samedi 2 février 2008

Địa đạo Nhơn Trạch: Chứng tích một thời hào hùng



Công trình trùng tu di tích lịch sử địa đạo Nhơn Trạch (xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch) rộng 18.200m² với các hạng mục: địa đạo (150 mét), tam giác trung tâm chỉ huy, nhà nghỉ, trạm giao liên, nhà bảo vệ, bếp Hoàng Cầm, hào chiến đấu, nhà trưng bày hiện vật - hình ảnh... đang được gấp rút hoàn thành. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình mang ý nghĩa lịch sử này là trên 9,2 tỷ đồng. Theo kế hoạch, ngày 1-9 tới, khu di tích địa đạo Nhơn Trạch được khánh thành.

Kỳ tích địa đạo

Chúng tôi đến địa đạo Nhơn Trạch khi các hạng mục công trình cơ bản được hoàn thành. Tại các công sự chiến đấu trước đây như: đường địa đạo, giao thông hào, ụ chiến đấu... đã được trùng tu hoàn chỉnh. Tại nhà trưng bày hiện vật, hình ảnh truyền thống có nhiều mô hình độc đáo phác thảo lại một số trận đánh của quân và dân Nhơn Trạch hơn 40 năm trước, mô hình các chiến sĩ rừng Sác chuẩn bị ra trận, cùng nhiều kỷ vật có giá trị khác.
Ông Lê Văn Tâm, nguyên đội trưởng Đội công tác đào địa đạo Nhơn Trạch bồi hồi nhớ lại: "Vào đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, khi Mỹ tập trung tăng cường các hoạt động quân sự chống phá cách mạng ở khắp nơi, trong đó có vùng lòng chảo Nhơn Trạch, rừng Sác..., các tổ chức của ta liên tục bị địch càn quét, bị nhiều tổn thất. Trước tình hình đó, Huyện ủy quyết định tổ chức đào địa đạo để tăng cường sự chỉ đạo chiến đấu. Tôi cùng 13 chiến sĩ được đồng chí Hai Thông (Nguyễn Văn Thông), Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch (thời kỳ 1962 - 1965) giao nhiệm vụ đào công trình chiến lược này. Thực tế, địa điểm đào địa đạo trước đó là hệ thống giao thông hào và hầm bí mật. Qua nhiều năm hoạt động, chiến đấu, hệ thống này dần bộc lộ nhiều khiếm khuyết và có những sơ hở, dễ bị địch phát hiện. Từ đó, quyết định việc chuyển chức năng hầm bí mật sang hệ thống địa đạo trong lòng đất được Thường vụ Huyện ủy ráo riết chỉ đạo thực hiện. Với chức năng là nơi trú ẩn, làm việc, đánh địch cũng như rút lui an toàn khi có biến cố, địa đạo Nhơn Trạch chính thức được hoàn thành sau gần 3 năm xây dựng...".
Địa đạo Nhơn Trạch nằm đối diện Đền thờ liệt sĩ và tượng đài đặc công rừng Sác. Công trình trùng tu căn cứ địa đạo Nhơn Trạch được thiết kế gồm hai phần: trên mặt đất và dưới lòng đất. Trên mặt đất, hệ thống giao thông hào sâu 2m, rộng 1,2m, được bố trí như một tam giác đều, mỗi cạnh 60m, tạo thành thế chân kiềng. Ở ba mặt giao thông hào là 6 ụ chiến đấu với những hàng chông sắt và tầm vông vạt nhọn xen kẽ nhau, kế đến là 3 lớp hàng rào kẽm gai. Bên trong giao thông hào là hệ thống các cơ sở làm việc của Huyện ủy như: Văn phòng, Mặt trận, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, hội trường và nhà ăn... Phần địa đạo dưới lòng đất được xây dựng theo dạng chữ "Z", gồm nhiều đoạn thẳng gấp khúc. Đáng kể là từ đoạn này qua đoạn kia phải qua một ngăn bí mật có nắp đậy dày 1m; giữa vách ngăn có lỗ tròn vừa đủ cho một người chui qua và cứ hai đường xương sống (200m) thì trổ ngách sang hai bên có chiều dài 3m để làm nơi sinh hoạt của các cơ quan, đoàn thể.
Ngay khi nhận nhiệm vụ, đội công tác xây dựng địa đạo đã nhanh chóng chia thành hai tổ thay phiên nhau đào đất vào ban đêm. Mỗi đêm, cả đội đào từ 10 - 15m3 đất. Ngoài đội chủ lực này, ngay cả Bí thư Huyện ủy và cán bộ các đơn vị khác đều tham gia khi có điều kiện. Đất từ dưới được đưa lên trên, sau đó trải dài và đưa những ụ cỏ lớn từ nơi khác về để ngụy trang, cũng như xóa dấu vết. Huyện ủy còn tổ chức nhiều hình thức thi đua và động viên chiến sĩ đẩy nhanh tiến độ đào địa đạo. Tính ra, trong thời gian từ tháng 5-1963 đến đầu năm 1965, đội công tác đã đào được 1,5km đường địa đạo với nhiều ngõ ngách và hầm bí mật có sức chứa 500-700 người.

Làm kẻ địch thất điên bát đảo

Nguyên Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch Nguyễn Văn Thông cho biết, trong giai đoạn chiến tranh ác liệt, quân và dân huyện Nhơn Trạch luôn làm cho kẻ địch thất điên bát đảo. Để đối phó với tinh thần chiến đấu của quân cách mạng tại vùng lòng chảo, địch đã sử dụng một lực lượng hùng hậu gồm lữ đoàn 199, hàng trăm xe tăng, thiết giáp; một chi đoàn cơ giới và hàng chục máy bay các loại. Ngoài ra, địch còn thường xuyên uy hiếp quân cách mạng bằng những trận bắn pháo liên tục vào địa đạo Nhơn Trạch. Ước tính, có khoảng hơn 5.000 đạn pháo các loại đã nã xuống địa đạo. Song, dưới sự chỉ đạo kiên cường và sáng suốt của Thường trực Huyện ủy, mọi cuộc tấn công của kẻ thù đều bị quân ta bẻ gãy. Giai đoạn 1964-1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ngày càng diễn ra khốc liệt, nhất là khu vực " lòng chảo" rừng Sác. Trước những cuộc bao vây, tấn công của địch từ nhiều hướng, Huyện ủy và lực lượng vũ trang vẫn kiên quyết bám trụ địa bàn. Chính căn cứ địa đạo trở thành nơi che chở lực lượng kháng chiến và là điểm phát đi những mệnh lệnh chiến đấu tới toàn thể quân và dân Long Thành - Nhơn Trạch.

Từ địa đạo, quân ta liên tục tổ chức những cuộc công kích địch khiến cho chúng ngày càng hoang mang, lo lắng. Chỉ tính từ ngày 27-1 đến 2-2-1966, quân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 167 tên địch, bắn rơi 6 máy bay trực thăng và 5 xe tăng. Trong khi đó, ta chỉ có 5 đồng chí hy sinh.
Từ năm 1969 đến 1970, địch tiếp tục tăng viện mở các trận càn với quy mô lớn nhằm thực hiện kế hoạch "lột da khu lòng chảo". Trên bầu trời địa đạo, địch tung 200 lượt trực thăng liên tục quần thảo; dưới đất, chúng điều 250 xe tăng, xe ủi và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại cùng hàng ngàn quân tinh nhuệ tiến hành công kích các khu vực căn cứ địa cách mạng. Khu vực "lòng chảo" khi ấy bị tàn phá nặng nề nhưng địa đạo vẫn tồn tại và tiếp tục thách thức kẻ thù cho tới ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng...
Rời khỏi địa đạo Nhơn Trạch, chúng tôi không khỏi cảm phục trước ý chí kiên cường và tinh thần chiến đấu anh dũng của những lớp người đã hy sinh cho Tổ quốc. Ở nơi ấy - lòng đất địa đạo Nhơn Trạch chính là biểu hiện của sự sáng tạo, là một kỳ tích thể hiện ý chí quyết thắng của những con người trung kiên, sẵn sàng xả thân cho độc lập, tự do của đất nước...



Tạ Nguyên (Bao Dong Nai 22/08/2007)

photo : Giao thông hào ở phía trên địa đạo Nhơn Trạch.

photo : Trong lòng địa đạo.

Aucun commentaire: