dimanche 3 février 2008

Cãi nhau trong ngõ phố



(LĐ) - So với người Hà Nội thì người Sài Gòn tạo nên một miền Nam phóng khoáng hơn. Tiến sâu hơn nữa vào đồng bằng sông Mêkông, tôi có cảm giác chợ ở đây tập trung toàn những người sôi nổi.

Ấn tượng từ chuyến du lịch những năm đầu thập niên chín mươi đó về cơ bản vẫn không hề thay đổi trong tôi, ngay cả chuyến du lịch đầu tháng chín vừa rồi với gia đình cũng vậy. Mặc dù đã quen thân với người Hà Nội, nhưng nói chung tôi có cảm giác người Sài Gòn tiếp xúc thoải mái hơn, tôi nghe nói ở Sài Gòn không ít những người đạp xíchlô không tốt, nhưng người đạp xíchlô tôi thuê chở một ngày quanh Sài Gòn lại rất thân thiện. Hình như những người đã đi du lịch Sài Gòn rồi mới ra Hà Nội hoặc những người nước ngoài sống ở Sài Gòn ra Hà Nội chơi, đều có chung một ấn tượng là “Người Hà Nội lạnh lùng”. Và tôi cũng có cảm giác là người miền Bắc ban đầu khó tiếp xúc hơn người miền Nam. Khi tiếp xúc với họ nhiều hơn thì tôi hiểu rằng không phải như vậy, nhưng dẫu sao khuôn mặt người Hà Nội ở chợ trông vẫn lạnh lùng hơn khuôn mặt người Sài Gòn, hoặc người đồng bằng sông nước Mêkông. Mối quan hệ giữa Hà Nội và Sài Gòn, xét trên vai trò chính trị và kinh tế thì có thể so sánh được với mối quan hệ giữa Tokyo và Osaka. Tất nhiên là Hà Nội giống với Tokyo còn Sài Gòn giống với Osaka. Tiếng Sài Gòn nghe mềm mại hơn tiếng Hà Nội. Ở Hà Nội người ta thường nói “vâng” với giọng đều đều, còn ở Sài Gòn thì hạ thấp giọng “Zdạ”, nghe mềm hơn.Tuy người Hà Nội khó gần nhưng họ là những người ôn hoà. Họ không tỏ ra cáu bẳn, sốt ruột bao giờ. Nhưng đôi khi ở Hà Nội cũng bắt gặp những trường hợp tình cảm được bộc lộ ra bên ngoài. Điển hình là những trận cãi cọ lớn tiếng trong ngõ.Lúc trước tôi đã giới thiệu là ở gần nhà tôi có hai vợ chồng bán xôi. Ở đó chủ yếu là người vợ làm chủ. Trước đó một quãng, có một quán nhỏ bán nước chè, bánh trái và chủ quán cũng là một phụ nữ. Trước đó tôi chưa bao giờ thấy hai người này chào hay nói chuyện với nhau câu nào. Họ sống rất gần nhau nhưng dường như không quan hệ gì với nhau cả. Tôi chỉ duy nhất một lần bắt gặp hai phụ nữ trung tuổi đó lớn tiếng cãi nhau trong ngõ. Thường ngày họ là những người rất điềm đạm. Đã cãi nhau như vậy rồi thì khó mà dừng được. Những người xung quanh có vẻ muốn can ngăn, hàng xóm thì không biết chuyện gì, chỉ đứng đằng xa xem. Họ không có cảm giác xấu hổ gì cả. Trận cãi nhau chấm dứt khi được những người khác can.Trước đây, tôi cũng đã từng chứng kiến một trận cãi nhau như vậy ở khu phổ cổ. Họ có vẻ là hàng xóm của nhau, một bà đã luống tuổi, còn người kia là một cô gái trẻ. Bà đã luống tuổi xẩn xổ chửi như tát nước vào mặt cô gái trẻ nhưng cô gái cũng không vừa, gân cổ cãi lại chẳng chịu lép vế. Tôi không thể nghe được họ đang nói gì nên rốt cục cũng chịu, chẳng biết vì sao họ cãi nhau, nhưng xem ra có vẻ là một cuộc khẩu chiến bất phân thắng bại. Rất nhiều người đang làm việc trong ngõ phố cũng xúm hết cả lại để xem có chuyện gì. Cuối cùng phải đợi đến lúc người ngoài can ngăn họ mới chịu thôi.
Có vẻ phụ nữ hay cãi vã kiểu này hơn nam giới. Tôi chưa thấy nam giới cãi nhau như thế bao giờ. Tuy nhiên tôi cũng đã từng chứng kiến một cuộc cãi nhau giữa một bên là đấng mày râu và một bên là cô còn khá trẻ và rõ ràng ưu thế nghiêng hẳn về phía cô gái. Đấy là trận cãi nhau ở gia đình bên cạnh khách sạn mini đầu tiên tôi trọ hồi mới sang Việt Nam. Mấy người phục vụ trong khách sạn thì vừa cười vừa nói: “Nhà đó phức tạp lắm”. Quả thực trông đó rất có vẻ là một cuộc cãi lộn trong gia đình. Cuộc cãi lộn đó được lôi ra tận ngoài ngõ, những tiếng kêu to làm cả ngõ giật mình và làm mọi người xung quanh phải để ý.Đàn ông Hà Nội khá hiền lành, thậm chí có cảm giác hơi nhu nhược. Phụ nữ thì lại làm việc rất chăm chỉ và khá mạnh mẽ. Tất nhiên cũng có những người đàn ông làm việc nặng nhọc, nhưng hầu hết những người vất vả làm việc trong các quầy hàng, ngoài chợ lại là phụ nữ. Ấn tượng “Phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ” xuất phát từ điều này.Trong thời chiến, dù thiếu vắng đàn ông nhưng những người phụ nữ vẫn phải lo giữ nhà, giữ làng. Cũng có người nói đó là lý do khiến phụ nữ Việt Nam trở nên mạnh mẽ. Tôi nghĩ không chỉ đơn giản như vậy, nhưng có lẽ đó cũng là một nguyên nhân. Những người phụ nữ đó, bất kể là trung tuổi hay những thanh niên hiện đại đều có những điểm chung, cho dù trông họ có vẻ hiền lành, ôn hoà đến đâu đi nữa, nhưng nếu đụng vào phần không nhân nhượng trong họ thì sẽ thấy ngay điều đó - đó là sự đanh đá. Có lẽ vì điều này mà không ít người nước ngoài nói rằng các bà vợ Việt Nam khá “dữ dằn”.Từ “Xin lỗi” trong tiếng Việt xuất hiện ngay trong phần đầu sách dạy tiếng Việt nhưng trong cuộc sống hàng ngày tôi lại hầu như không nghe thấy từ đó. Cả từ “Cảm ơn” cũng giống như vậy. Người lớn thường dạy trẻ con nói “Cháu xin”, “Em xin”, nhưng tôi lại không nghe thấy người lớn nói những từ tương tự như thế. Xét từ góc độ cơ bản của văn hoá, dù không nói ra nhưng có lúc tôi nghĩ rằng họ nên nói những lời lẽ biểu lộ sự cảm ơn đối với người khác.Nhưng mặc dù vậy mối quan hệ giữa con người với con người ở Hà Nội vẫn tiến triển rất tốt đẹp. Cho dù có cãi nhau inh ỏi cả ngõ phố thì họ cũng không thấy xấu hổ gì cả. Nghĩ cho cùng thì, chính sự bộc lộ tình cảm như vậy sẽ làm người ta bớt căng thẳng thần kinh hơn. Không nên để bụng, tốt nhất cứ nói toạc ra những bất mãn của mình thì tinh thần sẽ thoải mái hơn nhiều. Có lẽ cãi nhau trong các ngõ phố cũng là một cách để người ta không bị tích tụ những khó chịu trong lòng.


Ito Tetsuji (Lao Động số 5+6 Ngày 01/02/2008 Cập nhật: 6:36 AM, 03/02/2008)


Ito Tetsuji là một nhà nghiên cứu tâm lý xã hội, cùng với vợ và con gái đã đến sống ở tại một ngõ nhỏ Hà Nội suốt 10 tháng (1998-1999) để nghiên cứu và dạy học. Anh tự cho mình “rất có duyên với Việt Nam”. Sau đó, hằng năm anh vẫn đến Việt Nam đôi ba lần. Theo tôi, “Ngõ phố Hà Nội - Những khám phá” của Ito Tetsuji xuất bản ở Nhật năm 2001 và tại Việt Nam năm 2004 (do anh tự dịch sang tiếng Việt) là một cuốn sách sâu sắc và hấp dẫn về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong lời kết anh viết “Hình như Việt Nam có một sức hút kỳ lạ, không chỉ với người Nhật. Đa số người Nhật, dù chỉ du lịch Việt Nam trong một thời gian rất ngắn cũng trở nên yêu quý đất nước này. Tất nhiên cũng có những người không muốn quay trở lại, nếu chẳng may họ bị lấy cắp một thứ gì đó, hoặc gặp chuyện bực mình, hoặc bị đau bụng sau chuyến du lịch.... Nhưng trên thực tế tôi ít gặp những người như vậy. Việt Nam chính là nơi mà người ta cảm thấy muốn đến hơn một lần nữa”.Xin giới thiệu với bạn đọc một đoạn trong cuốn sách trên. Y.T

Aucun commentaire: