dimanche 3 février 2008

Một chiều cuối năm


TT - Không biết gọi tên bài viết của mình là truyện ngắn hay là ghi chép, tác giả chỉ bảo cô ở gần một xóm trọ, mấy câu trò chuyện như vậy cô nghe được nhiều lắm và ráp lại. Cô chỉ đặt tên cho họ khác đi, "chứ tên của họ còn tức cười hơn...".
Mà có quan trọng gì đâu một cách gọi tên! Nên bài viết, Tuổi Trẻ cứ để nguyên vậy mà đăng lại. Thương một chiều cuối năm của những phận người đã tha hương lại nhọc nhằn nghèo khó...
.................................................
Bà Bưởng ngồi ở ngoài hiên, bà nhắc vọng vào trong phòng:
- Xinh này, mày bắc cái ghế, treo quang gánh của mày lên gác xép đi, rồi ra bu bảo.
- Vậy con nghỉ bán luôn từ mai hở bu, sao không để con bán thêm mấy hôm, bưởi độ rày được lắm.
- Con ạ - bà Bưởng bắt đầu nói bằng cái giọng đều đều, mắt bà nhìn đi đâu, chứ không nhìn vào con bé - Mai mày nghỉ bán, bu đưa ba trăm, mày đi chợ mua quà cho các em, với lại xem con có cần sắm cái gì thì sắm.
- Vậy là bu nhất định không về ạ?
- Ừ, bu tính rồi con ạ, mình mày về là được rồi, mày cũng mười bảy mười tám rồi, thử quán xuyến nhà cửa tư tết một lần thay bu cái. Tao ở lại, bán cố cái tết bòn thêm ít tiền, tới hè tao về lo cho thằng Quyết nó thi luôn. Chẳng lẽ lại để cho thằng bé nó bỏ học. Mà mày nhớ nhé, nhớ sang chú thím Đặng, nhờ chú đưa ra giẫy cỏ cho bố mày, ghé sang bên Gò Ngao thắp hương cho ông bà nội. Rồi vài năm nữa, dồn một món, tao còn thay áo (cải táng) cho bố mày, tính qua tính lại cũng sắp ba năm rồi, để lâu quá tội bố mày con ạ.
Con Xinh gục đầu vào vai mẹ, ngủ gật ngủ gù, cả ngày nát chân trên phố với một gánh bưởi đầy, cứ về tới phòng, ngồi đâu là nó ngủ dựa đấy.
Bà Bưởng vẫn cắt đặt, chẳng nhận ra con Xinh đã ngủ mơ màng: Mày về nhớ mua miến dong bên nhà cụ Vịnh, miến bên ấy thật lắm, không pha phách gì đâu. Bảo thằng Quyết nó bắt con gà sống nâu mà thịt. Lòng nấu miến mấy chị em ăn, con Hiền nó thích nhất miến dong nấu lòng gà đấy. Còn bánh trái, năm nay bu không về, ba đứa chúng mày biết đường nào mà gói...
Bà Bưởng thở dài, mấy năm trước ông còn sống, chuyện bánh trái một tay ông ấy lo. Mới đó mà đã ba cái tết. Tết này là cái tết đầu tiên ba đứa trẻ ăn tết với nhau. Lòng bà Bưởng thấy không yên. Bà bứt rứt như ngồi trên đống lửa.
Ông mất, ba đứa nhỏ còn đi học cả, con Xinh lớn nhất, lúc ấy cũng cuối lớp 11 rồi, một cái tang, thêm một vụ mất mùa, vậy là con bé bỏ học. Nó cũng là đứa biết, xếp đồ theo mẹ đi theo mấy người làng vào Sài Gòn tham gia đội quân bán bưởi.Hai cái tết trước cả mẹ con bà đều kéo nhau về.
Nhưng năm nay thì không được, buôn bán khó khăn, ngoài Trung, ngoài Bắc người ta rủ nhau vào ngày mỗi đông, bây giờ thì mua van bán lạy. Mờ mắt hai mẹ con lên chợ đầu mối thiếu điều mua như cướp mới có hàng. Đi xạc cẳng xạc chân, trừ tiền nhà tiền ăn, hai mẹ con một ngày để dư ba chục bạc là đã giỏi. Hai đứa ở nhà ăn học trông cả vào đấy, trẻ con chúng nó thì đã biết gì, ăn chưa no, lo còn chưa tới.
Và tết, trẻ con nhà quê thích tết lắm, quần áo thì được may sắm thêm. Nghỉ học xúm năm xúm ba đi chơi xuân trên chợ huyện.
Nhưng người lớn thì rất nhiều bổn phận. Những bổn phận truyền từ đời này đến đời kia, cúng quẩy giao thừa, thăm hỏi xóm giềng, mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Không có những cái đó chẳng còn là tết quê. Cả năm nhợt nhạt ủ ê, mọi sự bỗng sáng sủa, rõ ràng nhờ có ba ngày tết.
- Con này, dậy, có nghe bu nói từ nãy giờ không? Bu đã khâu cho mày cái túi rút, mày cặp ít tiền để tiêu dọc đường. Cài kim băng ngay cạp quần cho nó chắc.
- U buồn cười thật - con Xinh bỗng tỉnh ngủ, nói xen một câu - con gái bây giờ ai lại dùng túi rút.
- Mày chỉ giỏi cãi, chứ từ nãy giờ bu dặn mày có nghe không?
- Con nghe rồi, mà con cũng nhớ rồi, toàn những việc tết năm nào bu cũng làm, làm sao mà không nhớ. Con đi tắm đã bu ạ, rồi bu con mình ăn cơm. Lúc chiều con mua một hũ củ kiệu. ở trong này người ta ăn củ kiệu, chứ không có hành muối như ngoài quê mình, con mua bu ăn thử một lần cho biết.
- Mày chỉ giỏi đua đòi con ạ, sang năm bu muối hành cho chúng mày ăn - Bà nhìn theo con - Con gái con lứa gì mà cái gót chân to bè!
Rồi cũng phải gả chồng cho nó, đợi qua cái tết nữa, nó cứng cáp hơn, lo thay áo cho bố nó xong, bà sẽ để nó ở hẳn quê, con gái có thì, đâu bắt nó đi bán bưởi theo bà mãi được.
Đấy là cuộc trò chuyện của hai mẹ con người đàn bà quê ở Thái Bình trong một chiều cuối năm, nơi một góc nhỏ của xóm trọ Sài Gòn mà tôi nghe được.
Trong xôn xao của phố phường đợi tết, khuôn mặt mẹ con họ cứ thấp thoáng trong tôi...


NGUYỄN THỊ THU HƯƠNG (Đông Thạnh, Hóc Môn, TP.HCM)
TTO, Thứ Hai, 04/02/2008, 01:28 (GMT+7)

Aucun commentaire: