samedi 2 février 2008

Những phát hiện mới ở mộ cự thạch Hàng Gòn



Được phát hiện vào năm 1927, khu di tích mộ cự thạch Hàng Gòn thuộc địa phận xã Xuân Thanh, TX. Long Khánh ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của các nhà khảo cổ bởi khối kiến trúc đá đồ sộ được đánh giá là vô cùng độc đáo không chỉ tại Việt Nam mà cả toàn vùng Đông Nam Á. Trải qua 8 thập niên, câu hỏi nền văn hóa nào đang bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian kia vẫn luôn chờ được giải đáp. Mới đây, những phát hiện trong đợt khai quật vừa kết thúc đã phần nào hé lộ được những bí ẩn xung quanh khu mộ đá nhiều huyền hoặc.

Ngàn xưa lên tiếng

Kiến trúc cự thạch Hàng Gòn là một hầm mộ, hay cũng có thể gọi là lăng mộ bởi sự hoành tráng của nó, được xây dựng bởi những phiến đá hoa cương cực lớn, có gia công tỉ mỉ phía mặt ngoài. Có 4 tấm đứng dùng làm vách, 2 tấm ngang dùng làm đáy và nắp đậy, tất cả liên kết với nhau nhờ một hệ thống rãnh dọc chắc chắn. Xung quanh mộ còn có nhiều trụ đá hoa cương nặng hàng chục tấn, có trụ cao đến 7,5m, tạo cho mộ vẻ uy nghi bề thế (nhưng hiện nay đã bị gãy đổ). Năm 1930, mộ đã được xếp hạng trong danh mục các di tích ở Nam kỳ. Sau năm 1975, giới khảo cổ học và Bảo tàng Đồng Nai đã tiến hành nhiều đợt khảo tả tỉ mỉ di tích này. Năm 1991, mộ đã được chỉnh trang cũng như xây dựng hàng rào bảo vệ, tuy nhiên, ngoài những phát hiện của nhà khảo cổ người Pháp Parmentier về phác đồ xây dựng hiện trạng mộ vào năm 1929 thì giới khảo cổ hãy còn rất nhiều nghi vấn cần phải giải tỏa xung quanh niên đại và nền văn hóa của chủ nhân ngôi mộ. Việc phát hiện một số phiến đá lớn cùng 2 cột đá cách mộ khoảng 60m về phía Đông Nam năm 1996 càng khẳng định mộ cự thạch không phải là một kiến trúc đơn lẻ.
Cuối tháng 2-2006, một đợt điều tra thám sát khá qui mô tại khu vực xung quanh mộ cự thạch Hàng Gòn đã được các chuyên gia của Trung tâm khảo cổ thuộc Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ và Ban quản lý di tích - danh thắng Đồng Nai phối hợp tiến hành. Kết quả thật bất ngờ khi nhóm phát hiện dấu vết của những vệt đất cháy kéo dài thành hình vòng cung, phía trên và dưới vòng cung này có rất nhiều than tro và xỉ kim loại. Nhiều mảnh đồ gốm trên thân có hoa văn làm từ chất liệu đất sét pha cát và vỏ nhuyễn thể nghiền nhỏ cũng được tìm thấy, đặc biệt, còn có 2 chiếc tù và bằng đồng và 2 chiếc bàn mài bằng đá có lỗ đeo. Phân tích bằng phương pháp carbon phóng xạ C14 cho thấy, những mẫu hiện vật này có niên đại sớm nhất là 150 năm trước Công nguyên và muộn nhất là 240 năm sau Công nguyên. Chính những phát hiện này đã dẫn đến cuộc khai quật kế tiếp từ trung tuần tháng 9-2007 đến nay ở khu vực xung quanh mộ và khu vực được phỏng đoán là "xưởng chế tác" nhằm kiểm chứng khu vực cận kề liên quan đến di tích để phân vùng bảo vệ. Không ngoài dự đoán, tại khu vực công xưởng ngoài những mảnh gốm cổ bị vỡ, nhóm đã tìm thấy nhiều mảnh đá vỡ ra trong quá trình chế tác những phiến đá lớn, trong đó có một mảnh trụ đá bị vỡ ở dạng in situ (thuật ngữ khảo cổ, có nghĩa là ở nguyên tại vị trí).

Mộ đá nói gì ?

Theo tiến sĩ Phạm Quang Sơn, chuyên gia khảo cổ của Trung tâm khảo cổ Đông Nam bộ, người chịu trách nhiệm chính trong các đợt thám sát, khai quật tại mộ cự thạch Hàng Gòn, những phát hiện của nhóm có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, vấn đề niên đại của di tích đã được giải quyết thỏa đáng. Có thể khẳng định rằng, mộ cự thạch ra đời trong khoảng thế kỷ thứ 1 sau Công nguyên, muộn hơn giai đoạn của các di tích mộ chum và sớm hơn thời kỳ khởi đầu của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam. Khu vực xung quanh mộ có thể đã từng là địa bàn cư trú của một cộng đồng người cổ qua dấu vết tro than để lại, có thể đó là những bếp lửa, chỗ nung gốm hay lò đúc đồng. Nhưng quan trọng nhất chính là hai hiện vật tù và bằng đồng. Ông Sơn cho biết, tù và đồng này có nhiều đặc điểm tương đồng với chiếc qua đồng phát hiện trước đây tại xã Long Giao (cách Hàng Gòn khoảng 5km) và rõ ràng là chúng có quan hệ với nhau. Có thể chủ nhân của chúng đều thuộc một cộng đồng người và họ rất thông thạo binh nghiệp. 2 chiếc bàn mài bằng đá có lỗ đeo để các chiến binh mang theo bên mình khi cần mài vũ khí, dấu vết mòn theo đúng một chiều trên bàn mài đã chứng minh được điều đó. Các loại đá xây dựng mộ cũng xác định được là đá sa thạch (grès), huyền vũ (basalte) hoặc đá hoa cương (granit) có nguồn gốc từ Định Quán và Bình Thuận, được vận chuyển đến dưới dạng nguyên liệu thô rồi sau đó mới chế tác chứ không phải là đá tự nhiên.
Từ những phát hiện trên, ông Sơn cho rằng có thể khẳng định mộ cự thạch Hàng Gòn là của thủ lĩnh một bộ lạc hoặc một cộng đồng người rất hùng mạnh mới có thể huy động được nhân lực vật lực hùng hậu đến như thế để xây dựng mộ. Thử hình dung con người ở đầu thời đại đồ sắt ấy đã vận chuyển những phiến đá nặng hàng 30-40 tấn từ nơi xa xôi một cách gian nan và kỳ công như thế nào với chỉ bằng sức người, rồi sau khi chế tác xong lại làm thế nào để có thể ghép và dựng những khối đá khổng lồ ấy vững chãi đến tận hàng ngàn năm sau? Với niên đại cách nay trên dưới 2.000 năm, chắc chắn phải bằng sức mạnh đoàn kết và sáng tạo, lớp cư dân cổ thời đó mới vượt được bao khó khăn để thực hiện được công trình này. Và qua 2 loại vũ khí chế tác bằng đồng tìm được đã cho thấy, người cổ Đồng Nai đã biết kỹ thuật luyện kim ở trình độ cao. Và từ những phát hiện mới này, có thể mạnh dạn hình dung lại hoàn cảnh nền văn hóa của cộng đồng người bản địa vùng Đông Nam bộ vào thời điểm ấy. Đó là giai đoạn các dân tộc bản địa bắt đầu chịu sự ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài thông qua các hoạt động giao thương mà đỉnh cao của sự phát triển này chính là mộ cự thạch Hàng Gòn. Bởi, tính cách giống nhau giữa ngôi mộ này với các ngôi mộ cổ cùng sử dụng những phiến đá lớn nguyên vẹn để xây dựng thường gặp rất nhiều ở bán đảo Decken Transjordanie, bắc Miến Điện, Java cho phép nhận định rằng mộ Hàng Gòn có họ hàng với mộ đá cổ Mégalithique. Nhưng trong khi các ngôi mộ khác trên thế giới thường sử dụng đá tự nhiên và không có kiến trúc phụ trợ thì đá ở mộ cổ Hàng Gòn ngoài việc được vận chuyển từ nơi khác đến, còn được chế tác rất công phu và có kiến trúc phụ trợ là hàng cột đá tạo dáng vẻ uy nghi hoành tráng, nên có thể nói kiến trúc của mộ cự thạch Hàng Gòn là độc nhất vô nhị, là một thành tựu kỳ diệu, một nét độc đáo về mặt nghệ thuật và kỹ thuật của các tộc người vùng Nam Á.

Chưa thể tính toán được số nhân công, ngày công để xây dựng nên mộ, bài toán ấy vẫn còn là một thách thức đối với các nhà khảo cổ. Nhưng giá trị của mộ cự thạch Hàng Gòn không hề lệ thuộc vào kích thước của công trình mà thuộc về khối óc sáng tạo và sự lao động của những người đã xây dựng nên. Và mộ còn là di vật góp phần làm sáng tỏ nhiều điều về nền văn minh lưu vực sông Đồng Nai. Chính vì thế, mộ cự thạch Hàng Gòn cần phải được bảo quản, tu bổ và phát huy cao hơn giá trị của di tích. Trước mắt, một dự án trùng tu tôn tạo di tích kết hợp với du lịch rộng khoảng 4 hécta sẽ được thiết lập dựa trên cơ sở của đợt khai quật, và nếu dự án này thành hiện thực, trong tương lai mộ cự thạch Hàng Gòn sẽ là một địa điểm du lịch vô cùng hấp dẫn.




Thanh Thúy (Bao Dong Nai 02/11/2007)


Photo : Di tích mộ cự thạch Hàng Gòn hiện nay.

Photo : Quang cảnh khu vực "xưởng chế tác" đang được khai quật.

Aucun commentaire: