samedi 2 février 2008

"Hương ước" nào cho làng blog Việt ?


Blog Việt là mảnh đất mới vỡ hoang vài năm nay. Làng blog ấy không có "lũy tre", "đình làng", thậm chí có lúc nó giống miền Viễn Tây nước Mỹ thời cao bồi: cư dân "nói" với nhau bằng súng... Thế nhưng, những quy tắc bất thành văn đã dần hình thành trong cộng đồng ấy và đang ngày càng có ý nghĩa trong đời sống chung...


Ngôi làng đặc biệt

Ngôi làng blog Việt hấp dẫn và màu mỡ đến nỗi mỗi ngày đều có thêm hàng trăm cư dân mới đến "lập nghiệp" mong làm giàu vốn tri thức, thỏa mãn các nhu cầu giao tiếp, thông tin, giáo dục, giải trí; thỏa mãn nhu cầu thể hiện mình. Đó là mảnh đất lấn biển mênh mông do những con người năng động, đa phần là trẻ tuổi, có tri thức, có điều kiện hoạt động trên không gian mạng... cùng nhau khai phá, đa số họ là những người chí thú làm ăn, nhưng cũng có không ít những con sâu cái kiến, những tên trộm cướp, những gã Chí Phèo, những tay cơ hội, những kẻ đục nước béo cò (nhưng giấu mặt)...
Thiết chế, tổ chức và các quan hệ mới trong ngôi làng blog Việt đang dần định hình nhưng chưa thực sự rõ nét. Rất đơn giản vì cộng đồng blog Việt cũng như bao cộng đồng blog khác trên thế giới đã và đang hình thành trên nền tảng Internet, nơi mà ranh giới quốc gia bị "phẳng ra" trong một thế giới chung và cái ngôi làng ấy cũng còn đang trong quá trình hoàn thiện các chức năng của các cộng đồng xã hội vốn đa dạng và phong phú trong thế giới thật.
Nếu hiểu blog Việt gồm những người khai thác blog và viết blog bằng tiếng Việt thôi, cái ranh giới làng blog Việt cũng vượt biên giới quốc gia, bởi có những cư dân trong cộng đồng ấy là những Việt kiều, những sinh viên đang du học bên châu Âu, châu Mỹ. Và, trong cái cộng đồng lớn phức tạp ấy, không ít kẻ đã ẩn mình dưới nhiều cái mặt nạ mà công nghệ cho phép, không thể kể hết những mối quan hệ dọc ngang trên dưới đa dạng, đa chiều.
Làng blog Việt như một đứa trẻ (lại là một so sánh có phần khập khiểng), nó phải được uốn nắn và bản thân nó phải tự rèn giũa.

Đường ray nào cho con tàu blog Việt?


Blog nói riêng, các dạng thức truyền thông trực tuyến, mạng xã hội nói chung là thành tựu của văn minh nhân loại. Không ai có thể xóa bỏ nó. Nhưng khai thác công cụ nào cũng cần có quy tắc như dùng con dao, cây súng hay chiếc xe đạp, xe gắn máy. Blog đi vào đời sống người Việt trên nền tảng văn hóa Việt, chịu sự giao thoa đa dạng, đa chiều với hàng loạt mối quan hệ. Nếu cộng đồng blog Việt như một cái làng, ngôi làng đó phải có hương ước thành văn và hương ước bất thành văn.
Hương ước thành văn đó phải dựa trên tinh thần Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, dựa trên các chuẩn văn hóa... của đất nước có những cư dân đang đến định cư trong không gian ấy. Và cũng theo ý kiến từ những chuyên gia, chuyện hành xử trong đời sống cư dân blog Việt cũng sẽ được chế tài theo những quy định tại Luật Dân sự, Luật Hình sự, Luật Giao dịch điện tử và các Nghị định của Chính phủ về vấn đề này (Nghị định 55 về cung cấp thông tin trên Internet và Nghị định 56 về xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực văn hóa - thông tin). Hoạt động của các cư dân blog Việt phải tuân thủ các chế tài theo các quy định về quyền dân sự, quyền nhân thân, quyền về hình ảnh, quyền bí mật đời tư... tại các văn bản luật nói trên. Ngoài ra, theo quy định của nhà cung cấp dịch vụ Yahoo 360, một dịch vụ được cộng đồng blog Việt sử dụng nhiều nhất, blogger Việt còn chịu sự điều chỉnh bởi luật Singapore (nước mà Yahoo Việt Nam đặt máy chủ). Nói chính xác, một blogger sử dụng dịch vụ của Yahoo 360 Việt Nam còn phải chịu sự chế tài của luật pháp Singapore.
Cái khó lớn nhất khi áp dụng những điều khoản có tính chất pháp lý của "hương ước" này vào đời sống blog chính là việc xác định chính xác tư cách thành viên cư dân mạng có liên quan trong đời sống thực. Và hàng loạt cái khó nảy sinh khác. Ví dụ blogger Việt sử dụng dịch vụ của Yahoo qua domain quốc tế hay của một nước khác như Anh, Úc thì sao?
Câu trả lời là: Không thể có một giải pháp quản lý nào thực sự hoàn chỉnh, nhưng điều đó không có nghĩa là chấp nhận sự phát triển tự phát. Ở một số nước như Singapore, Trung Quốc, Malaysia... việc quản lý blog cũng đã đặt ra nhưng chưa thực sự thành công. Giải pháp quản lý blog Việt phải là một hệ thống giải pháp được tích hợp và có tính khả thi: quản lý kỹ thuật, giáo dục, quản lý bằng biện pháp hành chính, pháp lý... song song nhau.
Với khả năng của các chuyên gia kỹ thuật Việt Nam (trong ngành bưu chính viễn thông cũng như ngành an ninh), việc tìm ra các IP cụ thể trong một số tình huống cụ thể, việc chứng minh nhân thân của một blogger nào đó cũng không phải là một việc bất khả thi. Nhưng những giải pháp kỹ thuật chỉ có thể là lựa chọn chẳng đặng đừng trong một số trường hợp. Và vì thế, đường ray cho blog Việt hoạt động lại chính là những quy tắc ứng xử do chính cộng đồng xây dựng một cách tự giác.

Bản Hương ước mở

Không gian blog là một thực thể truyền thông, thực thể xã hội quá đặc biệt và đang định hình, phát triển cực nhanh cùng với sự hoàn thiện "tinh thần blog" trong từng thành viên. Cũng như chốn giang hồ có luật giang hồ bất thành văn, cộng đồng blog sẽ có những quy định và biện pháp trừng phạt, định hướng lẫn nhau trên cơ sở "dân trí blog".
Những tấm ảnh chung quanh vụ sập cầu dẫn Cần Thơ hay ảnh ca sĩ Phương Thanh được post lên một số blog gần đây đã bị những lời nhắc nhở trong chính cộng đồng: hãy dẫn nguồn của tấm ảnh mà bạn đã "khai thác" trên Net! Những lời nhắc nhở đó đã giúp cho nhiều người "giật mình". Xã hội blog đang tự điều chỉnh mình. Những ý kiến của các blogger uy tín xung quanh các vụ ồn ào gần đây cũng đã góp phần định hướng được dư luận blog.
Cũng giống như trong đời thường, làng blog Việt cần có và sẽ có những ngọn cờ tiên phong trong việc xây dựng những hình mẫu, đóng góp công sức cho cộng đồng... Và bộ Hương ước làng blog Việt không chỉ là những quy định pháp lý, những biện pháp của nhà quản lý mà còn có những quy tắc ứng xử do chính cộng đồng xây dựng từ quá trình "tự quản".
Sẽ còn khá lâu nữa, làng blog Việt mới thực sự hình thành như một ngôi làng có bề dày văn hoá bởi sự phân hóa trong các nhóm cộng đồng cũng mới bắt đầu. Tuy nhiên, dù chỉ có những tín hiệu chưa mạnh, nhưng những quy tắc ứng xử trong thế giới blog Việt đã hình thành. Những ai hành xử sai trái sẽ bị cộng đồng "trừng trị" bên cạnh sự trừng trị của pháp luật.


Phan Văn Tú (Bao Dong Nai 24/10/2007)

Aucun commentaire: