samedi 2 février 2008

Thịt chuột lang thang ký


AT - Tháng mười sa mưa, tôi ghé làng Chăm Phan Hiệp ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận) để thăm một người bạn.
Dọc đường, hoa bằng lăng bắt đầu nở, những nụ hoa tím nhỏ nhắn dễ thương đang oằn mình dưới cơn mưa trông thật tội nghiệp. Nghe người ta bảo mùa hoa bằng lăng nở rộ cũng là dịp tết Katê, một lễ hội truyền thống của người Chăm Bà La Môn.
Lâu ngày gặp nhau nên anh bạn có vẻ mừng, kéo ngay vào nhà: "Thằng con lớn của mình đang đi dỡ bẫy chuột, mùa lúa trổ nên chuột đồng nhiều lắm, lại được ăn no nên con nào cũng mập ú. Mà ông có xơi được món này không đấy?". Tôi cười cười: "Chẳng những "chơi" được mà tui còn rành cách chế biến thịt chuột mười mấy món nữa đấy". Đang nói chuyện thì Tâm, con trai anh bạn, vừa săn đồng trở về, tay cầm chiếc lồng đựng mớ chuột đồng đã thức đêm để bẫy. Khoảng ba bốn chục anh Tý đang lăng xăng nhảy nhót trong chiếc lồng sắt.
Tôi theo Tâm xuống bếp xem cháu làm thịt chuột. Đúng như anh bạn nói, mùa này chuột ăn no nên lông vàng mượt, mập ú. Đôi tay Tâm thao tác rất nhanh, chỉ sau chục phút mớ chuột đã làm xong, bày gọn gàng trong rổ chờ chế biến. Tôi cũng muốn trổ nghề nên ngoài hai món thông thường là nướng và rôti, tôi chỉ cháu làm thêm món thịt chuột bằm xào với củ hành và chuột xé phay ăn với rau răm, khế, chuối hột và xoài sống. Món ăn nào cũng vậy, nếu ta chịu khó "đầu tư” vào chút nghệ thuật chế biến thì dù là món dân dã cũng trở thành sơn hào hải vị. Bữa "đại tiệc" thịt chuột được bày ra. Ngoài trời mưa cứ lay phay rắc hạt. Trong nhà, chúng tôi ngồi thưởng thức đặc sản thịt chuột thơm ngon với rượu đế "xịn" đưa cay. Câu chuyện về chuột cũng lai rai tuôn trào...
- "Thịt chuột vốn là món ăn truyền thống của người Chăm Ninh Thuận - bạn tôi kể - Bẫy chuột cũng là nghề cha truyền con nối ngoài đó. Có một năm, ruộng đồng trong này bị dịch chuột tàn phá kinh khủng, chức sắc trong làng đã cho mời thợ bẫy ngoài đó vào giúp diệt chuột. Nghề bẫy chuột từ đó được truyền lại cho một số thanh niên trong làng...".
Tâm cũng hào hứng nhập cuộc: "Cái nghề tuy khổ nhưng đã dính vào là không bỏ được. Chiều sẩm cháu đã ra đồng, canh lối chuột đi để đặt bẫy. Chuột rất ngại mồi lạ, chỉ khoái mồi ếch nhái hoặc khoai mì, khoai lang, nhưng phải nướng lên cho thơm mới dụ được. Thức cả đêm để canh, mệt thì nằm luôn trên bờ ruộng ngủ thiếp. Bữa nào trúng tóm được cả trăm chú. Đã lắm...".


oOo


Kỷ niệm về thịt chuột mà tôi kể với anh bạn là những tháng ngày rong chơi ở một tỉnh miền Tây Nam bộ theo lời mời của một người bạn cách đây mấy năm. Bạn tôi là một nhà văn nên tính tình hào sảng, lại rất mê thịt chuột nên cứ buộc tôi: "Mày phải thử cho biết mùi vị món ăn ngon độc đáo nhất miền Nam nước Việt này".
Lần đầu tiên được mời ăn thịt chuột, thú thật tôi cũng hơi chờn, nhưng từ khi nuốt thử miếng thịt chuột, tôi trở thành người hảo thịt chuột lúc nào không biết. Bạn tôi vừa ăn vừa so sánh: "Thịt bò cao lắm cũng chỉ làm được bảy món, thịt dê năm món. Còn thịt chuột phải xơi đủ 12 món mới biết mùi đời...". Nghe anh kể đã muốn thử cho biết. Nào chuột nướng lá lốt, chuột khìa với nước dừa, chuột lúc lắc...
Mấy hôm sau, cũng một bữa trời lắc rắc mưa, bạn tôi có việc phải lên tỉnh nên kêu Mừng, em gái ra dặn: "Anh bận tí việc chiều mới về. Ở nhà em nhớ đưa anh Ba ra quán thịt chuột ngồi... nhậu lai rai cho đỡ buồn". Trời đất! Lần đầu tiên tôi phải bái phục đô rượu của một người bạn, mà lại thuộc phái nữ mới ác chứ.
Bề ngoài, trông Mừng rất nhu mì, nhưng khi nhìn em xơi ngon lành những miếng thịt chuột rồi cứ cụng ly "dô” trăm phần trăm, tôi mới biết phụ nữ Nam bộ quả mạnh mẽ. Buổi chiều, Mừng dẫn tôi đi tham quan xóm thịt chuột cho biết. Xóm nằm bên kia sông. Mừng bảo: "Nơi đây người ta sống bằng nghề thu gom thịt chuột để bán cho những quán nhậu trên thành phố. Mùa này bị dịch cúm gia cầm nên dân thành thị chuộng món dân dã này lắm".
Tôi theo Mừng vào một nhà có vườn cây râm mát. Trước sân nhà là những chiếc lồng kẽm lớn. Trong lồng khoảng bốn năm trăm anh Tí đang nhảy nhót kêu chút chít nghe rất vui tai. Sân sau là nơi chế biến thịt chuột. Chuột được chế biến theo dây chuyền, cả chục anh thợ ngồi hàng dọc, người chặt đầu, kẻ lột da, mổ bụng, người ướp đá... Chị chủ nhà bảo: "Mỗi ngày nhà em sản xuất khoảng... vài chục ngàn con!".
Chuột là loài sinh sản rất nhanh, sinh được vài tháng là đủ sức tung hoành ngang dọc ngoài đồng ruộng. Theo thống kê của một tổ chức quốc tế, số lương thực mà họ hàng nhà chuột xơi trong một năm đủ để nuôi 20 triệu người trên thế giới. Nghĩ theo kiểu khác thì ăn thịt chuột, mà ăn cho nhiều vào, cũng là cách "cứu" nhân loại.
Chuột ở miền Tây còn rất nhiều, và dù rất thích nhưng tôi không thể nào ở mãi để "cứu nhân loại" được. Ngày chia tay, Mừng tặng tôi một gói thịt chuột khô. Giọng cô lưu luyến: "Anh đem về ăn để... nhớ mùi vị quê em. Bảo đảm với anh khô chuột ngon không thua gì các loại khô mực khô đuối ở quê anh đâu".
Mách nhỏ với chiến hữu: Tết này nhà tôi có món đặc sản là khô chuột đấy. Ai muốn "cứu nhân loại" xin cứ ghé chơi.


HUỲNH HẢI ÂU (Phan Thiết)

Áo Trắng Thứ Ba, 29/01/2008

Aucun commentaire: