vendredi 1 février 2008

Ngọn nến vẫn cháy...


Có đồng nghiệp ví thầy Tô Hoàn Lộc như cánh chim đầu đàn của bộ môn Vật lý. Có người ví thầy như ngọn nến vẫn âm thầm cống hiến dù đã ở tuổi nghỉ hưu bởi những đóng góp lặng lẽ của thầy trong việc giảng dạy bộ môn này.

Về hưu từ năm 2005 nhưng đều đặn mỗi tuần 3 buổi, Nhà giáo ưu tú Tô Hoàn Lộc vẫn đến trường. Công việc của thầy là chuẩn bị dụng cụ cho giáo viên giảng dạy tại phòng thực hành thí nghiệm và thực hiện các thí nghiệm của bộ môn Vật lý. Những thí nghiệm thực hành của chương trình Vật lý THPT do thầy thực hiện đều được trường lưu giữ lại. Đây được xem là tư liệu quý giá cho bộ môn Vật lý, không chỉ cho giáo viên của trường mà còn để phổ biến cho giáo viên các trường khác. Công việc này của thầy diễn ra âm thầm, lặng lẽ nhưng đều đặn vì một ngày nào đó "thầy Lộc mắt mờ tay run thì những kinh nghiệm của cuộc đời giảng dạy mà thầy tích lũy không kịp truyền lại cho các đồng nghiệp trẻ" - hiệu phó Trường THPT Ngô Quyền Trần Nghĩa Dũng cho biết.
Từng là học trò khóa 3 (1958-1961), trở thành giáo viên và giữ các vị trí tổ trưởng tổ bộ môn, hiệu trưởng của trường, tính đến thời điểm này, thầy Tô Hoàn Lộc là người gắn bó lâu năm nhất với Trường THPT Ngô Quyền. Nhắc đến tên thầy, nhiều người ví thầy như cánh chim đầu đàn của bộ môn Vật lý bởi vốn kinh nghiệm giảng dạy của thầy: có nhiều sáng kiến, cải tiến đồ dùng dạy học, viết nhiều sáng kiến kinh nghiệm có giá trị, sử dụng và phổ biến việc dạy học với thiết bị... Không những thế, thầy còn là thành viên nòng cốt tham gia bồi dưỡng, tập huấn thay sách, đổi mới phương pháp cho giáo viên, bồi dưỡng học sinh giỏi tỉnh thi quốc gia.
Một cuộc trò chuyện ngắn với thầy diễn ra tại phòng thực hành thí nghiệm - nơi thầy yêu quý và dành rất nhiều thời gian. Nơi đó, thầy thông thuộc từng loại thiết bị, sắp đặt chúng thật gọn gàng, giúp giáo viên dễ dàng trong lúc giảng dạy. Nơi đó, không chỉ giáo viên của trường mà một số trường bạn đã xin tìm gặp thầy, xem thầy làm thí nghiệm mà học hỏi, trao đổi. Cứ nhìn cách thầy lắp ráp từng dụng cụ thực hành, tiến hành từng thí nghiệm, chỉ dẫn đồng nghiệp một cách tận tình thì biết thầy yêu nghề lắm. Thầy cho biết:
- Hồi chuẩn bị nghỉ hưu, cả đời quen dạy học, quen có học sinh, chỉ nghĩ đến lúc nghỉ hưu thui thủi ra vô một mình thì buồn lắm. Công việc này là một niềm vui rất lớn mà tôi dành hết tâm sức để làm.
* Thầy nghĩ gì về việc sử dụng thiết bị dạy học và ứng dụng công nghệ thông tin trong nhà trường hiện nay ?
- Hồi xưa thiếu thốn, thầy trò phải dạy - học chay đã đành. Thiết bị bây giờ nhiều lắm, giáo viên ngại khó không sử dụng thiết bị để dạy học thì học trò chịu thiệt. Ở trường tôi, phòng thực hành luôn sử dụng hết công suất, thầy cô nào muốn dạy phải đăng ký, giáo vụ lên lịch. Tôi rất mừng khi thấy việc sử dụng thiết bị cho mỗi giờ lên lớp đã trở thành công việc thường xuyên của mỗi giáo viên. Môn học nào cũng vậy, cũng cần phương pháp trực quan sinh động. Ở các bộ môn Lý, Hóa, Sinh, dạy và học với đầy đủ dụng cụ bao giờ cũng hiệu quả hơn cả.
Ứng dụng công nghệ thông tin góp phần đổi mới phương pháp giảng dạy là vấn đề không thể tách rời. Tôi ủng hộ việc này nhưng mỗi nhà giáo nên nhớ, công nghệ thông tin chỉ là công cụ hỗ trợ giáo viên, giúp giáo viên chủ động trong việc sáng tạo, truyền thụ kiến thức hiệu quả, chứ công nghệ thông tin không thay thế được năng lực, kỹ năng nghề nghiệp của người thầy. Tôi ví dụ, giữa thí nghiệm thực với thí nghiệm ảo thì cái thực bao giờ cũng tốt hơn. Nhưng cái thực lại có những hạn chế mà cái ảo đôi khi lại thỏa mãn. Từng đi chấm bài ở các hội giảng, tôi nói thẳng, giáo viên nào chỉ trình chiếu những thí nghiệm ảo mà không đầu tư vào thí nghiệm thực thì tôi chấm zero ngay.
* Thầy nghĩ sao khi học sinh nói rằng, thầy ra đề kiểm tra bao giờ cũng hay và rất thích giờ trả bài kiểm tra của thầy ?
- Bài kiểm tra là hình thức giúp đánh giá quá trình truyền đạt của người thầy và kết quả tiếp thu của học sinh. Người ra đề nên nhớ rằng bài kiểm tra phải chú ý đến yêu cầu kiến thức chương trình và trình độ học sinh. Bài kiểm tra giúp người thầy biết được học sinh nào học ra sao, trò nào học giỏi, trò nào yếu để giáo viên biết cách dạy hợp lý. Bao giờ tôi cũng chậm chương trình hơn vì tôi trả bài kiểm tra rất kỹ, sửa và phân tích kết quả bài kiểm tra của học sinh. Giáo viên phải biết được học sinh làm sai là do không thuộc bài, thuộc bài nhưng không hiểu hay hiểu nhưng không cẩn thận.
Tôi nghĩ nghề giáo chỉ cần có lương tâm, có tình thương với học trò. Có tình thương, người thầy sẽ ý thức trách nhiệm của mình, trách nhiệm từ việc soạn một bài giảng, giảng như thế nào cho học trò hiểu.



T.Trang (Bao Dong Nai 20/11/2007)

Aucun commentaire: