở nước ngoài, mà Việt kiều vô tình trở thành trung gian để hai miền gắn bó với nhau hơn, thành ra người mình, người cùng một nhà sao không thương nhau được?

Cho nên, tôi cho rằng, người Việt mình cần đoàn kết với nhau hơn. Một người ở Nam chưa từng ra Bắc, mà chỉ nghe người Bắc nói quê ở Yên Tử là nhận ra "người mình" ngay. Bởi Yên Tử là câu chuyện của lịch sử. Nói như vậy nghĩa là, dân mình từng đoàn kết rồi, thì nay càng phải thắt chặt tình thân với nhau hơn nữa. Thời nay có dịp hiểu nhau hơn ngày xưa, vì thế mà cũng có điều kiện binh vực nhau hơn.

Thử hỏi, vì sao người trong này nhường đất cho người xứ ngoài vào ở, rồi có những nghề người Nam làm rất dở, nhưng người Bắc học được, làm tốt hơn, lại bày cho người Nam, cũng chẳng phải người Bắc giỏi đánh giặc, còn người Nam giỏi làm kinh tế sao ? Từ Quảng Bình đổ ra, dân ăn nói mau lẹ, cái miệng lanh quá, người Nam trái lại, cứ từ từ, rỗi rãi. Cũng vì cá tính này mà những người làm ăn giỏi ở miền Nam bây giờ toàn là người Bắc. Đất ở TPHCM không rớ nổi, có về quê thì những người như tôi đây còn có chút tấc đất mà cất nhà. Chính vì thế mà dân Nam "hơi ngại... dân Bắc, còn dân Bắc thì lại thích đổ xô vào Nam làm ăn.

Ngày xưa, nói đi vào Nam, người ta nhớ ngay câu: "Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng, khi về bủng beo". Còn bây giờ thì khác lắm rồi. Dân caosu tứ chiếng vào đây giàu lên, có nhà, có xe nhờ những rừng caosu bạt ngàn.

Về tình đoàn kết, người Hoa ở Chợ Lớn có từ lâu rồi. Họ sống thành cộng đồng, nên làm ăn rất giỏi. Họ buôn bán với các nước xung quanh, những nơi có đông cộng đồng người Hoa sinh sống. Mình phải học người Hoa ở điểm này.

Người Việt tự tin, nhưng lại có tính hay dựa dẫm. Đó cũng là bài học lớn. Thế nên, phải giỏi giao bang với các nước về kinh tế, mà vẫn giữ được tính tự chủ, mới là tốt.

Ở trong nước cũng thế. Người Sài Gòn không phát triển được nếu không có người Bắc và người Trung. Phải học hỏi, dựa vào nhau mới mong phát triển. Trong thời đại mới, người Việt học ít thì khó làm nên chuyện lớn. Có người hỏi tôi, tại sao ở VN có quá nhiều thứ đạo như vậy? Nhưng nếu phân tích ra thì trong vô số đạo, có đạo nào bày dân làm ruộng giỏi, nuôi cá da trơn giỏi như Cao Đài, Hòa Hảo? Người trong đạo có khi còn làm nông nghiệp giỏi hơn cả cán bộ học đại học ra.

Sống cạnh người Khmer, mình còn học họ được nhiều điều. Chỉ cần xem họ tổ chức bơi trải, người Việt mình đã thấy choáng: Họ cử 40-50 người cùng chèo thuyền, còn mình chỉ khoảng 7-8 người thôi. Cho nên, tôi muốn nói thêm là muốn hiểu người miền Nam, phải hiểu người Hoa và người Khmer, mới đủ.

Người Bắc có sức chịu đựng bền bỉ, chăm chỉ, giỏi về tiểu thủ công nghiệp, còn người Hoa ở Chợ Lớn giỏi làm ăn buôn bán các nước, có khi chẳng thua người Singapore. Nhưng về tính cách, phải nói thêm là người Bắc giỏi nói, làm ít hơn nói. Cứ nhìn kiểu pha trà lâu lắc, cầu kỳ là hiểu cá tính của họ. Còn người Trung kiên nhẫn, học giỏi, nhưng tính hơi khắc nghiệt. Mạnh nhất là dân Quảng Nam.

Điển hình là cụ Phan Châu Trinh đó. Ham học hỏi, muốn mở mang dân trí, muốn học các nước xung quanh để tìm đường phát triển cho nước mình. Người Nam thuận lợi hơn, ở xứ dễ làm ra lúa gạo, kênh rạch thông thương, hễ có giặc giã thì người Bắc đánh đỡ cho. Người ba xứ nếu hội tụ lại, giúp đỡ lẫn nhau, thêm sự hỗ trợ của Việt kiều, sẽ làm cho nước mạnh hơn.

Người nước ngoài nhìn vào người Việt, họ thấy nể nhưng tài năng thì chưa thấy. Người Việt ở nước ngoài cũng không phải xuất sắc lắm.
Một góc Huế (Cung Khải Định 2006). Ảnh: Y.T

Văn hóa VN có sự giao thoa giữa văn hoá Ấn Độ và Trung Quốc. Nó mang đầy đủ bản chất của nền văn minh lúa nước, với đặc tính dễ tiếp nhận. Muốn đi ra biển Đông, có thể, trong nay mai, VN sẽ phát triển mạnh hơn về phía nam, tức mở rộng giao lưu với các nước như Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines...

Phía Bắc khó phát triển hơn, theo lịch sử thì nhiều năm phải lo chống đỡ giặc ngoại xâm. Miền Trung khúc ruột ở giữa lại gắn với quá nhiều thiên tai. Phía Nam an toàn hơn về mọi mặt, từ phòng thủ đến việc tránh mưa bão, lại là vựa lúa gạo, là nơi buôn bán sầm uất. Chính vì thế, tin là trong nay mai, TP Hồ Chí Minh sẽ phát triển mạnh hơn nữa, không chỉ là trọng điểm kinh tế, mà còn là trung tâm giao lưu với quốc tế; thậm chí có thể trở thành thủ phủ..., nếu hoàn cảnh lịch sử cho phép. Quan trọng nhất là sự đoàn tụ Bắc Nam, ngày càng gắn bó, hiểu nhau hơn, trong quá trình lao động sản xuất, chiến đấu giữ nước, làm nghĩa vụ quốc tế. Lại còn triển vọng giao lưu hợp tác với Lào, Campuchia, các nước láng giềng Đông Nam Á.

Mấy lời dông dài của ông già Nam Bộ này, nếu có gì làm người khác phật ý, thì mong được bỏ qua. Ngày xuân nói thẳng, nói thật, thay vì nói dóc quanh năm...".


M.T ghi
Lao Động Cuối tuần số 07 Ngày 17/02/2008

samedi 16 février 2008

Làng hoa Gò Vấp - Chỉ còn “hồn xưa dấu cũ”


(Dân trí) - Đến làng hoa Gò Vấp rực rỡ, nổi danh xưa kia, giờ chỉ thấy người-nhà-xe chen chúc nhau trên những con đường nhựa phẳng lì. Người yêu hoa, yêu cái đẹp của Sài thành chỉ còn biết thở dài luyến tiếc một “hồn xưa, dấu cũ”.
Đất hoa xưa, giờ chỉ thấy toàn rau xanh.



Một thời vang bóng…

Trước đây, cứ mỗi độ xuân về, người người từ khắp các phố phường nhộn nhịp cho đến hang cùng ngõ hẻm của Sài Gòn lại nô nức rủ nhau về làng hoa Gò Vấp. Cả một làng hoa rộng hàng ngàn héc ta tấp nập, rôm rả tiếng nói cười, bán mua, tạo nên một quang cảnh đón xuân rất đặc trưng ở Sài Gòn.

Sắc áo, màu trời hòa với những vạt màu vàng tươi của hoa mai và hướng dương, xen lẫn trong màu hồng phấn của những chậu móng tay, màu đỏ thắm của thược dược cùng vô vàn những màu hoa thắm khác như mãn đình hồng, sống đời, mào gà, vạn thọ, đồng tiền…

Đặc biệt, vùng đất phương Nam nắng ấm này vô cùng thích hợp cho loài hoa cúc sinh sôi nảy nở. Bởi thế, ai đi xa vẫn nhớ Sài Gòn da diết với những thảm màu vàng rực của vô vàn loài cúc: cúc Hà Nội, cúc mâm xôi, cúc đại đóa, cúc Tây, cúc Nhật, cúc dại… gắn với làng hoa Gò Vấp lâu đời.

Ngày ấy ở Gò Vấp, người người trồng hoa, nhà nhà trồng hoa nên cứ mỗi dịp cuối năm người trong làng già trẻ lớn bé lại rủ nhau ra vườn hăng say bón phân, tỉa cành, chăm sóc tỉ mỉ để mong hoa nở đúng ngày, đúng vụ. Đám trẻ con lon ton theo người lớn vừa bắt sâu, lặt lá vàng vừa tíu tít hỏi đủ thứ chuyện về năm hết Tết đến, về đủ thứ phong tục mừng ngày đầu năm. Còn các ông già bà cả thì rì rầm kể cho đám cháu những chuyện về Tết cổ truyền và dạy cho lũ con lớn trong nhà về kinh nghiệm trồng hoa.

Khắp làng trên xóm dưới, đi đâu người ta cũng chỉ cười nói với nhau về nắng, về gió, về khí lạnh, khí ấm, về ngày, về tháng và về những kinh nghiệm trồng hoa lâu năm của ông bà truyền lại. Vẻ mặt ai cũng thoáng vương những nét âu lo nhưng không giấu được niềm tự hào khi nghĩ đến cái ngày nụ bung hoa. Không khí trong làng trở nên ấm cúng, thân thiện và nhộn nhịp khác thường.

Làng hoa Gò Vấp vốn đẹp đẽ và nên thơ là thế, nay không còn nữa. Những “dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo” ấy nay chỉ còn đọng trong ký ức những người hoài cổ. Hôm chúng tôi về thăm, làng hoa nổi danh một thời đã bị nhịp sống đô thị “nhấn chìm tan tác”, nhường chỗ cho phố phường hiện đại.

Ông Võ Văn Chánh một nghệ nhân trồng hoa lâu năm rầu rĩ: “Đất trồng hoa cứ ngày càng thu hẹp một cách chóng mặt, mới năm nào cả vùng còn bạt ngàn lá hoa thì nay diện tích trồng hoa chỉ còn chưa đến một trăm héc ta với khoảng chừng vài chục hộ bám nghề”.

Đô thị hóa diễn ra quá nhanh, đất làng hoa đã chuyển thành đất định cư cho rất nhiều hộ gia đình từ phố thị dạt ra sau chiến dịch giải tỏa. Nhà cửa san sát mọc lên, kèm theo đó là tiệm ăn, quán nhậu, cửa hàng thời trang, trụ sở công ty… Nhìn nhà cửa khang trang, quán xá nhộn nhịp, chẳng biết nên buồn vì tiếc nhớ làng hoa hay nên vui vì mức sống người dân đang trên đà phát triển.

Một vài người trẻ yêu nghề, giữ lại mảnh đất nhỏ trồng cây cảnh.


Bà con ở làng hoa Gò Vấp đã chọn cách bán đất để có cơ hội hơn là bám mãi vào nghề trồng hoa nhiều bấp bênh. Bà Năm, một cư dân lâu năm ở Gò Vấp, thở dài não nề: “Đất chật, người đông, muốn hít thở không khí cũng phải tranh nhau từng chút chứ đừng nói đến trồng hoa”.

Chị Cúc, chủ một vườn hoa kiểng ở đường Lê Văn Thọ, tâm sự: “Việc bán đất đổi nghề cũng không phải hoàn toàn là lỗi của nông dân mà vì nghề trồng hoa quá bấp bênh. Tiền đầu tư trồng hoa cứ năm này tăng hơn năm trước, giá nhân công lên, xăng dầu lên, phân bón lên, chậu xi măng lên vùn vụt, nếu bám nghề riết chỉ biết… méo mặt trông hoa”.

Bao giờ cho đến… ngày xưa?

Hoa là một loại cây trồng có hiệu quả kinh tế bởi nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao mà người mua lại ít khi tính toán đắn đo như khi mua các loại nông sản khác. Khi làng hoa Gò Vấp còn hưng thịnh, người Sài Gòn “xài” hoa không hết, chỉ khoảng 60% số lượng hoa ở Gò Vấp được tiêu thụ tại thành phố, số còn lại được chở đi các tỉnh lân cận.

Ngày nay, người thành phố chỉ biết thưởng thức hoa Hà Nội, Đà Lạt, Sa Đéc, Cái Mơn và cả nước ngoài đưa về. Cả một thị trường tiêu thụ hoa lớn đã bị chính người dân thành phố Hồ Chí Minh bỏ quên. Thiết nghĩ, việc định hướng cho nghề trồng hoa để phục vụ cho nhu cầu của thành phố Hồ Chí Minh, cũng như làm đẹp thêm cho thành phố và tăng thu nhập cho người nông dân là cần thiết.

Trong khi chờ Nhà nước có những biện pháp cụ thể định hướng cho nghề trồng hoa, nhiều người dân ở Gò Vấp tâm huyết với nghề cố giữ cho mình mảnh vườn nho nhỏ bên nhà và chuyển sang trồng kiểng.

Bây giờ, mỗi dịp Tết đến, người dân thành phố Hồ Chí Minh đã có thói quen rủ nhau về làng hoa Gò Vấp tìm mua những chậu kiểng đẹp.

Một mùa xuân nữa sắp về, trong không khí hân hoan đón chào năm mới, người dân thành phố lại tràn trề hy vọng về một vùng hoa kiểng “chính cống” của quê hương xứ sở mình.

Đức Nguyễn