lundi 4 février 2008

Năm Chuột nói chuyện Tí

Trong tiềm thức của người Trung Hoa và người Việt, con chuột là biểu tượng của sức sinh sản dồi dào, vô độ và vì vậy nó mang nghĩa sung túc, thịnh vượng.

Luôn lục lọi, đào bới, tìm kiếm, cắn nát, gặm nhấm không mệt mỏi...con chuột được coi là biểu hiện của tính tham lam vô độ và tính năng động nghiêng về chiều phá phách, thủ lợi. Cái hang chuột ẩm và ấm dưới lòng đất biểu trưng cho kho báu cất giữ cẩn mật chờ được khám phá, lục lọi. Mối quan hệ con Chuột và cái Hang không cần giải thích cũng tự hiện rõ ý nghĩa dục tính và sức sinh sản dồi dào ở bất cứ nền văn hóa nào trên thế giới.
Cách tính khởi điểm thời gian trong kinh Dịch cũng lấy con chuột là sự khởi đầu: Tí, Sửu, Dần, Mão...Nhà sử học Trần Quốc Vượng luôn nhắc: Khởi từ tí...như một lí giải về sự khởi đầu của vũ trụ.
Vì lẽ gì mà con chuột, một con vật không lấy gì làm sạch sẽ lắm lại được chuyển từ bình diện vật chất sang bình diện tinh thần không chỉ ở Á Đông ?
Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới đã có một nhận xét rất hay về con chuột: "Háu đói, đẻ nhiều và hoạt động về đêm y như thỏ, con chuột cũng có thể là đối tượng của một ẩn dụ phong tình giống như con vật gặm nhấm kia nếu như đồng thời nó không xuất hiện như một con vật đáng sợ thậm chí quái ác".
Về thói phong tình của chuột thì chỉ cần xem bức tranh Đám cưới chuột của làng tranh Đông Hồ là đủ.
Chàng rể chuột phong lưu cưỡi ngựa hồng đi trước kiệu hoa của cô dâu chuột trong một đám cưới rình rang sang trọng nhưng xem kỹ thì thấy đám cưới này nhuốm đầy vẻ lén lút, bất an. Phía trên bức tranh là đoàn cống nạp vật phẩm cho mèo có đủ chim, cá và nhạc nhẽo. Một sự đảo ngược khá thú vị khi đáng lý âm nhạc phải tưng bừng trong đám rước dâu thì lại tưng bừng trong đoàn chuột hối lộ mèo còn không khí im lặng đầy sợ sệt lại ngự trị ở đoàn rước dâu.
Dĩ nhiên, chuột sợ mèo một phép nhưng nỗi sợ mất tính mạng ấy cũng không thể ngăn chàng chuột rước một hoặc một vài cô nàng lên kiệu hoa về nhà. Ông mèo ở bức tranh này quả là oai nghi phong độ, cử chỉ của ông cho thấy ông đã hạ cố chấp nhận lễ mọn của lũ chuột và ban cho lũ chuột được hưởng chút hạnh phúc.
Các nghệ nhân dân gian Đông Hồ đã vẽ ông mèo với oai hổ còn đám đông chuột thì lại có võng lọng nghi trượng đàng hoàng và khôn đến mức gặp khó thì biết hối lộ. Thời xưa ấy, các bậc minh quân cũng đã rất ghét tệ tham nhũng, hối lộ; thời Lê đã từng có những vị quan đại thần như Lê Sát, Lê Ngân bị rời đầu, bị tịch thu toàn bộ gia sản vì tội này nhưng xem ra hối lộ và tham nhũng là một phần không nhỏ của đời sống. Sinh khí của đời sống cùng tiếng cười trào tiếu dân gian đã phả vào từng mảng màu, nét mực trên tranh. Nếu có thể coi đấy là hạnh phúc kiểu chuột thì hạnh phúc ấy chắc chắn lớn hơn cả cái chết và chúng ta đâu có thể coi thường?

Ở Đông Hồ còn có một bức tranh chuột rất hay nhưng ít người biết đến: Chuột rước đèn. Bố cục đăng đối hoàn hảo thể hiện niềm vui và khát vọng no đủ hơi tầm thường nhưng rất cảm động. Lễ rước đèn rất lớn và rơi vào rằm tháng 8, Trung Thu, nên chúng ta thấy có lá cờ đại dẫn đầu đám rước rồng, có đèn cá chép, đèn lồng, kèn, trống tạo nên không khí om sòm và rực rỡ. Hãy ngắm chú chuột vạm vỡ uốn mình song song với cán cờ đại đang múa gậy trước đầu rồng ở phía trên góc phải và chú chuột nhỏ thó cầm bộ xương cá ở phía dưới góc trái. Kẻ một đường thằng qua 2 chú chuột này sẽ có một đường chéo đi qua miệng rồng thì thấy rõ sự đăng đối kỳ lạ thể hiện lời cầu ước được no đủ, sung túc của họ hàng nhà chuột.
Một điểm kỳ thú nữa ở bức tranh này cũng không nên bỏ qua kẻo phí của: các nghệ nhân Đông Hồ đã vẽ mặt rồng hao hao như mặt mèo (nếu tạm bỏ bộ râu rồng). Dù là con rồng-mèo bằng giấy do chuột sáng tạo ra để thể hiện lòng biết ơn thì ít mà thể hiện nỗi sợ tuyệt đối thì nhiều nhưng nỗi sợ ấy, về bản chất là nỗi sợ cơm áo gạo tiền (bộ xương cá của chú chuột nhỏ phía dưới cùng góc phải). Hóa ra muốn kiếm sống yên ổn thì hiển nhiên chuột phải tôn kính và sợ mèo.
Bức Đám cưới chuộtChuột rước đèn bổ sung cho nhau làm sáng rõ nhận thức dân gian về quyền lực thống trị và miếng cơm mang áo ở đời. Tiếng cười trào tiếu cất lên từ chính hiện thực đời sống con người mới thâm thúy và mạch lạc làm sao!
Khác với văn minh Hoa-Việt, ngay từ thời tiền sử ở văn minh Hy Lạp, con chuột hay được nối kết với con rắn tạo nên biểu tượng âm ti, sức mạnh tăm tối và đáng sợ. Trong sử thi Iliade, vị thần Apllon được nhắc đến dưới cái tên Sminthée, phối sinh từ một từ có nghĩa là chuột. Apollon thời tiền sử là một biểu tượng nước đôi: con chuột cắn phá mùa màng, gieo rắc dịch hạch nhưng Apollon với tư cách là vị thần của mùa màng lại che chở con người, chống lại các loài chuột. Tính phân cực này còn thể hiện rất rõ khi Freud đã chỉ ra trong cuốn Năm phân giải tâm thần Chuột (Từ điển Biểu tượng Văn hóa thế giới): "con vật nhơ bẩn và đào bới lòng đất mang hàm nghĩa dương vật và hậu môn, nối liền nó với khái niệm của cải và tiền tài. Điều đó khiến nó được xem là hình ảnh của tính hà tiện, tham lam và lén lút."
Truyền thuyết về Apollon ở văn minh Hy Lạp (Apollon- thần chuột- phát dịch bệnh - thần chữa lành mọi bệnh tật) xem ra rất gần gũi với truyền thuyết thần Chuột, con trai của vị thần Rudra. Người Trung Quốc, Nhật Bản và cả ở Xibia xem chuột là biểu tượng của sinh sản dồi dào. Một biến thái khác theo đó: chuột là hóa thân của trẻ em - với ý nghĩa sung túc, thịnh vượng. Nhưng vì tính lục lọi không biết chán nó còn được dùng để biểu trưng cho thói trộm cắp, chiếm hữu, gian lận của cải. Nhưng kẻ cắp này, theo tryền thuyết Ấn Độ là Atmâ, ở trong tim ta. Sau tấm màn của những ảo ảnh một mình nó hưởng thụ những thú vui hiển nhiên của cuộc đời và cả ích lợi của sự tu luyện khổ hạnh.

Ngân Hà (VNN)

photo: - Đám cưới chuột - Tranh dân gian Đông Hồ
- Chuột rước đèn- Tranh dân gian Đông Hồ

Aucun commentaire: