dimanche 3 février 2008

“Phi cơ” tuổi Tý


Ngô Văn Kiều tả xung hữu đột trong chiến thắng vang dội của bóng chuyền Việt Nam tại SEA Games 24. Ảnh: QUANG THẮNG


Từ một chàng trai chưa biết đến bất kỳ môn thể thao nào, vậy mà chỉ sau mấy năm Ngô Văn Kiều vươn vai và trở thành tay đánh số một của Đông Nam Á tại SEA Games 24... Ngô Văn Kiều với biệt danh “phi cơ” chính thức khắc tên mình vào danh sách những ngôi sao thể thao Việt Nam.


Thương hiệu mới


Nếu ai hỏi cầu thủ bóng chuyền nào tiêu biểu nhất năm 2007 thì câu trả lời là chàng trai cao kều xứ Hà Nam, nay là “công dân” Khánh Hòa - Ngô Văn Kiều. Chính anh đã góp công lớn nhất cho Khánh Hòa vào hàng ngũ đội mạnh từ mùa 2008 và là nhân tố chủ yếu để đưa đội tuyển bóng chuyền Việt Nam lấy cúp Sting.
Ở Nakhon ai cũng đã biết, đã nghe tên Văn Kiều với những cú đập bóng sấm sét để rồi khi thì được gọi là “phi cơ”, lúc lại được tâng lên thành “oanh tạc cơ”. Anh chàng ghi điểm nhiều, thuyết phục, lại có tố chất quý hiếm: cao 1,96 m; bật với 3,58 m và tầm bóng 3,4 m thuộc loại siêu ở khu vực.
Với Ngô Văn Kiều, bóng chuyền Việt Nam đang lên hương và tất nhiên đó là thương hiệu mới. Vậy mà không phải chàng Kiều của chúng ta được hưởng niềm vui trọn vẹn đâu nhé...

Đơn độc giữa đội hình

Ở đội bóng Khánh Hòa, Ngô Văn Kiều như cánh chim cô đơn cho dù anh có ghi hầu hết điểm số ở những cuộc đấu sinh tử để giúp đội được lên hạng. Cao hơn đồng đội đến nửa cái đầu, dáng Kiều hơi lom khom khiến thoạt nhìn thấy lù đù nhưng vào sân thì rất nhanh.
Khi vào đội tuyển, HLV bố trí anh là chủ công, đứng đối cầu với Duy Quang, còn lại là mũi đánh cố định Hữu Hà và hai tay đánh chiến thuật Huỳnh Văn Tuấn với Phạm Văn Thành. Họ được đội trưởng Phạm Minh Dũng cung cấp bóng để “giội bom”. Rõ ràng từ khi có thêm Kiều, hỏa lực của bóng chuyền Việt Nam mạnh lên hẳn.
Tay đánh tuổi Tý đủ sức “giội bom” ở nhiều tọa độ, đặc biệt là từ sau vạch 3 m. Vậy mà trong thực tế, Ngô Văn Kiều chỉ được cung cấp bóng để đánh biên ở số 4, số 2 và sau lưng số 2, số 6. Thế thôi. Phí phạm quá, theo chân đội tuyển Việt Nam đánh tất cả các trận ở SEA Games 24, tôi thấy Ngô Văn Kiều chờ bóng nhiều hơn người khác. Trong sân, anh luôn rơi vào trạng thái không biết bao giờ, lúc nào và ở đâu mình sẽ có bóng. Cô đơn thật!
Vì thế, tôi ước muốn Kiều có cái gì đó giống với yếu tố mà tôi tạm gọi là “phần mềm” của bóng chuyền Việt Nam. Cái mà một vài ngôi sao khi xưa đã có, chẳng hạn như ông Đào Hữu Uyển. Chính cái thiếu ấy của Kiều mà anh chưa thể là chiếc phi cơ bay được với mọi thời tiết, bởi thi thoảng anh mới đánh được những quả bóng khó.
Sự cô đơn đã cùng với chàng trai này đánh mất cơ hội vàng của bóng chuyền Việt Nam. Một dịp may không biết đến bao giờ mới có lại.

Giấc mơ năm Mậu Tý
Biết đến bao giờ người Thái mới “tiêu hóa” hết nỗi đau bị thua bóng chuyền Việt Nam 0-3 tại sân nhà. Mất ngôi vô địch và mất đi cái uy của một đại gia. Và theo một nguồn tin chính thức, họ đã kịp có một lứa trẻ tài năng, khỏe khoắn và đủ sức thế chỗ những đàn anh tài ba cỡ Supachai, Camport... 44 năm trước, những danh thủ bóng chuyền Việt Nam như Đào Hữu Uyển, Nguyễn Năng Sơn, Lâm Dũng... đã thắng Indonesia 3-0 tại đại hội GANEFO, những tưởng các cầu thủ thân yêu của chúng ta sẽ viết tiếp trang sử hào hùng năm nào, vậy mà chúng ta đã phải chia tay khát vọng vàng. Bên lề trận thua của bóng chuyền Việt Nam, ngôi sao bóng chuyền S. Pacharee, đội trưởng đội tuyển Thái Lan, từng sang Việt Nam thi đấu nhiều lần, đã tỏ ý tiếc rẻ và nói với tôi rằng “Bóng chuyền Việt Nam có tiềm năng, làm sao có thêm những người như số 6 (Ngô Văn Kiều - NV) được không?”.
Sau SEA Games 24, hơn một nửa thành viên đội tuyển Việt Nam đã lớn tuổi và không còn ở đội nữa, Ngô Văn Kiều đã vậy lại càng cô đơn thêm. Có mấy ai đủ sức “đọc” được hết nội lực và khát vọng của anh để phối hợp, để tâm đầu ý hợp như ở những tập thể vàng?
Nhưng tôi tin anh không cô đơn. Từ cánh chim này, bóng chuyền Việt Nam tất biết mình sẽ phải làm gì sau SEA Games 24. Sẽ phải làm tốt công tác xã hội hóa ở bóng chuyền, sẽ phải tuyển chọn từ nhiều nguồn mà các trẻ em có tố chất ưu việt, phù hợp với bóng chuyền sẽ tăng cường hỏa lực cho đội tuyển bằng cả hai yếu tố cứng và mềm như Kiều và hơn Kiều, trước hết là ở ý thức của người cầm lái. Và như thế, cơ hội vàng sẽ có thể trở lại với bóng chuyền Việt Nam. Thậm chí nếu chuẩn bị tốt, năm 2009 tới chúng ta sẽ lại sang Lào dự SEA Games 25 để chờ đón điều kỳ diệu do Ngô Văn Kiều cùng đồng đội đem lại.
Năm Tý, bóng chuyền Việt Nam lại chờ đợi và hy vọng nhiều vào người tuổi Tý là như thế.
NGUYỄN LƯU (PLTPHCM) 02-02-2008

Aucun commentaire: