dimanche 3 février 2008

Chuyện ngoài chính sử

Lời vào truyện : Trong chuyến điền dã về thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, chúng tôi may mắn phát hiện được một cuốn thư tịch cổ được bảo quản trong một chiếc khạp gốm, viết chữ Hán, lối đá thảo, nét chữ phóng khoáng, không theo một khuôn phép nào và được viết theo thể "Chí", nói về hành trạng của Đỗ Thích, con Đỗ Cảnh Thạc, một danh tướng dưới triều nhà Ngô.
Nhờ có nhiều công lao, được nhà Ngô phong cho chức Chỉ huy sứ, cai quản cả một vùng Đỗ Động, Liệp Hạ (nay thuộc hai huyện Thanh Oai và Quốc Oai). Năm 965, hậu Ngô Vương là Ngô Xương Văn, con Ngô Vương Quyền mất, Giao Chỉ đại loạn, mười hai sứ quân nổi lên, mỗi người hùng cứ một phương, không ai chịu thống thuộc ai! Đỗ Cảnh Thạc xưng là Đỗ Cảnh Công, lấy luôn đất Đỗ Động và vùng Trại Quèn (tên nôm của thôn Cổ Hiền) làm căn cứ, tạo thành thế ỷ dốc để khi lâm sự có thể ứng cứu lẫn nhau, chống lại với các sứ quân. Ông là người cuối cùng cầm cự được với Đinh Bộ Lĩnh. Sau đó, vì mắc phải kế nghi binh của họ Đinh, trong một trận giao tranh tại khu vực núi Tượng Linh, thuộc địa phận xã Hoàng Xá, Đỗ Cảnh Thạc bị trúng một mũi tên có tẩm thuốc độc, một người, một ngựa chạy được về đến chân núi Sài Sơn (núi Thầy) thì mất, thọ 57 tuổi. Đó là ngày 8 tháng Giêng năm Mậu Thìn (968).
Đỗ Cảnh Thạc sinh được một trai là Đỗ Thích. Sau cơn binh hỏa, Thích là người duy nhất của dòng họ Đỗ Cảnh còn may mắn sống sót vì đang theo học đạo sĩ Trương Ma Ni bên kinh thành Cổ Loa. Thích lánh sang trang Liệp Hạ, lấy một người vợ họ Phùng và sống mai danh ẩn tích ở đó. Năm Tân Mùi, niên hiệu Thái Bình thứ hai (971), nhà Đinh mở khoa thi Tam giáo, bao gồm cả Nho, Phật, Lão để chọn người tài. Vốn nặng kiến thức sách vở, song chưa lịch duyệt việc đời, nên trong bài làm của mình, Thích đã "hớ hênh" khi dùng chữ "Vương" - vua, để chỉ mười hai sứ quân, và chữ "Quốc" - nước, để chỉ những vùng đất dưới quyền các sứ quân cai quản. Đinh Bộ Lĩnh lộn ruột, vứt ngay bài văn sách xuống đất, quát võ sĩ lôi Thích ra trước sân điện, nọc nằm sấp xuống đất, đánh đủ năm mươi trượng! Cũng may là Thích còn giữ kín hành tung của mình, nếu không qua vụ này, Đinh Bộ Lĩnh biết Thích là con Đỗ Cảnh Thạc, thì dòng họ Đỗ Cảnh đã tiệt giống.
Kết quả khoa ấy, Thích bị đánh hỏng. Ngô Chân Lưu đỗ đầu, được phong là Thái sư; Đặng Huyền Quang đỗ thứ hai, được phong là Sùng Chân uy nghi.Đinh Bộ Lĩnh (924-979) người động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, vốn là dòng dõi quyền Thứ sử Hoan châu Đinh Công Trứ thời Dương Diên Nghệ và tiền Ngô Vương.
Vốn trọng võ hơn trọng văn, sau khi lấy được nước, Đinh chủ trương dùng pháp trị chứ không dùng đức trị. Trước sân điện, Đinh cho đặt những chiếc vạc lớn và cũi nuôi hổ dữ. Nếu ai phạm pháp, bất kể nặng hay nhẹ, đều phải chịu chung một hình phạt là bỏ vạc dầu hoặc ném vào cũi cho hổ xé xác! Nhân vụ Đỗ Thích, Đinh Liễn đã hỏi Đinh :
- Tội của Thích là tội phải bỏ vạc dầu hoặc ném vào cũi làm mồi cho hổ, sao phụ vương chỉ phạt trượng ?
- Sở dĩ có chuyện đó là vì ta còn tiếc tài...
- Tài, sao không dùng?
- Tài có nhiều hạng! Có tài dùng được, có tài không dùng được...
- "Dùng được" và "không dùng được", thì cái nào hơn?
- "Không dùng được" hơn !
Lại hỏi :
- Tài của Thích "dùng được" hay "không dùng được" ?
- Đó là điều ta cũng chưa biết !
- Thần e rằng điều đó sẽ dẫn đến hậu họa !
- Ta không muốn mang tiếng là giết kẻ sĩ ! Hơn nữa, ta muốn cho hắn một cơ hội. Bởi, nếu ta không nhầm thì sẽ còn gặp lại hắn. Đến lúc đó, dù thuận hay nghịch, dù "dùng được" hay "không dùng được", hắn không thể trách ta, và ta cũng không còn phải ân hận gì...
- Liệu có thể biến cái "không dùng được" thành cái "dùng được"?
- Chỉ có điều là bền hay không bền !
- Thế nào là bền ? Thế nào là không bền ?
- Thành thật khác với thủ đoạn !
- Và... vua chúa khác với thánh nhân ?
- Như vậy là ngươi đã hiểu được ý ta...
Lại nói chuyện Đỗ Thích. Năm Mậu Dần, niên hiệu Thái Bình thứ 9 (978), nhà Đinh lại mở khoa thi và Thích một lần nữa lều chõng vào kinh đô Hoa Lư ứng thí. Phép thi lần này so với lần trước có sự thay đổi. Thay vì bài Kinh nghĩa, thích nghĩa các Kinh và bài văn sách hỏi về việc đế vương trị thiên hạ, là các thể: Thi, phú, cáo, chế, chiếu, biểu, mỗi thứ một bài. Bài của Thích, ngoài quyển "Chế" là chịu điểm bình, còn năm quyển kia, tất cả đều được lấy ưu và vì không có ai có phân số điểm cao hơn, nên Thích là người được lấy đỗ đầu với phân số điểm cao nhất: Năm ưu, một bình. Những bài này đã được Đinh Bộ Lĩnh lệnh cho khắc in ngay vào "Kim sách" (sách vàng) để lưu giữ và coi như vật "Quốc bảo" (vật quý của nước). Chỉ có điều, Đinh không ngờ tới là tác giả của những "Lời vàng, ý ngọc" đó lại là Thích. Lúc nghe xướng danh, từ trên cao nhìn xuống, Đinh đã hơi ngờ ngợ. Đến khi vời các tân khoa vào cung ăn yến và ban mũ áo, nhận ngay ra Thích, Đinh cười ầm lên: "Trẫm không ngờ lại gặp lại khanh trong hoàn cảnh này. Để có ngày hôm nay, quả là khanh đã phải trả một cái giá quá đắt! Nhưng dù sao trẫm cũng có lời mừng và mong khanh hãy vì trẫm mà cố gắng". Thích đỏ mặt, cúi đầu nín lặng không nói gì !
Là người đỗ đầu lại đỗ cao, nhưng sau đó Thích chỉ được Đinh phong cho chức Chi hậu nội nhân, là một chức quan nhỏ, chuyên dùng để sai bảo trong triều. Sở dĩ có sự không bình thường như vậy, bởi đối với Thích, tuy không nói ra, nhưng từ lúc biết Thích là tác giả của những bài được khắc in vào "Kim sách", trong bụng Đinh đã có ý khinh...
Ngày vinh quy, Thích lấy lễ "Tam sinh", cho giết trâu, dê, lợn để cáo yết tổ tiên và khao dân làng. Trước đó, Thích đã tìm đến đỉnh Câu Lậu Sơn nơi đạo sĩ Trương Ma Ni đang trụ trì để trả ơn thầy học, đồng thời mời Trương về đền Tam sách - ngôi đền do ba sách (xã) lập nên để thờ Đỗ Cảnh Thạc - dưới chân núi Sài Sơn (núi Thầy) làm lễ cho cha mình. Lúc đầu, Trương cáo bận, từ chối không đi, nhưng vì Thích nài nỉ mãi, cuối cùng Trương nhận lời, nhưng bảo Thích cứ về trước và hẹn sẽ đến sau. Không hiểu Trương có biết trước những gì xảy ra và đã có chủ ý hay không, chỉ biết vào ngày "chính tịch", khi Thích vừa đọc xong bản "chúc văn" do chính tay mình soạn, thì chân hương trong chiếc lư đồng đặt trên bệ thờ bỗng nhiên ngùn ngụt bốc cháy! Đỗ Cảnh Thạc "lên miệng" Phùng Thị - vợ Thích - chỉ vào mặt Thích mà mắng :
- Tên nghịch tử Đỗ Thích nghe ta nói đây! Bản "chúc văn" ngươi viết cho ta hay lắm! Nhưng hôm nay ta muốn nghe những bài văn đã được họ Đinh cho khắc in vào "Kim sách" của ngươi !
Sự việc xảy ra quá bất ngờ, khiến Thích sợ đến líu lưỡi :
- Xin thân phụ tha tội ! Xin thân phụ tha tội !...
- Ngươi đã đề cao Vạn Thắng vương lên tận mây xanh trong "Chiếu lên ngôi" và không tiếc lời mạt sát thập nhị sứ quân, trong đó có cha ngươi trong "Cáo bình mười hai sứ quân"! Ngươi đã hạ mình làm cái việc mà người có liêm sỉ không bao giờ làm! Chẳng lẽ, chỉ vì cái chức "Chi hậu nội nhân" mà ngươi đã quên cái nhục mất nước và mối thù giết cha ngươi rồi sao ?
Vừa sợ lại vừa thẹn, Thích rập đầu xuống đất, không dám ngẩng lên :
- Tội thần thật đáng chết! Tội thần thật đáng chết!...
Đúng lúc đó thì Trương Ma Ni xuất hiện :
- Xin đại vương thứ lỗi cho tại hạ vì đã thất lễ...
Giật mình ngẩng lên, nhận ra Trương Ma Ni, Đỗ đứng phắt dậy :
- Sự có mặt của Trương huynh lúc này không phải với ý định gây khó cho ta đấy chứ ?
- Tại hạ đã nghe được những lời đại vương trách mắng công tử. Đại vương đối với công tử là tình cha con. Tại hạ đối với công tử là nghĩa thầy trò. Nếu như công tử có lỗi, chẳng lẽ đại vương cho tại hạ là người ngoài cuộc sao ?
Đỗ vội vàng vòng tay thi lễ :
- Xin Trương huynh thứ lỗi, bởi ta đã hiểu lầm thiện ý của Trương huynh !
- Cũng chỉ vì đại vương trách mắng công tử "... đã quên cái nhục mất nước", nên tại hạ mới phải đường đột xin được tiếp kiến. Nước là gì? Nước chẳng phải là do con người bày đặt ra cho mình đấy ư? Bởi từ khởi thủy, có người nhưng có nước đâu! Vả lại, cái gọi là nước là của chung mọi người, nào có phải của riêng ai! Vậy mà trong cuộc tranh giành, kẻ thắng thì nhận nước là nước của mình, người thua thì nước vẫn đấy lại kêu mất nước! Lại nữa, nước chỉ là sự phân chia biên giới về mặt địa lý, nhưng chẳng phải biên giới cũng đã bao phen phải dời đổi rồi sao? Cho nên, suy cho cùng cái gọi là nước và biên giới một nước vốn dĩ phụ thuộc nơi lòng người. Được lòng người theo về, dù không có một tấc đất trong tay vẫn là có nước. Ngược lại, không được lòng người, thì dẫu có đất đai ngàn dặm cũng phỏng có nghĩa lý gì đâu?! Như đại vương, cai quản tuy chỉ một dải Đỗ Động (Thanh Oai), Thượng Cung (Thường Tín), Liệp Hạ (Quốc Oai), nhưng lúc sống được dân tin yêu, khi mất được dân thờ phụng, há chẳng phải cũng là có nước đó sao? Lại nữa, đại vương người Quảng Đông, những vùng đất trên thuộc Giao Chỉ, vậy mà đại vương lại nói đến "... cái nhục mất nước" thì chẳng hóa ra đại vương cũng nhầm lắm ư !
Trương vừa dứt lời, bỗng nhiên thấy Phùng Thị - vợ Thích - hộc lên ba tiếng rồi ngã vật ra bất tỉnh! Đỗ Cảnh Thạc qua cuộc đối thoại, hoát nhiên đốn ngộ, biến thành một luồng khí trắng, lượn tròn trước mặt Trương ba vòng như cáo biệt trước khi biến mất.
Về Đỗ Thích, có thuyết cho rằng : Sau đó, Thích trả lại mũ áo triều đình, không nhận quan chức, ở nhà mở trường dạy học và làm thuốc vì vợ Thích có nghề làm thuốc Nam gia truyền. Nhà nào nghèo, nếu đến lấy thuốc, vợ chồng Thích không bao giờ lấy tiền; nếu có con em theo học, được vợ chồng Thích chu cấp cho cơm ăn và tiền giấy bút. Cảm cái ơn ấy, cả hai sau khi mất đều được người dân các vùng Đỗ Động (Thanh Oai), Thượng Cung (Thường Tín) và Liệp Hạ (Quốc Oai) phối thờ cùng với tướng quân Đỗ Cảnh Thạc.
Lại có một thuyết khác nói, Đinh Bộ Lĩnh và Đinh Liễn, hai bố con ăn yến ban đêm, say rượu nằm ngoài sân điện, bị Chi hậu nội nhân là Đỗ Thích giết. Và sau đó Thích cũng bị Nguyễn Bặc giết. Đó là vào tháng 10 năm Kỷ Mão, niên hiệu Thái Bình thứ 10 (979).
Truyện ngắn của Phùng Thành Chủng

Aucun commentaire: