samedi 2 février 2008

Thăng hoa dáng gốm

Cũng khá lâu rồi, các sản phẩm gốm ở Đồng Nai mới có dịp cùng nhau hội tụ và đua tài qua cuộc thi Thiết kế kiểu dáng hàng thủ công mỹ nghệ - giải Golden V - 2007 (vòng sơ khảo tại Đồng Nai) do ngành công nghiệp Đồng Nai phối hợp với Trung tâm hỗ trợ thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam tổ chức. Có thể nói, 40 sản phẩm dự thi là 40 ý tưởng sáng tạo rất khác nhau, tạo nên sự thăng hoa về kiểu dáng cho sản phẩm gốm truyền thống.

Lạ mắt nhất, chắc có thể kể đến sản phẩm đèn ngủ mang tên Cồng chiêng Tây Nguyên của Hoàng Ngọc Hiến. Cồng chiêng Tây Nguyên có hình dáng cách điệu của 2 người đang giã gạo. Trang trí cho đèn là hình ảnh những chiếc cồng chiêng hoa văn truyền thống. Có thể thấy ở chiếc đèn này, tính mỹ thuật và tính ứng dụng kết hợp với nhau thật hài hòa. Ý tưởng của chiếc đèn bàn này ra đời khi tác giả tham dự một lễ hội cồng chiêng của dân tộc Lạch tại Lâm Đồng, những nét vũ đạo mạnh mẽ mà uyển chuyển đã được tác giả đưa vào tạo dáng cho sản phẩm.
Sản phẩm bình đất nung mang tên Sắc màu Dao của Ngụy Sang lại là một điển hình về sự phá cách, những nhát cắt xén mang tính hiện đại nhưng lại kết hợp với các hoa văn dân tộc để giữ được nét truyền thống. Sang cho biết, họa tiết trang trí trên sản phẩm được lấy ý tưởng từ hình ảnh những thửa ruộng bậc thang rất đặc trưng của vùng Tây Bắc kết hợp với hoa văn của những váy áo, khăn thổ cẩm thiếu nữ dân tộc Dao tiền. Sắc màu Dao cũng không tráng men như các sản phẩm gốm khác mà sử dụng thuần màu đất nung cháy sần sùi mộc mạc, phù hợp với chủ đề. Sang bảo, sản phẩm này có lợi thế là chất liệu dễ tìm, giá thành hạ và có thể sản xuất đại trà khi có nhu cầu.
Quyến rũ đầy nữ tính, đó là 3 sản phẩm bình hoa Sắc xuân của Nguyễn Thị Ngọc Lan; chiếc đèn Thác nước dáng quê và đèn Thác nước rau muống của Hồ Thị Thu Hiền. Bình hoa Sắc xuân sử dụng màu men xanh đồng trổ bông - sản phẩm men đặc trưng và nổi tiếng của Trường mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Miệng bình mang hình ảnh một đóa hoa mai đang độ mãn khai với cánh bướm thật dịu dàng, lãng mạn. Thác nước dáng quê và Thác nước rau muống đều có tư tưởng chủ đạo như nhau là tạo dáng chiếc đèn theo nhiều tầng lớp, nhưng mỗi sản phẩm đều bộc lộ một tâm hồn rất riêng. Nếu như Thác nước dáng quê là những chiếc thúng được xếp trong đôi gióng trông thô mộc, chân quê, gợi nhớ hình ảnh những bà mẹ nghèo tảo tần bên đôi quang gánh thì Thác nước rau muống có dáng đổ ẻo lả với đường thân uốn cong ngoạn mục điểm xuyết những chiếc lá to nhỏ khác nhau, vừa mảnh mai vừa trữ tình. Bên cạnh 3 sản phẩm trên, đèn ngủ Giỏ hoa của Đoàn Thụy Thúy Hằng với màu men đồng trông rất chân phương mà không kém phần nữ tính.
Tuy chưa tạo được sự nổi bật mạnh mẽ về kiểu dáng, nhưng một vài sản phẩm cũng tạo được sự chú ý về ý tưởng hoặc về màu men gốm, như sản phẩm đèn Thác nước Đinh Hợi của Trịnh Thị Dịu, sản phẩm đế đèn Mầm sống của Nguyễn Viết Mộng Diễm Trang. Sản phẩm đèn Tiếp nối thì mang hình dáng của một mái đình có cả rồng chầu, rất công phu, tiếc thay bố cục lại nặng nề nên không bắt mắt lắm. Và còn rất nhiều sản phẩm đèn thiên nga, đèn chiếc lá, những hộp cắm bút, đĩa... thật phong phú, đa dạng.
Theo thầy Đinh Công Việt Khôi, giảng viên khoa gốm Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, nhiều sản phẩm dự thi đã có sự đột phá về kiểu dáng tạo nét mới lạ cho nghề gốm. Một số sản phẩm còn mang nét phá cách táo bạo nhưng rất sáng tạo. Và do đề tài dạng tự do không giới hạn về kích thước nên thí sinh có "đất" để tha hồ phóng theo ý tưởng. Nếu được duy trì thường xuyên và có sự khích lệ đúng mức, cuộc thi sẽ như luồng gió mới thổi sinh khí thúc đẩy sự sáng tạo không chỉ riêng cho nghề gốm mà cho cả những mặt hàng thủ công mỹ nghệ khác của tỉnh nhà.
Thanh Thúy (Bao Dong Nai 05/10/2007)

Aucun commentaire: