dimanche 3 février 2008

Kỷ niệm những lần xuất ngoại

(LĐCT) - Với chiều cao chưa đến 1,6m, khả năng vi tính chỉ biết chat với meo, trình độ sinh ngữ thì càng khủng khiếp hơn nữa: Tiếng Nga có 6 cách thì thường chia cách... 7, tiếng Pháp không vượt qua nổi lớp 1, còn tiếng Anh thì dừng ở mức Yes và No... tôi hoàn toàn không thích đi nước ngoài, mặc dù đôi khi cũng muốn đi vì tò mò xem thế giới bên ngoài ra sao.
Song vì công việc, tôi cũng đã đi được 10 nước. Đầu tiên là nước láng giềng Campuchia. Chuyến xuất ngoại đầu tiên ấy cách đây khoảng 20 năm, đi bằng máy bay quân sự, hạ cánh xuống Xiêm Riệp chỉ bằng một động cơ. Bên cạnh việc phân biệt thế nào là trái thốt nốt và dừa nước, tôi cũng đã viết được mấy bài về những người lính tình nguyện mà chi tiết tôi nhớ nhất là khi họ vừa chui trong rừng ra, hỏi thèm cái gì, họ trả lời: "Thèm nước đá". Sau chuyến đi này tôi còn đi Campuchia hai chuyến nữa, nhưng vì đã yên tiếng súng nên kỷ niệm không có gì nhiều.
Sau đó tôi được đi tiếp Thái Lan - ăn theo các em thiếu nhi dự cuộc gặp gỡ và hát cùng ngôi sao Michael Jackson. Đây mới thực là chuyến đi một đàng học một sàng khôn. Thái Lan lúc đó cũng kẹt xe dữ dội. Kinh khủng nhất là những lần đi rình ngôi sao M.Jackson ở khách sạn anh ta ở để chụp hình làm tin. Nhìn thấy phóng viên nước ngoài chia nhau canh chừng các góc khách sạn để "chộp hình" bằng những cái máy ảnh ống kính têlê to như đại bác, tôi cứ ngượng chín cả người khi nhìn chiếc máy bé tẹo như cái hộp bút của mình. Song bù lại, tôi là người đầu tiên phán đoán hướng M.Jackson sẽ xuất hiện nên chiếm lĩnh ngay vị trí mặt tiền để chụp hình thuận lợi nhất. Vị trí ấy tốt đến nỗi mấy thằng cha phóng viên truyền hình nước ngoài to gấp đôi tôi phải năn nỉ tôi nhường một tý chỗ để kê chân máy quay.
Chuyến đi Đài Loan tiếp sau đó cho tôi khá nhiều kinh nghiệm khác. Thí dụ như không biết sinh ngữ thì phải khai thác thông tin thế nào? Ai chả biết, chứ tôi thì bám chặt lấy anh Hà, hướng dẫn đoàn kiêm phiên dịch, từ khi ăn, đi chơi, làm việc... Tôi đi Đài Loan cách đây cả chục năm, mà lúc ấy họ đã 100% đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.
Người Đài Loan cũng khá chu đáo. Họ lo cho các thành viên trong đoàn từng tý một, khi thấy tôi hết pin máy ảnh là họ kín đáo cử người đi mua ngay. Xe đến thành phố Cao Hùng, tôi phát hiện ra hành lý mình đã để quên lại Đài Bắc, định bụng tối đi siêu thị mua đồ mặc đỡ thì đến trưa đã thấy người thuê xe từ Đài Bắc mang hành lý xuống cho tôi. Sự chu đáo ấy làm tôi nhớ mãi và cứ thầm mong người Việt Nam ta cũng chu đáo và hiếu khách như vậy.
Sang Hồng Kông, tôi thấy ở Hồng Kông cái gì cũng cao, nhà cao chọc trời, máy bay hạ cánh xuống sân bay phải xuyên qua những dãy nhà cao tầng trên sườn núi; xe bus, tàu điện hai tầng, và ngay cả cô phiên dịch người Hoa cũng cao... gần 1,8m.
Điều ấn tượng nhất của tôi là khi vừa nhận phòng trên tầng 18 của khách sạn thì nhân viên đưa ngay cho tôi cái túi chụp nilon và dặn (có người dịch) nếu có hoả hoạn thì chụp cái túi này lên đầu và chạy theo thang bộ. Cái túi sẽ giữ đủ không khí cho anh thoát hiểm. Trong đời tôi chưa từng nghe lần thứ hai câu dặn dò ân cần và thiết thân này, kể cả khi leo đến các lầu cao gần như thế ở quê hương vì thế tôi nhớ mãi ấn tượng này, nhất là khi đi viết về những đám cháy ở nước mình.
Còn đi Philippines mấy ngày thì đêm nào đoàn nhà báo cũng đi các quán bar. Xem núi lửa thì chẳng thấy lửa đâu, nhưng xem các vũ nữ thoát y thì đầy... lửa. Ở Philippines đi bar là chuyện bình thường, pháp luật không cấm. Nhưng họ cấm mại dâm trong bar và khách sạn. Cấm cả chụp hình. Điều thú vị là Philippines có rất nhiều ban nhạc biểu diễn ngoài trời, trong khách sạn, tại sân bay, công viên... họ tạo không khí vui nhộn và hoà nhập rất nhanh cho du khách, điều mà Việt Nam chúng ta cần học tập vì chúng ta cũng có rất nhiều ban nhạc thiện chiến.
Chuyến đi Lào, có lẽ là chuyến đi êm đềm, dễ chịu nhất trong các chuyến đi nước ngoài của tôi. Dễ chịu vì nhiều người Lào biết tiếng Việt. Còn dễ chịu hơn nữa là vì phong tục tập quán, khí hậu ở Lào khá giống Việt Nam. Nhưng ở Lào tài xế không bao giờ bấm còi xe inh ỏi, đi 10 ngày không thấy một đám cãi lộn, vào đám tiệc 30 người mà chỉ nghe tiếng cười nói rì rào chứ không thấy la hét cụng ly rung nhà rung cửa như ở ta. Và họ có điệu múa truyền thống, ai cũng múa được (còn nếu ở ta nếu phải múa tập thể không ai biết sẽ múa bài gì!). Đi Lào về tự nhiên tôi thấy mình hiền hơn trước và hình như cũng trở nên "từ bi bất ngờ".
Nếu những chuyến đi trước của tôi là đi theo đoàn, có người phiên dịch, thì chuyến đi Trung Quốc của tôi là tự túc, đi theo kiểu "Việt balô". Ơ Bắc Kinh, tôi mượn được xe đạp Phượng Hoàng, cứ thế dò theo bản đồ mà đi chơi rong ruổi. Đi đâu tôi cũng mang cuốn tự học tiếng Trung và học thuộc câu: "xa sư dẩn mỉn" (tôi là người Việt Nam). Thế nhưng có lần đi bộ lạc đường, tôi đã tập tọe nói vài câu tiếng Hoa mà chẳng ai hiểu, tôi bèn hoa chân múa tay hỏi một người dân đường về Đại sứ quán, người kia cũng hoa chân múa tay lại, vì tưởng tôi là người Trung Quốc nhưng bị... câm. Câu chuyện tôi thu lượm được ở Bắc Kinh là việc đền bù giải toả. Nghe kể lại họ bắc một cầu vượt qua đại lộ đông người chỉ mất có... một vài đêm, là vì họ chuẩn bị từ trước kỹ càng vật liệu lắp sẵn, đêm đến chặn một nửa phần đường để thi công. Lại nghe nói họ giải toả một khu nhà lụp sụp chỉ trong một đêm, là vì họ thông báo, ra thời hạn đàng hoàng, giải quyết mọi thắc mắc cái rụp, đền bù đâu vào đấy một lần, không đi thì ráng chịu. Trong một đêm giật đổ hết nhà lụp sụp đưa dân đến nơi ở mới.
Chuyến xuất ngoại gần đây nhất của tôi đã cách đây vài năm. Đó là lần tôi cùng Vietnam Airlines đi Hàn Quốc, Mỹ và Pháp... đúng một vòng trái đất. Chuyến đi này là một chuỗi kinh nghiệm cho tôi về việc học tập sinh ngữ, giao tiếp văn hóa, thu thập thông tin ở nước ngoài... Tôi như lọt thỏm vào lối sống hiện đại của họ, của chính những người làm báo nước họ, dù tôi làm báo cũng khá lâu năm. Càng đi càng thấy đôi khi ta hơi tự hào vì ta quá mức.
Đến đầu thế kỷ 21 rồi mà nhiều người nước ngoài gặp tôi vẫn hỏi ở VN còn "pằng pằng" không? Họ có quá ít thông tin về VN, vẫn nghĩ nước ta đang còn chiến tranh. Hình ảnh về VN ở nước ngoài không nhiều. Sách báo phim ảnh cũng ít. Quán ăn người Việt cũng ít. Chúng tôi mong đỏ mắt tìm một gương mặt Việt, ngóng chờ một tiếng nói quê hương, một món ăn thân thuộc... nhưng rất hiếm khi gặp (có lẽ chúng tôi đi quá nhanh và chưa đến đúng nơi đúng chỗ).
Bù lại, càng đi càng thấy trình độ quản lý đô thị và tiếp xúc xã giao của họ đáng học hỏi biết chừng nào. Vì kẹt xe đang là vấn nạn ở Việt Nam nên bài này tôi xin nói về xe cộ ở Mỹ mà tôi thấy được. Ở Mỹ nhà cửa, đường sá, siêu thị, sân bay... cái gì cũng to. Song họ vẫn bị kẹt xe và lo sợ kẹt xe. Nhiều đại lộ ở Mỹ (cũng như một số nước khác) luôn có một làn đường để trống dành cho xe cứu thương, cứu hoả, ngoại giao và các xe chở đông người. Không ai được quyền đi vào đường đó cho dù đường đó đang trống. Không có cảnh sát, nhưng có camera nên không ai dám vi phạm.
Đi nước ngoài theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, một người ít sinh ngữ và hơi AQ như tôi thì chẳng có gì để khoe. Nhưng tôi muốn nói những chuyến đi xuất ngoại của tôi không nhiều, lại đi nhanh, viết được ít, song gây ấn tượng lớn trong suy nghĩ của tôi. Trình độ quản lý đô thị, chất lượng sống, sự văn minh trong giao tiếp, ý thực tôn trọng cá nhân con người... của những nước ấy đã cho tôi ấn tượng đó, ngay cả một đất nước bé nhỏ hiền hoà láng giềng như nước Lào, cũng tạo cho tôi một ấn tượng êm đềm, chất phác, trung thực...
Huỳnh Dũng Nhân - Xuân 2008.
Lao Động Cuối tuần số 5+6 Ngày 01/02/2008 Cập nhật: 6:27 AM, 03/02/2008

Aucun commentaire: