samedi 2 février 2008

Xem triển lãm "Gốm cổ dòng sông Đồng Nai"


Lần đầu tiên Bảo tàng Đồng Nai giới thiệu với công chúng 20 bộ sưu tập gốm với 158 hiện vật ở nhiều thể loại khác nhau có niên đại từ thế kỷ X đến thế kỷ thứ XIX. Đây là những hiện vật trục vớt được dưới lòng sông Đồng Nai từ năm 1994-1998. Triển lãm khai mạc từ ngày 24-4 đến ngày 24-5 với tên gọi "Gốm cổ dòng sông Đồng Nai".

Ông Trần Quang Toại, Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai cho biết, Đồng Nai là vùng đất mới hình thành trên 300 năm, tính từ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đàng Trong, xây dựng bộ máy quản lý hành chính, xác định chủ quyền ở vùng đất phương Nam. Thế nhưng Đồng Nai là vùng đất từ trước đó đã có cư dân cổ sinh sống. Thông qua công tác nghiên cứu khảo cổ từ khu vực rừng núi đồi cao, đến vùng đất đồng bằng, khu vực ngập mặn cho thấy cách đây từ 3.000 đến 2.500 năm, người xưa trên vùng đất này không chỉ sống dựa hẳn vào thiên nhiên mà còn biết chế tác những công cụ lao động, công cụ sinh hoạt bằng các chất liệu đá, gốm, đồng... để khai thác đánh bắt động vật từ thiên nhiên phục vụ cho cuộc sống. Những chứng cứ di vật, hiện vật, bộ sưu tập với nhiều chất liệu, niên đại từ 3.000 đến 2.500 năm chứng minh cho sự hiện hữu một nền văn minh cổ của cư dân Đồng Nai mà chúng ta vẫn gọi là văn hóa Đồng Nai.
Triển lãm trưng bày 20 bộ sưu tập với 158 hiện vật gốm cổ trong tổng số 1.200 tiêu bản gốm thu thập được dưới lòng sông Đồng Nai. Có thể bắt gặp ở đây nhiều loại hình gốm khác nhau, từ loại dùng trong sinh hoạt gia đình như bếp lò, nồi, trách, chậu, ấm, tô, đĩa, bình vôi, ống nhổ, lọ... đến loại gốm dùng trong sinh hoạt thờ cúng như chân đèn, đĩa đèn, bát nhang, bình con tiện, hũ, âu, hộp có nắp đậy chum, chóe. Ông Đỗ Bá Nghiệp, nguyên giám đốc Bảo tàng Đồng Nai - người có đóng góp rất lớn trong việc trục vớt gốm cổ trên địa bàn tỉnh cho biết: "Mỗi một bộ sưu tập có mặt trong lần trưng bày này cho thấy một giai đoạn khác nhau của lịch sử. Gốm được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như đất nung, sành xốp, sành. Hoa văn trên bình gốm cũng cho thấy niên đại tồn tại của nó. Mẫu hoa văn thường gặp nhất là sông nước, thừng, hoa, lá....".
Cùng với những bộ gốm cổ, triển lãm còn giới thiệu đến công chúng những tác phẩm gốm của Trường cao đẳng trang trí mỹ thuật Đồng Nai trước năm 1975. Hoàn toàn thực hiện bằng thủ công, với việc sử dụng kỹ thuật khắc vạch, khoét thủng chạm lọng kết hợp với kỹ thuật tô vẽ bằng men nhiều màu đã tạo ra được nhiều kiểu dáng gốm phong phú, đề tài trang trí đa dạng như bình hoa, dĩa, bộ chén tay sen... Dù sinh sau đẻ muộn hơn gốm Bát Tràng hay Phù Lãng nhưng gốm Đồng Nai có nét khác biệt riêng không dễ nhầm lẫn. Theo ông Trần Quang Toại, thì nét đặc biệt nhất của gốm Đồng Nai chính là thứ men lam xanh rất riêng mà cho đến tận bây giờ các nghệ nhân gốm ở Đồng Nai vẫn chưa thể khôi phục lại được.
Cùng với những bộ sưu tập gốm cổ, Bảo tàng Đồng Nai còn trưng bày khá nhiều hình ảnh về dòng sông Đồng Nai - nơi trục vớt các hiện vật gốm cổ. Những địa danh, vùng đất mà sông Đồng Nai đi qua được ghi dấu làm người xem dễ dàng liên tưởng đến quá trình tìm kiếm cổ vật.


Minh Ngọc

(Bao Dong Nai 25/04/2007)

Aucun commentaire: