vendredi 1 février 2008

Ô nhiễm từ những làng nghề



Làng nghề là một "khu công nghiệp" thu nhỏ, nơi tập trung chủ yếu các nghề truyền thống với những hộ sản xuất thủ công, ít vốn. Giữ và phát triển kinh tế làng nghề cũng là giữ lại sản phẩm truyền thống, giữ được sự đa dạng thành phần của nền kinh tế, hạn chế tình trạng lao động nông thôn đổ về thành phố tìm việc. Song, cách sản xuất thủ công, lạc hậu theo kiểu "gia đình", môi trường làng nghề đã và đang là mối nguy cho sự phát triển bền vững.




Công nghệ lạc hậu + ít vốn = ô nhiễm

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có khoảng 20 làng nghề với 1.793 cơ sở sản xuất, tập trung khoảng 18.000 lao động trực tiếp. Tuy nhiên, do việc phát triển của các làng nghề gần như thiếu quan tâm đến bảo vệ môi trường đã kéo theo tình trạng ô nhiễm ngày một tăng. Ở làng cá bè La Ngà (huyện Định Quán), mặc dù UBND tỉnh đã có quyết định di dời và hạn chế số bè cá nuôi trên sông, đồng thời cấm các hộ dân nuôi cá sinh sống trên bè, nhưng hiện nay vẫn còn hàng trăm bè cá đang được nuôi (cả được phép lẫn trái phép) trên sông. Tình trạng này đang làm nước sông La Ngà ô nhiễm nặng bởi thức ăn thừa của cá, dư lượng thuốc kháng sinh cho cá, dầu mỡ từ các phương tiện thuyền, ghe đi lại và chất thải sinh hoạt của các hộ nuôi bè. Hàng năm tình trạng cá ở những làng bè chết hàng loạt do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề, một phần do chính hoạt động của nuôi thả gây ra.
Còn làng nghề sản xuất tinh bột từ củ mì ở Bình Minh (huyện Trảng Bom) cũng đang làm "chết dần" những con suối và giếng nước sinh hoạt của dân trong vùng. Nghề này có mặt hơn 50 năm qua và tạo sự ổn định cho nhiều hộ dân, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động tại chỗ. Nhưng bên cạnh sự phát triển về kinh tế làng xã, nơi đây đang phải đối mặt với sự ô nhiễm từ rác thải và nước thải. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ và quản lý môi trường TP.Hồ Chí Minh (CENTEMA) về môi trường làng nghề ở Đồng Nai, mỗi ngày hoạt động sản xuất tinh bột ở đây thải trực tiếp ra môi trường khoảng 1.400m3 nước thải. Trong nước thải này có nhiều chất hữu cơ và men tinh bột thất thoát... tạo ra trong lòng suối, các dòng chảy nhỏ một thứ bùn rất hôi thối. Điều đáng nói, loại bùn này chính là điều kiện tốt cho tảo độc phát triển, gây ảnh hưởng không chỉ đến con người, mà còn đe dọa nhiều nhóm sinh vật hữu ích khác. Chưa kể mỗi ngày làng nghề này còn hàng vài chục tấn bã và vỏ mì không được thu gom kịp thời, bị phân hủy càng làm cho môi trường hôi thối nhiều hơn. Cùng với sản xuất tinh bột mì, các làng nghề sản xuất miến, bún tươi, bánh phở, đường... có nguồn liệu chính là mía, mì, bắp, gạo như: làng nghề đường tán ở Tân Triều, Bình Lợi (huyện Vĩnh Cửu), miến dong, hủ tíu ở phường Tân Biên và Hố Nai (TP. Biên Hòa)... cũng thải ra môi trường khối lượng nước thải và rác thải không nhỏ.
Ở làng nghề đúc gang, đồng xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), dù công cụ được cải tiến, lò nấu đã nâng cấp thay cho bễ thủ công, nhưng với mặt bằng nhỏ hẹp của sản xuất gia đình, môi trường xung quanh vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi khí thải CO2, SO2 và kim loại nặng. Làng nghề dệt vải, thổ cẩm ở Tà Lài (huyện Tân Phú), dệt lưới mùng ở Tân Mai... chủ yếu vẫn dùng công nghệ dệt thủ công nên bụi vải phát tán nhiều, tiếng ồn từ máy dệt cũ gây ồn lớn. Trong quá trình tẩy, nhuộm thường sử dụng các chất bột tạp, xút, a-xit, hóa chất tẩy rửa... xả ra nước thải độc hại và hoàn toàn không được xử lý. Hay ở phố gò thùng phường Hố Nai, hoạt động không chỉ gây tiếng ồn lớn mà trong quá trình hàn chì và sơn, phủ hóa chất cũng tạo ra khí độc, bụi sơn ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của chính dân làm nghề và cộng đồng xung quanh.
Tại lớp tập huấn nâng cao nhận thức BVMT và phát triển bền vững ở khu vực HTX và làng nghề 6 tỉnh phía Nam tổ chức tại Đồng Nai ngày 6-9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Trung tâm KHCN và MT (thuộc Liên minh các HTX và làng nghề Việt Nam) cho biết: "Có thể nói ở làng nghề, công nghệ sản xuất lạc hậu là nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Phần lớn các làng nghề hiện nay mang tính truyền thống, hệ thống thiết bị cũ kỹ và không đồng bộ, các hộ gia đình làm chủ, thuê lao động tại chỗ và ít vốn nên không đầu tư cho xử lý môi trường... Chính vì vậy, môi trường làng nghề trong cả nước đang rất báo động". Theo ông Thanh, hiện nay tốc độ cải tiến công nghệ ở các làng nghề còn rất chậm; một số chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, qui hoạch sản xuất tập trung, áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng... chưa tới được người dân. Hơn nữa, việc đầu tư cho công nghệ xử lý môi trường chưa được người dân quan tâm vì phải bỏ nhiều vốn đầu tư xây dựng, vận hành, trong khi họ cần vốn cho mở rộng sản xuất hơn; mặt khác, có những làng nghề mang đậm tính "cha truyền con nối", rất khó khăn cho việc cải tiến, áp dụng công nghệ mới.



Hướng đi nào cho môi trường làng nghề?


Chủ trương của Nhà nước vẫn khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống, tiếp tục duy trì kinh tế làng xã. Bởi đó không chỉ đem lại công ăn việc làm cho người lao động, tạo cơ hội làm giàu chính đáng cho nhiều hộ dân mà thời gian gần đây, nền kinh tế phát triển đã kéo theo quy mô sản xuất của các làng nghề phát triển và được mở rộng, tạo ra một lượng lớn hàng hóa và sản phẩm đa dạng, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của người dân vùng nông thôn, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, nhiều làng nghề còn sử dụng các nguyên liệu thừa, phế phẩm từ những KCN tập trung thải ra, góp phần vừa giảm được lượng chất thải phải xử lý, vừa tiết kiệm được tài nguyên, tăng thêm nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Song, để làng nghề vừa là nơi phát triển kinh tế tiểu thủ công nghiệp, vừa bảo đảm được môi trường trong lành, cần phải có sự vận động trong nhận thức từ chính những hộ trực tiếp tham gia sản xuất với sự tăng cường trách nhiệm của ngành chức năng.
Theo nhận định của Sở Tài nguyên và môi trường (TN-MT), do làng nghề của Đồng Nai phân tán, nơi sinh sống cũng đồng thời là nơi sản xuất của những hộ ít vốn, cho nên việc di dời, quản lý và sắp xếp các làng nghề thành cụm, tiểu khu công nghiệp là rất khó. Mặc dù thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến đáng kể trong việc hạn chế ô nhiễm từ những làng nghề như di dời các lò gạch, trại chăn nuôi heo ra khỏi TP. Biên Hòa, hạn chế các hộ nuôi cá bè trên hồ Trị An và sông La Ngà hay cưỡng chế giải tỏa các hộ làng nghề hầm than ở xã Xuân Hiệp... nhưng đó mới chỉ là những biện pháp cơ học, còn thực tế các nguồn ô nhiễm phát sinh từ làng nghề vẫn đang tồn tại và chuyển từ địa bàn này sang địa bàn khác.
Báo động về ô nhiễm môi trường từ những làng nghề không phải để "xóa sổ" nó, nhưng là tìm những biện pháp tốt nhất để làng nghề phát triển trong môi trường bền vững. Bởi lâu nay, đối với Đồng Nai, bên cạnh sự phát triển những khu công nghiệp lớn, làng nghề cũng giữ một vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống văn hóa, xã hội của cộng đồng...
Hiện nay, vấn đề cải thiện chất lượng môi trường làng nghề khó khăn nhất vẫn là kinh phí. Bản thân các hộ sản xuất ở làng nghề là sản xuất nhỏ, ít vốn nên thật khó để kêu gọi những hộ dân này bỏ tiền đầu tư công nghệ mới, hiện đại hoặc xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải, mà việc quản lý tập trung theo kiểu cụm hoặc tiểu khu công nghiệp cũng không dễ vì các làng nghề, các hộ sản xuất ở phân tán, sử dụng nguồn liệu và lao động tại chỗ... không thể gom lại một nơi để tiện quản lý. Song, khó không có nghĩa là bỏ mặc. Một mặt, ngành chức năng tăng cường trách nhiệm kiểm tra, xử phạt những cơ sở gây ô nhiễm theo Luật BVMT; mặt khác, cần hướng dẫn những làng nghề, những cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ đến với sự hỗ trợ của Nhà nước về vốn vay lãi suất ưu đãi để chuyển đổi công nghệ, khắc phục ô nhiễm môi trường.




P.L




photo: Sơn phủ sơn PU tạo ra bụi sơn làm ô nhiễm không khí ở làng nghề mộc (phường Tân Hòa).


photo: Làm sạch bề mặt thùng, chậu, lọ hoa bằng thiếc tại một cơ sở tư nhân.

Aucun commentaire: