mardi 26 février 2008

Báo động ô nhiễm nước hạ lưu sông Đồng Nai

Trải rộng trên địa bàn 12 tỉnh, hạ nguồn hệ thống sông Đồng Nai bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó có đoạn đã trở thành sông "chết", theo cảnh báo của các chuyên gia tại hội nghị triển khai đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai, sáng 26/2 ở TP HCM.
Phó giám đốc Sở Tài nguyên môi trường TP HCM Nguyễn Văn Phước cho hay, hiện nước sông Đồng Nai đoạn từ nhà máy nước Thiện Tân đến Long Đại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã bị ô nhiễm chất hữu cơ và chất rắn lơ lửng vượt mức cho phép 3-9 lần. Giá trị các chất COD vượt 1,8-2,8 lần, giá trị DO cũng thấp dưới giới hạn cho phép.
Vùng hạ lưu sông nhiều đoạn bị ô nhiễm ở mức báo động. Toàn lưu vực cũng bị tình trạng nhiễm mặn, nguồn nước không còn khả năng sử dụng cho mục đích tưới tiêu và sinh hoạt.

Nước hồ thủy điện Trị An cũng bị cảnh báo là ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: P.A.

Theo nghiên cứu của Sở Tài nguyên môi trường TP HCM, đoạn sông từ khu vực trạm bơm cấp nước Hóa An đến Cát Lái, qua địa bàn TP HCM thuộc hệ thống sông Sài Gòn chất lượng nước tương đối ổn định. Tuy nhiên, tại các trạm quan trắc Phú Cường, Bình Phước và Phú An, nước đã bị ô nhiễm hữu cơ, đặc biệt là ô nhiễm dầu và vi sinh, không thể dùng làm nguồn cấp nước sinh hoạt.
Càng xuống vùng trung lưu (khu vực cầu Bến Súc, cửa sông Thị Tính) và đi dần về phía hạ lưu sông thì tình hình ô nhiễm lại ở mức báo động. Theo kết quả quan trắc, vùng cửa sông Thị Tính có hàm lượng Nitơ vượt gần 30 lần tiêu chuẩn.
Trong khi đó, chất lượng nước của các sông khác trong lưu vực cũng đang bị suy giảm. Nước các nhánh sông Bé, Đa Nhim - Đa Dung thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước diễn biến theo chiều hướng xấu với hàm lượng sắt trong nước tăng cao.
Tình trạng ô nhiễm nặng tại sông Thị Vải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với một đoạn sông "chết" dài hơn 10 km. Nước ở đây bị ô nhiễm hữu cơ nghiêm trọng, có màu nâu đen và bốc mùi hôi thối kể cả khi triều lên xuống.
Điều đáng nói là trong thời gian qua, công tác quản lý các lưu vực sông còn nhiều bất cập vì khó phân định trách nhiệm, thẩm quyền rõ ràng giữa các Bộ, ngành. Hiện vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng cho việc huy động nguồn lực từ các tổ chức tư nhân, phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, cộng đồng tham gia vào việc phát triển và bảo vệ tài nguyên nước.
Các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đã đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai từ nay đến năm 2020. Mục tiêu nhằm bảo vệ an toàn nguồn nước thuộc hệ thống về chất lượng và lưu lượng, đạt tiêu chuẩn nước sạch tự nhiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội toàn khu vực.

Vi Vi


Chảy qua 12 tỉnh, trong đó 7 địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu) và một phần Đăk Lăk, Đăk Nông, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, nguồn nước hệ thống sông Đồng Nai có tầm quan trọng đặc biệt và sống còn trên lưu vực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây là nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho hàng chục triệu người, cấp nước cho công nghiệp, tưới tiêu nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, du lịch sông nước...

Aucun commentaire: