samedi 2 février 2008

Tý chuột đồng




Tôi về thăm quê vào những ngày giáp Tết, bất ngờ gặp lại thằng Tý, bạn học chung lớp với tôi thuở còn cắp sách đến trường làng. Vẫn với kiểu ăn mặc xuề xòa, cái quần lửng rách tưa phèn đóng vàng chạch, áo thì vá chùm vá đụm như một người nghèo mạt rệp. Nhưng có ai biết đâu, thằng Tý cũng thuộc loại đại gia miệt vườn, một triệu phú... chuột. Ở xứ này, ai mà chẳng biết thằng Tý giàu lên nhờ chuột.




Từ lúc còn bé xíu, thằng Tý đã biểu hiện tài bắt chuột rất độc đáo. Thuở ấy, vào những ngày hè, cứ trưa trưa chúng tôi thường rủ nhau đi cuốc chuột. Đây là một kiểu thư giãn, vui chơi của bọn trẻ con nông thôn chúng tôi. Gặp mùa lúa vừa mới gặt, chuột ăn lúa rụng mập ú, đem thui rơm chấm muối ớt thì khỏi nói, ăn ghiền luôn.
Người ta đi cuốc chuột bao giờ cũng phải nhờ con chó yểm trợ, vừa đánh hơi tìm hang chuột, vừa đóng vai trò chủ yếu trong săn bắt chuột. Còn thằng Tý thì chỉ cần cây roi tre dài khoảng một thước trên tay là kể như xong. Phải công nhận thằng Tý chạy lẹ thiệt, khi chuột bị động ổ vụt chạy ra, đố mà thoát khỏi tay thằng Tý, nó chạy rượt theo và khéo léo đập nhẹ một cây, vừa đủ để con chuột nằm chết điếng mà không bị tổn thương nặng, thịt chuột bị giập sẽ không ngon.
Ngày xưa, thịt chuột chỉ là món ăn dân dã miệt vườn, thỉnh thoảng được làm mồi nhậu gọi là thay đổi khẩu vị, không ai chú tâm tới. Từ khi các quán nhậu đặc sản mọc lên như nấm, thịt chuột trở thành hàng độc, hàng hiếm, không phải quán nào cũng có được. Trước đó, thằng Tý nghèo lắm, con đông, ruộng vườn quá ít, làm không đủ ăn. Túng cùng, cha con nó đi cuốc chuột cho vợ mang ra chợ bán. Lúc ấy có ai thèm mua chuột, giá bèo, kiếm sống qua ngày.
Rồi đùng một phát, các quán đặc sản vây quanh thằng Tý đặt hàng, nó hét giá cỡ nào người ta cũng mua. Riết rồi, nhà thằng Tý trở thành đại lý… chuột, chuyên cung cấp chuột các loại, từ chuột cống nhum quý hiếm đến chuột cơm lớn nhỏ có đủ. Thằng Tý phất lên từ dạo ấy. Và cũng từ đó, người ta gọi nó là Tý Chuột Đồng.
Gặp lại nhau, thằng Tý mừng rỡ ôm vai tôi đấm thình thịch, miệng cười hể hả: “Trưa nay đi cuốc chuột, làm bậy… xị chơi”. Thằng Tý huýt sáo, con chó săn chuột ào ào chạy tới, nó nói với con chó giống như nói chuyện với người thân thiết: “Chuột nhiều quá trời ngoài ruộng kìa, mày chạy tìm xem coi hang chuột ở đâu, giỏi rồi tao thưởng cho mấy cái đầu chuột”. Con chó ngoan ngoãn chạy nhanh ra ruộng, đưa mũi khịt khịt dọc theo bờ đê tìm hang chuột. Chợt nó cất tiếng sủa vang, vẫy đuôi mừng rỡ, bốn chân cào xới tung gốc rạ chung quanh. Thằng Tý vội quảy cuốc chạy tới, reo vui: “Con Phèn tìm được hang chuột rồi đó”.
Nó vừa cuốc mấy cái, con chuột trong hang vụt phóng ra, con Phèn còn nhanh hơn nữa, nó nhảy chồm lên ngoạm con chuột ngang mình, rồi lẹ làng chạy tới bên thằng Tý kêu ăng ẳng, như khoe tài lập công. Phải công nhận con Phèn tài thiệt, khi thằng Tý nắm con chuột bỏ vào giỏ mà con chuột vẫn y nguyên không bị tổn thương. Thằng Tý nói với tôi với vẻ đầy tự hào về con chó của mình: “Bây giờ mình già rồi, làm sao còn lẹ làng như xưa mà rượt bắt chuột. Chuyện đó để mấy “thằng lính” này nó lo, mình chỉ có việc mang chuột về nhà… nhậu”. Con Phèn phát hiện thêm một hang chuột, thằng Tý reo lên: “Hang này bự quá, là hang chuột cống nhum rồi”. Chưa nói dứt lời, con cống nhum to bằng cổ chân phóng ra lặn xuống bàu nước gần đó. Con Phèn lội theo, khi con cống nhum vừa trồi đầu lên thở là bị con Phèn ngoạm ngay đầu, con cống nhum giãy giụa dữ dội, thằng Tý la lên: “Siết mạnh chút nữa Phèn, kẻo nó vuột bây giờ”. Nghe lệnh, con Phèn cắn mạnh thêm, con cống nhum nằm thẳng cẳng. Trên đường quảy cái giỏ chuột trở về, thằng Tý lẩm bẩm: “Để tao xào một dĩa lá cách, số còn lại nướng muối ớt. Cứ một miếng là “dô” một ly xây chừng mới được nghe, mồi độc mà cứ… phá mồi hoài là bị phạt”.


Buổi chiều xuống chầm chậm, dòng sông lững lờ. Tiếng chim bìm bịp kêu nước lớn vang vọng từ xa. Lâu lắm rồi tôi mới có dịp sống lại trong cái khung cảnh gợi nhớ những ngày thơ ấu của chúng tôi, những kỷ niệm xưa như con thác đổ về trong tâm khảm. Thằng Tý khề khà: “Thiệt tình mà nói, tao nhờ chuột mới được như ngày nay, nhà cửa đàng hoàng, con cái được ăn học đến nơi đến chốn. Nhưng tao ghét ai gọi tao là Tý Chuột Đồng. Đành rằng Tý là chuột, nhưng cái tên Tý Chuột Đồng có nghĩa là thằng Tý này làm nghề bắt chuột mà sống, là tao không ưa”. “Tại sao?”. Thằng Tý làm như không nghe tôi hỏi, nó lẳng lặng “dô” trăm phần trăm ly rượu, giọng bắt đầu nhừa nhựa: “Có người nói rằng ngày nào tao còn phất lên nhờ chuột là ngày đó bà con nông dân mình còn khổ. Vì có nhiều chuột tao mới làm giàu, mà nhiều chuột thì nó phá hoại lúa, nhiều người mùa màng thất trắng. Tao thề là tao phải nỗ lực bắt cho hết lũ chuột phá hoại mùa màng rồi cùng vợ con sang lại mấy công ruộng mà lo cày cấy”. Rồi gật gù chỉ tay lên trời có ánh trăng lưỡi liềm, nó nhừa nhựa: “Vầng trăng khuyết cuối cùng của năm… Hợi. Vài hôm nữa, mọi người có ánh trăng mới của năm Mậu Tý. “Mậu” là “không”, “Tý” là “chuột”, có nghĩa là năm chuột mà không có chuột quậy phá, một năm hứa hẹn bà con sống an lành”.


SGGP Thứ tư, 30/01/2008


Tý chuột đồng (bìa phải) đang săn chuột. Ảnh: NGÂN MINH.
Vợ Tý bán thịt chuột. Ảnh: NGÂN MINH.

Aucun commentaire: