vendredi 1 février 2008

Mắm... thời dịch tả



Mắm vừa là gia vị, vừa là thức chấm dân dã không thể thiếu trong một số món ăn từ bình dân đến cao cấp. Chẳng hạn như thịt chó thiếu mắm tôm thì không còn đúng vị... thịt chó; lẩu mắm mà không có mắm thì chỉ là... lẩu tươi; bê thui thiếu mắm nêm, dân "nhậu" bớt... bắt mồi. Thế nhưng, thời dịch tả - khi mắm tôm được xem là "thủ phạm" chính, thì ăn hay "kiêng", bán hay không bán mắm nữa, lại vẫn chưa thực sự là mối quan tâm của nhiều người dân Biên Hòa.




Mọi người vẫn ăn, có sao đâu !

Để phòng ngừa dịch tiêu chảy cấp lây lan, nhiều tỉnh, thành phía Bắc đã cấm sản xuất, mua bán và sử dụng mắm tôm. Một số tỉnh ở miền Nam cũng đã vào cuộc để phòng ngừa dịch bệnh. Ngày 5-11, ngành y tế Đồng Nai đã ra văn bản ngưng ngay việc mua bán, vận chuyển và sử dụng mắm tôm trên địa bàn toàn tỉnh. Qua tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều người dân đã "tẩy chay" mắm tôm và tạm thời "thôi" luôn cả các loại mắm khác. Chuyện kinh doanh của những người bán mắm và những hàng quán có món ăn liên quan đến các loại mắm cũng có phần... chựng lại.
Chị T.T. ở phường Tân Mai, chủ một vựa bỏ sỉ, lẻ các loại mắm tôm, mắm ruốc, mắm chua, mắm cá... từ nhiều năm qua, cho biết: "Từ hôm ti vi đưa tin dịch tiêu chảy cấp gì đó liên quan đến mắm tôm, hàng tôi vẫn bán và vẫn có người mua về ăn, tuy có giảm đi đôi chút. Riêng các mối lấy sỉ như một số quán thịt chó thì vẫn lấy mắm bình thường. Có thể do mắm tôm ở ngoài Bắc có vấn đề, chứ mắm trong Nam lâu nay mọi người vẫn ăn đó thôi, có sao đâu!". Đại lý các loại mắm của gia đình chị T. mỗi tháng bán hết cả tấn mắm các loại, trong đó chủ yếu là mắm tôm. Nguồn mắm lấy về từ Chu Hải, Phước Tỉnh (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Chị T. cho biết thêm: "Mắm là mặt hàng thực phẩm dễ bị người dân hiểu là được sản xuất trong điều kiện vệ sinh kém. Nhưng thực tế ở những cơ sở chúng tôi lấy hàng, mỗi khi chở hàng lên giao, cơ sở phải cho chúng tôi bản sao về chất lượng kiểm tra an toàn - vệ sinh thực phẩm lô hàng của ngành chức năng. Ngoài ra, do quan hệ buôn bán qua lại đã lâu, nên chúng tôi thường yêu cầu chủ cơ sở sản xuất phải cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh với nguồn hàng của mình. Lâu nay mắm do chúng tôi cung cấp cho các hàng quán đều không xảy ra sự cố gì". Chị T. đưa chúng tôi đến khu vực lưu trữ mắm ở khoảng sân sau nhà. Vài chục lu, vại mắm to nhỏ ở đây được đậy nắp cẩn thận. Chị nói: "Phải đậy thật kín. Chỉ cần một con ruồi bay vào đẻ, kể như lu mắm đó chỉ có nước... đổ đi".
Còn bà Q. ở phường Hố Nai, chuyên bán và bỏ mối các loại mắm và mặt hàng khô ở chợ Sặt, cho biết: "Hầu như việc buôn bán của gia đình tôi vẫn không có gì thay đổi. Người ta vẫn mua mắm tôm về ăn nhưng là bỏ vào món nấu chín, chứ không chấm sống như trước. Nay, nếu nhà nước cấm không cho bán thì hoặc chúng tôi sẽ trả lại cho cơ sở sản xuất hoặc cứ ủ để đấy, khi nào hết dịch lại bán tiếp. Mắm càng ủ lâu càng ngấu, ăn càng ngon". Hôm chúng tôi đến nhà bà Q., thấy con của bà vừa chưng xong một chảo mắm ruốc với thịt heo ba rọi thơm nức mũi. Anh con trai bà Q. cho biết: "Nhà mình vẫn ăn mắm. Có điều muốn chấm đậu hũ trắng thì chịu khó nấu sôi mắm lên. Thế là... vô tư".
Còn bà H. ở phường Tam Hòa, chuyên bỏ mối và cũng có cơ sở sản xuất các loại mắm và nước mắm ở Bà Rịa, cho biết: "Ở Biên Hòa không có cơ sở nào sản xuất mắm vì không có nguồn nguyên liệu tôm, tép, cá biển, nên chủ yếu là lấy hàng từ Vũng Tàu, Phan Thiết về bỏ mối và bán lẻ". Theo bà H. trước đây mắm được làm trong điều kiện vệ sinh rất kém vì thiếu các máy móc thiết bị, như để làm mắm tôm, tép biển phải được đổ ra sân băm nhuyễn, hoặc phải đạp bằng chân cho ngấu. Bây giờ đã có máy xay, máy trộn làm thay nên vệ sinh đảm bảo hơn. Hay như mắm ruốc, để mắm quẹo, dẻo khô đã có máy nhồi, không phải đổ ra sân nhồi bằng chân như ngày trước.
Anh C., nhân viên của quán thịt cầy ở đường 4 cho biết: "Từ hôm nghe nói xảy ra dịch tiêu chảy do ăn mắm tôm, quán ít khách hơn. Những người đến ăn thịt cầy, vẫn có người chấm mắm tôm, có người thì yêu cầu cho muối tiêu chanh để chấm thay mắm". Còn quán lẩu mắm ở phường Quyết Thắng vẫn đắt khách với món lẩu mắm đặc sản. Chủ quán cho biết: "Người ta bị tiêu chảy là do ăn mắm tôm sống. Chứ mắm để nấu lẩu là mắm cá, được nấu sôi, lược sạch nên cũng không lo". Hay ở một số tiệm bún riêu khá nổi tiếng ở quốc lộ 1K, khu vực qua phường Tân Phong, sáng sáng, chiều chiều vẫn rất đông người đến ăn bún, trong đó có người nêm thêm mắm tôm, có người thì không...

Phòng ngừa là không thừa


Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đặng Văn Dần, trưởng khoa an toàn thực phẩm thuộc Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai cho biết: "Mặc dù trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện ra ca nào bị tiêu chảy cấp, nhưng việc phòng ngừa là không thừa. Hiện nay, ngành y tế đã cho ngưng mua bán và sử dụng mắm tôm, đồng thời tổ chức kiểm tra mặt hàng này tại một số chợ và những hàng quán có sử dụng mắm tôm trong chế biến thức ăn nhằm kịp thời phát hiện những loại mắm bị nhiễm khuẩn hay không đảm bảo an toàn, vệ sinh".

Hiện dịch bệnh tiêu chảy cấp đã lây lan nhanh ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân không nên ăn một số loại thực phẩm như: mắm tôm, tép sông, gỏi cá, hải sản sống, nem chạo, nem chua, tiết canh, rau sống..., đồng thời tuyên truyền đến người dân không nên uống nước lã, nước đá mất vệ sinh, giữ môi trường xung quanh sạch sẽ, rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh... Tuy thế, đến nay nhiều người dân Biên Hòa vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc ăn hay kiêng các loại thực phẩm này, đặc biệt là mắm tôm vì dịch ở tận... ngoài Bắc! Thiết nghĩ, việc tạm thời không nên ăn những thức ăn "nhạy cảm" trên là chuyện người dân cần quan tâm, dù với nhiều món ăn thiếu mắm sẽ chẳng còn đúng vị. Nếu không chủ động phòng tránh thì khi dịch xuất hiện, nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh sẽ rất cao.




Phương Liễu (Bao Dong Nai 10/11/2007)


photo : Lẩu mắm và rau sống ăn kèm lẩu - thực phẩm nhạy cảm thời... dịch tả.


photo : Bảo quản mắm tôm chờ qua dịch... bán tiếp.

Aucun commentaire: