samedi 2 février 2008

Núi Chúa, vườn quốc gia hội tụ nhiều sự độc đáo


Trong chuyến đi điền dã dành cho các nhà báo viết về môi trường (do Diễn đàn các nhà báo môi trường Việt Nam phối hợp với Tổ chức báo chí thế giới và Mạng lưới báo chí trái đất tổ chức) tại Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận), chúng tôi đã có dịp "chiêm ngưỡng" những cái độc đáo nhất ở nơi được mệnh danh là "rừng châu Phi" tại Việt Nam

Gọi như thế quả không sai khi sự đa dạng sinh học ở đây rất cao. Với một hệ sinh thái phong phú, động - thực vật và nguồn gien ở đây thuộc vào loại độc đáo, hiếm hoi, VQG Núi Chúa được xếp thứ hai trong số những VQG có nhiều sự độc đáo của Việt Nam. Với khoảng 1.265 loài thực vật, 306 loài động vật, đặc biệt là có nhiều loài động - thực vật quý hiếm, cùng với nhiều hệ sinh cảnh khác nhau cùng hội tụ, Núi Chúa đang sở hữu nhiều "cái nhất".
Có thể kể đến những "cái nhất" đặc trưng mà không một VQG nào có được, như nơi đây có sự hội tụ của 3 kiểu vùng khí hậu sinh cảnh: vùng sinh cảnh thực vật khô hạn, sinh cảnh thực vật rừng thường xanh ẩm ướt và sinh cảnh ven biển; có đàn chà vá chân đen lớn nhất Đông Nam Á sinh sống và rạn san hô lớn nhất Việt Nam, trong đó 46 loại san hô đẹp nhất được phát hiện ở tại vùng biển này; nơi đây có bãi rùa đẻ nổi tiếng và hiếm hoi ở Việt Nam. Những VQG khác thường chỉ có một hệ sinh cảnh, nhưng ở Núi Chúa có đến 3 hệ sinh cảnh cùng hội tụ.
Bên cạnh sự đa dạng về hệ sinh cảnh, cái "kho" động vật quý hiếm, nằm trong sách đỏ của Việt Nam và thế giới cũng có tại Núi Chúa. Một trong những loài động vật quý hiếm, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu khoa học và thị trường dược liệu, đó là loài voọc chà vá chân đen (khoảng 900 con). Một nét độc đáo nữa ở Núi Chúa, chính là nơi có rạn san hô lớn nhất Việt Nam và rất đa dạng về chủng loại. Ở vịnh Vĩnh Hy có đến 350 loài san hô khác nhau, trong đó có 306 loài san hô tạo rạn. Trong một nghiên cứu về môi trường năm 2005, Liên hiệp quốc đã đánh giá san hô ở vịnh Vĩnh Hy là một vịnh san hô đẹp nhất Việt Nam.
Do được thiên nhiên ưu đãi, các khu vực biển Ninh Thuận nói chung và cảnh quan VQG Núi Chúa nói riêng - rất thuận lợi để khai thác du lịch.
Ngoài sự đa dạng về sinh cảnh, động - thực vật phong phú, ở Núi Chúa còn có một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú và độc đáo, rất hấp dẫn du khách đó là "Hồ treo" trên núi Đá Vách. Mặc dù nơi đây có khí hậu cực khô hạn, khắc nghiệt, nhưng Hồ treo vẫn có nước quanh năm. Ven hồ có nhiều vỉa đá nổi nhấp nhô, trông như một hòn non bộ tự nhiên. Ngược dòng suối Lồ Ồ, Đông Kha, Kiền Kiền, còn có nhiều thác nước rất đẹp. Tuy thác không cao quá 5 mét nhưng dòng nước trong vắt từ núi đổ xuống nền đá hoa cương khiến những phiến đá như được gọt dũa, được mài nhẵn bóng, tạo ra cảnh quan trong lành và đậm chất "sinh thái".
Một bờ biển dài hơn 40 km nối liền những khu du lịch nổi tiếng như Cà Ná, Ninh Chữ, Bình Tiên... là thế mạnh để Ninh Thuận phát triển ngành công nghiệp không khói. Với những ưu đãi thiên nhiên ban tặng, tiềm năng du lịch ở Ninh Thuận rất lớn. Song, một vấn đề lớn cũng đặt ra: phát triển du lịch cần phải đi đôi với môi trường bền vững. Hiện nay, dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bình Tiên (ở xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) do Công ty TNHH thương mại Bình Tiên đầu tư với tổng kinh phí 550 tỷ đồng, dự định đến năm 2010 sẽ đưa khu nghỉ dưỡng vào hoạt động - đang đe dọa sự cân bằng sinh thái của Núi Chúa. Với tổng diện tích 195 hécta dành xây khu nghỉ dưỡng, Núi Chúa phải cắt 30 hécta đất, trong đó có 20 hécta thuộc vùng lõi của VQG cho dự án. Ông Nguyễn Hữu Hoán, Giám đốc VQG Núi Chúa cho biết: "Chủ trương phát triển du lịch để tăng thu nhập cho địa phương theo quyết định của tỉnh, tôi đành phải chấp nhận. Nhưng về mặt bảo tồn, tôi hoàn toàn không ủng hộ!". Cũng thế, ngày 15-5 vừa qua, UBND Ninh Thuận cũng đã quyết định giao cho Sở Thương mại - du lịch Ninh Thuận làm chủ đầu tư dự án mở con đường nối liền vịnh Vĩnh Hy với bãi biển Bình Tiên dài 25 km, rộng 5 mét, trong đó có 20 km đường đi xuyên vùng lõi của VQG. Để mở con đường này, VQG phải "hy sinh" 40 hécta đất rừng vùng lõi. Theo đánh giá của ông Hoán, con đường này hoàn toàn không đem lại lợi ích về kinh tế cho cư dân địa phương, lại đe dọa trầm trọng sự da dạng sinh học, bất lợi cho công tác bảo tồn VQG. Chưa kể khi mở đường, đất - đá - cát bị rửa trôi xuống biển, làm chết những rạn san hô đẹp nhất - như từng xảy ra ở bãi Thùng - nhưng không hiểu vì sao lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận vẫn quyết định cho mở con đường này.



Phương Liễu (Bao Dong Nai 15/06/2007)

Photo : Con đường dẫn vào Khu nghỉ dưỡng cao cấp Bình Tiên mới được mở xuyên VQG Núi Chúa.

Aucun commentaire: