samedi 2 février 2008

Bảo tàng Đồng Nai với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử - văn hóa của dân tộc






Công tác bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc ngày càng đóng vai trò quan trọng và tích cực trong việc khám phá và truyền bá hiểu biết về lịch sử tự nhiên và xã hội. Các di sản văn hóa là chứng tích của những sự kiện lịch sử của dân tộc, là tài sản nhân loại và là một kho tàng làm phong phú và phát triển nhịp nhàng nền văn minh hiện tại và tương lai. Vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị các di sản của dân tộc luôn là công tác đặc biệt quan trọng trong các hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng.

Qua hơn 30 năm xây dựng và phát triển, đến nay Bảo tàng Đồng Nai đang lưu giữ và bảo quản hơn 17.000 hiện vật, hình ảnh, tài liệu, băng ghi âm, ghi hình... thông qua những cuộc sưu tầm, khảo sát, khai quật khảo cổ, do nhân dân tặng, thu nhận từ một số cơ quan chức năng... Hiện vật lưu giữ tiếp tục được nghiên cứu đánh giá, phân loại theo từng chuyên đề, từng sưu tập, từng chất liệu một cách khoa học.
Hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai đã xây dựng được 46 bộ sưu tập hiện vật gốc gồm nhiều nhóm như: sưu tập hiện vật khảo cổ học, gốm cổ lòng sông Đồng Nai, gốm gia dụng thủ công Biên Hòa, trang phục người Việt, văn hóa các dân tộc ở Đồng Nai, văn hóa người Chăm, vũ khí cách mạng, vũ khí thu được của địch, đạn và súng thần công, mẫu động vật rừng Đồng Nai, thủy sản Đồng Nai, hiện vật Bà mẹ Việt Nam anh hùng... Trong đó, có những bộ sưu tập quý giá không chỉ góp phần nghiên cứu, phản ánh lịch sử địa phương mà còn là cơ sở cho việc tìm hiểu về vùng Đông Nam Á cổ đại và các lưu vực lân cận.
Sưu tập khảo cổ học với hơn 5.000 hiện vật bao gồm: gốm cổ, công cụ và vũ khí bằng sắt, đồng, đá, trang sức bằng đồng, sắt, thủy tinh... là kết quả của những đợt khai quật khảo cổ đã góp phần tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu một cách khoa học về những nền văn hóa cổ xưa, làm rõ diện mạo của Đồng Nai - văn hóa Đồng Nai qua các giai đoạn phát triển. Thông qua nghiên cứu khảo cổ học Đồng Nai, chúng ta hiểu rõ hơn về nền văn hóa cổ từng phát triển rực rỡ ở lưu vực sông Đồng Nai. Và Đồng Nai cũng chính là nơi phát sinh, hội tụ và giao thoa của nhiều luồng văn hóa.
Nhóm vũ khí và các loại phương tiện của nhân dân sử dụng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có số lượng hơn 823 hiện vật. Nhóm hiện vật này rất phong phú về chủng loại: từ mã tấu, mũi lao, gậy tầm vông, súng, mìn tự tạo, súng ngắn, cờ... Nhiều hiện vật trong nhóm này gắn liền với cuộc cách mạng tháng 8-1945, điển hình như súng cây và tầm vông vạt nhọn của lực lượng thanh niên tiền phong ở Đồng Nai trong cách mạng tháng 8-1945; hoặc bộ sưu tập vũ khí tự tạo; sưu tập hiện vật lưu niệm về nhà thơ chiến sĩ Huỳnh Văn Nghệ - người chỉ huy lừng danh của Chi đội 10 - lực lượng vũ trang đầu tiên của Biên Hòa; hiện vật về ba bức hoành phi thờ trong đình Phú Mỹ ca ngợi công đức Bác Hồ mà nhân dân xã Phú Hội đã làm từ năm 1970 để tưởng nhớ Bác. Sưu tập hiện vật cách mạng là các vật chứng đã phản ánh được những năm tháng hào hùng, vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc, phản ánh tinh thần yêu nước nồng nàn và quyết tâm giành độc lập dân tộc của tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
Sưu tập hiện vật gốm và đá lòng sông Đồng Nai khoảng 1.141 tiêu bản gồm các loại: bình, hũ, ché, ghè, bình vôi, chân đèn, nồi, ấm, siêu... có niên đại từ thế kỷ X-XVII, XVIII. Sưu tập đá và đồng khoảng vài chục hiện vật, gồm: bàn nghiền, tượng, lưỡi giáo... Sưu tập gốm lòng sông Đồng Nai là sưu tập phong phú, đa dạng về loại hình, kiểu dáng và công dụng là bằng chứng cho thấy truyền thống làm gốm lâu đời của cư dân Đồng Nai. Đồng thời giúp các nhà nghiên cứu khoa học những tài liệu quan trọng về một nền văn minh cổ lưu vực sông Đồng Nai thời kỳ sơ sử đến cận đại cần được khám phá và bảo tồn.


Sưu tập hiện vật văn hóa các dân tộc ở Đồng Nai rất đa dạng và phong phú về loại hình và chủng loại. Là vùng đất cổ màu mỡ, người thưa, từ thế kỷ XVI-XVII, Đồng Nai đã thu hút lưu dân Việt từ miền ngoài vào lập nghiệp. Họ cùng với cư dân bản địa như: Chơ Ro, Châu Mạ, Stiêng, Kơ Ho... khai khẩn đất hoang xây dựng làng ấp. Từ năm 1679 có thêm lưu dân người Hoa đến cộng cư, Đồng Nai ngày càng tiếp nhận thêm những dân tộc di cư như: Chăm, Nùng, Mường, Thái... Sự giao thoa, đan xen, dung hợp văn hóa trong các dân tộc theo dòng thời gian đã đúc kết nên những sắc thái văn hóa riêng, đặc trưng cho vùng đất Đồng Nai, con người Đồng Nai.
Có thể nói sưu tập hiện vật văn hóa các dân tộc ở Đồng Nai rất đa dạng và phong phú. Những hiện vật này đã phần nào thể hiện được những nét riêng về văn hóa vật chất, văn hóa tinh thần của các cư dân bản địa trên đất Đồng Nai. Tất cả hòa quyện vào nhau tạo nên một sắc thái văn hóa riêng, phong phú.
Bên cạnh việc bảo tồn, lưu giữ các hiện vật, trong những năm qua, Bảo tàng Đồng Nai cũng đã không ngừng tuyên truyền giới thiệu rộng rãi với công chúng về các hiện vật, hình ảnh, tài liệu trong hệ thống trưng bày của bảo tàng, thu hút đông đảo khách tham quan; đồng thời công bố hơn chục đầu sách để giới thiệu với công chúng những di sản văn hóa quý báu của dân tộc mà chúng ta cần phải giữ gìn và phát huy một cách hiệu quả, thiết thực nhất trong thời kỳ đất nước hội nhập với thế giới.



Lê Ánh Tuyết(Bảo tàng Đồng Nai)
(Bao Dong Nai 12/10/2007)


Photo : Sưu tập cuốc đá thuộc di tích Phước Tân có niên đại khoảng 3.500- 3.000 năm cách ngày nay

Photo : Sưu tập mẫu động vật thủy sản Đồng Nai

Aucun commentaire: