dimanche 3 février 2008

Tư duy lại... tư duy

(Xuân MTTN 2008) - Ngưỡng cửa 2010 với nhiều mục tiêu lớn và lãng mạn đang cận kề trước mặt. Nhìn lại chặng đường đã qua, với không ít thu hoạch mỹ mãn nhưng cũng lắm khó khăn, thách thức, nhất là liên tiếp nhiều trận lũ lụt lớn trong những tháng cuối năm đã khiến cho khu vực Miền Trung Tây Nguyên phải đối diện với một thực tế là cần tư duy lại nhiều vấn đề: Nếu vẫn kéo dài cách nghĩ, cách làm như hiện nay thì sẽ rất khó đẩy nhanh tốc độ xoá nghèo, bứt phá làm giàu như mong muốn.

Chỉ trong chưa đầy 30 ngày của tháng 10 và 11 năm 2007, tại các tỉnh Trung Trung bộ đã xảy ra 4 - 5 trận lụt lớn liên tiếp. Người dân chưa kịp hoàn hồn sau những thiệt hại to lớn về người, tài sản, mùa màng của trận lụt này thì đã phải hứng chịu trận lũ lớn tiếp theo. Ngay cả những địa phương ở trên núi cao, lũ lụt cũng gây không ít bất ngờ khi làm ngập sâu, cô lập nhiều vùng cư dân ở miền núi như Tuyên Hoá, Minh Hoá (Quảng Bình), Đắc Lắc, Đắc Nông...Nó cho thấy cái giá rất đắt của nạn tàn phá rừng dã man của con người và những con số báo cáo giả dối về diện tích phủ xanh đất trống đồi trọc, nhất là rừng phòng hộ đầu nguồn. Nhưng quan trọng hơn, từ những trận lụt chồng lên lụt trong năm 2007 ở Miền Trung, thiên nhiên đã trực tiếp truyền đi một thông điệp khẩn khoản và quyết liệt rằng, dải đất hẹp này cần có ngay những quyết sách lớn để tiến trình chung sống với thiên tai ngày càng "êm thấm" hơn, ít thiệt hại hơn. Thiệt hại lớn và phải chịu đựng khổ sở nhiều nhất là cư dân vùng hạ lưu sông Ô Lâu và sông Mỹ Chánh thuộc các huyện Hải Lăng (Quảng Trị) và Phong Điền (TT - Huế). Hàng chục ngàn hộ dân sống dưới mực nước biển nơi đây phải sống trong lụt triền miên từ hàng chục năm nay do hệ thống đê bao rệu rã, hạ lưu các sông bị bồi lấp cạn dần lên nên nước không thoát được ra biển. Từ nhiều năm qua, các xã, huyện vùng trũng này kêu khan cả tiếng về chuyện xin được đầu tư làm lại hệ thống đê bao cùng với việc nạo vét lòng sông, khơi thông dòng chảy thoát lũ. Và hết năm này qua năm khác, người dân mòn mỏi đợi chờ lời hứa, người ta nói rằng không có tiền để đầu tư ngay. Nhưng xin nói là chỉ cần một trận lụt thôi, thiệt hại tại các vùng hạ lưu này đã lên tới con số hàng trăm tỉ đồng. Vậy thì bỏ tiền ra làm đê bao, nạo vét sông ngòi để chống lũ tốt hơn hay là kéo dài tình trạng để lụt tàn phá nhân danh sự... không có tiền ?
Dải đất Miền Trung lâu nay được nhắc đến nhiều như là một nơi giỏi chịu đựng. Trong các bài diễn văn viết sẵn được dùng năm này qua năm khác, không bao giờ bỏ sót điệp khúc "địa phương ta vừa đi qua chiến tranh khốc liệt, thiên tai khắc nghiệt...". Đã 1/3 thế kỷ hoà bình rồi và cũng ngần ấy thời gian để kiến tạo, xây dựng lại làng mạc, ruộng đồng. Và vì vậy, cứ hát mãi bài ca khó khăn cũng là một cách để biện minh cho sự chậm tiến, để tự ru ngủ, hài lòng với những yếu kém của chính mình. Nhiều chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, doanh nhân đã rất không hài lòng khi ở đâu đó, ai đó vẫn lớn tiếng biến vùng đất Miền Trung thành một địa chỉ từ thiện, từ đầu tư cho đến các hoạt động xã hội. Nhưng, thiên tai trong thời gian ngắn gần đây đang buộc các nhà quản trị xã hội phải tư duy lại nhiều "phong trào" ở dải đất này. Hàng trăm ngàn ngôi nhà từ thiện cho những gia đình nghèo không có khả năng làm nhà ở đã được xây dựng ở nhiều địa phương từ các phong trào vận động quyên góp, xây dựng, ủng hộ và cả sự chi tiêu từ ngân sách. Mỗi ngôi nhà được hoàn thành với số tiền có khác nhau nhưng phổ biến là mức 10 đến 15 triệu đồng. Số tiền trên đã được "trây ra" cố cho đủ xây một ngôi nhà, vì thế sắt cũng có, bêtông cũng có, tường xây cũng có, tôn lợp, thưng tráp xung quanh cũng có. Nhưng mỗi thứ đều chút chút, ít ít, nho nhỏ. Hậu quả là gì? Là chỉ cần một trận lụt ngâm lâu ngày, một trận bão nhẹ là những ngôi nhà từ thiện đó không còn nữa. Nếu cứ chạy theo con số thành tích nhà từ thiện như hiện nay thì chẳng khác gì một người mà làm cỏ cho cả cánh đồng, đến đầu này thì đầu kia lại... cỏ lút! Nhà từ thiện làm theo kiểu trây ra cho nhiều ngôi kiểu đó thì sẽ cứ làm hoài, bởi xây được ngôi này thì ngôi trước đã hư sập. Nhưng đó mới chỉ là một kiểu lãng phí. Lên miền núi, thấy nhan nhản những ngôi nhà xây bêtông bằng tiền ngân sách (khu tái định cư di dân) hoặc bằng tiền từ thiện nhưng bên cạnh vẫn có thêm một ngôi nhà sàn do đồng bào tự làm. Ngôi nhà xây thì cửa khoá hoặc cho bò ở, còn đồng bào ăn ở trong những ngôi nhà... tạm của mình. Nguyên nhân là vì những "ngôi nhà phong trào" được xây lấy được, bất chấp phong tục, sở thích, tập quán sinh hoạt ăn ở, thờ cúng của đồng bào.
Sau những trận lụt lớn, liên tiếp vừa rồi, làm lộ ra quá nhiều chuyện phải lo lắng, làm lại từ đầu. Nhiều địa phương được Chính phủ hỗ trợ gạo cứu đói cho dân vùng lụt phải sau 15 - 20 ngày gạo mới về đến nơi. Quảng Trị là một ví dụ. Nguyên nhân là do phải chở gạo từ miền Bắc vào hoặc từ Đà Nẵng ra nên chậm. Câu hỏi không đợi câu trả lời là có phải những báo cáo về tình hình chuẩn bị phòng chống lụt bão, dự trữ lương thực, an ninh lương thực ở những nơi như vậy chỉ là để làm đẹp những trang giấy! Còn ở các huyện đồng bằng - rốn lũ Quảng Bình thì gần như tất cả các trường học, công sở vùng lụt đều bị nước làm ngập toàn bộ cơ sở vật chất, tài liệu, tài sản... Để chống lũ, Nhà nước đã đầu tư nhiều tiền của để cao tầng hoá trường học, trụ sở làm việc với mục đích giảm thiểu thiệt hại tài sản, con người. Vậy mà những nơi này người ta vẫn cam tâm để tài liệu, tài sản ở ngay tầng... lụt cho trời phá. Không quy trách nhiệm cho người đứng đầu trước những sai phạm, hậu quả do tắc trách hoặc ngu dốt gây ra thì những lãng phí, thiệt hại kiểu đó vẫn còn tái diễn dài dài. Rừng nói chung và rừng phòng hộ đầu nguồn nói riêng bị tàn phá dã man là nguyên nhân gây ra thiên tai hạn hán, lũ lụt. Người ta đang nói nhiều về chuyện đó. Nhưng có đi dọc biển miền Trung mới thấy những hiểm hoạ khôn lường từ nạn tàn phá rừng và bờ biển bởi nạn khai thác khoáng sản titan. Phải mất hàng trăm năm, hoặc ít hơn không nhiều, mới có được những rừng dương liễu xanh ngút ngàn nơi các làng biển. Nhưng chúng đã, đang bị đốn trọc, cày xới tan hoang vì những cỗ máy hút cát lọc lấy titan đem bán thô lấy tiền tươi bỏ túi làm giàu. Những làng biển lâu nay bình yên được che chắn bảo vệ bởi rừng dương nay đang trơ mình đối chọi với gió bão, lốc xoáy liên tục. Lụt không chỉ ở rừng về mà còn từ biển lên. Nếu những nhà quản lý tài nguyên và quan chức địa phương hoặc là vì món lợi trước mắt hoặc là vì thiếu tầm nhìn, hiểu biết mà để cho tình trạng này tiếp diễn thì đó nhất định phải bị phán xét như là một tội ác lớn đối với môi trường.
"Tư duy lại... tư duy" - tên của bài viết này chỉ là một vài suy nghĩ giới hạn của người viết nhân sự kiện khu vực Miền Trung Tây Nguyên bị lũ lụt một cách bất thường vào những tháng cuối năm 2007. Chúng tôi cho rằng sự bất thường đó của thiên nhiên đang trở thành bình thường và hối thúc con người mau chóng nhận thức, đón nhận, chung sống, phát triển cùng nó.Vấn đề đáng "tư duy lại" nhất vẫn là nhân tố con người và sử dụng con người. Phải làm sao để loại bỏ hoặc là không có đất sống cho những công chức, quan chức bị hội chứng mắc phải "mackeno", (mặc kệ nó) nhìn đâu cũng chỉ thấy rặt chuyện... bình thường, chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ, quan tâm.
Lâm Chí Công

Aucun commentaire: