vendredi 1 février 2008

Nông dân Vĩnh Cửu rục rịch... làm du lịch !


Từ lâu, Vĩnh Cửu đã từng là nơi đón chân du khách từ các nơi đến vãng cảnh, tham quan. Trong đó có những địa danh, những làng nghề và đặc sản nổi tiếng như: Thắng cảnh thác Trị An nằm sâu trong vùng sơn cước Mã Đà; mùa mía đường ở Lợi Hòa - Bình Long; làng bưởi Tân Triều; bánh tráng Cây Đào - Thạnh Phú; con tôm càng xanh Rạch Đông; trái ngâu và rượu ngâu Đại An; cá bay Tân Bình; trái guồi Lý Lịch...

Ngay cái thời đất nước chưa mở cửa, cơ quan ngoại vụ Đồng Nai do ông Tám Sâm (Nguyễn Văn Sâm - nguyên phó ty văn hóa thông tin tỉnh) phụ trách cũng đã nhiều lần đưa khách Liên Xô, Tiệp Khắc, Cu Ba, Pháp, Nhật... đến tham quan vườn bưởi ông Bảy Hòa ở Tân Triều và thưởng thức món gỏi bưởi, tôm Rạch Đông nướng với rượu đế Bến Gỗ. Mấy năm gần đây cũng đã có vài đoàn khách, học sinh Nhật đến làng bưởi Tân Triều để tham quan, nghiên cứu về đời sống cư dân làng cổ miền Đông Việt Nam.
Việc xây dựng công trình thủy điện Trị An ở huyện Vĩnh Cửu và sự xuất hiện của hồ Trị An rộng mênh mông, đã mở ra nơi đây hàng loạt điểm du lịch mới. Trong đó có đảo Ó, đảo Đồng Trường, thác Suối Ràng, suối đá Dựng, hồ Bà Hào, Mã Đà... và các khu di tích lịch sử cách mạng như: căn cứ Trung ương cục miền Nam, căn cứ Chiến khu Đ (khu ủy miền Đông), địa đạo Suối Linh... Khi lượng khách đến tham quan, du lịch ngày càng đông, càng tạo điều kiện cho những ngành nghề thủ công cổ truyền như: đúc gang, làm bánh tráng, trồng bởi... được phục hồi và làm nảy sinh thêm nhiều ngành nghề mới như: đan lát mây kết hợp dây chuối, lục bình; nuôi hươu, nai; dệt thổ cẩm, làm rượu bưởi, rượu cần, cơm lam, nuôi heo rừng lai, bắt ốc gạo, trồng phong lan, làm đũa tre xuất khẩu... Tuy nhiên, nhìn chung các hoạt động du lịch ở đây đến nay vẫn còn đơn điệu, tự phát, nên rất riêng lẻ, chưa gắn kết đồng bộ nhằm tạo ra một thương hiệu riêng cho huyện Vĩnh Cửu và càng chưa tạo ra được một nét đặc thù để thu hút du khách.
Với quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp, Đảng bộ huyện Vĩnh Cửu xác định, bên cạnh việc tiếp tục đầu tư có chiều sâu cho nông nghiệp, nhất là các cây trồng - vật nuôi chủ lực, phải phát triển ngành nghề truyền thống và đầu tư xây dựng hạ tầng. Đặc biệt từ năm ngoái, ý tưởng phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái đã được lãnh đạo huyện đề cập đến khá nhiều. Tại buổi hội thảo về vấn đề: "Khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái huyện Vĩnh Cửu" được tổ chức vào ngày 7-11, giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá, Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường cho rằng: "Ngày nay, du lịch sinh thái đang là một trào lưu mới trong giới lữ hành. Cho nên việc huyện Vĩnh Cửu cho khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái là một ý lưởng rất đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được mục đích vừa phát triển kinh tế dựa vào du lịch, vừa gìn giữ, bảo tồn được giá trị tài nguyên, văn hóa, truyền thống bền vững, Vĩnh Cửu cần nắm vững 4 nguyên tắc trong việc phát triển du lịch sinh thái : môi trường đặc thù ; yếu tố thẩm mỹ; kinh tế - xã hội và yếu tố giáo dục".
Ông Đoàn Hải, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh thì cho rằng: Vĩnh Cửu đang có những lợi thế riêng để phát triển du lịch mà nơi khác không có như: diện tích rừng lớn nhất tỉnh, có căn cứ địa cách mạng, có phong cảnh thiên nhiên đẹp, dân cư đa dạng, bản sắc văn hóa, ngành nghề phong phú, khí hậu ôn hòa.... Do đó, sắp tới huyện cần đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn, sản xuất các hàng thủ công để bán cho khách du lịch, trong đó có nghề đúc đồng, đúc các biểu tượng về Chiến khu Đ, thác Trị An; phát triển nghề dệt thổ cẩm (để dệt túi xách tay, váy áo dân tộc); cùng một số nghề mới như: đan mũ cói, lá buông, tạc đá nghệ thuật. Ông Nguyễn Lực, trưởng văn phòng đại diện Vicrafts tại TP. Hồ Chí Minh thì nhấn mạnh, bên cạnh hoạt động bán hàng tại chỗ cho du khách, làng nghề ở nông thôn Vĩnh Cửu cần đặc biệt chú trọng đến việc xuất khẩu sản phẩm. Trong đó Vĩnh Cửu nên dựa vào nguồn tài nguyên lớn và sẵn có tại chỗ gần hơn 16.000 hécta tre hồ lô cần được khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật để tạo ra những sản phẩm tre độc đáo cho không gian du lịch, trong đó tre là logo, là điểm nhấn cho mọi thiết kế du lịch Vĩnh Cửu.
Ông Nguyễn Lực cũng lưu ý: "Điểm yếu của nhiều ngành nghề ở Việt Nam là mẫu mã chậm được thay đổi, kém sức thu hút. Do đó, Vĩnh Cửu phải tạo một đội ngũ thiết kế sản phẩm từ cây tre và liên tục sáng tạo để đổi mới mẫu mã, hình thành ra một thứ "văn hóa thiết kế" sản phẩm, mới đủ sức cạnh tranh trên lĩnh vực này".
Bà Võ Thị Thu Trang, Trưởng phòng du lịch của Sở Thương mại - du lịch Đồng Nai đưa ra gợi ý khá cụ thể. Bà nói, việc cải thiện tình trạng kinh tế ở nông thôn, nâng cao thu nhập cho người nông dân Vĩnh Cửu phải trên cơ sở sử dụng lao động tại chỗ và nguyên liệu tại chỗ để phát triển ngành nghề gắn kết với du lịch sinh thái. Theo đó, Vĩnh Cửu nên tập trung phát triển các ngành nghề đã có thương hiệu như: cá lăng Trị An, mía đường, bưởi Tân Triều (với sản phẩm: gỏi bưởi, nem bưởi, rượu bưởi...), bắp Tân Triều. Và, để thu hút khách du lịch, nên tổ chức trình diễn tại chỗ cách thức làm đường thủ công, cách làm nem bưởi, rượu bưởi... nhưng phải chú ý đến tiêu chuẩn "xanh, sạch, đẹp, an toàn".
Bà Nguyễn Thị Tuyết, Chủ nhiệm Liên minh hợp tác xã tỉnh, một người có khá nhiều năm gắn bó với công tác quản lý, quy hoạch phát triển du lịch ở Đồng Nai thì cho rằng: "Công việc quan trọng của huyện Vĩnh Cửu hiện nay là phải tạo ra sự liên kết từng bước với các huyện, tỉnh và cả nước rồi ra thế giới để quảng bá sản phẩm, điểm, tour du lịch. Ngay đến việc nối tour, nối tuyến du lịch trên đường sông Đồng Nai với tuyến đường bộ cũng cần có sự phối hợp, quy hoạch hợp lý. Trong đó Vĩnh Cửu phải câu kết các điểm du lịch trên địa bàn với Cát Tiên - Đà Lạt rồi sân golf Long Thành, Nhơn Trạch - TP. Hồ Chí Minh thành một tour dài, mới thu hút khách, chứ nếu chỉ riêng Vĩnh Cửu thôi và khách cứ sáng đi tối về thì thu chẳng đáng kể gì!".
Phát biểu tại cuộc hội thảo, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu Võ Văn Nở hứa sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp để bổ sung vào các giải pháp đã hoạch định, nhằm phát triển ngành nghề nông thôn gắn với du lịch sinh thái bền vững năm 2007- 2010 định hướng năm 2020 theo cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp.


Bùi Thuận (Bao Dong Nai 09/11/2007)

Aucun commentaire: