lundi 4 février 2008

Bữa tiệc khoai



30 năm trước, cũng như nhiều gia đình khác, nhà tôi mỗi tháng tiêu thụ cỡ trên dưới 100 kg khoai lang, khoai mì. Đó là những năm cả nước cùng thắt lưng buộc bụng. Nhà tôi có 9 nhân khẩu, mỗi nhân khẩu được mua 9 kg lương thực tiêu chuẩn/tháng, gồm 5 kg gạo, 4 kg còn tại được quy đổi ra khoai hay mì sợi, thường 1 kg gạo được quy ra 5 kg khoai
Vì thế chuyện khoai thường trực có mặt trong bữa ăn ở nhà tôi chẳng có gì lạ... Chỉ lạ ở chỗ chị em tôi ăn khoai hoài mà không biết ngán, không nghe than thở gì ráo trọi... Thậm chí, nhiều bữa trên đường đi học về mấy chị em còn đố nhau xem trưa nay má cho ăn món khoai gì.
Khoai độn cơm là cách thường thấy nhất hồi đó, nhưng với má tôi khoai độn không đơn giản chút nào. Để bầy con lít nhít hứng thú với khoai, má tỉ mẩn ngồi tỉa tót những lát khoai thành những bông hoa xinh xắn hay những con thỏ, con nai, con cá rồi mới đem hấp cơm. Chỉ vậy thôi mà mấy chị em tranh nhau. Chị Hai tròn 16 tuổi, mơ mộng, xí những cánh hoa, lũ con trai thì khoái con này, con kia. Có hôm nghỉ học má còn bày khoai ra cho mỗi đứa tự khắc tỉa thứ mà mình yêu thích nhất, đứa khắc tên mình, đứa tỉa hình cái nhà, đồng hồ, xe hơi, xe lửa... Tất nhiên, sản phẩm của ai thì người đó được ưu tiên... ăn. Cho nên cơm độn khoai vẫn ngon như cơm... nhà hàng. Đó là câu nói cửa miệng của chị em chúng tôi những ngày tháng ấy.
Nói như thế là hoàn toàn sự thật không hề “AQ” chút nào. Tôi nhớ có một buổi chiều, trời mưa tầm tã mấy chị em lóp ngóp đội mưa về, đứa nào cũng lạnh run, hai hàm răng đánh vào nhau cầm cập. Vậy mà chỉ ít phút sau, cơn lạnh và đói tiêu tan khi mỗi đứa được má đặt ngay trước mặt một tô xúp khoai mì bốc khói, thơm lừng mùi hành, mùi tiêu với những viên khoai mì tròn tròn hình con cờ trắng tinh, chen giữa những cọng rau muống xanh rờn, cộng thêm vài lát ớt đỏ tươi bên trên... Chị em chúng tôi sì sụp ăn mà mồ hôi vã ra như tắm. Má tôi gọi đó là xúp khoai giải cảm.
Mỗi thứ khoai, má có trong tay một thực đơn mười mấy món. Để cuốn với bánh tráng rau sống, nước mắm, khi thì má nấu khoai mì xong bóp nhuyễn ra trộn với dừa nạo và mỡ hành (gọi tắt là khoai mì dầm), lúc má bào khoai mì, khoai lang thành sợi rồi lót lá chuối để vô xửng hấp. Khoai chín, má bày ra ra đĩa. Nhìn những sợi khoai lang vàng đỏ chen lẫn giữa những sợi khoai mì trắng tinh đã thấy thèm, đằng này má lại rắc thêm dừa nạo và đậu phộng rang giã nhỏ lên... Rau thơm nước mắm chua cay, hòa với vị bùi của khoai, vị béo của dừa, của đậu phộng, mùi thơm đặc trưng của mỡ hành, khiến chúng tôi cứ ăn quên thổi.
Để ăn cho vui, khi thì má mài khoai mì bỏ chút đậu xanh ngâm đãi vỏ, chút bột nghệ, ớt, hành lá trộn đều đem chiên. Gọi là bánh cay... vì cay quá xá nhưng bọn tôi cứ vừa hít hà vừa tranh nhau ăn. Má còn sáng tạo ra món bánh khoai "hai trong một”, bằng cách lấy khoai lang tán nhuyễn xào đường làm nhân, khoai mì mài bọc ngoài làm vỏ bánh rồi đem hấp. Lúc nào muốn ăn bánh mặn thì cũng nhân khoai lang, nhưng má xào mỡ hành, rồi chan nước mắm chua cay, nước cốt dừa lên. Khoái nhất là món bánh tằm khoai mì. Món này má hay làm vào những ngày chủ nhật, là lúc chúng tôi nghỉ học, ở nhà phụ má một tay. Đứa mài khoai, đứa nạo dừa, đứa giã lá dứa để lấy màu xanh... Chúng tôi ngủ một giấc trưa là má đã hấp xong bánh tằm.
Vào những đêm có trăng, má hay tổ chức nấu chè khoai. Món chè đơn giản mà sang trọng nhất chúng tôi thường được ăn là... “chè chủm”. Cũng là khoai mì mài nhuyễn vắt bớt nước, rồi đường thẻ (thời đó đường cát trắng rất hiếm) nấu với nước cho tan... Xong vò khoai mài thành viên tròn, ở giữa nhận một hạt đậu phộng rang thảy vô nồi... kêu chủm chủm. Đường thẻ khi chưa nấu có hương thơm rất đặc biệt như hương mía, hương mật. Nấu xong, cho thêm vài lát gừng (vị và hương của nồi chè càng thêm đặc sắc. Lâu lâu má tại đổi món, nấu chè bánh lọt, bà ba hay chè khoai lang với bí rợ. Mỗi thứ chè có đặc trưng riêng. Chè khoai bí ngọt thanh tao do có mấy lát gừng, chè bánh lọt bà ba thì vừa béo vừa thơm nhờ tô nước cốt dừa và mùi lá dứa.
Má tôi điệu đàng lắm, những bữa cơm có cá, có thịt thì thôi, nhưng hễ bữa nào có khoai là má bày biện dọn bộ chén đá quý mà ông bà ngoại để lại cho má làm của hồi môn ra ăn. Điều đó khiến chị em chúng tôi thật sự mê mẩn khi nhìn những sợi bánh tằm thanh mảnh màu xanh ngọc mướt mắt, ngoan ngoãn nằm giữa chiếc đĩa sứ trắng viền xanh dương, bên trên điểm xuyết những hạt dừa nạo trắng lấm tấm như tuyết, trên nữa là những hạt mè vàng li ti.
Nhiều bữa sáng, má nấu xôi nếp ít khoai nhiều, nhưng khi ngồi vào mâm, nhìn những hạt nếp trắng bóng chen lẫn giữa những sợi khoai và vài hạt đậu phộng rang giã nhỏ, được đặt trong một cái chén mỏng mảnh... chúng tôi không thể không trịnh trọng ăn nhẩn nha, thưởng thức. Khi đó, má thường dạy cho chúng tôi những bài học về nhân nghĩa ở đời, phải biết yêu quý những sản vật của trời đất ban tặng... Má thường nói: ''Ăn khoai mà gia đình đầm ấm, trên thuận dưới hòa thì có khác gì ăn cao lương mỹ vị”.
Hồi đó mỗi lần ngồi vào bàn ăn, chị em chúng tôi gọi đó những bữa tiệc khoai của má. Thằng út xúi chị Hai khi nào làm đám cưới thì kêu thợ nấu khoai bảy món, bé Tư mơ ước lớn lên sẽ mở một nhà hàng chuyên bán các món khoai... Bữa tiệc khoai của má là một bài học sinh động về cách sống, giúp các con của má sống lương thiện một cách vững vàng.


Theo Báo Xuân Phụ Nữ TPHCM

Aucun commentaire: