vendredi 1 février 2008

Đến Núi Chúa xem chà vá chân đen

"Loài chà vá hả? Bọn này có đặc điểm rất lạ, nếu một con bị bắn chết, cả đàn sẽ khóc thương tiếc nhau mà chết theo!". Ông Mang Chấn, 76 tuổi - một người dân tộc Raglai sống ở vùng đệm Vườn quốc gia Núi Chúa (tỉnh Ninh Thuận) trước đây chuyên nghề săn bắt thú rừng và là một người từng săn nhiều chà vá chân đen đã nói như vậy.

Ông Chấn kể: "Trước năm 1975, rừng Núi Chúa bạt ngàn có ai cai quản chi đâu. Thú rừng thì nhiều vô kể, trong đó có loài chà vá chân đen - một loài voọc rất đẹp, dùng để làm thuốc cổ truyền chữa các bệnh về não rất tốt. Hồi đó, bọn nị (bọn tui - PV) không có súng săn để bắn nên chỉ dùng bẫy dây để bắt. Vì, loài này không di chuyển dưới đất mà thường đánh đu, quăng mình từ cây nọ sang cây kia, nên chỉ cần chăng dây, giấu bẫy trong những nắm lá non, khi chúng đưa tay hái lá ăn thì sập bẫy. Mỗi lần như thế, tiếng giãy giụa và khóc than của con chà vá khiến cả bầy ngồi khóc theo. Nhưng lúc ấy, nị chỉ bắt con mắc bẫy thôi, chứ không bắt cả đàn, vì để cho chúng còn... đẻ, còn sinh sôi, nảy nở đầy rừng để mình còn có cái mà bắt sau này! Cứ vài ngày nị lại vào rừng bẫy một con, đem đi đổi lấy vải vóc và thực phẩm. Bây giờ nghe mấy anh cán bộ nói chà vá chân đen rất quý hiếm, có nguy cơ bị diệt chủng ở nhiều nơi nên cần bảo tồn. Lâu nay bọn nị không cho con cháu vào rừng săn bắt loài này nữa". Để tận mắt thấy được loài voọc quý hiếm với tính cách đặc biệt này, chúng tôi đã được một cán bộ VQG Núi Chúa dẫn vào rừng. Rón rén từng bước chân trên thảm lá khô, anh Phạm Văn Xiêm - người dẫn đường - ra hiệu mọi người ngồi núp dưới những bụi cây thấp. Không bao lâu, tiếng rào rào từ những cành cây như khua trên đầu: một đàn chà vá có đến hơn 50 con ríu rít đu nhau như làm xiếc. Khu vực Đá Nhảy này của VQG ở độ cao hơn 300 mét là nơi có đàn voọc chà vá chân đen sinh sống đông nhất vùng Đông Nam Á.
Đàn voọc hình như không biết có con người đang hiện diện nên vẫn vô tư bấu víu nhau đùa giỡn trên những cành cây. Một con chà vá ước nặng khoảng hơn chục ký chuyển xuống một cành cây gần ghỗ đoàn người nấp để ăn lá nên mọi người có cơ hội quan sát rõ hơn về loài chà vá nổi tiếng quý hiếm, có giá trị cao trên thị trường dược liệu này. Nhờ chân sau thường dài hơn chân trước, nên chà vá có những cú nhảy rất xa; cái đuôi trắng óng ánh ngũ sắc bông lên như chiếc chổi lông gà tuyệt đẹp, chốc chốc lại uốn éo mềm mại như một cây lau. Đầu của nó được bao phủ màu lông đen, nhưng phần giữa mặt lông lại trắng, trên trán lại có hai dải màu đen và đỏ. Anh Xiêm bảo: "Con này là con đực, vì nó có chấm tròn màu trắng ở hai bên mông".
Cùng lúc ấy, một con chà vá cái cũng tha thẩn lại gần nơi chúng tôi nấp với con chà vá con bám trên ngực xinh như một đứa trẻ với đôi mắt trong veo như hai viên bi. "Khi lớn lên, nó sẽ trở thành một "cậu" chà vá đấy!" - anh Xiêm nói với chúng tôi như vậy, vì ở hai bên mông cậu đã xuất hiện chấm tròn, dù còn rất mờ. Con chà vá cái mỗi lúc một tiến đến gần đoàn người. Lúc này, anh Xiêm ngồi trúng một ổ kiến lửa - những con kiến lửa rừng leo lên khắp người và bắt đầu cắn nhưng anh không dám đứng lên, cũng không dám phủi những con kiến đang mặc sức cắn, vì anh không muốn mọi người mất cơ hội được thấy chà vá ở cự ly rất gần này. Từ một bụi cây khác, một người trong đoàn lấy máy ảnh để "chộp" hình mẹ con chà vá. Đèn flash lóe lên. Một phản xạ cực kỳ nhạy bén, đàn chà vá giật mình rào rào chạy như bay trên những cành cây. Chỉ một loáng, cả đàn đã mất hút sau những tán cây rừng. Cũng vừa lúc này, anh Xiêm nhảy cẫng lên với những vết kiến đốt tấy đỏ. Vừa xoa khắp người, anh vừa "đính chính" một chút về lời kể của ông Mang Chấn: "Thực ra không phải chúng khóc nhau, mà là khi nghe tiếng súng nổ, những con khác trong đàn sợ hãi ngồi bất động một chỗ. Lúc này, tuyến lệ của chúng hoạt động liên tục khiến nước mắt chảy giàn dụa. Nước mắt của chúng tiết ra một thứ mùi rất hấp dẫn đã "kéo" lũ bọ, mạt rừng bay tới đậu. Chà vá phải nhắm tít mắt lại và lấy tay phe phẩy xua bọ rừng làm cành lá khua xào xạc. Chính hành động này của chúng đã "lạy ông tuôi ở bụi này". Người thợ săn chỉ cần đến tóm từng con, gọn hơ. Nhiều người không biết cơ chế sinh lý này của chà vá, cứ cho rằng chúng khóc đến chết do tiếc thương nhau".
Cái thú đi xem chà vá chân đen ở VQG Núi Chúa là cơ hội rất hiếm hoi, vì chà vá là loài đẹp nhất trong bộ linh trưởng, là loài đặc hữu của Việt Nam và thế giới đang được bảo tồn nghiêm ngặt. Trước đây, ở Núi Chúa và nhiều khu rừng khác ở Việt Nam, do sự suy thoái rừng và nạn săn bắn, buôn bán động vật hoang dã, đặc biệt là các loài linh trưởng đã đẩy loài chà vá chân đen đến nguy cơ tuyệt chủng. Từ năm 2002 đến nay, được tài trợ từ VQG Cát Tiên (Đồng Nai) và Quỹ quốc tế bảo tồn động vật hoang dã (WWF), loài chà vá chân đen ở VQG Núi Chúa đã được khảo sát và được thể hiện trên bản đồ phân bố bầy đàn. Chính những hoạt động bảo tồn từ phía Chính phủ, những tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới và cả của người dân bản địa, loài chà vá chân đen ở VQG Núi Chúa đang sinh sôi, nảy nở thành một bầy đàn lớn nhất Đông Nam Á. Hy vọng, với sự phát triển ngày một đông của đàn chà vá này sẽ cho chúng ta nhiều hơn cơ hội được tiếp cận một trong những loài linh trưởng đẹp nhất thế giới.
Phương Liễu (Bao Dong Nai 13/08/2007)

Aucun commentaire: